Chương Bảy: Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Tín Đồ Phật Giáo

11 Tháng Bảy 201100:00(Xem: 12019)


NHỮNG ĐIỂM ĐẶC SẮC CỦA PHẬT GIÁO

 Tác giả: Lâm Thế Mẫn - Việt dịch: Thích Chân Tính
NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO Ha Noi - 2001

CHƯƠNG BẢY
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO

Sau khi đọc xong sách này, có một số bạn đồng học đối với Phật giáo sinh tâm hoan hỷ, muốn làm một tín đồ Phật giáo. Thế nhưng trong tâm lại phân vân không biết phải làm gì để trở thành một tín đồ Phật giáo ? Theo tôi nên có ba điểm sau :

1/ Phải hiểu Phật giáo, nghiên cứu Phật học

Chúng ta muốn làm một việc gì, không làm thì thôi, đã làm phải làm cho được thành công viên mãn. Muốn tín ngưỡng tôn giáo, trước hết phải hiểu giáo lý của tôn giáo ấy, nó có thể thỏa mãn yêu cầu của loài người, đối với việc giải thích vấn đề vũ trụ nhân sinh có triệt để hay không ? Có thể khiến cho lòng người an lạc hạnh phúc hay không ? Cho nên muốn làm một tín đồ Phật giáo nhất định trước hết phải hiểu biết Phật giáo và nghiên cứu Phật học, như thế mới là tín ngưỡng dựa trên nền tảng lý trí, mới không đến nỗi tin mù biến thành người phụ họa (nghĩa là người ta nói sao mình nói vậy), tự dối mình dối người.

Ví như nói hiểu Phật giáo là không sát sinh, vì sao lại giết heo giết vịt để cúng bái ? Như vậy là đi ngược lại với tinh thần của Phật giáo. Lại như “thần minh” mà nhiều người gọi như Thành hoàng, Thổ địa công, Thiên tuế quân, Chú sinh nương nương v.v… Theo cái nhìn của Phật giáo, những vị ấy vẫn chưa giác ngộ và giải thoát chân chính, triệt để, cho nên Phật giáo không lễ bái thần minh này (song cũng không hủy báng, khinh thị họ). Mục đích Phật giáo lễ bái Phật và Bồ tát, chính là muốn lấy Phật, Bồ tát làm mô phạm, khuyến khích mình đi theo con đường giác ngộ chân chính giống như các Ngài.

Sự tôn kính sùng bái của Phật giáo không phải là sự sợ sệt mà là ngưỡng mộ noi gương học tập.

Ví như các bạn học sinh đọc sách, có chỗ nghi vấn nhất định phải tìm thầy giỏi để thưa hỏi, tuyệt không thể tùy tiện tìm người hiểu biết ba mớ để giải đáp. Bởi vì người hiểu biết ba mớ ấy sẽ không thể giúp cho bạn hiểu biết chính xác hơn. 

2/ Cần phải có thệ nguyện bi tâm rộng lớn

Làm một tín đồ Phật giáo ngoài việc phải có phẩm đức cao thượng, học thức phong phú, thân thể kiện khang ra, còn phải có thêm “thệ nguyện bi tâm rộng lớn”.

Làm một tín đồ Phật giáo, công tác “tự giác, giác tha” “tự lợi, lợi tha” (cũng chính là nhiệm vụ phổ độ chúng sinh), là trách nhiệm của chính mình. Phật không thể xa lìa nhân gian, địa ngục để mà hưởng phước, Ngài với chúng sinh là một thể, Ngài “lo cái lo trước của thiên hạ, vui cái vui sau của thiên hạ”, lấy “thiên hạ làm trách nhiệm của mình”.

Cổ nhân nói : “Người đói mình đói”, “người yếu mình yếu”, chính là miêu tả lòng từ bi của tín đồ Phật giáo. Do đó làm tín đồ Phật giáo, trước tiên cần phải ôm ấp bi tâm phục vụ xã hội, cứu nhân độ thế. Vì để đạt được mục đích hoằng dương Phật pháp, phổ độ chúng sinh, không tiếc hy sinh thân mạng.

Làm một tín đồ Phật giáo cần phải lập bốn lời nguyện sau đây :

1/ Chúng sinh vô biên thề nguyện độ (địa ngục chưa hết thề không thành Phật).

2/ Phiền não vô tận thề nguyện đoạn (dùng gươm trí tuệ chặt đứt gốc rễ phiền não).

3/ Pháp môn vô lượng thề nguyện học (học tập tri thức và kỹ năng để cứu nhân độ thế).

4/ Phật đạo vô thượng thề nguyện thành (hướng đến nhân cách vĩ đại nhất, hoàn mỹ nhất để học tập, sách tấn).

Đạt được bốn mục tiêu này, không những có thể độc thiện kỳ thân, mà còn có thể kiêm thiện thiên hạ. Đó chính là cảnh giới lý tưởng của tín đồ Phật giáo.

3/ Thọ Tam quy y

Tam quy y là gì ? Là lấy “Phật, Pháp, Tăng” làm tiêu chuẩn phép tắc để chúng ta lập thân xử thế.

“Phật” là người có đầy đủ tri kiến chân chính, đại giác ngộ. Ngài là bậc đạo sư vĩ đại, rất từ ái của nhân loại, cho nên chúng ta cần phải hướng về Ngài mà học tập.

“Pháp” là đạo lý mà Đức Phật giác ngộ, là ngọn đèn sáng bất diệt, có thể dẫn đường cho chúng ta hướng đến cảnh giới an lạc, hạnh phúc, cho nên chúng ta cần phải thâm nhập nghiên cứu.

“Tăng” là người xuất gia nghiêm thủ giới luật, từ bỏ phú quý thế gian, hoằng dương Phật pháp, phổ độ chúng sinh, là bậc thầy sáng suốt, gần gũi nhất trong sinh hoạt của chúng ta, chúng ta cần phải hướng về họ để học tập.

Tam quy y có hai loại hình thức :

1/ Nghi thức tôn giáo tại chùa, ở trước Phật chính thức phát nguyện quyết định lấy “Phật, Pháp, Tăng” làm tiêu tắc lập thân xử thế. Như thế mới chính thức là một tín đồ Phật giáo.

2/ Tự mình mặc niệm lấy ‘Phật, Pháp, Tăng” làm tiêu tắc lập thân xử thế của chúng ta. Loại người này tuy không có tham gia “quy y” theo nghi thức tôn giáo, nhưng họ vẫn là tín đồ Phật giáo.

Đã là tín đồ Phật giáo, nhất định phải đem tập quán xấu, hành vi xấu của ngày trước sửa đổi. Lấy lời dạy của Phật làm chỗ nương tựa, yêu quốc gia, yêu dân tộc, yêu xã hội, yêu người thân, yêu bằng hữu, yêu cha mẹ, yêu chồng vợ, con cái, nỗ lực thực hiện lời dạy của Phật, tự mình hoàn thành nhân cách mới thật là người Phật tử chân chính.

Tóm lại, muốn làm tín đồ Phật giáo, phải nỗ lực thực hành lời dạy của Phật, để đạt đến mục tiêu thành Phật, con đường tu hành ấy là :

Tín - Giải - Hành - Chứng.

Nói một cách dễ hiểu là : Tôi là tín đồ Phật giáo sau khi tín ngưỡng Phật giáo rồi (Tín). Cần phải nỗ lực nghiên cứu Phật học, hiểu rõ giáo lý của Phật (Giải). Sau khi hiểu rõ chân lý của Phật rồi, cần phải tiến thêm một bước là thực hành, theo lời dạy của Phật mà tu hành (Hành). Cứ như thế mà tinh tấn không giải đãi, quán triệt thủy chung, sau cùng nhất định sẽ đạt được an lạc của Niết bàn (Niết bàn ý là không còn nghi hoặc, phiền não, siêu việt sinh tử). Thân tự chứng minh hết thảy đạo lý do Đức Phật nói - Chúng sinh đều là Phật vị lai, một ngày nào đó đều sẽ thành Phật (Chứng).

Dịch xong ngày 15-7-1996

Thích Chân Tính

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn