Trao Đổi Với Tác Giả Bài Viết "Suy Nghĩ Về Một Đoạn Dịch Ngắn Trong Dịch Phẩm “Hữu Cú Vô Cú” Của Dịch Giả Viên Như" - Viên Như

11 Tháng Tám 201100:00(Xem: 8644)


TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ BÀI VIẾT 
"Suy nghĩ về một đoạn dịch ngắn 
trong dịch phẩm “Hữu cú vô cú” của dịch giả Viên Như"
Viên Như

Vừa qua tôi có bài dịch và giảng thi kệ “Hũu cú,vô cú” của Ngài Trần Nhân Tông đăng trên các trang Phatttuvietnam.net, Giacngonline, nigioingaynay. (thuvienhoasen.org) Sau đó có bài phê bình góp ý của Thầy Thích Minh Trí. Trong bài này, ngoài mấy lời giáo huấn tựu trung có mấy vấn đề sau : 
 

1- Căn cứ vào đâu mà tôi dịch “ Hửu cú, vô cú là chấp có, chấp không”.
2- Thầy dịch lại đoạn kệ mà thầy cho là tôi dịch sai.
3- Xúc phạm các bậc tiền nhân và danh tăng ngày nay.
4- Tôi nên xem lại đứa con tinh thần của mình, vì “Cao nhân tất hửu cao nhân trị”

Xin trả lời Thầy từng phần như sau:
 
1- Căn cứ vào đâu mà tôi dịch “ Hữu cú, vô cú” là “Chấp có, chấp không”.

Tôi dịch “ Hũu cú, vô cú là chấp có, chấp không”. Là có căn cứ . Từ điển Phật học Hán Việt của Phân viện nghiên cứu Phật học Hà Nội 1994 mục “Tứ cú chấp” viết như sau : 

Bốn câu chấp : 
1- Câu thường (thường cú) 
2- Câu vô thường (Vô thường cú) 
3-Câu cũng thường cũng vô thường( Diệc thường diệc vô thường cú) 
4- Câu chẳng thường chẳng vô thường ( Phi thường phi vô thường cú)
(Nghĩa của từng câu xin xem trong tự điển vì viết ra đây quá dài)

Như vậy “Hữu cú Vô cú” dịch là “Chấp có chấp không” sao không căn cứ? Có lẽ Thầy đã tra nát tất cả các từ điển Hán –Việt, Việt Hán, hay bất cứ từ điển nào liên quan đến Hán ngữ cổ văn, kim văn mà quên cuốn Từ điển Phật Học chăng? 

2- Thầy dịch lại đoạn kệ mà Thầy cho là tôi dịch sai.
 
Xin trích lại nguyên văn của thầy :

"Có nói, không nói,
Cũng đều như thị.
Cửa Thiền đã mở,
Tuyệt không mặt mũi”

Theo thiển nghĩ của chúng tôi, đại ý của bài kệ này là: dù tôi (Phật hoàng Trần Nhân Tông) có nói ra hay không nói ra thì các pháp cũng đều là như thị. Nếu ai đã giác ngộ chân lý (Cửa Thiền đã mở) thì đều sẽ nhận chân được thực tướng của các pháp là vô ngã tướng (Tuyệt không mặt mũi). 

 Về cách dịch và giảng của Thầy tôi xin có ý kiến như sau :

I - Phần dịch

Câu 1 : “Có nói không nói

Thầy dịch như vậy là dựa vào định nghĩa mà Thầy cho trước "Chữ “句 - cú” nghĩa của nó rất đơn giản là câu văn, lời nói, hay nói”. Không biết là Thầy lấy câu này ở tự điển nào?. Trong mấy cuốn Tự điển tiếng Việt hiện tôi đang có và tra trên internet thì “cú” có nghĩa là “câu”. Thế thôi. Vì Thầy dịch “cú” là “nói” mà đã nói thì phải có người nói nên Thầy mới thêm chủ từ ngôi thứ nhất TÔI ( Ngài TNT) cho câu. 

Chắc Thầy quên rằng câu này do ngài Pháp Loa hỏi và câu hỏi không có chủ từ, phàm cái gì không thuộc về ai thì xem như nó thuộc về mọi người.
Ví dụ : câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng, 
tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Dĩ nhiên khởi nguyên phải có ai đó nói chứ đâu phải câu này từ trên trời rơi xuống, nhưng lâu ngày chẳng ai còn nhớ đến tác giả nên thành của chung mà từ chuyên dùng gọi là dân gian hay quần chúng. Do vậy chủ từ của câu này phải là ngôi thứ ba, cụ thể là “Người ta chấp có chấp không thì như thế nào?" “Người ta” này bao gồm trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Chính vì vậy ngay đoạn đầu tiên Ngài TNT nói ngay liền “Thầy tu mấy gã” mấy gã đây thì nhiều lắm bao gồm mấy gã “Tự cổ tự kim”. Thế mới thấy thi kệ này là một kiệt tác. 

Câu 2: Thầy dịch “Cũng đều như thị." 

Từ “như thị” nghĩa: giống vậy, đúng thế, là phó từ khẳng định chỉ những thông tin trước và sau nó.

A – Nếu từ này đứng ở phần đầu một đoạn văn thì những thông tin nó chỉ ra bao gồm những gì được đề cập sau nó : 
Ví dụ: Như vậy tôi nghe: Một thuở nọ ……………..

B – Nếu từ này đứng ở phần giữa hay phần cuối đoạn văn thì thông tin mà nó chỉ ra gồm tất cả những gì được đề cập trước nó và thông thường là để đưa ra kết luận.

Ví dụ: Anh A đi chợ, chị B quét nhà, cô C nấu ăn cứ như vậy mà làm. 

Thi kệ “Hũu cú vô cú” là một tác phẩm văn học, do đó nó có đủ tất cả những tiêu chí của một tác phẩm, một trong những tiêu chí ấy là nội dung của tác phẩm ấy phải xuyên suốt (nhất quán), được thể hiện qua sự phát triển của tác phẩm từ nêu đề tài, mở rộng đề tài, tới cao trào và về phần kết, tất cả các thành tố này phải kết hợp với nhau một cách hợp lý (trong thuật ngữ chuyên dùng gọi là “chỉnh thể”) mới gọi là tác phẩm văn học.

Vì tính đa nghĩa của từ, do đó đoạn Thầy dịch phải đặt nó trong tác phẩm chứ không thể lấy một đoạn mà dịch và giảng được. Như vậy từ “như thị” xuất hiện ở đây (giữa bài) với chức năng chỉ những thông tin trước nó, từ đoạn 1 tới 7, chứ không như Thầy giảng. Thêm vào đó từ “như thị” xuất hiện ở đoạn 8 hai lần là có dụng ý để biểu thị sự khẳng định; do đó nếu bỏ bớt là một sai lầm nghiêm trọng; đồng thời cho thấy đoạn 7 chính là cao trào của tác phẩm và ý chủ đạo chính là câu “chấp chỉ vong nguyệt”.

Vì vậy cách hiểu từ “như thị” của Thầy quá xa vời, không đúng với nghĩa và chức năng mà từ này mang lại trong bài. 

Câu 3. Cửa Thiền đã mở

Để giải thích cho thuật ngữ “Bát tự” Thầy đã tra cứu tự điển và và lấy thuật ngữ “八字牆門 - bát tự tường môn”, với nghĩa là “Đôi cánh cửa mở ra một phần, và vì vậy nó giống như chữ bát (八). Rồi thầy diễn giảng “Bát tự tường môn” hoàn toàn đồng nghĩa với “Bát tự đả khai”, có nghĩa bóng là: “Cửa Thiền/ cửa chùa đã mở”, mà nếu hiểu theo nghĩa rộng của nó là một người nào đó đã giác ngộ chân lý. 

Phần này tôi có ý kiến như sau: 

Thầy cho hai cụm từ này đồng nghĩa là áp đặt; bởi những lý do sau đây: 

A- Cụm từ này đã được cố định với nghĩa nhất định, do đó không thể cắt ra mà vẫn còn nguyên nghĩa, trừ khi tự điển có một từ “Bát tự” với đầy đủ nghĩa “Đôi cánh cửa mở ra một phần, và vì vậy nó giống như chữ bát (八).

B- Nếu cứ cho là “Bát tự” với đầy đủ nghĩa như trên thì việc lắp ghép vào trong câu “bát tự đả khai” thì nghĩa của câu này thật lạ “cánh cửa mở hờ đã mở”. Thì làm sao mà đồng nghĩa được.

C- Nếu so sánh cách dùng từ của Ngài TNT thì sẽ thấy rõ như :“Dây khô cây ngã, lập chỉ lập tông, chẳng có chẳng không, tự xưa tới nay v.v”. Ngài thường dùng hai khái niệm đối lập để biểu thị. Câu “Bát tự đả khai” cũng nằm trong chiều hướng này, có nghĩa là trước khi mở phải là đóng hay trước khi nói là im lặng. Điều này cho thấy cách dùng từ trong tác phẩm thể hiện tính nhất quán và nó cũng là một tiêu chí để xây dựng nên chỉnh thể của tác phẩm.

D- Thông thường người ta sử dụng một hình thái, sự việc có tính phổ biến để biểu thị cho toàn bộ sự việc (đây là một trong những biện pháp tu từ) 

Ví dụ: Anh ấy có chân trong đội bóng. 

Sao lại chỉ có chân thôi được? ở đây người ta đã dùng một phần cơ thể với ý nghĩa toàn bộ cơ thể, vì phàm bất cứ ai dù ở đâu trên thế giới này muốn đá bóng thì phải dùng chân( phổ biến). Trong trường hợp này từ “Bát tự” với nghĩa như trên thì làm sao mà biểu thị cho cửa Thiền được, bởi vì bất cứ nhà ai có cửa hai cánh mà mở một phần thì đều giống hình chữ bát chứ có riêng gì chùa. Mà đâu phải cứ là chùa thì lúc nào cũng phải mở cửa hình chữ bát đâu. Rõ ràng việc các chùa mở cửa hình chữ bát là không phổ biến, mà đã không phổ biến thì không có tiêu chí để sử dụng như một biện pháp tu từ với chức năng tôi đã nêu trên. 

Như vậy “bát tự tường môn” hay “bát tự đả khai” làm sao biểu thị cho cửa Thiền được. Vì vậy Thầy dịch câu này “Cửa Thiền đã mở” là không thỏa đáng. 

Câu 4- Câu này tôi thấy không cần bình phẩm, bởi vì ý câu 3 và 4 liền nhau vì vậy khi câu 3 đã có vấn đề thì câu 4 cũng thế thôi.

Tóm lại về phần dịch đoạn này do Thầy quá thông tuệ Phật học; đồng thời có khả năng áp đặt ngữ nghĩa mà không dựa trên cơ sở ngôn ngữ học nào nên Thầy đã làm thành một thi kệ đọc ra quá sức Thiền.

II. Phần giảng

Về phần giảng của Thầy thì tôi xin chép nguyên văn Thầy đã viết trong bài góp ý: “có gì đâu để mà tưởng tượng viễn vông nghĩa lý cao siêu vốn chẳng ăn nhập gì với chính văn”.

Về phần dịch đoạn này của tôi, thì tôi xin ý kiến như sau :

- Tôi bảo lưu ý kiến của tôi ở câu 1,2,3

- Riêng câu 4 với tinh thần cầu thị tôi thừa nhận câu này tôi dịch hoàn toàn sai, mà đã dịch sai thì giảng làm sao đúng. Do đó cần dịch giải lại, nhân đây tôi xin cám ơn Thầy, nhờ bài viết của Thầy mà tôi phải để thời gian nhìn lại đứa con tinh thần của mình xem thử nó có khuyết tật gì không? Và sự thật là nó có khuyết tật, tôi đã bỏ thời gian ra phẫu thuật và giờ đây đã lành lặn xin trình Thầy đứa con với khuôn mặt như sau:

Chấp có, chấp không 
Như vậy, như vậy
Mở miệng nói ra
Đều vô căn cứ.

3- Phỉ báng các bậc tiền nhân và danh tăng ngày nay
 
Không hiểu Thầy quy cho tôi cái tội như trên căn cứ vào đâu. Từ đầu đến cuối tôi chưa từng viết “ông này sai, ông kia dịch bậy, ông nọ viết tào lao” tôi thấy không có một từ nào thuộc nhóm từ mà Thầy cho là phỉ báng, thật là oan cho tôi lắm lắm. Nhân đây xin thưa với Thầy rằng giá trị của một tác phẩm nằm trong chính nó chứ không can dự đến tên tuổi của tác giả.

Vì vậy rất nhiều nhà thơ, nhà văn có rất nhiều tác phẩm, nhưng để đời thì chỉ trên đầu ngón tay. Thêm vào đó trong việc nghiên cứu, dịch giải văn học, việc so sánh, đối chiếu là bình thường. Rất có thể cách giới thiệu đề tài của tôi không tinh tế và khôn ngoan cho lắm nên dể làm bức xúc cho người đọc cũng nên. Qua đây tôi sẽ cẩn thận hơn về sau.

4 - Tôi nên xem lại đứa con tinh thần của mình, vì “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”

Tiếp thu lời giáo huấn của Thầy tôi đã xem lại đứa con tinh thần của mình như đã trình bày ở trên. Riêng việc “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”. Đọc lời Thầy viết tôi thấy xấu hổ quá, xin thầy cho tôi nằm ngoài câu này. 

Vài lời quê mùa mong Thầy lượng thứ. 
 

Viên Như
(Giác Ngộ)

Bài Viết Liên Hệ:
Nhân kỷ niệm ngày 700 năm ngày nhập Niết Bàn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Dịch lại bài “Hữu cú vô cú” của Ngài giảng tại chùa Sùng Nghiêm, Viên Như
Suy nghĩ về một đoạn dịch ngắn trong dịch phẩm “Hữu cú vô cú” của dịch giả Viên Như, Thích Minh Trí
Thử đối chiếu bốn bản dịch bài kệ "Hữu cú vô cú", Thích Thanh Thắng
Trao đổi với tác giả bài viết “Suy nghĩ về một đoạn dịch ngắn trong dịch phẩm “Hữu cú vô cú” của dịch giả Viên Như", Viên Như
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tám 2011(Xem: 9798)
Nhân kỷ niệm 707 năm ngày viên tịch Sơ Tổ Trúc Lâm - Trần Nhân Tông. Chúng tôi giới thiệu bài viết “Minh Triết Việt Nơi Rừng Hương Mây Tía” của Tỳ-kheo Giới Đức tức nhà văn Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã hành hương thăm lại di tích xưa, nơi Sơ Tổ Trúc Lâm từ bỏ ngôi báo lên non Yên Tử tu hành thành đạo và truyền trao lại cho Nhị Tổ Pháp Loa trước khi Ngài lên Ngọa Vân Am ẩn tu.