1. Từ Vô Lượng

02 Tháng Chín 201000:00(Xem: 27515)

1. TỪ VÔ LƯỢNG (maitrī-apramāṇa, metta appamaññā), đây là phạm trù của trạng thái tâm thức thứ nhất đó là lòng Từ, Sanskrit ngữ maitry, hay Pāli ngữ metta đều có nghĩa là êm dịu, là tấm lòng người bạn tốt, hay được định nghĩa là lòng thành thật mong cho tất cả chúng sanh có cuộc sống an lành hạnh phúc, là mong muốn bạn bè mình được an vui hạnh phúc, là lòng mong muốn giúp đỡ mang đến cho mọi người an vui hạnh phúc cho hết thảy, không phân biệt là kẻ sơ người thân nào khi thấy họ khổ. Đó là tâm lượng cao thượng vô hạn đầu của bốn vô lượng được đức Đạo sư dạy cho đệ tử của mình dùng nó trong việc tự lợi và lợi tha vừa để đối trị những phiền não sân hận nhỏ nhen cục bộ, vừa đem cái vui cái hạnh phúc lại cho người khác. Đức Đạo sư dạy: 

Tỳ-kheo tâm đi đôi với từ biến mãn một phương, thành tựu an trụ. Cứ như thế, hai phương, ba phương, bốn phương, tứ duy, trên dưới biến khắp tất cả, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh, vô cùng rộng lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.” (Trung A-hàm 21, kinh Thuyết xứ). 

Ở nơi khác trong các kinh đức Dạo sư cũng dạy về tâm Từ vô lượng, nhưng lại sâu rộng hơn kīnh trước. Đây chính là pháp phương tiện tùy thuộc vào căn cơ chúng sanh mà Ngài khai thị, do đó cũng là đề tài Bốn tâm vô lượng nhưng sự thể hiện qua cách dụng ngữ và nội dung cũng sâu rông hơn tuy rằng ý nghĩa không khác:

Bấy giờ các Tỳ-kheo lại bạch Phật:

Bạch Thế Tôn, thế nào là tâm Từ vô lượng?

“Phật dạy:

“Là đối với mọi lúc mọi nơi, tâm Từ luôn tùy thuận lợi ích chúng sanh, không tổn hại người khác; xa lìa các oán kết, đem tâm rộng lớn chỉ bày cho chúng sanh, thương nhớ cứu hộ như con đỏ của chính mình; đối với kẻ oán người thân bình đẳng không khác nhau, khiến cho họ dứt trừ triền cái, giải thoát tất cả. Như vậy gọi là tâm Từ vô lượng.” (Phật nói kinh nghĩa Pháp thừa quyết định, quyển thượng)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn