Tính Chất Thiêng Liêng Vượt Lên Trên Mọi Hình Thức Diễn Đạt

04 Tháng Năm 201400:00(Xem: 4661)

Tính chất thiêng liêng
vượt lên trên mọi hình thức diễn đạt
Fabric Midal - Hoang Phong dịch

Nếu Phật giáo thường bị đồng hóa với vô thần thì lý do là vì rất khó cho chúng ta hình dung ra một tôn giáo không thờ Trời, không dựa vào những chuyện thần khải, và đối với nền tín ngưỡng đó thì thần thánh chỉ là những con người trần tục, cũng sinh và tử giống như tất cả chúng ta.

 Lời giới thiệu của người dịch: Fabric Midal tốt nghiệp tiến sĩ triết học Đại học Sorbonne Paris (1999), và là giảng viên tại Đại học Phật giáo Âu châu. Ông là một Phật tử thuần thành, tu tập theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng (Ca-nhĩ-cư phái). Bài viêt được dịch ra dưới đây, trích trong một tập sách mang tựa đề là “Triết học Phật giáo-từ sự an bình nội tâm đến sự an bình của thế giới”, do tạp chí Le nouvel Observateur chủ trương, Nhà xuất bản Scali, 2008, nêu lên một khía cạnh mà người Tây phương thường không chú ý hoặc không nhìn thấy hết tầm quan trọng của nó: đó là khía cạnh thiêng liêng của tín ngưỡng Phật giáo.

 

Việc tìm hiểu Phật giáo trong thế giới Tây phương vướng phải một khó khăn thật rõ rệt, đó là vấn đề liên quan đến khía cạnh thiêng liêng. Thật vậy Phật giáo vẫn thường được mô tả như là một tôn giáo vô thần, và cũng vì thế mà Phật giáo được xem như là một giải pháp hữu hiệu để thay thế cho các tôn giáo độc thần mà thực chất chỉ là một thứ luân lý mà thôi. Những người chủ trương quan điểm cho rằng Phật giáo là vô thần thực cũng không cảm thấy bối rối tí nào khi đi xem các cuộc triển lãm quan trọng thường xuyên được tổ chức trưng bày cả một thế giới thật phong phú gồm đủ thứ thần linh, kể cả những kinh sách tôn vinh các vi ấy mà các công trình dịch thuật sang tiếng Pháp vẫn còn đang được tiếp tục. Sự kiện cho rằng Phật giáo là một tôn giáo vô thần chỉ phản ảnh một cách nhìn mang tính cách tri thức phát sinh ra trong tâm trí mà thôi, và trên thực tế thì không có ảnh hưởng gì đến việc tu tập. Sở dĩ có sự hiểu sai đó là vì người ta đã không nắm vững được quan điểm vô cùng tinh tế của Phật giáo đối với lãnh vựcthiêng liêng.

Sự hiện hữu của một vị Trời độc tôn, sáng tạo ra trái đất, bầu trời và đủ mọi thứ khác không thể nào có chỗ đứng trong Phật giáo. Khái niệm tín ngưỡng chủ trương mọi quyết định siêu hình đều do một vị Trời, tượng trưng bởi “ý chí tạo dựng ra tất cả mọi sự hiện hữu, kể cả những gì xảy ra trước những sự hiện hữu ấy” (nói theo cách nói của Mikhail Bakounine (1)) là một thứ gì hoàn toàn không hiểu nổi đối với Phật giáo. Nếu chỉ căn cứ vào ý nghĩa đó thì người Phật giáo đâu phải là những người vô thần, nói một cách đơn giản là họ không thể nào hình dung ra được ý niệm về một vị Trời thế thôi. Đối với họ, một sinh linh mang tính cách cá nhân thì nhất định phải là một cá thể; và nếu đã là một cá thể thì phải hiện hữu chung với các cá thể khác, lệ thuộc vào các cá thể khác, và đồng thời các cá thể khác cũng lại lệ thuộc vào cá thể ấy. Một sự tối thượng, nếu có đi nữa thì sẽ không thể nào mang tính cách cá thể được . Nếu là một cá thể thì trong bối cảnh tương liên như vừa trình bày trên đây, cá thể ấy sẽ không thể nào còn giữ được tính cách tối thượng nữa.

Phật giáo chủ trương không thừa nhận một vị Trời như các tôn giáo độc thần, vì thế đã tượng trưng cho một truyền thống tâm linh vô thần, và đặc tính ấy cũng đã tạo ra cho toàn thể Phật giáo một sự thuần nhất vô cùng sâu xa. Nhà sư Tây Tạng Chongyam Trungpa đã từng viết như sau: “Có lẽ đấy là tôn giáo duy nhất không được thiết lập dựa vào sự thần khải của Trời, vào đức tin hay vào sự thờ phụng một vị Trời, hoặc các vị Trời thuộc bất cứ loại nào. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Đức Phật là vô thần hoặc chủ trương vị giáo. Nhất định không. Ngài chỉ không đề cập hay thảo luận gì về các thứ giáo lý thần học hay triết học đại loại như thế. Ngài đi thẳng vào tâm điểm của vấn đề, tức la cần phải quan sát như thế nào, phải nắm bắt hiện thực như thế nào”. Giữa tính cách không hữu thần từ trước và khái niệm vô thần ngày nay của Phật giáo thì dường như không có gì khác biệt. Có thể là khkông có sự thay đổi nào cả. Bởi vì sự tương quan giữa Phật giáo và lãnh vực thiêng liêng là một thứ gì khác hẳn, không dính dáng gì với chủ nghĩa duy vật và vô thần theo quan điểm của chúng ta, dù là dưới bất cứ hình thức nào.

Cần chú ý là trong Phật giáo , chữ “thần thánh”(3) dùng để chỉ định các sinh linh hiện hữu trong cõi trần tục, có sinh và có tử, chẳng khác gì con người và súc vật, còn chữ “các đấng thiêng liêng”(4) thì dùng để chỉ các sinh linh đã vượt khỏi sự vướng mắc của chu kỳ khổ đau (tức cõi ta bà, samsara). Các vị “ thần thánh” (tiếng Phạn deva) là một thể dạng hiện hữu tương quan với một thể dạng hạnh phúc nào đó, nhưng tuyệt nhiên không hề liên hệ gì cả với khả năng khai mở trí tuệ để mang lại sự giác ngộ đích thực. Các vị ấy được xem như nhập vào một thể dạng hiện hữu có tính cách tạm thời. Theo một số kinh sách thì các thể dạng đó con người cũng có thể thực hiện được, tuy nhiên họ bắt buộc phải cởi bỏ thể dạng “thiêng liêng” đó nếu muốn đạt được sự giải thoát. Trong trường hợp trên đây, không có một biên giới nào ngăn cách giữa hai thể dạng: thứ nhất là thể dạng tâm thức mà chúng ta đang cảm nhận và thứ hai là một sinh linh đang hiện hữu.

Muốn thực hiện được cái tổng thể thì cần phải hòa đồng với các vị thần linh địa phương-vì tất cả các dân tộc trên địa cầu này, dù trong bất cứ một bối cảnh nào và thuộc vào bất cứ một thời đại nào, cũng đều tự tạo ra cho mình một mối tương giao với các vị thần linh sống thực biểu hiện cho một số phẩm tính đặc thù nào đó trong một không gian nhất định nào đó. Những người Phật giáo cũng không tránh khỏi cái nguyên lý bất di dịch ấy. Hơn nữa họ còn phải làm thế nào để các vị thần linh ấy đừng nổi giận để cho họ có thể đến gần, đôi khi phải trả bằng cái giá rất đắt của sự cố gắng tinh thần, họ cầu khẩn các vị ấy giúp sức cho họ trong việc tu tập (5). Trong các trường hợp như thế, các vị thần linh sẽ trở thành những vị đồng minh với chúng ta và chúng ta có thể trông cậy vào họ, tuy nhiên không phải vì thế mà họ chiếm giữ vị thế trung tâm chi phối toàn bộ con đường tu tập của chúng ta. Không nên nhầm lẫn các vị thần linh ấy với các đấng thiêng liêng đã được giải thoát khỏi mọi thể dạng bấn loạn, chẳng hạn như chư Phật và chư Bồ-tát. Các vị ấy là những vị hiện thân cho trí tuệ hoặc lòng từ bi dưới muôn hình tướng khác nhau. Chức năng và những hình tượng biểu hiện của họ biến đổi tùy theo các tông phái Phật giáo. Vai trò và các cách biểu hiện của các vị ấy chiếm giữ một vị thế vô cùng quan trọng và phức tạp trong Phật giáo Tây Tạng, một nền Phật giáo đầy ắp những vị thần linh có bốn, sáu hay một nghìn cánh tay và thật nhiều đầu. Các vị thần linh đó không mang một tính cách thần khải nào cả, cũng không phải là những vị đứng ra cứu vớt kẻ khác đúng theo ý nghĩa của nó, mà đúng hơn chỉ là những vị đã biểu lộ được một cách cụ thể những phẩm tính tiêu biểu của hiện thực, giúp cho người tu tập hội nhập hiệu quả hơn vào chính sự sống của họ.

Người Tây phương thường có chiều hướng thu hẹp tầm quan trọng của khía cạnh thiêng liêng trong Phật giáo, và đã tìm đủ mọi cách để thiết lập một nền Phật giáo thật “tinh khiết”, hoàn toàn duy lý, chống lại chủ nghĩa nghi thức. Bernard Faure (6) cho rằng hình thức Phật giáo theo lối đó chỉ là “một giả tưởng riêng của người Tây phương không đúng với sự giả tưởng chính thống của Phật giáo bản địa, và đôi khi người Tây phương lại còn phơi bày sự tự kiêu của mình và tự xem mình là những chuyên gia về Đông phương học”. Bernard Faure là một chuyên gia về Phật giáo Nhật Bản và ông đã nhấn mạnh rằng dòng lịch sử Phật giáo có thể sẽ khác hơn nhiều nếu người ta biết quan tâm nhiều hơn vào nghi thức lễ bái quy định trong Đạo pháp, thay vì chăm lo việc nghiên cứu về giáo lý đơn thuần. Thật vậy, hình thức tôn giáo đại chúng đặt nặng việc thờ phụng chư Phật và các vị linh thiêng với tất cả lòng thành kính rất dễ gâyra sự hiểu lầm và chúng ta có thể đồng hóa một cách sai lầm với sự tôn thờ các vị thánh trong Thiên Chùa giáo hay là các vị trời trong “tà giáo”. Nói một cách khác, trở thành người Phật giáo là tự đặt mình vào một mối tương giao thường xuyên với lãnh vực linh thiêng, tượng trưng bởi những vị thần linh siêu việt, hoặc là trực tiếp hẳn với thế giới linh thiêng vượt ra ngoài mọi biểu tượng.

Người ta vẫn thường đem một nền giáo lý Phật giáo đích thực để chống lại hình thức tín ngưỡng có tính cách dân gian đó. Nếu hiểu theo cung cách của nhóm người chủ trương “tiến bộ” thì Phật giáo theo ý nghĩa đích thực không liên hệ gì đến các hình thức tín ngưỡng dân gian tượng trưng cho những rơi rớt mang tính cách dị đoan mà lý trí chưa xóa bỏ hết được. Dù sao thì sự phân biệt giữa tôn giáo dân gian và tôn giáo lý trí không thể đứng vững được vì hoàn toàn vô căn cứ; các vị đại sư Phật giáo đều sinh hoạt trong khung cảnh của thế giới linh thiêng, họ trước tác kinh sách để tôn vinh các đấng linh thiêng, thực thi nghi lễ và cúng dường để ước mong các vị ấy hiển hiện ra với họ.

Trước những gì vừa được trình bày trên đây, với tư cách của người Phật giáo đối với lãnh vực thiêng liêng, người ta có cảm giác cần phải chọn cho mình một cách nhìn nào đó khác hơn là cách nhìn của các tín đồ thuộc các tôn giáo thần khải đối với vị Trời của họ. Mối quan tâm của Phật giáo trong sự tương giao với thể dạng tối thượng hoàn toàn khác hẳn với cung cách sẵn có của chúng ta trong thế giới Tây phương. Mối quan tâm đó của Phật giáo không phải là cách tìm hiểu xem Trời có thật sự hiện hữu hay không, cần phải có đức tin hay là không, mà chỉ là cách dồn tất cả sự chú tâm của mình vào một mối tương giao với một thứ gì đó mang tên là một thánh nhân. Đo là một cách tiếpcận mang tính cách hiện sinh và cụ thể không vướng mắc trong lãnh vực lý thuyết và siêu hình. Phật giáo lúc nào cũng tôn trọng khái niệm về vô ngã và vì thế đã xem mọi thể dạng thiêng liêng chẳng qua cũng chỉ hiện hữu giống như mỗi cá nhân con người của chúng ta đã được tách riêng ra, không hơn không kém.

Cái tâm nhìn đó đã biến cái hẳn quan niệm thông thường về con đường tu tập tâm linh, con đường tu tập đó không đòi hỏi bất cứ một thứ đức tin nào về bất cứ một thứ gì thuộc thế giới bên ngoài, mà chỉ đưa ra một kỷ cương rèn luyện giúp chúng ta tự mở rộng tâm hồn mình để hội nhập với những gì đang hiện hữu. Nói một cách khác, Phật giáo không hề khuyến khích phải giải trừ sự mê hoặc và cũng không buộc phải loại bỏ tính cách thiêng liêng trong thế giới này. Phật giáo chỉ mang lại cho chúng ta một thứ gì thật đặc thù và mới lạ, ngược hẳn lại với mớ lý thuyết của giáo điều, đó là mối liên hệ tương giao sâu xa với thế giới linh thiêng. Khi nào chúng ta biết hồi đáp lại sự tương giao đó thì gương mặt luôn đổi mới của sự giác ngộ sẽ hiện ra với chúng ta.

Chú thích:

  1. Bakounine (1814-1876), triết gia và văn hào Pháp gốc người Nga
  2. Chônggyam Trungpa (1939-1987), thầy của Fabrice Midal
  3. dieux (tiếng Pháp) hay gods (tiếng Anh), tức là các vị trời, viết theosố nhiều và viết hoa.
  4. Divinités hay divinities
  5. Đây là khái niệm chung của Phật giáo Tây Tạng.
  6. Bernard Faure, triết gia người Pháp giảng dạy Phật giáo tại một đại học Hoa Kỳ ởCalifornia
  7. Khi Thiên chúa giáo tràn vào đế quốc La Mã thì lên án và gọi các tôn giáo đa thần đã có từ trước là “tà giáo”
  8. Tạm dịch chữ Lumìeres trong nguyên bản. Chữ này dùng để gán cho một số trí thức, học giả, triết gia thuộc thế kỷ XVIII khởi đầu từ PHáp cổ súy phong trào cải tổ nền tư tưởng Âu châu dựa vào lý trí. Thuộc phong trào đó có thể kể đến Voltaire, Rousseau, Diderot, Hume, Kant…

Hoang Phong dịch

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Hai 2022(Xem: 7616)
24 Tháng Ba 2020(Xem: 3517)
LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA HT THÍCH VIÊN LÝ
13 Tháng Chín 2019(Xem: 4755)
.....Thước đo giá trị của một xã hội không phải lớn hay nhỏ, dài hay ngắn mà chính là những truyền thống đặc hữu có khả năng nâng cao khả tính dân chủ của mọi người dân và, thước đo giá trị đó đã được thể hiện sinh động trong giáo pháp vi diệu của Đức Phật. Với quá trình lịch sử hơn 2600 năm hoằng hoá, nó chứng tỏ được sức sống kỳ diệu và xác định rõ quyền bình đẳng của mọi tầng lớp trong các sinh hoạt Phật sự.
29 Tháng Bảy 2016(Xem: 7713)
Hầu hết chúng ta đang đi tìm gì? Mỗi người trong chúng ta muốn được gì? Nhất là giữa thời thế tao loạn này, mọi người đều muốn tìm một thứ an bình nào đó, một thứ hạnh phúc nào đó, nơi trú ẩn nào đó, vì thế chúng ta cần phải tìm cho ra chúng ta muốn tìm kiếm gì trên cuộc đời này, điều ấy dĩ nhiên là vô cùng quan trọng, phải thế không? Chúng ta cần phải biết đang đi tìm cái gì, chúng ta đang cố gắng khám phá ra điều gì.
16 Tháng Bảy 2016(Xem: 7167)
Hiện tại, chúng ta đang ở thế kỷ hai mươi mốt, và dĩ nhiên sự phát triển về vật chất đã lên đến một mức độ rất cao, rất tân tiến. Nhân loại vẫn còn một số đông thật sự quan tâm đến tín ngưỡng tôn giáo. Có những thảm họa đáng tiếc đã xảy ra, như là chủ nghĩa khủng bố và những điều tương tự, nhưng đây rõ ràng là vì người ta thiếu một tầm nhìn xa.