Chương Một: Động Cơ Khiến Tôi Viết Sách Này

11 Tháng Bảy 201100:00(Xem: 10565)


NHỮNG ĐIỂM ĐẶC SẮC CỦA PHẬT GIÁO

 Tác giả: Lâm Thế Mẫn - Việt dịch: Thích Chân Tính
NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO Ha Noi - 2001

CHƯƠNG MỘT
ĐỘNG CƠ KHIẾN TÔI VIẾT SÁCH NÀY

Nếu hỏi vì nhân duyên gì tôi viết sách này ? Xin thưa rằng : Động cơ khiến tôi viết sách này không phải xuất phát từ danh lợi hoặc tiền bạc, mà chính là vì ba điểm sau đây :

1/ Tôi tin chắc rằng Phật pháp là nhu cầu cần thiết cho xã hội ngày nay

Xã hội ngày nay, trong cuộc xoáy toàn cầu hóa, nhiều nước bị cuốn hút vào trong dòng thác vật dục. Người ta vì ham mê hưởng thụ vật chất và những phát minh khoa học cao độ mà đánh mất chính mình. Quan niệm đạo đức, luân lý gia đình bị lung lay đến tận gốc rễ. Vì thế, các thế lực xâm lược đua nhau chế tạo vũ khí giết người hàng loạt, giống như quỷ ma, dã thú cấu xé đùa giỡn với nhau. Kẻ tham quan ô lại, bọn gian dâm cướp bóc giết người đầy dẫy. Mải lo tranh danh đoạt lợi khiến cho đầu óc con người trở nên u mê ngu muội. Họ không biết mình đang ở chỗ nào, không biết mình đang làm gì. Bên ngoài thì say sưa cuồng loạn, bên trong lại sầu mộng hoang mang.

Có những lúc đêm thanh cảnh vắng, những lúc lý trí tỉnh táo bình an, người ta mới hoài nghi tự hỏi : “Đời người từ đâu đến ? Giá trị của sinh mạng là gì ? Mục đích của đời sống ở chỗ nào ?”

Lại có những người nhìn thấy xã hội vô trật tự, đạo đức suy đồi, nhân tính đọa lạc mà lòng như lửa đốt. Loài người nếu không tìm ra con đường để tự cứu mình, thì chỉ còn con đường tự hủy diệt mà thôi.

Vậy con đường tự cứu mình ở chỗ nào ? “Tháo chuông vẫn chính là người buộc chuông”. Bản thân loài người phải tự tháo gỡ lấy.

Chỉ có xuyên qua sự tỉnh giác của con người mới có thể chỉnh đốn lại đạo đức, kiến tạo lại trật tự và tương lai của con người mới hy vọng có hạnh phúc được.

Tôi tin chắc rằng lời di giáo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hơn 2.000 năm, đối với thế đạo nhân tâm ngày nay vẫn là bài thuốc quý có tác dụng cứu trị.

Phật pháp quảng đại vô biên, bình đẳng viên dung, có tác dụng thông trên suốt dưới. Phương thuốc ấy là : Người người phải bình tâm tỉnh trí, an lạc không ở bên ngoài, hạnh phúc ở ngay tâm ta. Chỉ có sáng suốt tĩnh lự, thiểu dục tri túc, xả kỷ vị tha, tự mình mới có thể an vui, hết thảy khổ não mới có thể dứt trừ. Khi gió yên sóng lặng rồi, mặt nước không còn gợn sóng, nước trong như gương, toàn thể trời mây cây núi đều in hình trong đó, thấy rõ “bản lai diện mục” của chính mình. Như thế mới có thể từ trong mê lầm tìm lại được chính mình.

Ôi ! Núi xanh vốn không già, vì tuyết mà bạc đầu

Nước xanh vốn không sầu, vì gió mà nhăn nheo.

Con người ta vốn tự do tự tại, không lo không sầu, phiền não từ đâu mà đến ? Khổ sầu từ đâu mà ra ? Chẳng qua là vì “Tuyết” vì “Gió”.

Tuy nhiên, tuyết tan không để lại dấu vết, thì tuyết ở đâu ? Gió thổi mà không hình bóng, thì gió ở chỗ nào ? Thế nhưng người ta cứ như con kén tự trói buộc, tự tầm phiền não, có phải là buồn cười không ? Có phải là đáng thương không ?

2/ Phật giáo có thể chỉ đạo phương hướng một đời cho thanh niên nỗ lực tiến tới

Thanh niên hiện nay nếu không có nhân sinh quan chân chính, không có phương hướng phấn đấu chính xác thì khó có thể tránh khỏi việc giận đời và bi quan tiêu cực.

Phật pháp muốn người ta trước phải ngồi xuống, lặng lẽ tỉnh giác quan sát chính mình, nhận thức chính mình, rèn luyện chính mình. Chỉ có tỉnh sát chính mình, mới có thể hiểu rõ được những cuồng vọng, khoa trương, ấu trĩ và vô tri của chính mình. Chỉ có nhận thức chính mình, mới không mù quáng tự đại và tự ti. Và cũng chỉ có rèn luyện chính mình mới có thể có ý chí kiên cường, trí tuệ sáng suốt, đầy đủ dũng khí để đối diện với hết thảy khổ nạn, cắt đứt mọi thứ chông gai, hoàn thành sự nghiệp và nhân cách vĩ đại.

Đạo lý của Phật giáo bao la vô hạn, tinh thâm quảng đại, có thể thỏa mãn tâm hiếu kỳ và tìm cầu tri thức (bao quát tư tưởng thuần chính, học phẩm kiêm ưu của các bạn thanh niên).

Vũ trụ quan của Phật giáo rộng lớn bao la, có thể mở rộng hoài bão của thanh niên, kích thích tình cảm hào hùng mênh mông trời biển của thanh niên, mở rộng tầm nghiên cứu những điều bí áo của đại tự nhiên.

Nhân sinh quan của Phật giáo đối với đồng bào ruột thịt cũng như người khác, đều tích cực hướng đến, cổ vũ bi tâm cứu thế, nhiệt tình phục vụ của thanh niên.

Lý tưởng cuối cùng của Phật giáo chính là giúp cho mọi người đạt được an lạc và hạnh phúc chân chính, tự do và bình đẳng chân chính, tịnh hóa và giải thoát chân chính. Lúc ấy người ta không còn phải chịu nung nấu bởi các thứ lo âu nữa, không còn làm nô bộc cho ai nữa, không còn làm chú cừu non của ai nữa. Mà là chủ nhân của chính mình, chủ tể của chính mình, tiền đồ vị lai của mỗi cá nhân nằm trong tay của chính mình (đó mới là bảo hiểm thỏa đáng nhất, dựa dẫm vào người khác kết cuộc chỉ là thống khổ). Hạnh phúc và an lạc hoàn toàn do chính con người nỗ lực đạt đến (đây mới thật là hiển xuất cái khó làm mà làm được mới là quý, mới hiển xuất được sự trang nghiêm và thần thánh của con người).

Thanh niên nói chung có tâm bắt chước tốt, tính chịu đựng cao, Phật giáo không có quyền lực và quyền bính để kích thích cuồng vọng tự cao tự đại và tham vọng thống trị của thanh niên. Phật giáo không phân chia giai tầng xã hội. Phật và chúng sinh bình đẳng như nhau thì còn ai là chủ, ai là tớ, ai là cừu non, ai là kẻ chăn nữa.

Ôi ! Nước sông cuồn cuộn, sóng triều dồn dập, biết đâu là sóng là nước ? Mà nước chính là sóng, sóng cũng chính là nước. Chúng sinh là Phật vị lai, Phật lại là chúng sinh của quá khứ ! (Ý là : Phật là chúng sinh đã giác ngộ).

Điều này chỉ bày cho thanh niên thấy rằng : Loài người tuy có sự khác biệt địa vị xã hội, màu da, ngôn ngữ, phong tục, tín ngưỡng nhưng trên phương diện nhân cách và Phật tính đều có khả năng thành Phật ở vị lai, trên cơ bản là bình đẳng. Giống như hạt kim cương được bảo tồn ở trong hộp báu, tinh xảo đẹp đẽ, lóng lánh trong suốt và một viên kim cương khác tạm bị chôn vùi trong bùn, dơ bẩn mất đẹp, vậy giá trị của chúng không phải là tương đồng sao ?

Sóng và nước không thể chia, Phật và chúng sinh không thể chia. Sóng nước là một thể, Phật chúng sinh là một nhà. Ôi ! Loài người vốn mừng lo có nhau, khổ vui cùng chia sẻ. Người ta không thể bỏ đồng loại để mà hưởng lạc cho mình (sóng không thể lìa nước mà tự sinh). Nhân đấy phải ấp ủ tâm phục vụ, tâm đồng tình, tâm bình đẳng, đem thông minh tài sức của mình vì nhân loại mà tạo phước.

Con đường nỗ lực của thanh niên chính là đại lộ khang trang “tự lợi tự tha”, “ta người tương trợ lẫn nhau”. Phương hướng phấn đấu của thanh niên chính là mục tiêu lý tưởng “lo trước vui sau” “thế giới đại đồng”.

Đó chính là phương hướng của Phật giáo ! Là lời chỉ dạy của Đức Thích Ca.

3/ Vì bạn đọc mà đem hết tâm lực non kém của mình để nghiên cứu Phật học

Tôi phục vụ trong giới giáo dục tuy chưa được ba năm, nhưng phát giác các bạn học đối với Phật giáo có sự thích thú nghiên cứu không phải là ít.

Phật giáo giảng về bố thí, ở trong tất cả các việc bố thí, lại lấy công đức “bố thí pháp” là lớn nhất (tức là đem đạo lý để dạy bảo cho người khác). Tuy sự hiểu biết của mình không nhiều, sở học không đầy đủ, song từ nhỏ nhờ sinh trưởng trong gia đình Phật giáo, cũng thâm nhập đôi chút giáo lý. Trong bốn năm Đại học, cũng từng lập chí nghiên cứu. Phật pháp như mật, giữa và bên đều ngọt. Không nếm thì thôi, đã nếm thì mê, khiến người ta phải ưa thích.

Tôi không phải là người “giáo sĩ truyền giáo”, nhưng lại cảm thấy mình có trách nhiệm đem đạo lý của Phật nói cho người không hiểu Phật pháp nghe, giúp họ ít nhiều có thể hiểu được giáo nghĩa của Đức Phật, khai mở tâm tính thiện lương thuần khiết của họ, có thể vì họ mà nỗ lực truyền bá, lại vì quảng đại quần chúng mà hiến thân phục vụ. Tôi nghĩ đó là một việc làm có ý nghĩa, đồng thời cũng là một việc làm mà tôi vui thích.

Lúc phục vụ tại trường học, là một bậc thầy, càng phải xem học sinh như con em, cố nhiên là phải đem tri thức quảng bác hỗn hợp, bỏ ngọn lấy gốc, phân tích chỉnh lý, hết lòng hết sức truyền trao cho học sinh; song mục đích của giáo dục không chỉ ở chỗ truyền trao tri thức mà trọng yếu nhất vẫn là ở chỗ “truyền đạo đức” “giải tỏa nghi ngờ”, dùng đạo lý làm người xử thế để dạy cho họ, giải đáp cho họ những nghi ngờ về vấn đề nhân sinh, khiến họ tỉnh thức, tăng trưởng đạo đức lợi ích lý trí. Giúp cho người đồng học không những có tri thức phong phú mà còn có nhân sinh quan chính xác, phẩm hạnh tốt đẹp, có thể cống hiến sở học của mình tạo hạnh phúc cho nhân quần xã hội.

Xuất bản sách này, chính là muốn đem Phật pháp thuyết minh và giới thiệu một cách đơn giản và gần gũi, hy vọng các bạn học đối với Phật giáo có nhận thức chính xác và rõ ràng. tiến thêm bườc nữa là đem lời dạy của Phật áp dụng vào đời sống, rồi sau đó truyền bá, khuyến khích người học, giúp cho học sinh yêu đời yêu đạo, hăng hái học tập, tương lai là công dân tốt của xã hội và đạo pháp. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn