Một Góc Thế Giới Thi Ca

28 Tháng Tư 201100:00(Xem: 15335)

thayvienlyMỘT GÓC THẾ GIỚI THI CA ...
Thoại Nguyên


Trên thi đàn hải ngoại hiện nay, chúng ta thấy xuất hiện một vì sao giữa bầu trời văn học siêu thệ đó là tập thơ mang tựa đề Giọt Sương Huyễn Hóa của nhà thơ Viên Lý, một cây bút quen thuộc và nổi tiếng với hàng chục tác và dịch phẩm gồm nhiều thể loại rất được mọi giới hâm mộ.

Có thể nói đây là một trong những thi phẩm tầm cở của đầu thế kỷ 21 bởi lẽ nó đã vẽ lên một thế giới thơ thiền hết sức kỳ đặc mà điểm độc đáo nỗi bậc nhất đó là phong thái tự tại hay nói khác hơn một cái nhìn khai ngộ đã được phóng rọi vào từng mẫu nhỏ thực tại nhiệm màu ở mỗi hiện tượng. Tác giả đã hòa nhập hồn thơ của mình với chân thân thực tại, Ở tác giả, không còn chủ thể ngắm nhìn và đối tượng được nhìn ngắm. Chủ thể nhận thức và đối tượng bị nhận thức trở thành đồng nhất, bất nhị. Vượt trên năng sở, chủ khách là một dấu tỏ của một cái nhìn mà cửa ngỏ kiến giải, ngữ ngôn, suy thức kể cả nhận thức đã nghẽn lối bí đường. Với cái nhìn của một thiền giả, tác giả khiến ta thật sự rung động trước một đóa hoa mộc mạc không tên đang phất phơ giữa một hoang tàn của thời vàng son trước nền văn minh khoa kỷ:

Ta nhớ làm sao một đóa hoa
Đóa hoa rừng dại giữa hoang sơ
Đóa hoa rừng dại không tên gọi
Đã gọi hồn thơ say ngẩn ngơ

Đóa hoa không tên gọi nhưng đã gọi hồn thơ đến ngẩn ngơ say, say ngẩn ngơ mà không quay quắt, vì ở đây cái say đã không bừng lên bởi một chất men mà được ấp ủ bằng chất liệu thương yêu đầy nhân đạo; chẳng những thế, đóa hoa rừng dại không sắc chẳng hương nhưng:

Đóa hoa rừng dại không hương sắc
Đã tặng cho đời bao sắc hương

Thơ mộng làm sao bởi những chữ, những lời đơn sơ bình dị nhưng ắp đầy thi tính và gợi lên lòng người những biểu tượng thơ mộng tuyệt vời:

Đóa hoa rừng dại công viên ấy
Sông ngỗng chiều xuân nắng ngập đầy

Chỉ một đóa hoa hoang sơ không tên gọi, với một hồn thơ lai láng, tác giả đã cho chúng ta một cảm thức rung động đến bịn rịn bồi hồi.

Không chỉ có hoa mà còn cả một khung trời nắng lộng, nắng từng mảng, nắng từng giọt, từng giọt và từng giọt nhiệm màu rơi đổ xuống, rơi trên mỗi hiện hữu hoạt hiện không ngừng, rơi trong từng sát na diệt sinh biến dị, rơi với tất cả sự hàm tàng của vũ trụ, thiên hà và rơi trong từng cõi lòng vô ngôn tuyệt nhiên thanh tịnh:

Vương tay nếu lấy hư không
Võ vàng giọt nắng bềnh bồng ca sa

Ồ! Lạ lùng thay, ở đây nắng không còn là tia, là ánh, là vệt, là nguồn, là vũng, là dãi mà lại là giọt, những giọt nắng lung linh, chợt không chợt có, thoắt hiện trong từng hiện hữu nhiệm màu như là chính sự mầu nhiệm để rồi chỉ trong tơ hào khoảng khắc:

Đầu ngọn cỏ - giải thiên hà
Thu phong bến gió ta bà dạo chơi
Mỗi hiện hữu chợt đầy vơi
Nhiệm màu từng giọt nắng rơi hoa cười

Tác giả đã đồng cảm được với nắng, đã bắt một cây cầu tâm linh giữa tâm hồn mình qua vũ trụ với giải thiên hà bao la vô lượng nhưng được thu phối trong đầu ngọn cỏ tí xíu lẻ loi. Lý nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất, tương tức tương nhập, tương sinh tương duyên của tư tưởng Hoa Nghiêm đã được tác giả lồng vào thơ một cách tuyệt diệu linh động và gây hứng thú bất ngờ ở người đọc nhất là động thái níu lấy hư không để rồi võ vàng giọt nắng bềnh bồng ca sa. Tác giả đã không níu lấy cành hoa, giải lụa mà là níu lấy hư không, một động thái siêu ngoài mọi động thái.

Từ nắng đến sương, một lần nữa những hạt sương không cảm vô hồn đã nói lên tất cả với thi tính tuyệt vời rung cảm, khai mở cho ta một lối về để có dịp trầm mình giữa thuở thời sơ cổ:

Giọt sương khuya đọng ba ngàn cõi
Tịch mịch trầm tư ngọn cỏ bồng
Vết trăng loang lổ trên thềm vắng
Ai bảo giùm ta lẽ có không
Vẫn một cành mai xa xưa cũ
mang đầy bản vị thuở ban sơ
Có chi trường cửu trong trần thế
Bên thêm trăng vẫn sáng lung linh
Cỏ bồng đêm vắng sương khuya giọt
Vô tận thời gian câm lặng qua
Ngày đi đêm lại sương đong trọn
Vô lượng hà sa thế giới trung
Điệp trùng chuỗi xích hoa nghiêm kết
Quê củ đường xưa mây lửng lơ.

Cả một thế giới vô biên nằm gọn trong một giọt sương mong manh nhỏ bé, tiêu biểu cho lẽ vô thường, duyên sinh huyễn hóa, quả thật chỉ có những tâm hồn đắm mình trong thiền quán miên tục mới đủ sức sống, đủ sức thổi một luồng sinh khí vào những chúng sinh vô tình và vẽ nên một hình ảnh sống động hiện thật phi thường và nên thơ đến giật mình như thế. Chỉ một giọt sương, biểu hiện của mong manh tan vỡ, cho cái cực nhỏ vậy mà, sương đã đong trọn hà sa vô lượng và cả thế giới điệp trùng, phải chăng tác giả muốn mượn vần thơ để hiển thị lý tương duyên trùng điệp?

Từ những tia nhìn đầy sáng tạo lạ lẫm, tác giả đã đưa ta qua thế giới của buồn vui trộn lẫn, của ngậm ngùi nuối tiếc trước những lịch sử đã một thời oanh liệt uy nghiêm và tạ tàn dần theo vết chân trải dài của những thăng trầm năm tháng nhưng vẫn ngút ngàn dáng vẻ hoành tráng hiên ngang của một chí kiêu hùng ngạo nghễ, không đầu hàng và khiếp phục bởi ngoại cảnh chướng duyên:

Tôi trở về đây thăm dấu xưa
Thăm đền đài củ dãi nắng mưa
Thăm vườn Lộc Uyển còn vang vọng
Dòng pháp siêu vi tối thượng thừa
Con trở về đây đảnh lễ Thầy
nhìn tia nắng dọi óng vòm cây
Bỗng nghe xao xuyến bao hoài bão
Từng giọt hào quang rõ ngập đầy
Con trở về đây tìm vết chân
Nghe lòng rộn rã đến bâng khuâng
Niềm vui trộn lẫn niềm hiu hắt
Lịch sử nghìn xưa, ôi thủy vân.

Từ những biểu tỏ đặc dị này, nghe dâng lên những ngậm ngùi da diết, khiến người đọc âm thầm đuổi bắt theo cái thước đo cũ kỹ của thời gian được dựng nên bởi ý niệm thức tâm phân biệt dù không gian ở đây và thời gian bây giờ đã điệp trùng thăm thẳm.

Từ những cảm thức ngậm ngùi buồn vui trộn lẫn để rồi nghe xao xuyến bồi hồi trước bao hoài bão với một tấc dạ chí thành. Và từ những suy thức buồn vui lẫn lộn, tác giả đã vươn chí hùng để phấn đấu với chướng duyên:

Lội ngược dòng cảm nghe như đuối lực
Từng tấc gang cạm bẫy sẵn chực chờ
Nghịch cảnh đó chính là duyên tăng thượng
Tiếp khích vô cùng công hạnh vị tha
Chí nguyện lớn ngại gì duyên chướng nhỏ
Trải từ tâm ôm trọn mỗi niềm đau
Thương sanh chúng với tình yêu vô lượng
Giữa mù tăm rực sáng một niềm tin
Vai dẫu năng nhưng tâm luôn an nhẹ
Từng bước chân vững chãi vượt ưu phiền.

Với đôi vai trần nhưng tải đầy trọng nhiệm, học theo hạnh xuất trần thượng sỹ, nhà thơ Viên Lý đã trải từ tâm để ôm trọn mỗi niềm đau của sinh chúng, đã vì nghiệp lớn với ý chí hiên ngang oai liệt nên chẳng ngại gì những hiểm chướng nhỏ nhoi và vì đã nguyện lấy niềm đau của người làm nỗi đau của chính tự thân nên không trốn chạy mà lại đối đầu, đối đầu với từng niềm đau nỗi khổ, với vô lượng thách đố thời đại nhiều lúc đến phũ phàng nhưng mỗi thách đố hay gọi đích danh, mỗi niềm đau lại chính là an lạc vì lạc hay ưu cũng chỉ tại tâm này:

Khổ đau ấy chính là an lạc
An lạc không lìa sự khổ đau
Ung dung ngay chính trong phiền não
Cực lạc đâu nào tách thế gian
An nguy cũng chỉ do tâm cả
Đừng đổ thừa hay trách cứ ai
Hãy trách tâm mình chưa tỉnh ngộ
Ngày đêm hạ thủ gắng công tu
Khi tâm vô nhiễm đời thanh thoát
An lạc là đây, ở điểm này.

Người có lý tưởng cao chỉ một lòng nghỉ đến phúc lợi lâu dài của nhân thế chứ không ích kỷ hẹp hòi. Người có cuộc sống tâm linh thánh khiết và thấu triệt được thật tướng, tự tánh của muôn vật vạn linh là người lúc nào tâm tư cũng ung dung tự tại nhưng tỉnh thức vượt thường:

Ung dung bước vào chợ đời
Cúi hôn nỗi chết vẫy chào cỏ hoa
Cõi ta bà mộng hằng sa
Tử sinh khổ lạc chẳng là chẳng hai

Ngữ ngôn nào đã chẳng và đang là những hư danh huyễn tượng ấy vậy mà trời đất nhiều lúc phải giật mình bởi tiếng cười sau một cơn tỉnh thức:

Khác chẳng khác hư ngôn huyễn tượng
Ta cười vang trời đất giật mình

Từ sự kiện khiến trời đất giật mình qua tràng cười ngửa nghiêng vũ trụ tác giả đã mở tung cánh cửa tục đế nhưng cũng là chân đế để:

Từ cõi vô cùng vào nhân giới
Cửa không hôm sớm trải lòng ra
Tử sinh một mái chèo lênh láng
Biển pháp mênh mông trăng hiện đầy

Đùa vui đầu ngọn sóng sanh tử
Tự tại cuối giờ kiếp huyễn sinh

Chân thân thực tại là siêu ngoài ngữ ngôn, suy tưởng, là nhưng cũng không là và không ngay cả cái không là ấy mới có khả năng ung dung dạo chơi cùng khắp:

Không tánh chân thường siêu giới ngoại
Dạo chơi thơi thảnh cõi vô cùng

Thật phi thường, chỉ có căn bản kiến giải Phật pháp mới hiểu được những khái niệm mang tính phổ quát và biện chứng triết học siêu biện qua những dòng ngữ nghĩa mà tác giả muốn gởi gắm cho đời.

Với con người, cuộc trần thì thế nhưng với đất nước, với dân tộc thì sao? Chúng ta hãy nghe nhà thơ Viên Lý tâm sự:

Quê tôi đó triền miên chinh chiến
Cả ba miền khói lửa ngút ngàn
Cùng chung máu đỏ da vàng
Ai gây ra cảnh tóc tan hận thù
...
Những năm tháng lầm than nơi xứ lạ
Bao mùa trăng làm khách sống xa quê
Mài bút nghiên mòn mỏi đợi ngày về
Thân đằng cát chở đầy cơn quốc hận

Cái tâm cảm của một kẻ xa quê nhưng yêu quê hương còn hơn cả chính mình, quê hương đó vẫn ngự hàm trong tim óc cho dẫu rằng cách trở muôn trùng nhưng vẫn không là một cái gì nghìn trùng xa cách và chẳng bao giờ mờ nhạt với tháng năm.

Chưa hết, qua những dòng thơ sau đây ta thấy được tấm lòng của tác giả đối với nước với dân giữa một bối cảnh lịch sử mà con người đang trấn lột và đàn áp con người cách tàn hại khốc liệt:

Có những đêm lạ nhà không ngủ được
Ta lặng hồn nghe gió gọi cô đơn
Nghe quê hương quằn quại nỗi căm hờn
Nghe dòng máu ngược về tim uất nghẹn

Nghe dòng máu ngược về tim uất nghẹn là dấu chỉ của bất toại, nghịch lòng. Bất toại trước nỗi lầm than thống khổ của đồng bào, đồng đạo, của một dải non sông tú lệ được dựng xây bởi biết bao máu xương tù tội của vô số thế hệ cha ông để rồi bây giờ bị cày phá bởi chủ nghĩa ngoại lai phi tính và bị hiến dâng cho thế lực ngoại bang. Bất toại trước bao nhiêu nan đề thời đại nhưng vẫn lặng thầm đi giữa vệt thời gian để nghe từng nhịp gõ đến giá buốt cõi lòng:

...
Tôi đi giữa giao thời thế kỷ
Nghe thời gian gõ nhịp mỗi sát na
Lòng bổng nhớm lên niềm chua xót
Quê nhà ngàn nỗi vẫn tang thương
Pháp hữu chùa xưa thầy tổ đó
Vẫn một niềm đau chưa nhòa phai
...
Rêu phong đượm nét sầu cổ độ
Cuộc chiến đã tàn nhưng chửa ngưng.

Vâng, cuộc nội chiến tương tàn kéo dài suốt nhiều thập kỷ đã cướp đi hàng triệu mạng sống của dân lành dù đã tàn nhưng vẫn còn âm ỉ, vì người vẫn trấn lột người, vẫn hãm hại, đày đọa giam cầm người và đây là lý do tại sao những cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ vẫn không ngừng dấy lên dù đã và đang bị họng súng công an chĩa vào để tiêu hủy:

Một chuyến đi không tính bằng cây số
Nhưng được đo bằng lòng người trên khắp năm châu
Một chuyến đi vượt qua bao rào chắn
Chủng tộc màu da lãnh thổ ngữ ngôn
...
Một chuyến đi hàng triệu con tim ngưỡng vọng
Ngọn cờ nhân quyền dân chủ vươn cao

Giữa những đổ nát xiêu tàn, giữa những bất toàn không toại nguyện, giữa những không hoàn thiện, lừa lọc, tranh chấp, thị phi, đố kỵ. hận thù, đảo điên, nghịch lý... tất cả đều khởi đi từ vô minh vọng động và từ tận đáy lòng vô nhiễm ta nghe vang lên những lời thơ vừa đệm vẽ ai oán vừa đậm nét vỗ về:

Sông tiềm thức cuộn cuồng miên mật
Suối thời gian chảy xiết một dòng
Thuyền tâm đầy trĩu trăng sao
Nhấp nhô sóng nghiệp xạc xào gió ưu
Mưa phiền não hắt hiu từng sợi
Mây vô minh giăng bủa điệp trùng
Nẻo về quê củ mông lung
Cái tôi vò võ lạnh lùng bước đi
Hương diệu pháp vô khả nghì
Hồi đầu thị ngạn tử sinh vẩy chào

Vẫy chào tất cả, cái vẫy tay của một biểu tỏ từ biệt nhưng cũng là dấu hiệu của hòa đồng để từ khoảng cách giữa vật này và cái kia trở thành đồng nhất và như nhất:

Trong tôi sống lại thời sơ cổ
Đương xứ nhàn du bặt tích tàn
Mặc kệ thời gian trôi mải miết
Lưu chuyển nhưng hằng sự sự vô

Thời sơ cổ mà nhà thơ Viên Lý muốn nói phải chăng đó là cõi giới vô cùng không phân biệt. Cõi giới mà thời và không gian đã hòa quyện vào nhau và không còn thấy đâu cái mà con người vẫn thường cho là biên giới, khoảng cách biệt bởi ý niệm phân biệt, chia chẻ và trước trụ của tâm thức nhị nguyên đầy trụ trước và phân biệt của con người? Cảnh giới đã vượt ngoài biên giới, vô thủy bất chung, biệt nhưng là vô phân biệt vì thế mới vô sai biệt. Thời gian vẫn trôi chảy không ngừng như dòng đời chảy trôi miên mật nhưng chảy mà không chảy, không chảy nhưng lại chẳng lúc nào chẳng chảy, chảy liên lỷ nhưng đồng lúc vẫn thường nhiên trạm tịch. Ở đây sự lưu chuyển chảy trôi chính là sự hằng thường an định, lưu và hằng là hai mặt của một thực thể siêu việt có - không, bất nhị đã là yếu tính khả thể nhưng đồng thể và phi thể đã dệt thành dòng thơ siêu thể nhưng lại rất là thực thể và hữu thể qua thi phẩm Giọt Sương Huyễn Hóa của nhà thơ Viên Lý.

Vượt qua những trụ trước, siêu quá những phân biệt để trở thành vô phân biệt và vô sai biệt, nhà thơ Viên Lý đã xác định thế đứng của mình trước những vần xoay điên đảo:

Ba cõi vần xoay tâm bất động
Quay đầu sanh tử tựa mây bay
Huyễn thân sanh diệt trong từng phút
Một sát na là mỗi tịch nhiên
Cụm hồng vẫn nở chim vẫn hót
Cành liễu bên thềm vẫn biếc xanh
Thăm thẳm tầng không không cả đáy
Nào ai tát cạn biển thường như
Lối về rũ sạch chân và giả
Tương tức tương dung lặc thập huyền.

Biển thường như như nhà thơ đã khẳn định nào đã mấy ai đủ khả năng tát cạn dù có thừa năng lực để tát cạn biển hồ, vì vậy mà:

Huyễn thân sanh diệt trong từng phút
Một sát na là mỗi tịch nhiên
...
Thăm thẳm từng không không cả đáy
Nào ai tát cạn biển thường như.

Và dù với trạng thái tâm thức như như bất động nhưng vẫn thường tục khởi động đại bi tâm trước những thống khổ của muôn loài nhất là nỗi khổ của con người và đồng bào đồng đạo:

Huyết lệ rụa ràng đôi khóe mắt
Nhịp tim loạn xạ chực vỡ toang
Tháng tư nhuộm đỏ bao hoài bão
Dòng máu dân lành chảy láng lênh
Bi kịch Việt nam chồng chất mãi
Thế hệ này rồi thế hệ kia
Ngôn ngữ lặng câm vì chết điếng
Vết hằn ý hệ quất ngang lưng
Hệt nhát dao phay lia cổ họng
Máu phụt từ tim vọt thẳng vòi ...
Và,
...
Tổ quốc niềm tin vì ai nô lệ
Ta gục đầu nghe tiếng gọi quê hương
Còn nửa,
Ta vẫn trầm hoài cô độc mãi
Nỗi niềm năm tháng chửa phôi phai
Làm sao vui được khi ta vẫn
Nợ nhân quyền còn quảy trên vai
...
Làm sao ta nỡ quay lưng được
Dân tộc Việt Nam vẫn mỏi mòn

Tác giả đã không chỉ không thể xoay lưng với cuộc đời, với thực trạng khổ đau của kiếp phù sinh giả huyễn lý do là vì pháp nạn vẫn lan tràn và ngày một thêm bức thiết mà không lúc nào lòng tác giả không mãi dày vò ray rức, sự dày vò không bắt nguồn từ tham vọng vô minh ái nhiễm nhưng khởi phát từ tấm lòng bồ tát bao la vô lượng, cưu mang một cuộc lên đường trong tinh thần dấn thân của lộ trình lợi tha, tế vật:

...
Làm sao ta nỡ quay lưng nhỉ
Pháp nạn lan tràn chưa giải tan

Với nước với dân và với đạo tác giả đã nói lên tâm cảm của mình như thế còn với cái chết oái oăm tuyệt vọng nhưng chứa chan nguồn hy vọng của những người vượt biển đi tìm tự do thì sao?

Từ miền Bắc
Di cư vào Nam
Rồi từ Nam
Vượt trùng dương anh đi vào chân trời vô định
Vô định mà lòng anh cứ như đã định
Một tương lai huy hoàng nào đó
đang chờ anh ben kia mịt mù
Để mai về gầy dựng quê hương.

Vô định nhưng lòng người ngỡ như đã định với bao kỳ vọng huyễn mơ và chính sự huyễn mơ hy vọng này đã giúp con người có thêm nghị lực và niềm tin để tiếp tục đi tới dù mỗi bước đi là những biểu hiện của vong thân vô vọng.

...
Vượt biên mấy lần, lần vào tù
Lần bị thương tưởng chừng không sống nổi
Nhưng lần nầy anh vượt xa
Vượt cả biên cương sự sống!

Nhiều đồng bào của chúng ta đã vượt cả biên cương sự sống cũng chỉ vì hy vọng một ngày mai và vì không thể chấp nhận một thực tại phũ phàng đầy đắng cay tủi nhục.

Cõi thơ Viên Lý là cõi thơ chứa nhiều bất ngờ và là một cõi thơ rất lạ, lạ nhưng vẫn là một cái gì thiết thân không thể tách rời giữa hiện thực và hư tưởng. Hư và thực, chân và mộng được đan quyện vào nhau để trở thành bất nhị, bất nhị nhưng vượt ngoài bất nhị đó là điểm lý thú của cõi thơ:

Ai đi vào hoang vắng
Vai mang phố chợ về
Để rồi: Hoàng hôn tụ đầu ngõ
Đường trước đi về đâu?

Đi về đâu và biết đi về đâu khi Như Lai là như thế và chỉ là như thế và nguyện được chỉ là như thế , đến như thế và đi như thế, không đến không đi như như bất động. Rốt ráo. Tịch diệt. Rỗng lặng. Bình đẳng. Bất nhị là những sắc thái độc thoát trong cõi thơ Viên lý mà rất nhiều lần ta được tác giả lập đi lập lại như là một thông điệp quan thiết cần nhắn gởi với những tra vấn như chính sự tra vấn luôn tồn hữu trong mỗi thân phận của một kiếp huyễn sinh.

Trọng đông - Nhâm Ngọ
Thoại Nguyên

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Sáu 202310:51(Xem: 2279)
Phật pháp tại thế gian thời kỳ mạt pháp xuất hiện nhiều dị giáo làm cho hành giả sơ tâm tu tập dễ vướng các chướng do không biện được chánh, tà. Bởi thiếu phân định nên dễ đi vào con đường thành kiến sai lầm khiến một đời nỗ lực tu tập nhưng cứ mãi lẫn quẩn trong vòng luân chuyển của khổ đau, sanh tử. Với xuất phát điểm nơi tâm hướng đến con đường giải thoát, hành giả tu tập cần nương nhờ vào đoàn thể Tăng già - là những người thừa tự pháp của Phật, chọn đúng đường hướng hầu mong thoát khỏi cái khổ trần thế, thoát khỏi sự thiêu đốt của nhà lửa đang bốc cháy hừng hực nơi Ta Bà uế trược.
12 Tháng Sáu 202316:26(Xem: 1964)
Đức Phật đã từng dạy, trong mỗi chúng sanh đều có Phật tính và đều là những vị lai Phật. Hy vọng rằng mùa Phật đản về cũng là lúc chúng ta trở về với Phật tính, lắng nghe Pháp âm trong chính mình, để mỗi thời khắc đều là Phật thị hiện và, mỗi tấc đất trong cõi Ta Bà này đều là y báo trang nghiêm của chư Phật Thế Tôn. Có như vậy chúng ta mới thật sự đón mừng một mùa Phật Đản với tất cả tâm thành và ý nghĩa.
13 Tháng Ba 202315:04(Xem: 2118)
Đạo Phật chủ trương lấy con người làm trung tâm điểm để cải hóa và xây dựng xã hội. Con người tốt, xã hội tốt và ngược lại. Giáo dục con người để trở thành một tài bảo của thế giới nhân loại là bước căn bản và hết sức quan yếu mà Phật giáo gọi là Nhân Thừa trong Ngũ Thừa giáo. Con người là tài nguyên lớn vô giá như Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Nhân thị tối thắng - Con người là trên hết”; ... Truyền thống giáo dục của Phật giáo là truyền thống giáo dục toàn diện. Đức Phật được tôn xưng như là một nhà giáo dục vĩ đại và thánh thiện, là bậc đạo sư tiêu biểu, mẫu mực (bậc Điều Ngự, đấng phước trí vẹn toàn), đức Phật chủ trương giáo dục con người giải thoát mọi kiến thủ đ
27 Tháng Chín 202222:32(Xem: 82971)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
22 Tháng Chín 202215:38(Xem: 2864)
thiền Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất để chấm dứt hoàn toàn khổ đau. Pháp môn này giúp hành giả có thể khiến tâm an trú trong chánh niệm, tỉnh giác, xả ly tham ái, đạt tâm vô ngã, không thủ chấp, giải thoát toàn bộ lậu hoặc có đầy đủ từ bi và trí tuệ và, từ bi và trí tuệ chính là động lực khiến hành giả đồng cảm với những nỗi khổ của tha nhân. Trên căn bản của đại bi tâm hành giả sẽ không ngừng vận dụng mọi thiện phương tiện để cứu độ chúng sinh giải thoát vòng luân hối sanh tử. Do đó, hãy tinh tấn thực hành thiền Tứ Niệm Xứ để giải thoát khổ đau cho mình và muôn loài...
21 Tháng Chín 202200:00(Xem: 32462)
Tinh yếu của đạo lý Tánh Không của Bồ Tát Long Thọ xưa nay vốn là thểtài sâu rộng mà biết bao luận sư, giảng sư, học giả, trí thức đã dày côngnghiên cứu và lưu bố. Nhưng, không phải vì thế mà không còn gì để truy tầmhay ham học. Ngược laị, càng có nhiều người diễn giải càng có thêm nhiềuchiếu kiến mới lạ rất giá trị để suy nghiệm. Nay Thượng Tọa Thích Viên Lý, một tác giả và dịch giả của hàng chục pho sách rất giá trị, phát tâm dịch sang tiếng Việt để giúp cho người học Phật, nhất là những ai quan tâm đến giáo nghĩa Không Tánh của Bồ Tát Long Thọ. Mặc dù, đây là một tác phẩm chứa đầy những phương pháp lý luận tinh vi, những thuật ngữ triết luận lý học, và Tánh Không học chuyên biệt, dịch giả bằng phong cách đặc dị và bút pháp trong sáng đã giúp cho người đọc cảm thấy nhẹ nhàng và dễ nắm bắt hơn.
15 Tháng Chín 202221:02(Xem: 1853)
Thiền Trong Nghệ Thuật Bắn Cung là tác phẩm mà Eugen Herrigel đã trình bày một cách tinh yếu nghệ thuật bắn cung ở Nhật và qua đó để lộ sắc diện và phong thái ưu việt của thiền đối với các môn nghệ thuật nói riêng và đối với nghệ thuật sống cho con người nói chung. Tác phẩm này nay được Thượng Tọa Thích Viên Lý dịch sang tiếng Việt với lời văn trong sáng, từ ngữ chuẩn xác đã chuyển hiện được tất cả tinh hoa của nguyên tác sang dic̣h bản. Thượng Tọa Thích Viên Lý là một nhà lãnh đạo trẻ của Phật giáo Việt Nam, một nhà văn hóa đã đóng góp xứng đáng cho gia tài văn hóa dân tộc và Phật giáo qua nhiều công trình sáng tác và dịch thuật giá trị. Chính bối cảnh này làm tăng thêm phẩm chất quý giá của bản dịch Việt văn.
15 Tháng Chín 202201:20(Xem: 3560)
Bản dịch của Thượng Tọa Thích Viên Lý được xuất hiện đúng lúc; trong những hoàn cảnh khó khăn nhất và thường xuyên bận rộn suốt ngày đêm qua bao nhiêu công việc Phật sự phức tạp nan giải, thế mà Thượng Tọa Thích Viên Lý cũng đã nỗ lực thể hiện đức Tinh Tấn Ba La Mật hy hữu và đã dịch trọn vẹn một tác phẩm có tiếng là khó hiểu nhất trong những tác phẩm khó hiểu nhất của nhân loại. Không phải chỉ giỏi chữ Hán là có thể dịch nổi Trung Luận của Long Thọ, cũng không phải chỉ giỏi Phật học là dịch được Trung Luận. Biết bao nhiêu vị học giả uyên bác về Hán học và Phật học phải đành cảm thấy bất lực khi muốn dịch Trung Luận ra chữ Việt. Thế mà Thượng Tọa Thích Viên Lý đã làm được điều ít ai làm được; bản dịch của Thượng Tọa chẳng những là bản dịch
14 Tháng Sáu 202210:27(Xem: 5201)
Nhằm góp phần vào việc hoằng dương chánh pháp trong thời đại mới, thời đại mà hầu như tất cả mọi việc làm và ý nghĩ đều hướng đến thực dụng. Để giúp cho mọi người dễ dàng tiếp xúc với kho tàng giáo lý của Đức Phật, giúp cho mọi người dễ dàng hơn trong việc nghiên cứu tìm hiểu lời Phật dạy trên cơ sở chánh tín.
01 Tháng Sáu 202222:56(Xem: 6146)
Lịch sử Phật Giáo là một dòng chảy xuyên suốt mà mối liên hệ gắn bó của nó không chỉ là những thời khắc ngắn ngủi nhưng lại là một nối kết mật thiết được khởi đi từ nhiều kiếp quá khứ.