Đạo Phật và vấn đề phá thai

11 Tháng Sáu 201516:14(Xem: 8689)

ĐẠO PHẬT VÀ VẤN ĐỀ PHÁ THAI  
Thị Giới

Một trong những vấn nạn lớn của xã hội Việt nam hiện tại là vấn đề phá thai với con số khổng lồ và những hệ lụy của nó.

Theo thống kê gần đây, tỷ lệ phá thai ở Việt Nam chiếm kỷ lục trên thế giới. Báo cáo của Guttmacher Institute cho biết Việt nam nằm đầu trong danh sách những nước có mức độ phá thai cao nhất, với khoảng 2 triệu lần phá thai trong một năm. Có nghĩa là trong 1000 phụ nữ thì có 111 phụ nữ tuổi từ 14-44 phá thai, cũng có nghĩa là 100 lần mang thai thì có đến 58.3 trường hợp phá thai. Nếu tính bình quân thì mỗi người phụ nữ Việt Nam phá thai 3,32 lần trong đời.

Riêng ở bệnh viện Từ Dũ, theo Bác sĩ Phạm Thanh Hải thì con số phụ nữ dưới 19 tuổi phá thai tăng đều mỗi năm. Tại bệnh viện nầy, năm 2005 có 388 trẻ vị thành niên đến phá thai thì đến năm 2008 con số nầy tăng lên là 512.

Theo tổng kết của Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Sinh Sản TPHCM thì có 2.4% trẻ vị thành niên trong tổng số 100.283 phụ nữ đến phá thai trong năm 2009.

Đó là những con số có thể theo dõi được. Con số thật sẽ cao hơn vì có rất nhiều trường hợp phá thái ở những cơ sở tư nhân.

Theo các nhà chuyên môn, một số những lý do chính đưa đến việc mang thai ngoài ý muốn dẫn đến phá thai là trong khi những thông tin, hình ảnh nhạy cảm tràn lan cộng với sự bung ra của điều kiện sống cá nhân cũng như xã hội làm cho đời sống tình dục của giớ trẻ bị tác động sớm, nói chung phụ nữ Việt Nam chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức về sức khỏe phụ sản và bản lãnh tự chủ trong vấn đề liên hệ nam nữ. Bên cạnh đó, còn có sự mơ hồ về tính đạo đức trong việc ngừa thai.

Nói về những nguy cơ trong việc có thai ngoài ý muốn, đầu tiên phải kể đến sự mang thai trong lứa tuổi vị thành niên.

Tuổi vị thành niên là tuổi mà cơ thể đang còn phát triển. Do đó, khi mang thai, nếu không có được chế độ dinh dưỡng thích hợp, sức khỏe của người mẹ và thai nhi sẽ có vấn đề. Những người mẹ vị thành niên thường không đủ trọng lượng cần thiết trong lúc mang thai, đưa đến tình trạng sinh con thiếu ký. Và sự sinh thiếu ký thường đi kèm với những bịnh hoạn của người con trong thời kỳ thơ ấu. Các cơ quan của những trẻ sinh thiếu ký thường phát triển không đầy đủ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Về mặt xã hội, theo thống kê ở Hoa kỳ, những người mẹ sinh con ở tuổi vị thành niên có đời sống khó khăn hơn nhiều so với những người mẹ có kết hôn và trên 20 tuổi. Những người mẹ vị thành niên thường không đủ hiểu biết và ý chí trong việc săn sóc thai nhi. Con của những người mẹ vị thành niên thường bị bỏ bê và ngược đãi. Theo thống kê thì những người con nầy khi trưởng thành, 13% phái nam bị tù tội, 22% phái nữ trở thành những người mẹ vị thành niên.

Và việc mang thai ngoài ý muốn là nguyên nhân chính của tình trạng phá thai.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy những ảnh hưởng trầm trọng về tâm lý cũng như vật lý nơi người phụ nữ phá thai.

Một nhóm nghiên cứu ở New Zealand, phân tích số liệu trong khoảng thời gian 25 năm, tìm hiểu nhiều tác nhân trước và sau phá thai, cho thấy rằng việc phá thai nơi những phụ nữ trẻ tuổi gắn liền với nguy cơ suy nhược tinh thần, lo âu, có khuynh hướng muốn tự tử, ít tự chủ…

Một nghiên cứu khác cho thấy việc phá thai ở tuổi vị thành niên thường đưa đến hậu quả mất ngũ, sử dụng marijuana thường xuyên hơn và cần nhờ đến sự cố vấn về tâm lý nhiều hơn những trẻ vị thành niên chịu sinh con.

Vào năm 2002, một nhóm nghiên cứu ở California cho thấy những phụ nữ cần chăm sóc về tinh thần trong vòng 90 ngày cao hơn 63% so với số phụ nữ giữ thai cho đến khi sinh nở. Những phụ nữ phá thai thường mắc những chứng bịnh như rối loạn thần kinh chức năng, tâm lý thất thường, phản ứng yếu ớt, tâm thần phân liệt.

Theo bác sĩ David Reardon, người phụ nữ phá thai sẽ không bao giờ quên được những sự việc xảy ra trong tiến trình phá thai, không bao giờ có lại được sự hồn nhiên lúc trước. Hình ảnh cuộc phá thai luôn luôn ám ảnh người đó, nhất là khi nhìn một đứa trẻ con của một người khác.

Về vật lý, người phụ nữ phá thai có nguy cơ cao về bịnh ung thư vú. Bên cạnh đó, những biến chứng về thể chất bao gồm thương tích, rách cổ tử cung, lũng, chảy máu, xuất huyết, nhiễm độc trầm trọng, đau đớn khoan tử cung và nguy cơ do sự bất toàn trong tiến trình phá thai. Hậu quả dài hạn của việc phá thai là hiện tượng sanh non trong những lần có thai về sau, nhau mọc gần cổ tử cung. Nhau mọc gần cổ tử cung thường dẫn đến sự sinh non, đứa trẻ thiếu ký, dễ chết khi sinh, bịnh hoạn cho nguời mẹ. Phá thai khi thai đã lớn (trên 21 tuần) có thể đưa đến sự tử vong của người mẹ.

Ngoài ra, việc dùng RU-486 để phá thai có thể đưa đến những biến chứng như xuất huyết, nhiễm trùng, có thai ngoài tử cung.

Đạo Phật Và Vấn Đề Phá Thai

Tuy không chủ trương chống việc phá thai một cách quá khắc khe, đối với đạo Phật, phá thai là một hành động tiêu cực.

Với đạo Phật, đời sống của một con người bắt đầu ngay từ lúc thụ thai. Thụ thai là sự kết hợp giữa cha, mẹ và thần thức của một chúng sanh. Thần thức đó đi tìm sự hiện hữu để tiếp tục cuộc hành trình vô tận của sống và chết, tích lũy kinh nghiệm để tiến hóa trên cuộc hành trình dài đó.

Tuy kinh điển xưa không đề cập nhiều về vấn đề phôi học, những hiểu biết về sự phát triển của bào thai trong đó không khác mấy với khoa học hiện đại. Giải thích những giáo lý truyền thống dưới ánh sáng những khám phá của khoa học hiện đại, hầu hết các nhà Phật học ngày nay đều cho rằng khi thụ thai, tức khi bắt đầu có sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng, là điểm khởi đầu của một đời sống con người. Do đó, việc phá thai bị coi là phạm giới sát sanh.

Phá thai tạo nhiệp xấu cho cả người mẹ và bào thai. Nghiệp xấu cho người mẹ là hành động sát sinh. Nghiệp xấu cho bào thai là bị đánh mất một cơ hội được tái sinh làm người, một cơ hội tiến hóa tâm linh, đồng thời đưa đến việc phát sinh chủng tử tiêu cực trong tâm thức của chúng sanh đó. Đối với đạo Phật, mọi sự đều có mối tương quan, và sự tương quan giữa mẹ và con là một sự tương quan khắn khít. Phương pháp thai giáo, tức dạy con từ lúc còn trong bao thai, chứng tỏ mối tương quan đó. Do đó, ý nghĩ, cảm xúc, lời nói, hành động của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp lên tâm thức của thai nhi.

Có thể có người lý luận rằng theo đạo Phật, đời sống là một dòng liên tục từ vô thủy và kéo dài đến một tương lai rất xa. Sinh và chết giống như cánh cửa xoay tròn mà qua đó một cá nhân liên tục bước qua rồi lại bước qua. Do đó, việc phá thai chỉ làm chậm lại sự đầu thai của một chúng sanh, và chúng sanh đó sẽ lại đầu thai vào một thời điểm khác trong tương lai, do đó phá thai không phải là một lỗi lầm nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với giáo lý truyền thống, cố ý giết hại một con người ở bất cứ giai đoạn phát triển nào đều là hành động tạo nghiệp.

Và dưới cái nhìn về luân hồi, mang thai là một sự việc thiêng liêng, và sự ra đời của một con người là một cơ hội hiếm quí.

Thời gian mang thai của người mẹ là thời gian nối liền giữa chết và sống, hay nói cách khác là thời gian xây dựng một khởi sự cho sự sống. Sự đầu thai của người con là tiến trình từ chết sang sống. Do đó, trong thời gian mang thai, người mẹ tiếp cận với hai hình thức thế giới: tâm linh và vật chất. Người mẹ cảm nhận sự thiêng liêng huyền nhiệm của sự kết hợp, gắn bó giữa tâm linh và vật chất.

Bên cạnh tính thiêng liêng đó, theo đạo Phật, được tái sinh làm người là một cơ hội hiếm quí. Chỉ khi làm người, một chúng sanh mới có những điều kiện cần thiết để có cơ hội chứng nghiệm thực tại, trau giồi kiến thức, phát triển tâm linh, gánh vác trách nhiệm đối với những sự sống khác. Dó đó, cha mẹ của thai nhi cũng như những người liên hệ cần trân trọng đối với sự thụ thai, mang thai và sự ra đời của một em bé.

Vì vậy, với người Phật tử, việc sinh con cần có sự chuẩn bị và chăm sóc kỹ lưỡng. Chuẩn bi trước khi có thai, chăm sóc trong khi có thai và sau khi sinh.

Tuy nhiên, với Phật giáo, không có một phán quyết tuyệt đối nào đối với vấn đề luân lý. Những quyết định liên quan đến vấn đề luân lý là một tập hợp phức tạp của nhiều nguyên nhân và điều kiện.

Đời sống Phật giáo đặt căn bản trên nguyên lý nhân quả. Đó không phải là một tín lý mà là một quy luật của vũ trụ. Luân lý Phật giáo vì vậy cũng được đặt trên nền tảng thực tại vận hành theo nguyên lý nhân quả hay nhân duyên, một mạng lưới tương quan nhiều chiều kể cả chiều thời gian. Nhìn thế giới dưới nhãn quan năng động đó, đạo Phật không đặt ra những quy luật tuyệt đối cho những hành vi luân lý. Giá trị của những hành vi được đánh giá một phần ở kết quả, một phần từ những tính chất đưa đến những hành vi đó.

Nguyên tắc chính của đạo Phật về đạo đức là cố gắng làm giảm bớt những khổ đau. Và chúng ta thấy rõ rằng sự dễ dãi trong việc phá thai cũng như những ngăn cấm khắc khe đối với việc phá thai đều có thể gây ra khổ đau cho cả người mẹ và thai nhi.

Viện Alan Guttmacher Institute cho chúng ta thấy rằng việc khắt khe ngăn cấm phá thai không ngăn chận được tình trạng phá thai. Khi bị ngăn cấm, việc phá thai sẽ được thực hiện lén lút và do đó dưới những điều kiện không an toàn.

Trong tâm trạng tuyệt vọng, người phụ nữ có thể có những hành xử liều lĩnh và nguy hiểm. Họ dùng những chất độc hại, đâm thọc, nhảy từ cao v.v.. để làm cho sẩy thai. Việc phá thai không an toàn đã làm cho khoảng 67.000 phụ nữ chết mỗi năm trên toàn thế giới, phần lớn ở những nước mà việc phá thai bị coi là phạm pháp.

Mặc dù không khuyến khích phá thai, dưới cái nhìn từ bi, người Phật tử không cảm thấy an tâm trước tình trạng đó. Người Phật tử được khuyến khích không giết hại và bảo vệ sự sống của tất cả chúng sanh, nhưng người Phật tử cũng hiểu rằng không thể có việc hoàn toàn tránh sự giết hại trong đời sống hàng ngày.

Đạo Phật thấy được những khó khăn và phức tạp của đời sống làm cho con người có những nhận định hồ đồ đưa đến những chọn lựa sai lầm. Do đó, người Phật tử nhìn việc đời với tâm từ bi và thông cảm thay vì khắc khe phê phán.

Đối với người Phật tử, để tránh phá thai, việc phòng ngừa thụ thai ngoài ý muốn là việc thiết yếu đầu tiên. Theo đó sự giáo dục và giúp đỡ cần được thực hiện, bao gồm việc khuyến khích và tạo môi trường để tránh việc lạm dụng tình dục trong giời trẻ, hướng dẫn về sức khỏe phụ sản, mổ xẻ tính chất đạo đức của việc ngừa thai, phổ biến tinh thần bình đẳng giới tính, cung cấp phương pháp và phương tiện ngừa thai an toàn, miễn phí hoặc giá rẽ.

Đối với những ngươi mang thai ngoài ý muốn, cần có những hổ trợ đặt biệt về tinh thần cũng như vật chất để giảm bớt áp lực mà người mang thai gánh chịu. Trong xã hội Việt Nam hiện tại, nguời mang thai ngoài ý muốn chịu áp lực rất nặng nề về nhiều mặt. Và để làm giảm việc phá thai, áp lực nầy cần được tìm cách giải tỏa, đặc biệt về mặt tinh thần.

Riêng Phật giáo có thể khuyến khích, hướng dẫn người trẻ lối sống lành mạnh, chánh niệm, từ bi, và trí tuệ để có những quyết định đúng. Bên cạnh đó, người Phật tử cũng cần gieo vào xã hội cái nhìn thông cảm và bao dung của đạo Phật đối với những người lỡ mang thai ngoài ý muốn. Khuyến khích những người đó thảo luận với những vị Thầy, thực tập Thiền quán … để có cái nhìn rõ ràng, tìm ra những cách giải quyết hợp lý, những quyết định hợp tình, hợp lương tâm.

Phật giáo tôn trọng quyền quyết định và chọn lựa của cá nhân, đặt biệt là người phụ nữ. Chính người phụ nữ là người phải cưu mang nặng nề nhất trong việc mang thai và có con.

Quyết định phá thai là một quyết định lớn lao, động cơ thúc đẩy cho quyết định đó đặt biệt quan trọng. Do đó, theo đạo Phật, người đó cần suy nghĩ kỹ lưỡng với tâm từ bi và lòng mong muốn cho mọi chúng sanh được sống hạnh phúc, trong đó có thai nhi. Quyết định đó cũng cần một mức độ chánh niệm để không bị hồ đồ.

Có những trường hợp đặt biệt mà Phật giáo có thể chấp nhận việc phá thai. Đức Dalai Lama thứ mười bốn có lần nói: “Có thể có những tình cảnh mà nếu đứa trẻ bị tàn tật trầm trọng phải chịu sự đau khổ lớn lao, việc phá thai được cho phép. Tuy nhiên nói chung, phá thai là lấy đi mạng sống và điều đó không được thỏa đáng.”

Nếu phải quyết định phá thai, người mẹ cần quán niệm về từ bi, hướng tình thương của người mẹ đến với thai nhi và an ủi thai nhi. Với sự cảm nhận về sự kết nối thiêng liêng giữa mẹ và con, người mẹ có thể tâm sự với thai nhi về quyết định của mình, chẳng hạn: “Mẹ biết rằng mẹ và con có nhân duyên nhiều đời nên mới gặp nhau ở đây. Tuy nhiên mẹ biết rằng khi ra đời, con sẽ đau khổ. Do đó, chúng ta cùng nhau sám hối những tội lỗi trong quá khứ để có thể gặp lại nhau trong hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Mẹ sẽ xin quy y Tam Bảo cho con, mong con đời đời kiếp kiếp nương tựa Tam Bảo để giải thoát những nghiệp xấu, tăng trưởng những nghiệp lành v.v…”

Ngoài ra, người Phật tử cũng tin rằng một người trải qua sự phá thai cần được đối xử một cách từ bi, và được hướng dẫn để chuộc lại những hành động sai quấy trong đời nầy và đời trước bằng cách thực hiện những hành vi thiện lành và tâm niệm thiện lành. Người đó có thể thỉnh chư Tăng quy y cho mình và thai nhi, và thực hiện những nghi lễ Sám hối, Cầu siêu. Những việc làm nầy có mục đích cải thiện những nghiệp xấu cho cả người mẹ và thai nhi, và làm cho tâm của người mẹ bình an hơn để có thể tạo một mảnh đất tốt cho nghiệp lành phát sanh.

Thị Giới

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Ba 2016(Xem: 6124)
Lời giới thiệu của người dịch: Dưới đây là phần chuyển ngữ một bài viết về một phụ nữ Pháp thật phi thường là bà Alexandra David-Néel (1868-1969), đăng trên tập san "Hướng nhìn Phật giáo" (Regard Bouddhiste, số l1, năm 2015). Trong Phật giáo có rất nhiều phụ nữ siêu việt và khác thường, xứng đáng cho chúng ta ngưỡng mộ và kính phục, mà bà Alexandra David-Néel là một trong những người phụ nữ ấy. Bài chuyển ngữ dưới đây là bài thứ ba trong một loạt bài với chủ đề "Phật giáo và người phụ nữ":
07 Tháng Ba 2016(Xem: 5729)
Dưới đây là phần chuyển ngữ một bài viết ngắn phân tích hiện trạng của người nữ tu sĩ Phật giáo trên toàn thế giới. Trong suốt lịch sử nhân loại, vị trí của người phụ nữ luôn bị xếp vào hàng thứ yếu trong xã hội, và người nữ tu sĩ thì "thấp kém" hơn các nam tu sĩ trong lãnh vực tín ngưỡng. Phật giáo cũng không hoàn toàn tránh khỏi ảnh hưởng của tình trạng đó, dù rằng điều này đi ngược lại Giáo Huấn của Đức Phật. Bài này được viết cách nay đã 10 năm, trong khoảng thời gian này nhiều cải thiện đã được thực hiện, thế nhưng dường như vấn đề này vẫn còn là một đề tài nóng bỏng.
11 Tháng Giêng 2016(Xem: 10506)
Hiện nay, giới nghiên cứu Phật học đang lưu tâm đến vấn đề: “Bát kỉnh pháp do Đức Phật chế ra hay do người sau thêm vào trong Tam tạng giáo điển?”. Để hiểu rõ vấn đề này, chúng ta sẽ nghiên cứu từng kỉnh pháp và liên hệ với bối cảnh mà Bát kỉnh pháp ra đời.
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 6345)
Dưới đây là phần chuyển ngữ của một bài viết trong quyển "Người phụ nữ" ("Les Femmes", nhiều tác giả, nhà xuất bản de l'Atelier, 2002), thuộc một bộ sách với chuyên đề "Các tôn giáo nghĩ gì?" (Ce qu'en pensent les religions). Tác giả bài viết này là Dominique Trotignon, nguyên tổng giám đốc Viện Nghiên Cứu Phật Học (IEB/Institut d' Etude Bouddhique) của Pháp, tu tập theo Phật giáo Theravada.
02 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6150)
Dù Phật giáo luôn quan tâm đến việc nêu cao trước quảng đại quần chúng hình ảnh của một tín ngưỡng phi-bạo-lực và mở rộng, thế nhưng đôi khi cũng không tránh bị cáo buộc là kỳ thị phụ nữ (misogyny) và phân biệt giới tính (sexism), nhất là khi nhìn vào vị trí của người phụ nữ trong sinh hoạt tập thể chốn chùa chiền.
13 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6773)
“Những nữ Phật tử đầu tiên” - The First Buddhist women - nói về các nữ đệ tử đầu tiên của Đức Phật nhằm khai thác thái độ tương đối tự do của Phật giáo đối với phụ nữ kể từ khi hình thành gần 2.600 năm về trước.
04 Tháng Chín 2015(Xem: 6065)
Một Tăng đoàn Phật giáo hoạt động đúng phải gồm bốn chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nữ cư sĩ và nam cư sĩ. Tất cả đều cần thiết như nhau để duy trì và hỗ trợ truyền thống và thực hành giáo pháp của Đức Phật.
11 Tháng Sáu 2015(Xem: 9807)
Vấn đề phá thai đã gây ra những bất đồng sâu xa về xã hội và chính trị ở Đông cũng như Tây Phương. Phật tử ở mọi nơi đều có bổn phận đưa ra sự chỉ đạo khôn ngoan cho những người gặp phải vấn đề nhức nhối này.
11 Tháng Sáu 2015(Xem: 15194)
Câu hỏi của tuần nầy đến từ Cô Gái Đẹp (Pretty Girl): Tôi là một người mẹ độc thân, đang nuôi một đứa con còn bé, mới bốn tuổi. Tôi năm nay 41 tuổi, và tôi đã có thai ba lần. Lần có thai đầu tiên, tôi đã phá thai, rồi sau đó, tôi cảm thấy không thể tha thứ cho chính tôi.
06 Tháng Tư 2015(Xem: 11836)
Nhận thức trong lời tác bạch: “Cuộc đời là vô thường, mọi vinh quang của thế gian không thể nào sánh với điều mầu nhiệm của đạo lý, chỉ có Phật pháp mới mang đến hạnh phúc thật sự.” Cô đã nhận thức buông bỏ, đã thế phát xuất gia dưới ánh từ quang của Như Lai, bước vào con đường ánh sáng tuệ giác vô tận. Hoa hậu Võ Bích Liên - Ni cô Thích Nữ Liên Ngọc là người con gái lành của đức Thế Tôn