Về giới cấm không được ca hát và xem nghe

27 Tháng Tám 201000:00(Xem: 29255)
VỀ GIỚI CẤM KHÔNG ĐƯỢC CA HÁT VÀ XEM NGHE

Tôi là Phật tử thường tham gia tu tập Bát quan trai. Tôi được biết trong giới luật nhà Phật có giới cấm không được ca hát và xem nghe. Tuy nhiên, tôi nhận thấy các chùa vẫn thường tổ chức văn nghệ, các Phật tử và chư Tăng cũng hay ca hát đạo ca trong các khóa tu và những dịp lễ. Vậy điều đó có mâu thuẫn không? Nếu không thì nên phát huy vì đạo ca làm cho người nghe nhớ mãi lời Phật dạy. (Hà Xuân Tiến & Nguyễn Chí Thanh, Huế; dthanh...@hcm.fpt.vn)

Đúng là giới luật nhà Phật có giới cấm không được ca hát và cố đi xem nghe. Tám giới Bát quan trai và mười giới Sa di, Sa di ni có giới điều quy định cụ thể về vấn đề này. Nhưng đồng thời trong nghi lễ Phật giáo và trong sinh hoạt tu học của Tăng Ni, Phật tử thì âm nhạc, ngâm vịnh, ca hát v.v… được vận dụng phổ cập xem như một phương tiện tu tập, hành đạo. Và hai việc này thoạt nhìn có vẻ như chống trái hoặc mâu thuẫn nhau nhưng thật ra đều hợp lý theo quy chuẩn Chánh pháp.

Trước hết, giới cấm không được ca hát và cố đi xem nghe nhằm trợ duyên cho người tu giữ vững chánh niệm, không bi lụy, đau thương bởi các lời ca tình tứ, ủy mỵ; không loạn động, phấn khích, cuồng nhiệt và bị cuốn theo các âm thanh kích động…, bởi điều đó chỉ làm tăng trưởng ái dục, phóng dật thân tâm, thậm chí rơi vào lãng quên, đánh mất mình. Hiện phần lớn những hoạt động thu hút sự chú ý của con người đều tập trung vào hai phương diện nghe, nhìn.

Âm thanh (nghe), sắc tướng (nhìn) là hai trần cảnh hấp dẫn, dễ tiếp xúc nhất và chi phối sự tập trung mạnh mẽ nhất. Những điều mắt thấy, tai nghe trong hiện tại luôn có tác dụng suy tưởng hoài niệm về quá khứ hay dự phóng tương tai hoặc lãng quên cả hiện tại. Tuy nó vẫn có những giá trị riêng trong cuộc sống nhưng đối với người thực tập chánh niệm là một sự tai hại, bị phân tán, không thể tập trung để hướng đến nhất tâm. Vì thế, Đức Phật đã thiết chế giới cấm không được ca hát và cố đi xem nghe những loại hình “văn nghệ đứt ruột”, kích động, tăng trưởng tham dục… nhằm thiết lập định tĩnh, an tịnh cho đời sống tu tập, thăng hoa tuệ giác và tâm linh.

Nhưng mặt khác, âm nhạc và ca hát nếu biết khai thác và ứng dụng theo chiều hướng thăng hoa lại trở thành phương tiện hỗ trợ cho tu tập và hành đạo rất tích cực. Thời Phật tại thế, sau các pháp thoại chư Thiên thường tấu nhạc cúng dường, tán thán Thế Tôn, ca ngợi Tam bảo. Trong các kinh điển Bắc truyền như kinh Pháp Hoa, Niết Bàn, luận Đại trí độ v.v… việc dùng âm nhạc để cúng dường rất phổ biến. Trong lễ nghi Phật giáo, âm nhạc là một phần quan trọng của Lục cúng (hương, hoa, đăng, đồ, quả, nhạc).

Tuy nhiên, âm nhạc Phật giáo luôn giàu có tố chất thiền vị, ca từ trang nghiêm, ý tứ hướng thiện có tác dụng chuyển hóa, thức tỉnh nhân tâm. Như âm nhạc trong thế giới Tịnh độ của Phật A Di Đà, mỗi lần nhạc trỗi lên, thúc đẩy và nhắc nhở chúng sanh “niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng” (kinh A Di Đà). Luận Đại trí độ xác định âm nhạc là một trong những phương tiện giáo hóa hữu hiệu: “Bồ tát muốn thanh tịnh cõi Phật, cần phải cầu được âm thanh hay. Chúng sanh nghe được âm thanh thiền vị ấy mà tâm được an lạc, vì tâm an lạc nên việc giáo hóa được dễ dàng”.

Khởi thủy của âm nhạc Phật giáo là hình thức kệ tụng mà Thế Tôn thường áp dụng khi thuyết pháp, rồi các Tỷ kheo cũng thường trùng tụng (đọc kinh) các pháp cú, Phật thoại ấy, gọi là thanh bái. Kế đến là hình thức Phạm bái, dùng khúc điệu thanh tịnh để đọc kinh, tán thán Phật, Bồ tát và ca ngợi công đức Tam bảo. Từ đó hình thành nền âm nhạc Phật giáo, thịnh hành trong nghi lễ và pháp hội.

Tùy theo văn hóa, truyền thống của mỗi vùng, miền, quốc gia mà có nền âm nhạc Phật giáo khác nhau. Những nhạc khúc thiền vị du dương, giai điệu trầm bổng trong thang âm điệu thức tán tụng có khả năng chuyển hóa lòng người. Việc hòa xướng Phạm âm (tụng tán kinh Phật), tạo nên Hải triều âm có thể khiến cho vọng niệm tiêu tan, tâm thần thư thái, tĩnh tại như vào thiền định sẽ giúp con người hướng thiện, xa rời điều ác, tịnh hóa thân tâm.

Và như thế, việc ngày nay ứng dụng tân nhạc, hát xướng đạo ca, ngâm vịnh kinh Phật… vào trong các sinh hoạt tu tập, nghi lễ, văn nghệ quần chúng của Tăng Ni, Phật tử là sự kế thừa, phát huy âm nhạc Phật giáo vốn có từ thời Thế Tôn. Hình thức “hát kinh” (phổ nhạc kinh Phật) hiện đang được chư Tăng và các nhạc sĩ, nghệ sĩ Phật tử tích cực cống hiến cùng với thiền ca, đạo ca sẽ góp phần làm phong phú thêm cho âm nhạc Phật giáo Việt Nam. Nền âm nhạc Phật giáo cổ truyền được ứng dụng trong nghi lễ từ bao đời nay đã góp phần không nhỏ trong việc hoằng pháp, lợi sanh. Hy vọng, âm nhạc Phật giáo hiện đại sẽ được phát huy và cùng song hành với lễ nhạc để dẫn dắt, khai thị người mê quay về với chánh đạo.

(Giác Ngộ)

Bài đọc thêm:

“Giới luật nhà Phật đã có quy định rất rõ cấm nghe xem hát múa đờn kèn, thì sao một người tu có thể đi thi hát. Hát nhạc Phật giáo đã không đúng chứ nói gì hát một bài nhạc đời, dù đó là bài có nội dung đạo đức cũng không thể chấp nhận.”

Đây là khẳng định của Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN Tp.HCM.

Vì sao nhà sư không được ca hát (HT. Thích Thiện Tánh) 

Có nên ca hát không? (Bình Anson)

1) Cư sĩ tại gia
Đối với người cư sĩ tại gia nguyện giữ 5 giới căn bản, ca hát không là vấn đề. Đức Phật không ngăn cấm người cư sĩ ca hát, sử dụng âm nhạc. Điều quan trọng là gìn giữ tâm ý, không để bị lôi cuốn, loạn động bởi âm thanh qua bài ca, tiếng hát, nhạc điệu. Âm nhạc và ca hát – đối với hàng cư sĩ – nếu biết sử dụng khéo léo, đúng thời, đúng mục đích, là một phương tiện truyền thông tốt trong các sinh hoạt Phật giáo.
Tuy nhiên, nếu người cư sĩ nguyện giữ 8 giới (bát quan trai giới) – thông thường trong các khóa thiền hay những ngày bố-tát tịnh tu – không ca hát là điều giới thứ 7 cần phải tuân giữ:
– Trong đêm nay và ngày nay, ta nguyện sống tránh xa không xem múa, hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang (Tăng chi bộ, chương Tám pháp).
2) Sa-di, sa-di-ni xuất gia

Không ca hát là giới thứ 7 trong 10 giới căn bản của hàng sa-di, sa-di-ni:
– Đệ tử thực hành giới tránh múa, hát, nhạc, kịch (Tiểu bộ, Tiểu tụng).
3) Tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni xuất gia
Giới không múa hát, thổi kèn, đàn, xem múa hát, nghe đàn kèn tuy không ghi rõ trong giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa nhưng có ghi trong các điều liên quan đến tội Tác ác (dukkata) [*], thuộc Tiểu phẩm (Chương V), của Luật tạng. Duyên sự như sau (dựa theo bản Việt dịch của Tỳ-khưu Indacanda):
... Một lần nọ, tại thành Rājagaha (Vương xá) có lễ hội ở trên đỉnh núi. Các tỳ-khưu nhóm Lục sư (lục quần tỳ-khưu) đã đi xem lễ hội ở trên đỉnh núi. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
– Tại sao các sa-môn Thích tử lại đi xem vũ, ca, luôn cả tấu nhạc, giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?
Các tỳ-khưu đã nghe được những người dân ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ-khưu ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, đến trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Ngài khiển trách nhóm Lục sư ấy, rồi bảo các tỳ-khưu rằng:
– Này các tỳ-khưu, không nên đi xem vũ, ca, hoặc tấu nhạc; vị nào đi thì phạm tội dukkata (tác ác). [*]
[*] Theo Gs Rhys Davids (Vinaya Texts – bản dịch Anh ngữ Luật tạng), "dukkata" dịch là "wrong doing" (làm xấu, tác ác) là những lỗi nhẹ, chỉ cần tự sám hối là đủ.
4) Ngâm nga theo âm điệu ca hát
Ngay cả đến việc ngâm nga các bài kệ, bài pháp với các âm điệu trầm bổng du dương cũng bị Đức Phật khiển trách và ngăn cấm. Một lần nọ, các tỳ-khưu nhóm Lục sư ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
– Các sa-môn Thích tử này ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài giống y như chúng ta ca hát vậy.
Các tỳ-khưu đã nghe được những người dân ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ-khưu ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, đến trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Ngài khiển trách nhóm Lục sư ấy, rồi bảo các tỳ-khưu rằng:
– Này các tỳ-khưu, đây là năm điều bất lợi khi ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài:
    * bản thân vị ấy bị say đắm trong âm điệu,
    * khiến cho những kẻ khác cũng bị ảnh hưởng say đắm trong âm điệu,
    * hàng cư sĩ tại gia phàn nàn, chê cười vị ấy,
    * trong khi ra sức thể hiện âm điệu, thiền định của vị ấy bị phân tán,
    * điều cuối cùng là vị ấy khiến dân chúng thực hành theo đường lối sai trái.
Này các tỳ-khưu, đây là năm điều bất lợi khi ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài. Này các tỳ-khưu, không nên ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài; vị nào ngâm nga thì phạm tội dukkata (tác ác)(Luật tạng, Tiểu phẩm).


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn