Lời giới thiệu: Để tưởng niệm HT Minh Châu tân viên tịch, chúng tôi xin trích lại Hồi ký của BS Erich Wulff, đoạn viết về chuyến trở lại Việt Nam tháng 4 1964, tình cờ đã đi trên cùng chuyến máy bay.
CHUYẾN TRỞ LẠI VIỆT NAM
1964 Lời người dịch : Đây là bài thứ tư được trích dịch từ quyển hồi
ký tiếng Đức Vietnamesische Lehrjahre (Những năm dạy học tại Việt Nam),
Suhrkamp Verlag, Taschenbuch Nr. 73, Frankfurt a.M., Germany, 1972, từ
trang 211 đến 214, với tên tác giả Georg W. Alsheimer, bút hiệu của Erich Wulff. Ông này là một bác sĩ người Đức dạy tại
trường Đại học Y khoa Huế từ năm 1961 đến 1967, trong khuôn khổ viện trợ giáo
dục của Tây Đức. Vì một sự tình cờ, tác giả đã chứng kiến biến cố tại đài phát
thanh Huế đêm 8/5/1963 làm 8 Phật tử bị chết một cách thê thảm và đã được mời
trình bày sự kiện này trước Uỷ ban điều tra đàn áp Phật giáo Việt Nam của Liên
hiệp quốc vào tháng 9/1963. Trong suốt chuyến bay từ Paris về Sài gòn tôi chỉ biết nằm ngủ. Hai chỗ ngồi bên cạnh tôi bị bỏ trống. Khi máy bay dừng lại tại New Delhi tôi thấy bước vào một hành khách là một vị tăng sĩ tròn trịa, khoảng 50 tuổi vận áo vàng ; khi đi ngang qua chỗ tôi ngồi, tôi nghe hình như vị ấy thì thầm vài chữ tiếng Việt. Lúc ăn sáng tại một quán ăn ở phi trường Bangkok tôi đến ngồi bên vị ấy và gợi chuyện. Vị ấy đúng là một người Việt và đã sống 12 năm vừa qua tại Ấn độ. ‘Nếu vậy, chắc Thầy là Thượng tọa Thích Minh Châu’. Vị ấy cười: ‘Còn ông, chắc ông là Bác sĩ Wulff phải không?’. Vị ấy đã nhìn thấy sổ Thông hành Đức của tôi khi tôi trình giấy tờ cho cảnh sát phi trường, do dó đã suy luận ra như thế. Bức thư của tôi viết vào tháng 5/ 1963 đã đến tay Thầy (1) và Thầy đã báo động liền đến Tổ chức Phật giáo Thế giới. Sau đó Thầy cũng đã đọc được một vài bài báo khác của tôi. Thời gian còn lại trên chuyến bay về lại Sài gòn quá ngắn ngủi để tôi có thể kể lại cho Thầy nghe hết những gì tôi đã chứng kiến tại Việt Nam trong những năm vừa qua. Vì đã xa quê hương hơn 12 năm nên Thầy cũng khó hình dung được tình hình hiện nay như thế nào. Thầy đã hỏi tôi về tình hình, về dư luận, về những tàn phá của cuộc chiến tranh, về sức khoẻ của người anh ruột đang làm Chủ sự tại Tòa Viện trưởng Viện Đại học Huế. Thầy tỏ vẻ thông cảm với những câu trả lời chưa được hoàn hảo lắm của tôi. Thầy Minh Châu là một con người trầm tĩnh, sâu sắc ; phong cách thoải mái và đượm nhiều hóm hĩnh chứng tỏ Thầy không phải là một nhà tu khổ hạnh hay là một người xách động chính trị. Nhưng Thầy là một người quan sát tinh tường, đã đi thăm nhiều nơi tại Đông Nam Á cũng như đã ghé qua Trung hoa lục địa. Với những kinh nghiệm giao thiệp quốc tế như thế của Thầy, điều rất còn thiếu sót nơi các vị lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, hẳn sẽ giúp Thầy làm nhịp cầu đối với bên ngoài. Thầy nói cho tôi biết rằng trước hết Thầy muốn xem tình hình tại quê nhà như thế nào. Thầy cũng không biết sẽ ở lại hay lại ra đi. Nhưng khi về lại Sài gòn, Thầy đã nhận lãnh nhiều vinh dự và công tác đến nỗi không còn nghĩ đến chuyện rời xa khỏi nước. Thầy đã được bổ nhiệm vào chức vụ Viện trưởng của Đại học Phật giáo Vạn Hạnh vừa mới được thành lập. Khi máy bay hạ cánh tại Sài gòn, tôi thấy sân bay đông nghịt cả người. Một ban quân nhạc đứng dàn chào ; phía dưới cầu thang máy bay tôi thấy đã có mặt các người bạn Hoàn, Tuân (2) và thầy Trí Quang cùng các vị lãnh đạo Phật giáo khác. Thời tiết nóng bức dữ dội, tôi lại mặc bộ đồ veston và cầm áo choàng vì không còn chỗ để trong vali và để tránh quá kí. Khi bước ra máy bay, tôi lại cầm tay hộ thùng đồ to tướng của thầy Minh Châu, nên trông tôi có vẻ nực cười. Một viên đại tá giơ tay chào và xin tôi giao giấy phiếu lãnh hành lý và giành lấy thùng đồ to tướng ra khỏi tay tôi, trước khi tôi giải thích được rằng thùng đó không thuộc về của tôi. Sau đó tôi mới có thể chào hỏi bạn bè. Tôi phải bắt tay lia lịa bên phải và bên trái của tôi. Các bạn Fritz và Miên (3) không ra đến được sân bay. Khi chúng tôi được đưa ra khỏi Phòng khách đặc biệt, tôi chợt thấy họ đứng bên cạnh xe Con Cóc 2 CV lọc cọc của Miên. Tôi muốn đi về nhà cùng với xe của họ, nhưng thầy Trí Quang nhất định mời tôi vào ngồi trong một chiếc xe Mercedes được mướn để đưa về nhà Lý, người anh của Tuân để dự một bửa tiệc tại đó. Những ngày tiếp theo là những buổi tiếp tân và chiêu đãi liên miên. Các chùa mời những bửa ăn chay thịnh soạn, còn các người bạn Hoàn và Oánh, Miên và Quát (4) thì mời những bửa cơm tối thân mật. Những lúc rổi rãnh tôi đều qua biệt thự của Tuân, nhỏ hơn ngôi nhà của họ ở Huế nhưng lúc nào cũng đầy ập cả người giống như một chỗ cắm trại camping vào lúc cao điểm. Bà con và bạn bè từ Huế vào đều tá túc tại đây, Tuân và người vợ Phương nhiều lúc cũng không có một căn phòng dành riêng cho mình. Quát vẫn ở tại ngôi nhà cũ đẹp đẽ, vì không muốn dọn vào một tòa nhà của chính phủ với nhiều điều phiền toái. Riêng Oánh và Hoàn thì dọn vào những toà lâu đài với vườn hoa rộng lớn như công viên, có những bức tường cao bao bọc chung quanh. Đó nguyên là các tòa nhà của những nhân viên cao cấp của thực dân Pháp trước đây để lại. Bà vợ của Hoàn, trước đây làm nghề y tá tại Paris, nay đeo đầy hột xoàng, đang tìm cách vô vọng thế vào vai trò của một Đệ Nhất Phu nhân của bà Nhu trước đây. Người chồng không lấy làm gì vui vẻ cho lắm, nhưng không dám nói gì. Trong những ngày đầu tiên sau khi trở lại Việt Nam tôi không có thì giờ cho những buổi đàm luận nghiêm chỉnh. Tôi vừa mới hoàn tất những buổi gặp mặt cần thiết thì quý Thầy Trí Quang và Minh Châu muốn đi cùng tôi ra Huế. Tuân cho rằng một chuyến đi chung như vậy có lợi về mặt chính trị. Tại phi trường Phú Bài các sinh viên và các đồng nghiệp người Đức đã chờ đón tôi. Nhưng mà họ không có cơ hội để chào đón tôi một cách đàng hoàng. Hàng ngàn Phật tử đã chiếm lấy sân bay, hoan nghênh nhiệt liệt quý Thầy Trí Quang, Minh Châu và tôi, và vẫy lá cờ năm màu của Phật giáo quốc tế trên tay. Chúng tôi tiến vào thành phố trên những chiếc xe mui trần, đoạn đường dài 13 cây số đi qua những phong cảnh quen thuộc đang sang xuân vào lúc hoàng hôn đã làm biến mất đi dần những biên giới không gian như trong một bức tranh Tàu. Tại mỗi thôn xóm đi qua đều có các đoàn thanh niên phật tử hân hoan đứng chào trước những căn nhà trang hoàng đầy hoa và cờ. Đoàn xe đi vào Huế, chạy dọc dòng sông Hương, đi ngang qua cư xá của chúng tôi và dừng lại tại chùa Từ Đàm, trung tâm tranh đấu chống chế độ Diệm và là nơi khỏi đầu của phong trào chấn hưng Phật giáo 30 năm trước đây. Các em thiếu nhi phật tử đứng tập hợp bên cạnh các thiếu nữ áo dài tím nhạt và các thanh niên trong đồng phục của Gia đình phật tử. Đứng trên tầng cấp của chùa, quý Thầy Trí Quang, Minh Châu và tôi nói những lời phát biểu ngắn (5).
HT Minh Châu, BS E. Wulff, được tiếp đón nồng nhiệt tại chùa Từ Đàm khi trở lại Huế sau ngày đảo chánh (Với Hòa Thượng Thích Trí Quang và Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, ngày 14.4.1964)
Trong lúc đứng trên khán đài tôi cảm nhận được niềm hân hoan phấn khởi của quần chúng. Ở nơi đây tôi có cảm giác rất mạnh mẻ nhiều hơn so với Sài gòn về nồng độ biểu dương bề ngoài, vì thực tại chợt đến như một giấc mơ. Đó là một sự hoà nhịp giữa những tình cảm nồng cháy trộn lẫn với tâm trạng hãnh diện của những người chiến thắng trở về lại nơi chốn mà trước đây người ta đã gieo sợ hãi và đã trục xuất tôi đi. Nhưng trên đường trở về lại căn phòng, tôi đâm ra suy nghĩ về sự say men chiến thắng của các giới Phật tử. Điều này làm cho tôi liên tưởng đến những gì đã xẩy ra trước đây do người Thiên chúa giáo gây ra, những điều mà tôi không đồng tình và chống đối. Tuy nhiên sau khi chịu nạn kỳ thị trong 10 năm vừa qua, nay có lẻ đám đông quần chúng cần một biểu thị tự chứng tỏ sức mạnh. Một sự biểu dương lực lượng hẳn nên được chấp nhận. Nhưng điều này sẽ kéo dài bao lâu ? Tôi mong mỏi rằng sự say men chiến thắng và biểu dương quyền lực mới giành được này của các Phật tử không làm mờ đi những nhiệm vụ quan trọng hơn đang đợi chờ họ. BS WULFF Ghi chú của người dịch : (1) Bác sĩ Wulff đã biên thư cho Thầy Minh Châu kèm theo lá thư của Thầy Trí Quang báo động về vụ đàn áp tại đài Phát Thanh Huế đêm 8/5/63. Xin xem bài thứ nhất phổ biến trên các trang nhà : http://www.dieungu.org/D_1-2_2-44_4-12345_5-50_6-1_17-29_14-2_15-2_10-wulff_12-3/ ; http://www.quangduc.com/phatdan/86bsiwulff.html (2) Lúc này các người bạn của tác giả đang tham gia chính quyền : Phó thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn, bộ trưởng giáo dục Bùi Tường Huân (Xin xem ghi chú 1 của bài thứ nhất ghi lại trên đây). (3) tức Đại sứ Bùi Diễm; Fritz là Tuỳ viên văn hóa toà Đại sứ Hoa kỳ. (4) tức Thủ tướng Phan huy Quát, và Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh sau này. (5) Xin xem hình ảnh và bài viết của BS Wulff nhân kỷ niệm 40 năm nhìn lại Pháp nạn 1963 : http://www.dieungu.org/D_1-2_2-44_4-5395_5-50_6-1_17-29_14-2_15-2_10-wulff_12-3/ |
Trở về mục lục: ● 'TUYỂN TẬP TƯỞNG NIỆM TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH MINH CHÂU