Hoa Đào Năm Ngoái

01 Tháng Hai 201100:00(Xem: 50308)
tuyentaphuongphapmuaxuan 2
HOA ĐÀO NĂM NGOÁI 
 

Ninh Thượng

1_iykim2000-1"Trước sau nào thấy bóng người, 
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông."

Ngữ tình vương vấn. Tâm cảnh xao động. Mối tương dữ sâu sắc giữa thiên nhân trong lần Kim Trọng trở lại vườn Thúy tìm Kiều. Người xưa vắng bóng, chỉ thấy cảnh cũ hoa đào cười trước gió đông ngày xuân. Đó cũng chính là cảnh của Thôi Hộ trong bài thơ dưới đây.





Bài thơ viết theo lối hành đá thảo:

hoadaonamngoai-1

In theo lối chân phương:

hoadaonamngoai-2

Nguyên âm: 
Đề tích sở kiến xứ

Khứ niên kim nhật thử môn trung,  
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. 
Nhân diện bất tri hà xứ khứ, 
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.* 
(Thôi Hộ)

* Có bản chép là: 
"Nhân diện chí kim hà xứ khứ 
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong"

Dịch: 
Đề nơi trước gặp gỡ

Cửa đây năm ngoái ngày này  
Hoa đào cùng với mặt ai ửng hồng. 
Mặt người giờ biết đâu không 
Hoa đào còn đó gió đông vẫn cười. 
(Ninh Thượng)

Đề nơi trưóc đã thấy

Năm ngoái, ngày này, dưới cánh song, 
Hoa đào ánh má, mặt ai hồng. 
Mặt ai nay biết tìm đâu thấy, 
Chỉ thấy hoa cười trước gió đông. 
(Đỗ Bằng Đoàn & Bùi Khánh Đản)

Hoa cười gió đông, một ngữ cảnh soi tỏ vũ trụ tâm linh, phản chiếu toàn vẹn nội tâm chủ thể, một tâm tư hụt hẫng của Thôi Hộ không gặp lại được người đẹp nơi Đào viên chốn cũ năm ngoái.

Đào viên đây chính là đào nguyên dành riêng cho Thôi Hộ. Hoa đào cười cợt cái tính nhút nhát của người thơ và cũng là cười chế nhạo sự bẽ bàng của người thơ không gặp được giai nhân. Hoa đào tưởng chừng không tàn, vẫn tồn tại từ năm ngoái đến nay để cười cợt cùng gió đông. Đó chính là cái tâm ảnh của một bóng hình giai nhân vĩnh cửu trong hồn kẻ đang yêu và không gian tâm lý ở đây khác hẳn với không gian đào nguyên chốn Thiên thai khi Lưu Nguyễn lạc lối:

Thảo thụ tổng phi tiền độ sắc, 
Yên hà bất tự vãng niên xuân 
(Tái đáo Thiên thai-Tào Đường)

(Cỏ cây hoàn toàn không có sắc mầu độ trước, 
Mây khói chẳng giống mùa xuân cũ)

Cảnh xuân phảng phất hồn người không lãnh đạm thờ ơ như trong thơ Sầm Tham:

Đình thụ bất tri nhân khứ tận, 
Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa 
(Sơn phòng xuân sự)

(Cây trong sân không biết là mọi người đã ra đi, 
Xuân sang vẫn nở những đóa hoa ngày cũ)

Bài thơ là một tuyệt bút của Thôi Hộ, và được hình thành ghi đậm nét mối lương duyên tuyệt vời của nhà thơ. Vậy Thôi Hộ là ai?

Thôi Hộ tự Ân công, người quận Bác lăng, nay là Định huyện, tỉnh Trực lệ, Trung Hoa, sống vào khoảng niên đại Đường Đức tông. Thôi Hộ vốn lận đận khoa cử lại là người tuấn nhã, phong lưu nhưng sống khép kín, ít giao du. Một bữa trong tiết Thanh minh chàng dạo chơi phía nam thành Lạc Dương. Thấy một khuôn viên trồng đào, hoa tươi thắm nở rộ, rất ngoạn mục. Chàng đến gõ cổng xin nước uống. Lát sau một thiếu nữ cực kỳ diễm lệ đem nước ra và hỏi tên họ chàng. Nhìn nhau "tình trong như đã, mặt ngoài còn e". Uống xong, chàng bỏ đi. Năm sau cũng trong tiết Thanh minh chàng trở lại chốn cũ, nhưng cổng đóng then cài, gọi mãi không thấy ai. Chàng viết bài thơ trên dán trên cổng. Ít bữa sau trở lại, chợt nghe tiếng khóc từ trong nhà vọng ra rồi thấy một ông lão ra hỏi chàng có phải là Thôi Hộ không và cho biết con gái của cụ sau khi đọc xong bài thơ bỏ cả ăn uống, đã chết, xác vẫn còn ở trong nhà. Thôi Hộ tìm vào đến bên xác người con gái, tuy đã tắt thở nhưng vẫn còn ấm và mặt mày vẫn hồng nhuận. Chàng quỳ xuống than van kể lể. Người con gái sống lại. Chàng xin cưới làm vợ.

Đến năm 796, niên hiệu Trinh Nguyên Thôi Hộ đậu tiến sĩ, làm tiết độ sứ Lĩnh Nam. Bài thơ ghi lại mối lương duyên bất hủ của người thơ.

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Giêng 2017(Xem: 6139)
18 Tháng Giêng 2017(Xem: 6284)
03 Tháng Giêng 2017(Xem: 5228)
22 Tháng Ba 2016(Xem: 6244)
Còn chăng ước mơ tuổi trẻ? Cứ mỗi mùa xuân đến người ta lại xao xuyến với bao xúc cảm dạt dào, người già mong sao mình còn khỏe mạnh để vui vầy bên con cháu, người trung niên hồi tưởng về những ngày niên thiếu, người trẻ hơn thì rộn ràng tâm tưởng với bao nhiêu dự phóng tương lai. Nói khác đi, mùa xuân gợi cho người ta những ao ước thành tựu các giấc mơ.
23 Tháng Ba 2016(Xem: 5573)
Thiền gia có câu nổi tiếng: " Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến Tánh thành Phật." Thế mà vì sao thiền thi thiền kệ tràn ngập trong giới thiền gia và cư sĩ mộ đạo thiền? Không phải là thiên hạ bị tẩu hỏa nhập ma đâu! Ấy chính là chứng minh cho chúng ta thấy hành thiền chân chính thì chẳng lạc vào vô ký không mà biến thành vô tri vô giác, chính cũng là vì trong chân không lại có cái diệu hữu. Ấy chính là nghệ thuật hướng tâm về đạo giác ngộ, là nương nhờ huyền diệu tự tại thần thông, du hí tam muội của Bồ tát để tùy duyên mà ngao du trong cõi Sa Bà.
21 Tháng Giêng 2016(Xem: 6659)
Xuân Bính Thân 2016 nói về con khỉ trong Kinh Phật. Tâm giống như con khỉ (kapicitta) là một thuật ngữ, đôi khi Đức Phật dùng để diễn tả các hành-vi lo-lắng, khuấy-động, dễ-dàng bị rối-trí và không-ngừng thay-đổi của ý-thức, hoặc cái-biết của con người bình thường
20 Tháng Giêng 2016(Xem: 5656)