Câu chuyện buồn của chú tiểu Pháp Đăng

18 Tháng Ba 201608:04(Xem: 5420)
CÂU CHUYỆN BUỒN CỦA CHÚ TIỂU PHÁP ĐĂNG

Giác Minh Luật

chu tieu
Mấy tháng nay, Chú Pháp Đăng lúc nào cũng ngồi một mình trầm tư ngay gốc cây Sala ở phía trước chùa sau những thời kinh Tịnh Độ.
Mấy chú trong chùa thì cứ đàm tiếu và truyền tai nhau: “Pháp Đăng bị tự kỷ mấy Chú ơi”.
Mặc cho những lời đàm tiếu thế nào, thì cứ sau mỗi thời kinh cầu nguyện thì chú lại cứ chạy thẳng ra gốc cây mà ngồi một mình với vẻ mặt u buồn, nhìn về một phương trời xa xăm nào đó, đôi lúc lại tự cười với nụ cười khiêm tốn và tế nhị một mình để cố không cho ai nhìn thấy.
Chú Pháp Đăng nếu hết mùa hạ năm nay thì được tròn 2 tuổi đạo ở chùa, so với các chú lớn thì thuộc hàng sư em nên phải ngồi kế sau cùng trước chú Pháp Bảo một bậc, vì Pháp Bảo được nhập chúng sau hai tháng.
Pháp Đăng - Nhờ vào nước da ngâm đen, khuôn mặt sáng, đôi mắt to và chân mày rậm …nên thoáng nhìn ai cũng quý chú và đặt cho chú cái biệt hiệu “Chú Thỏ trắng có bộ lông đen”.
Mỗi lần muốn trêu Pháp Đăng, thì các chú cứ tụm năm – tụm bảy lại mà la to “Ơi! Chú Thỏ trắng có bộ lông đen” rồi lại ùa cười trong niềm phấn khởi.
Pháp Đăng đôi lúc cũng cười theo để các chú được vui, nhưng đôi lúc thì tỏ vẻ hơi “nghiêm nghị” lẫn một chút hờn để mấy chú không lấy đà mà trêu chọc tiếp khi giữa chốn đông người.
Mấy nay, lần nào tụng kinh Vu Lan Bồn vào thời công phu chiều – Pháp Đăng cũng khóc, đôi lúc khóc hút hít như đứa con nít thiếu đi bầu sữa mẹ.
Nhất là khi chú tụng tới đoạn:
“Mục Liên thấy vậy bi ai
Biết mẹ đói khát ai hoài tình thâm.
Lo phẩm vật đem dâng từ mẫu
Đặng đỡ lòng cực khổ bấy lâu
Thấy cơm, mẹ rất lo âu
Tay tả che đậy, hữu hầu bốc ăn.
Lòng bỏn xẻn tiền căn chưa dứt
Sợ chúng ma cướp giựt của bà
Cơm đưa chưa tới miệng đà
Hóa thành than lửa, nuốt mà đặng đâu.
Thấy như vậy âu sầu thê thảm
Mục-Kiền-Liên bi cảm xót thương
Mau mau về đến giảng đường
Bạch cùng Sư Phụ tìm phương giải nàn.
(Kinh Vu Lan Bồn)
Thấy Pháp Đăng khóc – Chú Pháp Bảo lại ngồi sau vuốt lưng an ủi và thủ thỉ vào tai ra hiệu ngượng ngùng khi các chú tiểu chung quanh đang nhìn Pháp Đăng một cách chầm chầm, có chú cười khúc khích – có chú cũng thương và đồng cảm nên cũng khóc theo.
Hễ hết thời kinh, thì Pháp Đăng lại chạy thẳng một mạch ra gốc Sala và cứ ngồi im đó mà tiếp tục trầm tư với vẻ mặt u buồn đầy tâm trạng.
Pháp Bảo cũng đã nhiều lần ra ngồi an ủi và hỏi thăm nhưng chú cứ một mực im lặng mà bảo:
- Huynh không có sao đâu
Mỗi lúc như thế Pháp Bảo cũng chỉ ngồi một bên và im lặng như một sự lắng nghe sâu sắc trong sự đồng cảm với người sư huynh mít ướt và đầy nội tâm của mình.
Mấy ngày qua, Thầy trụ trì đi vắng. Mấy chú trong chùa lại rủ nhau đi tắm suối ngay ở phía cuối con đường làng và đi thêm một đoạn vào sâu trong núi.
Đúng thật “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm” là đây. Chú nào cũng đã bị Thầy trụ trì phạt quỳ hương đến hơn chục lần mà vẫn không chừa cái tật “Anh hùng Tí hon” - Đầu đội trời chân đạp đất hiên ngang mà tiến về phía trước với niềm tin vào số phận đặt đâu ta ngồi đó.
Vậy mà, mỗi lần bị phạt quỳ nhang là các chú lại xúm nhau lại mà thổi đến hụt hơi.
- Pháp Đăng ơi! Mấy chú rủ đi tắm suối kìa. Pháp Bảo kêu to.
- Thôi! Đệ và mấy sư huynh đi đi, để Pháp Đăng ở lại còn có người công phu tối nay chứ! Nhớ mang về cho ít trái dâu rừng là được, để trả công cho người hy sinh ở lại nha. Vừa nói mà Pháp Đăng vừa cười hít mắt.
- Vậy thôi! Đệ cũng ở lại để tụng kinh với huynh tối nay cho ấm cúng. Pháp Bảo nói nhè nhẹ nhưng với tâm trạng đầy luyến tiếc.

Bong! Bong! Bong!

Tiếng đại hồng chung vang lên để bắt đầu cho thời công phu chiều.
Với cái giọng líu lo như chú chim non vừa mới tập hót. Pháp Bảo trong bộ trang phục áo dài nâu, vừa rộng vừa dài đến nỗi phủ hết dưới chân và chạm tới nền nhà.
Vừa đánh chuông, chú vừa đọc to:
- Hồng chung sơ khấu, Bảo kệ cao âm, Thượng thông thiên đường, Hạ triệt địa phủ.

Nam Mô U Minh Giáo Chủ, Cứu Khổ Bổn Tôn, Cứu Bạt Minh Đồ, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.

Rồi chú đọc tiếp bài kệ:

“Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới
Thiết vi u ám tất giai văn
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông
Nhất thiết chúng sinh thành chính giác.
Văn chung thanh phiền não khinh
Trí tuệ trưởng Bồ Đề sinh,
Ly Địa ngục xuất hỏa khanh
Nguyện thành Phật độ chúng sanh".
Án già la đế gia sa bà ha.
Chú nhắm mắt, đứng thẳng và đọc to với mức độ phiêu đến nỗi mà hễ khi nhìn vào là chú Pháp Đăng chỉ biết đứng cười thút thít.
- Sư huynh Pháp Đăng, tối nay huynh đệ mình tụng kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân nha. Chú Pháp Bảo kiến nghị.
- Ừ ! cũng được.
Hai chú bắt đầu nghi thức khai chuông mõ một cách nhịp nhàng, do Pháp Đăng là sư huynh nên được đại diện quỳ chính giữa niêm hương bạch Phật. Còn chú Pháp Bảo thì đứng kế bên để chờ sư huynh đọc xong bài kệ thì tiếp hương để cắm vào lư. Cứ thế hai chú cứ thay nhau đọc tụng.

Một hồi thì Pháp Đăng im lặng. Thoáng nhìn qua, Pháp Bảo đã thấy Pháp Đăng khóc dòng với những giọt lệ từ từ rơi ra thắm vào chiếc áo dài đang mặc, còn Pháp Bảo thì cứ thế mà đọc to hơn để thay cho sư huynh:

“Mẹ sanh con cưu mang mười tháng
Cực khổ dường gánh nặng trên vai
Uống ăn chẳng đặng vì thai
Cho nên thân thể hình hài kém suy,
Khi sanh sản hiểm nguy chi xiết
Sanh đặng rồi tinh huyết dầm dề
Ví như thọc huyết trâu dê
Nhất sanh thập tử nhiều bề gian nan,
Con còn nhỏ phải lo chăm sóc
Ăn đắng cay, bùi ngọt phần con,
Phải tắm phải giặt rửa trôn
Biết rằng dơ dáy mẹ không ngại gì,
Nằm phía ướt, con nằm phía ráo
Sợ cho con ướt áo ướt chăn,
Hoặc khi ghẻ chóc khắp thân
Ắt con phải chịu trăm phần thảm thương,
Trọn ba năm bú nương sữa mẹ
Thân gầy mòn nào nệ với con”.
(Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân)
Vừa đọc, mà Pháp Bảo cũng khóc theo. Chắc vì Pháp Bảo cũng nhớ mẹ như sư huynh mà lại cố gắng gượng nín để đọc tiếp bài kinh.
Pháp Đăng đứng dậy xá Phật và chạy một mạch ra ngoài cây Sala mà đứng khóc to như đứa con nít khi mẹ vắng nhà.
Thấy thế, Pháp Bảo cũng dừng lại bài kinh để chạy theo sư huynh.
Nhìn sư huynh Pháp Đăng khóc mà Pháp Bảo cũng khóc theo với từng tiếng nấc nghẹn trong cổ họng không nói nên lời.
Pháp Bảo đến gần hơn và nắm tay sư huynh để ngồi xuống dưới gốc Sala, vì sợ lỡ các chú về bắt gặp thì ngượng lắm.
Pháp Bảo mở lời:
- Sư huynh nè! Sao sư huynh lại nhớ mẹ vậy, lần nào tụng kinh huynh cũng khóc, huynh biết là huynh làm đệ cũng nhớ mẹ lắm không.
Pháp Đăng im lặng và gạt đi dòng lệ với vẻ mặt trầm buồn khó tả.
Một hồi Pháp Đăng nhìn sâu vào mắt sư đệ Pháp Bảo mà bảo:
- Huynh giận và tự trách bản thân mình lắm, sao huynh không được như Ngài Mục Kiền Liên để xuống địa ngục cứu mẹ hả đệ, huynh tệ lắm đúng không - Huynh nhớ mẹ nhiều lắm đệ biết không.
Pháp Đăng nói tiếp:
- Mỗi đêm trước khi ngủ, huynh đều thầm xin Phật cho huynh được một lần, một lần thôi trở xuống địa ngục để được nhìn mặt mẹ như thế nào và cứu mẹ ra khỏi đọa đày như trong kinh Vu Lan vậy - Nhưng không có lần nào mà Phật cho huynh đi cả, chắc Phật không có quan tâm và nhớ tới huynh đâu. Đúng không đệ.
Pháp Bảo lấy chiếc áo tràng nâu đang mặc lau đi dòng nước mắt cho sư huynh Pháp Đăng và tự lau cho chính mình, rồi bảo:
- Huynh nè! Đức Mục Kiền Liên là thánh Tăng đắc đạo thì mới đi xuống địa ngục cứu mẹ được chứ! Còn huynh đệ mình mới là chú tiểu thì làm sao mà xuống đó cứu mẹ được.
Pháp Đăng trả lời:
- Nhưng Phật giúp được mà, vì Phật là Đấng giác ngộ - là Đức Đại từ nên Phật sẽ giúp được huynh. Huynh tin Phật sẽ giúp được huynh cứu mẹ. Vì huynh nhớ mẹ nhiều lắm đệ à!
Pháp Bảo tiếp lời:
- Nhưng huynh phải tu đắc đạo mới được, giống như chư Bồ tát và các bậc Thánh Tăng mà huynh đệ mình thường đọc tụng á!
Pháp Bảo nói tiếp:
- Thôi đệ hứa với huynh, trong hai huynh đệ mình nếu sau này ai đắc đạo trước thì sẽ xuống địa ngục cứu mẹ huynh được không? Huynh nói mẹ huynh chờ đi, một ngày nào đó huynh đệ mình sẽ xuống cứu mẹ.
Nhìn về phía xa xăm với vẻ trầm buồn, Pháp Bảo khóc nghẹn:
- Đệ cũng muốn cứu mẹ của đệ nữa, huynh à! Đệ cũng nhớ mẹ nhiều lắm.
Pháp Đăng vội lấy chiếc áo của mình để lau đi dòng nước mắt của Pháp Bảo và ôm chặt sư đệ vào lòng trong tình thương vô hạn đầy ấm áp như trái tim của mẹ đang sưởi ấm cho hai tâm hồn bé bỏng và ngây thơ.
Pháp Đăng thủ thỉ:
- Thôi! Giờ huynh đệ mình vào lại chánh điện để tụng cho xong bài kinh trước khi mấy chú đi tắm suối về.
Pháp Đăng và Pháp Bảo nhìn nhau và cùng đọc to với giọng đọc thanh thoát trong niềm tin cháy bỏng ở những đoạn kinh cuối cùng:
“Sau khi Phật dạy đành rành
Bốn ban Phật tử rất mừng rất vui,
Thảy một lòng vâng theo lời Phật
Và kính thành tin chắc vẹn tuyền,
Đồng nhau tựu lại Phật tiền
Nhất tâm đảnh lễ rồi liền lui ra”.
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát.
Giác Minh Luật
Dựa trên câu chuyện có thật ở chốn thiền môn, tên nhân vật đã được thay đổi.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Chín 2014(Xem: 13489)
Đức Đạt Lai Lạt Ma, tuyệt vời. Tôi có nhiều cơ duyên với ngài... ngay cả từ thời rất là thơ trẻ, khi còn ở trong nước và khi chỉ mới đọc các bài báo sơ sài về ngài. Đất nước Tây Tạng và vị lãnh đạo này là một thế giới kỳ bí, không chỉ vì xa xôi cách biệt nhưng cũng vì niềm tin của dân tộc này rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
25 Tháng Chín 2014(Xem: 7099)
Người Việt có câu “Mười con không nuôi được cha mẹ”, nhưng bao giờ “Nước mắt (cũng) chảy xuôi”. Có lẽ đó cũng là kiếp luân hồi của con người. Đã có bao câu chuyện buồn về những người già ở phương Tây, nhưng với văn hoá, đạo lý truyền thống của người Việt dường như nỗi buồn đó còn là nỗi đau gấp bao lần vì những người già phải xa quê hương, nguồn cội... Bài tạp văn của Huy Phương mang đến cho bạn đọc một nỗi niềm đau đáu khó quên...
24 Tháng Chín 2014(Xem: 5673)
Phật giáo đã có ít nhất 2500 năm lịch sử; và có lẽ, cũng đã có chừng ấy lần các thế hệ Phật giáo đồ xao lòng nhớ lại câu chuyện Phật dự hứa ngày viên tịch, báo trước giây phút bỏ lại trần gian. Theo kinh xưa, chuyện đó xảy ra vào ngày rằm tháng Giêng cuối cùng trong đời Thế Tôn, để ba tháng sau đó, Ngài đi xa không về nữa.
14 Tháng Chín 2014(Xem: 8561)
Cái tuổi 40 thiệt khó nói là già hay trẻ. So với tuổi 80 thì đó là nửa đường, nhưng với tuổi 70 thì đã quá nửa. Vậy rồi cứ nghe se mình một tí là nghĩ ngợi lung tung. Thời nay ngoài mấy kiểu chết bất trắc, còn có chuyện dư đường, dư mỡ. Không kể bệnh nan y, chỉ cần vài năm không chịu thử máu là chuyện gì cũng có thể xảy ra.
11 Tháng Chín 2014(Xem: 9093)
Chuyện bên Mỹ. Có một ông luật sư, bảo vệ bên nguyên khởi kiện ông hàng xóm đã làm chết con chó của mình. Ông luật sư này đã đọc một bài diễn văn ngắn trướcbồi thẩm đoàn để nói về con chó: “Đại ý, con người, dù là ruột thịt, bạn bè thân thiết… đều có thể trở mặt với nhau khi chạm phải quyền lợi. Lúc còn là thuộc cấp thì cúc cung tận tụy nhưng khi chủ đã hết thời thì tức khắc ngoảnh mặt làm ngơ không chút ngại ngùng.
10 Tháng Chín 2014(Xem: 14847)
Hiểu được lẽ vô thường của Phật giáo, cố gắng tu tập thân tâm đưa mình đến an lạc luôn luôn thấy thân xác nhẹ nhàng, thì cũng sẽ thấy bệnh tật nhẹ hàng hơn phần nào. Thân tâm an lạc cũng làm cho mình bớt được những hỷ nộ ái ố do những căng thẳng cuộc sống gây nên cũng bớt được một số bệnh tật.
01 Tháng Chín 2014(Xem: 10482)
Trong một cuộc đối đầu, ta không nhất thiết cứ réo tên đối phương mà nguyền rủa trù ếm hay chỉ biết bắn phá, dội bom trực tiếp lên họ. Làm vậy tốn kém, om sòm và bạo lực quá, mà kết quả thì như ai cũng thấy là sẽ rất ngắn hạn. Bởi một lẽ là chiếm thành thường dễ hơn giữ thành và cái gật đầu bên ngoài không quan trọng bằng sự đồng tình bên trong.
24 Tháng Tám 2014(Xem: 6027)
Nên đọc nhiều sách, nhưng nếu không biết lựa sách để đọc thì đọc cả đời cũng vô công. Xin nhớ giùm, thời gian ta có không nhiều, mà thứ không đáng đọc, phải tính bằng số triệu. Quen biết nhiều thì tốt, nhưng không biết lựa bạn lành thì coi như trao thân nhầm chỗ.
21 Tháng Tám 2014(Xem: 6325)
Hơn ba mươi năm trời, vì vận nước, hàng triệu người Việt đã xa xứ và khi đã được ổn định ở xứ người, như đã hẹn, ai về nhà nấy. Nhà ở đây là tín ngưỡng, tư tưởng, chính kiến, văn hóa và dĩ nhiên là cả tình cảm. Con chiên tiếp tục thờ Chúa, Phật tử tiếp tục thờ Phật, kẻ mê cổ nhạc thì tiếp tục khoái vọng cổ, người mê tân nhạc thì tiếp tục yêu những dòng nhạc mới. Dầu mỗi người một cách riêng, nhưng chung quy, ai cũng cứ lần theo lối cũ mà về.
16 Tháng Tám 2014(Xem: 5217)
Tôi là một người có đến 1001 lý do để không thể và không nên trở thành một tay du lịch chuyên nghiệp, nhưng thiệt tình trong bụng vẫn tự nhủ sẽ tìm dịp thăm viếng một vài nơi trước khi giũ sạch những giấc mơ xê dịch, để yên lòng lên non tìm động hoa vàng nào đó mà đánh giấc thiên thu.