Mùa Xuân Hoa Nghiêm

08 Tháng Hai 201503:15(Xem: 6334)
blank
MÙA XUÂN HOA NGHIÊM
Nguyễn Thế Đăng

Thế giới chúng ta đang sống đây luôn luôn có Phật, có thân Phật:

Như trong hội này thấy Phật ngồi
Tất cả vi trần đều như vậy
Phật thân không đến cũng không đi
Bao nhiêu cõi nước đều hiện rõ.
Như Lai xuất hiện khắp mười phương
Trong mỗi vi trần vô lượng cõi
Vô lượng cảnh giới đều hiện ra
Đều trụ vô biên vô tận kiếp.
Phật trụ Chân Như pháp giới tạng
Vô tướng vô hình không cấu nhiễm
Chúng sanh xem thấy được Phật thân
Tất cả khổ nạn đều tiêu diệt.
(Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm)

Cũng một biển thế giới Hoa Tạng là Biển quả của Phật (phẩm Thế giới thành tựu, thứ 4), tùy theo tâm thanh tịnh hay bất tịnh mà thấy có cõi Phật thanh tịnh hay có sanh tử khổ đau:

Biển thế giới Hoa Tạng
Đồng không khác pháp giới
Trang nghiêm rất thanh tịnh
An trụ nơi hư không…
Ví như trong rừng cây
Các thứ quả sai khác
Như vậy những thế giới
Các loài chúng sanh ở.
Ví như hạt sai khác
Sanh quả đều sai khác
Vì nghiệp lực sai khác
Cõi chúng sanh không đồng.
Ví như ngọc tâm vương
Tùy tâm thấy màu sắc
Khi tâm chúng sanh tịnh
Thấy được cõi thanh tịnh…
Hoặc có các cõi nước
Hiểm trở không bằng phẳng
Do chúng sanh phiền não
Thấy theo cách như vậy.
Tạp nhiễm và thanh tịnh
Vô lượng các thế giới
Tùy tâm chúng sanh khởi…
Thế giới tự như vậy
Thấy nhiều loại không đồng
Nhưng thật không có sanh
Cũng lại không diệt hoại.
(Hoa Tạng thế giới, thứ 5)

Để thấy được thế giới Hoa Tạng, chúng ta phải thanh tịnh tâm mình, đó là tích tập trí huệ, và mở rộng tâm mình, đó là tích tập công đức. Trí huệ và công đức gắn liền với nhau, không rời nhau.
Như trong sự thờ phụng, Đức Phật Thích Ca ngồi giữa, bên phải là Bồ tát Văn Thù, cực điểm của trí huệ, bên trái là Bồ tát Phổ Hiền, cực điểm của đại hạnh công đức.

Khi tích tập trí huệ và công đức đến mức khá đủ, chúng ta sẽ tương ưng với trí huệ Phật, tức là Pháp thân Phật và công đức Phật, tức là Báo thân và Hóa thân Phật. Khi nói thế giới Hoa Tạng là y báo của Phật, nghĩa là thế giới Hoa Tạng là Báo thân và Hóa thân của Phật. Do đó mà nói tất cả thế giới đều có Phật

Về tích tập trí huệ thấu rõ tánh Không, chương kinh nào cũng có nói, nhưng có những chương chuyên biệt hơn như phẩm Thập Định (thiền định và thiền quán để thấy Phật), phẩm Thập Thông (để thấy trí thần lực vô ngại của Phật), phẩm Thập Nhãn (để kham nhẫn và lãnh thọ sự thật vượt quá sức tưởng tượng của ý thức)… Về tích tập công đức là hạnh Phổ Hiền, như phát tâm (phẩm Sơ phát tâm công đức), tin (phẩm Hiền Thủ), hồi hướng, cúng dường, sám hối… Tích tập trí huệ và công đức khiến ta có thể bước vào thế giới thanh tịnh của chư Bồ tát, chư Phật.

Khi đã bắt đầu tiếp thông được thế giới Hoa Tạng hay pháp giới Hoa Nghiêm, chúng ta mới thấy được rằng thật tướng của thế giới chúng ta đang sống đây chính là pháp giới Hoa Nghiêm. Trong pháp giới đó tất cả đều được trang nghiêm bằng hoa và các thứ báu (phẩm Hoa Tạng thế giới), do đó kinh có tên là Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm là được trang hoàng bằng hoa trí huệ và công đức của Phật, trang hoàng bằng giải thoát giác ngộ, tất cả công đức và tất cả thần biến của Phật. Sự trang hoàng ấy vào đến những không gian nhỏ nhất như vi trần, những thời gian ngắn nhất như niệm, sát na, khoảnh khắc.

Thấy chỗ nào, thời gian nào cũng có đầy đủ trí huệ và công đức Phật, thậm chí trong mỗi hạt bụi, mỗi khoảnh khắc đều đầy đủ hoa và các báu trí huệ và công đức Phật. Đó là pháp giới Hoa Nghiêm, một thế giới trang hoàng bằng hoa không lúc nào ngừng nghỉ, chấm dứt. Thế giới ấy luôn luôn được trang nghiêm bằng hoa giác ngộ và công đức là một mùa xuân không dứt, vì “không thật có sanh, nên cũng không diệt hoại”. Mùa xuân vĩnh cửu trang nghiêm thanh tịnh ấy có thể gọi là mùa xuân Hoa Nghiêm.

Chúng ta vẫn luôn luôn sống trong mùa xuân Hoa Nghiêm ấy. Ngày nào chánh báo (thân tâm) và y báo (cảnh vật, môi trường) của chúng ta tương ưng được với Chánh báo và Y báo viên dung vô ngại của Phật thì chúng ta thấy trực tiếp được pháp giới Hoa Nghiêm của Phật. Nhưng cũng không nên tưởng rằng tương ưng là phải ngang bằng, vì trí huệ chánh báo và công đức ý báo của chúng ta có làm trong nhiều kiếp cũng chẳng nghĩa lý gì so với biển chánh báo và y báo của Phật, như một giọt nước so với đại dương.

Theo kinh Hoa Nghiêm, trí huệ và công đức của Phật Tỳ Lô Giá Na là vốn đã có sẳn, vốn đã viên thành. Quả Phật đã viên thành, biển Quả ấy đã có sẳn, chúng ta có sanh ra và chết đi bao nhiêu lần thì vẫn nằm trong biển Quả ấy. Quả Phật đã viên thành, đã sẳn đủ, và chúng ta tu hành trên và trong Quả đó, thế nên kinh Hoa Nghiêm là Quả thừa (Phalayana), quả của Phật Tỳ Lô Giá Na đã viên mãn, thay vì Nhân thừa (Hetuyana), tạo lập nhiều nhân để có ngày thành quả.

Chúng ta chỉ cần một số trí huệ, một số công đức để chạm vào biển trí huệ và công đức vốn đã viên thành của Phật thì pháp giới Hoa Nghiêm liền hiện tiền. Ví như vũ trụ là một kho nhiên liệu không lồ, chỉ cần chúng ta châm một mồi lửa đúng vào nó thì tất cả sẽ bừng cháy. Ví như một giọt nước, chỉ cần chạm vào đại dương thì giọt nước ấy trở thành đại dương.

Thế nên kinh nói: “Ngay khi phát tâm liền được tất cả chư Phật mười phương đồng khen ngợi, liền có thể thuyết pháp giáo hóa điều phục chúng sanh trong tất cả thế giới, liền có thể chiếu sáng tất cả thế giới, liền có thể nghiêm tịnh tất cả quốc độ, liền có thể khiến tất cả chúng sanh đều được vui mừng, liền có thể vào tánh tất cả pháp giới, liền có thể giữ gìn chủng tánh Phật, liền có thể được trí huệ quang minh của chư Phật”.

Như thế bởi vì chánh báo và y báo nhỏ nhoi của chúng ta đồng một thể tánh với chánh báo, y báo của Phật. Chánh báo và y báo nhỏ nhoi của chúng ta được thiết lập chính ngay trên chánh báo và y báo của Phật. Đến một lúc nào đó mà có con mắt pháp thanh tịnh, chúng ta sẽ thấy rằng chánh báo và y báo của chúng ta chính là chánh báo và y báo sẳn có và viên dung vô ngại của Phật. Khi ấy sanh tử biến mất, chỉ còn pháp giới Hoa Nghiêm hiện bày.

Đó là một mùa xuân vĩnh cửu vì chư Phật thường hiện tiền:

Tất cả pháp vô sanh
Tất cả pháp vô diệt
Nếu hiểu được như thế
Chư Phật thường hiện tiền
(Tu Di đảnh kệ tán, thứ 14)

Sống được pháp giới Hoa Nghiêm vô ngại ấy thì đời sống bình thường của chúng ta có một ý nghĩa pháp giới:

“Có thể dùng một cái hoa để trang nghiêm tất cả thế giới mười phương” (Thập Hồi hướng, thứ 25).

“Trong một niệm cùng với tất cả chúng sanh đồng ở” (Nhập pháp giới, thứ 39).
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Hai 2015(Xem: 7021)
Từ xưa đến nay, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam đã lưu tồn nhiều phong tục, trong đó có phong tục nói lời chúc. Thông thường, người ta chúc nhau Tam đa, đó là đa phúc, đa lộc và đa thọ.
15 Tháng Hai 2015(Xem: 6780)
Lác đác ngoài sân tuyết đã tan / Tươm tất ngũ quả bày trên bàn / Sột soạt trên tường trang lịch mới…/ Chợt hay vũ trụ chuyển xuân sang.
13 Tháng Hai 2015(Xem: 6837)
Gần một tuần nay, bắt đầu từ thứ Sáu, 30 tháng Giêng năm 2015 chợ hoa Tết trước khu Thương xá Phước Lộc Thọ trên phố Bolsa (California, Mỹ) đã nhộn nhịp hẳn lên do thời tiết đã có nắng ấm sau một tuần mưa gió lạnh lẽo. Hoa kiểng nhiều loại mới lạ và nhiều hơn năm rồi. Tết cổ truyền hiện diện rõ nhất chỉ có thể thấy ở khu Little Sài Gòn ở miền Nam Cali..
11 Tháng Hai 2015(Xem: 9541)
Tôi đã ưa thích màu nắng ở quê nhà từ những ngày thơ ấu. Nó không thực sự là màu gì nhất định. Có thể gọi màu nắng là màu trắng ngà. Không, không hẳn thế. Bạn không thể nói cho đúng, rằng màu nắng là màu gì. Vì bạn chỉ nhận ra màu nắng khi nó chiếu rọi vào một cái gì, và nó không còn là cái mà chúng ta muốn nói nữa.
10 Tháng Hai 2015(Xem: 13261)
10 Tháng Hai 2015(Xem: 8124)
Xuân là tương lai, Xuân đem đến cho nhân gian bao điều hy vọng, Xuân đem đến cho cuộc đời những ước nguyện ngày sau, Xuân là hoa, là nắng hồng ấm áp, là nụ cười, là sức sống mới vươn lên, xuân là tháng ngày bình yên và hạnh phúc, là thương yêu của vĩnh hằng gửi đến nhân gian. Cho nên thế gian khi xuân đến người người đều chào đón, vui như tết nên mở hội, nên đón Xuân.
09 Tháng Hai 2015(Xem: 6574)
Mùa Xuân đã đến Như Vậy đó! Hãy đến để mà thấy: một đóa hoa vàng đang nở trên bãi cỏ non! Sự sống đang phơi bày một cách bộc trực cho tâm thức Người Khách thưởng lãm.
07 Tháng Hai 2015(Xem: 9353)
Sau những cơn mưa và giá rét của mùa đông đánh dấu sự chấm dứt trạng thái già cỗi của một chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ v à khai sinh một lộ trình mới, tươi, trẻ và đầy sức sống của mùa xuân. Ở đó, vạn vật thay đổi toàn diện từ trong ra ngoài.
07 Tháng Hai 2015(Xem: 7333)
Mỗi năm khi mùa xuân đến mọi người rộn rã đón xuân. Không khí xuân dường như phảng phất đâu đây khiến lòng mình cũng lân lân, thơ thới. Nhà nhà bận bịu lo dọn dẹp, trang hoàng.