Gửi một cành hoa

06 Tháng Mười 201615:46(Xem: 5093)

GỬI MỘT CÀNH HOA
Thông Định

 

hoa-phu-dungTự bản thân hoa đã là hoa, hoa không cần cố gắng trở thành hoa. Khi hoa cố gắng trở thành hoa, hoa đã chối bỏ bản chất hoa của mình rồi. Nhưng hoa yên tâm, cái gì đã là bản chất, là thực chất thì cho dù chính bản thân mình hay người khác có cố gắng thế nào đi nữa để phủ nhận, để xua đuổi thì cũng chẳng thể được đâu…

Tôi nhìn tôi, rồi tôi nhìn quanh, tôi thấy Sự Chối Bỏ. Chối bỏ và phản bội rất gần nhau, đều có nghĩa là quay lưng lại với cái thật của mình, cái đầu tiên nơi mình. Để làm gì? Để được thừa nhận, để được công nhận, để được an ổn, để được là một với những người xa lạ.  

Bao nhiêu lần chúng ta không dám sống thật giữa đám đông là bấy nhiêu lần chúng ta chối bỏ con người mình. Mỗi khi ta im lặng vì mọi người cũng im lặng là ta đang chối bỏ tiếng nói của mình. Mỗi khi ta ngồi yên vì người khác cũng ngồi yên là ta đang chối bỏ đôi chân của mình. Mỗi khi ta gắng cười vì người khác cũng cười là ta đang chối bỏ giọt nước mắt của mình. Mỗi khi ta dửng dưng vì người khác cũng dửng dưng thì ta đang chối bỏ con tim của mình. Mỗi khi ta phớt lờ vì người khác cũng phớt lờ thì ta đang chối bỏ lương tâm của mình. Mỗi khi ta “đừng nghĩ nhiều” vì người khác cũng “vô tư” thì ta đang chối bỏ khối óc của mình…

Hemingway nói: “Trong thời buổi nhiễu loạn, những kẻ tiếp tục lãng mạn là những kẻ dễ bị tổn thương nhất”. Vâng, chẳng riêng gì những kẽ lãng mạn đâu, mà những kẻ chân thành, những kẻ khiêm nhường, những kẻ tinh tế, những kẻ quan hoài, những kẻ mở lòng… họ đều bị tổn thương. Làm sao tránh khỏi tổn thương khi những giọt nước mắt cho cái đẹp lại bị xem là ủy mị, sự quan tâm lo lắng là “dư hơi”, và ẩn mình vô tranh là yếm thế? Thời buổi nhiễu loạn là thời buổi mà con người nghi ngờ và thậm chí chế giễu Chân-Thiện-Mỹ. Những suy niệm về cuộc sống bị mỉa mai “triết lý gớm nhỉ?”. Những cảm xúc rất con người bị bình luận một cách vô tâm “tâm trạng thế!”. Và chúng ta được khuyên “thực tế đi” “bình thường đi” “thôi mơ mộng đi”, những lời khuyên tàn nhẫn làm sao!

Là hoa, nếu hoa có chết thì hãy chết như một cành hoa. Một cành hoa thật chứ không phải một cành hoa nhựa. Không ai tiếc thương cái chết của cành hoa nhựa, vì nó chưa bao giờ sống, vì nó không phải là một cành hoa. Nếu hoa vẫn là chính mình _nghĩa là vẫn một cành hoa thật_ khi chết thì hoa sẽ thấy rằng đó không phải là cái chết, mà chỉ là sự trở về Cội Nguồn để bắt đầu cuộc sống mới. Nếu hoa không phải là chính mình _nghĩa là cố trở thành một cành hoa nhựa hợp thị hiếu_ thì dù hoa sống, cái sống ấy có khác gì chết? Đó là cái sống vay mượn, bắt chước, gò ép, nhìn trước ngó sau và khô chết.

Là hoa, hoa hãy là hoa. Hoa đẹp nhất khi hoa là hoa. Hoa là độc nhất trong toàn vũ trụ này như bông hoa của Hoàng Tử Bé. Đừng tin những lời chê và những lời khen. Vì những người chê hay khen đều không hiểu hoa. Im Lặng, đó là lúc, đó là nơi hoa mãn khai. Những con người ồn ào, thô ráp kia, những người đạp lên hoa để đến trường đến sở, những người cào bằng hoa để xây xưởng xây nhà, thực ra họ lại là những người cần hoa nhất! Đằng sau, bên trong lớp vỏ bọc khô cằn mệt mỏi là nỗi khát cháy lòng về con suối nhỏ róc rách giữa đôi bờ cỏ hoa. Bi kịch là vậy: người ta đang dẫm đạp lên những gì người ta một đời tìm kiếm. Nên hoa hãy là hoa. Hãy sống và chết như một đóa hoa. Nếu không, cuộc đời này sẽ chai lì cục súc lắm thay.

Ai đi mau quá?
Xin dừng lại
Gửi một cành hoa đến người thương…

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Chín 2016(Xem: 5275)
23 Tháng Chín 2016(Xem: 5786)
13 Tháng Chín 2016(Xem: 5681)
26 Tháng Tám 2016(Xem: 7784)
23 Tháng Tám 2016(Xem: 6043)
Khí hậu mùa hè cực nóng và khô dễ gây hỏa hoạn tại nhiều tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ. Cả miền Nam và Bắc California năm nay bị cháy rừng liên tục mấy vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, thiêu rụi nhiều ngàn mẫu rừng và hàng trăm ngôi nhà. Đã có nhiều gia đình bị buộc phải di tản trước khi lửa cháy đến khu gia cư của họ. Điều khó tin là một trong các vụ cháy rừng ở miền Bắc California lại do một người đàn ông cố ý phóng hỏa. Trong khi các tin tức về Thế vận hội Olympic tại Rio, Brazil, cũng như chuyện bầu cử ở nước nọ nước kia, hay chuyện Pokémon Go… được đưa lên đầu trang các báo và đài, thì chuyện hỏa hoạn phá hoại môi sinh trong một tiểu bang bị hạn hán kéo dài, dường như chỉ là tin tức thông thường ít người quan tâm, trừ khi cơn lửa cháy đến gần khu vực của họ.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 5799)
Tôi lớn lên trong làn hương Phật tự. Mấy chục năm dài những tưởng chỉ có một phương trời Cổ Ấn trong lòng, nhưng hình như không phải chỉ có vậy. Tự chỗ sâu kín nhất của một trái tim đầy ắp phàm tình, thực ra vẫn còn đó một góc riêng thật độc lập cho cái gọi là tình quê.
26 Tháng Bảy 2016(Xem: 5997)
09 Tháng Bảy 2016(Xem: 6275)
Tại 1 trong 4 cuốn sách nổi tiếng của ni sư Ayya Khema người Đức mà tôi rất yêu kính “Khi nào chim sắt bay” (3 cuốn còn lại là “Vô ngã vô ưu”, “Tôi là ai” và “Ốc đảo tự thân”, trong đó có cuốn “Vô ngã vô ưu” của ni sư được giải thưởng sách tôn giáo hay nhất thế giới mà cá nhân tôi đã đọc nhiều lần, cả bản tiếng Anh “Being nobody, going nowhere” và tiếng Việt), chúng ta được đọc những dòng chữ tiên đoán từ hai ngàn năm về trước rằng, khi nào chim sắt bay và ngựa chạy trên 4 bánh xe thì Đạo Phật sẽ lan tỏa sang phương tây. Những ngôn từ này luôn in sâu trong tâm tôi ngay từ lần đầu tiên tôi đọc được cách đây hơn chục năm đến tận bây giờ.
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 7584)
Sau 40 năm xa quê hương, năm 2005, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trở về Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên tôi may mắn được gặp Thầy. Tiếp đó 2 lần tiếp theo Thầy lại được về với đất Việt thân yêu của chúng ta là vào các năm 2007 và 2008. Thế rồi từ đó thiền sư Thích Nhất Hạnh không còn được về Việt Nam nữa. Tiếc thay! Từ sau năm 2008, những ai muốn gặp Thầy phải sang các nước châu Âu hay Mỹ, Nhật, Úc,… Tôi may mắn được bên Thầy lần thứ 4 vào năm 2013 tại Làng Mai Thái Lan. Đó là lần may mắn hiếm có cho những người con Việt đang sống ở đất nước Việt Nam được gặp Thầy. Bởi nơi gần nhất, gần Việt Nam mình nhất mà có thể gặp được Thầy là Thái Lan. Có mấy ai có đủ điều kiện và cơ hội để qua Mỹ qua Pháp… gặp Thầy Nhất Hạnh đâu!