Phật Giáo Quảng Bình và những vấn đề

20 Tháng Tư 201615:54(Xem: 6029)

PHẬT GIÁO  QUẢNG BÌNH  VÀ  NHỮNG  VẤN ĐỀ 
Ký sự của Minh Mẫn


Quảng Bình vào mùa hè, nhiệt độ không thua gì Quảng Trị, ngày 14/4/2016, tại xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, giáp ranh Quảng Trị, đã lên 41 độ, hơi nóng hừng hực cứ như cảnh vật đang nằm trong  lò Bát quái.

Chùa Hoằng Phúc tuy kiến trúc hoành tráng, diện tích khá lớn, nằm lọt thỏm trong thôn, vẫn  im lỉm ngái ngủ như bao nhà dân đang nín thở sợ làm tăng thêm nhiệt độ dễ bốc cháy cuộc sống. Miền Trung nói chung, tuy nằm giữa biển và núi, gió đại dương không đủ xua tan cái khô  khốc khắc nghiệt của gió Lào, thế nhưng, với bản chất kiêu hùng của vùng sỏi đá làm nên những con người kiêu hùng, bao thế hệ vẫn duy trì sức sống, không những thế, còn sản sanh bao danh tường cao Tăng, trong đó, Hòa Thượng Trí Quang,  đã một thời làm sáng danh Phật giáo Việt Nam trong mùa chinh chiến, và HT Tuệ Sỹ một nhà sư  uyên bác - tài hoa; và còn nữa, một Đỗ Mậu, một Võ Nguyên Giáp...

Qua bao năm chiến tranh, cuộc sống trên cả nước xác xơ, nhất là miền Trung vốn nghèo đói càng thêm đói nghèo. Tuy vậy, không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, kể từ lúc cầu Hiền Lương - ranh giới nối nhịp, cuộc sống giao thoa hai miền cũng đã làm cho đất sỏi đá trở thành "cơm", thân hình còm cỏi thắt eo bởi biển và núi cũng thay da đổi thịt. Nhà nhà xây tường, lầu đài mọc như nấm. Tôn giáo như Kito phát triển trên 32 giáo xứ, gần 80 nhà thờ chưa kể nhà nguyện do 33 Linh mục cai quản.Một số cơ sở thờ tự được xây mới hoặc tái thiết, ngoại trừ một nhà thờ  bị chiến tranh đổ nát gần biển vẫn giữ nguyên như một chứng tich lịch sử.

Cuộc sống ngày nay ở Quảng Bình là thế, chiều chiều dọc bờ sông, bờ biển, hàng quán tấp nập ăn nhậu, xe con đậu chật ven đường; ánh sáng nhấp nhô trên sóng nước, gió lùa cái khí nóng ra biển để nhường lại bếp lửa bập bùng  nơi các bàn nhậu lộ thiên. Cho dù sóng Thần tràn vào, có lẽ chả ai quan tâm khi cuộc hưởng thụ chưa đủ mùi bén.

Tổng quan mọi mặt trong đời sống xã hội nhịp nhàng phát triển chậm nhưng đều, có điều, riêng Phật giáo, kể từ sau 1975, năm 1981 GHPGVN ra đời đến 2010 mới thành lập được BTS PG Tỉnh Quảng Bình. Một vùng mà xưa kia, Phật giáo khá phổ biến và thấm sâu vào máu thịt người dân, thế nhưng, qua bao thời đại biến thiên, chiến ranh,"cải cách ruộng đất"... để rồi, Quảng Bình có chưa tới  một trăm ngôi Tam bảo, có nhiều di tich, ngày nay chỉ còn 12 cái trên danh nghĩa tại đất Đồng Hới và  60 nền chùa cũ chưa được phục hoạt trong Tỉnh Quảng Bình.

Chua Dai Giac 1Năm 2009, GHPGVN đã triệu thỉnh HT T.Tánh Nhiếp tạp Paksé - Lào trở về quê hương xây dựng cơ sở hạ tầng để nối kết Phật sự giữa hai miền  Nam Bắc. Với đôi tay trắng, Quảng Trị là quê hương nhưng Quảng Bình là ruột thịt, thầy đã vận dụng mọi phương cách để 2010 khởi công lấp đất dựng chùa. Một diện tích 12.000m2 với hố sâu hơn 03m, nguồn gốc đất tại chỗ gọi là diêm điền, dùng để nuôi tôm; nay hồ cạn trơ đáy. Chi phí san lấp ngang bằng chi phí xây dựng ngôi Tam bảo đồ sộ.

Chua Dai Giac 2Năm 2011 đến 2013 là thời gian gay go sau khi tạo dựng mặt bằng để rồi hoàn thành vào năm 2015, khánh thành vào ngày 19/3 năm 2016 với sự tham dự của các cấp giáo hội. Ngày đầu tiên được chính quyền cấp đất, HT Tánh Nhiếp ngao ngán đứng nhìn cái hố sâu với đôi tay trắng, phải mượn nhà dân để tạm ở, đến khi đổ đất san lấp thì ngài phải dựng căn lều bạt trú nắng tránh mưa để đôn đốc công trình. Ai từng đến Quảng Bình vào mùa hè thì sẽ thấm thía độ cháy bỏng trong căn lều giữa đồng mông hiu quạnh.Ngày nay, ai đến nhìn cơ ngơi đồ sộ, nếu không biết trước đây là  cái hố sâu thì không cảm nhận được việc làm của ông trưởng BTS PG Quảng Bình về đảm nhiệm cơ sở bằng số 0. Chua Dai Giac 3Chẳng những thế, thầy cũng mình mà trò cũng mình, đơn thân độc mã phấn đấu với bao chướng duyên giữa nơi xa lạ; duy nhất chỉ có một động lực thúc đẩy để đi đến thành công là lời khich lệ của Đại lão HT T.Trí Quang, và sau khi hoàn thành công trình, chính ngài T.Trí Quang cũng tán thán là công trình xây dựng kỷ lục.

Giờ đây, công trình tiếp theo là ép cọc làm móng để xây tháp 13 tầng cao 35m với kinh phí dự trù 10 tỷ đồng Việt nam. Sau thời gian "chiêu sinh" trên mạng, chùa đã có được 15 vị cà thầy lẫn chú về phụ việc. Sắp tới sẽ bổ cử vài vị đi nhận nhiệm sở trụ trì các quận huyện. Phần lớn quý thầy đều tốt nghiệp đại học hoặc học viện. Đặc biệt TT Thường Chiếu trụ trì tổ đình Ba La Mật ở Huế và TT Phương Đạt ở  Lâm Đồng  cũng về chung tay Phật sự với  Chua Dai Giac 4HT trường Ban. Rằm nguơn, bá tánh quy tụ về chùa khá đông, vì đây là ngôi chùa duy nhất tại Thành phố Đồng Hới đáp ứng lòng khát vọng tín ngưỡng  mà suốt thời gian quá dài quần chúng không có nơi lễ bái so với tín đồ của tôn giáo bạn.

Chùa Đại Giác đã trở thành ngôi chùa  tại trung tâm Đồng Hới, cũng là văn phòng BTS PG Quảng Bình, đang đi vào danh bộ lịch sử của Phật giáo tỉnh Quảng Bình hiện nay.

MINH MẪN            (còn tiếp)                                                                                
17/4/2016

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 4514)
10 Tháng Năm 2019(Xem: 5451)
04 Tháng Giêng 2019(Xem: 7453)
28 Tháng Mười Một 2018(Xem: 6559)
30 Tháng Mười 2018(Xem: 7018)
24 Tháng Mười 2018(Xem: 7569)
27 Tháng Tám 2018(Xem: 5984)