Một Nghệ Sĩ Kỳ Lạ

09 Tháng Tám 201410:15(Xem: 4489)

MỘT CUỘC ĐỜI

MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT

TẬP 3

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Nhà xuất bản Văn Học 2014


Một Nghệ Sĩ Kỳ Lạ


Trong lúc hai vị đại đệ tử và các bậc trưởng lão thu xếp, sắp đặt công việc để làm một cuộc du hành về phương nam thì đức Phật ôm bát đến tư gia vợ chồng trưởng giả Assalāyana và Candavatī. Cả hai người đều là những cận sự tín đạo, thuần thành.

Biết tuổi thọ cả hai người sắp mãn, cần phải có chỗ trú tâm vững chắc nên đức Phật chỉ giảng sơ lược về các pháp thanh tịnh và cách thức trú tâm vào các pháp thanh tịnh ấy.

Đặc biệt, đức Phật chỉ nói đến giới và tâm. Giới thanh tịnh từ lâu được hiểu là thân và khẩu thanh tịnh. Tuy nhiên, đối với người cận sự nam, cận sự nữ thì chỉ cần không nói lời xấu ác, không hành động xấu ác là đủ gọi là giới thanh tịnh rồi. Về tâm, cũng tương tợ như thế, chỉ cần không suy nghĩ những điều xấu ác, không hận, không sân đã là tâm thanh tịnh rồi.

Bên cạnh, lúc ấy, có thanh niên Mahākoṭṭhita, là con trai lớn của hai ông bà, đang đứng quạt hầu đột ngột chấp tay thưa hỏi:

- Bạch đức Thế Tôn! Giáo pháp của ngài sao mà giản dị và dễ hiểu đến thế? Lại còn đi trực tiếp ngay vào sự hành trì, cụ thể và thiết thực nữa.

Đức Phật mỉm cười:

- Hóa ra ông đã từng nghe ở đâu về giới thanh tịnh và tâm thanh tịnh này rồi?

- Thưa vâng! Các giáo phái trong và ngoài truyền thống Vệ-đà, các thanh tịnh này đều rơi vào khổ hạnh cực đoan. Ví dụ như tịnh khẩu, treo thân lên, nhịn ăn ép xác, nằm bàn chông, nằm trên đất! Nói tóm lại là làm cho cái thân khô kiệt đi thì thân khẩu mới thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì phải ghép mình vào cúng tế, cầu nguyện, đọc thần chú hoặc luyện yoga...

- Vậy thì ông thấy có sự khác biệt nào giữa họ và Như Lai hay sao?

- Thưa, thân khẩu ý (tâm) là một vận hành tương quan, tương tác. Từ ý nghĩ khởi sanh rồi làm việc, sinh hoạt, ăn uống, đi đứng ngồi nằm; và nếu nó được giác tỉnh thì ta dễ thấy rõ cái gì là xấu ác, cái gì là lành tốt. Từ chỗ này mà hành trì, tu tập như lời dạy vừa rồi của đức Thế Tôn thì giản dị, dễ hiểu và giá trị thiết thực vô cùng. Chính con tâm đắc ở chỗ này!

Đức Phật mở lời khen ngợi:

- Như Lai mới giảng giải sơ lược giới, tâm thanh tịnh cho người tại gia, ông mới nghe qua mà đã lần được vào giới, tâm thanh tịnh của bậc xuất gia rồi đấy, này Mahākoṭṭhita!

- Con không dám!

Chợt nhiên, đức Phật hỏi:

- Sở học của ông như thế nào, này Mahākoṭṭhita?

- Con được cha mẹ cho các thầy bà-la-môn rèn cặp từ năm sáu tuổi. Đến năm mười tám tuổi thì con đã nghiên cứu hết mọi tư tưởng của các giáo phái trong và ngoài truyền thống Vệ-đà; nhưng không biết tại sao, tâm trí con không dính ở đó. Con có điều đặc biệt hơn mọi người, bạch đức Thế Tôn!

- Hãy kể cho Như Lai nghe những cái đặc biệt ấy với nào?

- Cả mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của con đều rất tinh tế và nhạy cảm.

- Ví dụ?

- Thưa, thấy một chiếc lá rơi, con cũng xúc động! Thế là con ngồi con quan sát, chăm chú xem thử chiếc lá ấy nó có màu sắc như thế nào, khô vàng như thế nào rồi rơi rụng như thế nào. Lắng nghe cho kỹ, khi chiếc lá rơi, nó có âm thanh, nó có ngôn ngữ, có tiếng nói riêng của nó! Con nghe được, bạch đức Thế Tôn!

- Nó nói như thế nào, này Mahākoṭṭhika?

- Thưa, nó ngậm ngùi, nó thở dài, nó tiếc rẻ cả một đời xuân xanh! Con thương nó quá!

- Đúng vậy, nó cũng bị sanh, bị tử vậy.

- Vâng! Còn nữa, khi nghe một tiếng chim! Ồ, không đơn thuần chỉ là tiếng chim đâu. Không biết bao nhiêu là cung bậc, bao nhiêu là tiết tấu, bao nhiêu là tâm sự, nỗi lòng, bao nhiêu là tình cảm buồn vui xen trộn phức tạp! Rồi còn hằng trăm giọng chim khác nhau nữa! Là cả một thế giới bất khả tri lượng.

Con đã sử dụng hằng chục loại đàn, nhưng sau đó, rất mau chóng con cảm nhận sâu sắc và bi thảm rằng, các nhạc cụ của thế gian thảy đều bất lực.

Rồi còn âm thanh của gió, của suối, của sóng, của dế giun, của ếch nhái, của mưa rơi, của giông bão... lại càng bất lực hơn nữa. Ngay như tiếng gió đi qua rừng trúc, rừng thông, qua núi đá, qua sa mạc, qua núi lửa, qua thôn làng, qua phố thị, qua biển rộng, sông dài, qua những đền đài, phế tích lịch sử... thì nó đã có những ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau rồi...

Đức Phật mỉm cười:

- Thuở còn là thái tử ở trong Cung Vui, Như Lai cũng biết sử dụng tất cả các loại nhạc cụ, sau đó, Như Lai thường hay thổi tiêu, nó cũng chuyên chở được chút ít nỗi lòng thuở ấy. Sau đó, Như Lai cũng mau chóng cảm giác là chúng bất lực như ông cũng đã từng có cảm giác bất lực đấy, này Mahākoṭṭhita!

- Thật là thú vị!

- Ừ, thật thú vị! Còn tiếng gió nữa! Cái ngôn ngữ của gió thì Như Lai cũng đã từng nghe, từ đêm này sang đêm khác...

Thanh niên Mahākoṭṭhita cảm giác như gặp người tri âm, tri kỷ, thốt lên:

- Hóa ra đức Thế Tôn là một đại nghệ sĩ! Có phải đức Thế Tôn từng nghe tiếng gió lúc thì nó cuồng nộ, lúc thì nó bình hòa, lúc thì nó thanh thản, lúc thì nó thật là thê lương, thật là hư vô... có phải thế chăng?

- Ừ. Đúng vậy!

Im một lát, chàng thanh niên nói tiếp:

- Trăng sao con cũng cảm xúc, sương mù con cũng cảm xúc, một đỉnh núi đá trơ vơ con cũng cảm xúc, một phế tích, một đền đài cổ kính rêu phong... con cũng cảm xúc và rung động.

Nói tóm lại, là mắt tai mũi lưỡi thân ý của con cảm nhận ngoại giới không chỉ ở bình diện bên ngoài, nó lặn sâu vào trong. Do vậy, không những con là một nhạc sĩ, mà con còn làm thơ, hoạ sĩ, cả làm thầy khắc chạm nữa! Con chỉ muốn lưu giữ thực tại trong từng khoảnh khắc! Con muốn lưu giữ thực tại như nó đang là! Nhưng mà bất lực! Mọi thiên tài nghệ sĩ đều bất lực!

Ôi! Con yêu tất thảy vẻ đẹp của đất trời, đồng thời con cũng yêu cả nguyên động lực hủy diệt cái vẻ đẹp ấy. Tại sao vậy? Vì hủy diệt sau đó lại sanh hóa, hay nó chính là năng lực của sự sanh hóa? Ở chỗ này, đôi khi nó làm cho con bối rối và bất an, bạch đức Thế Tôn!

- Đúng vậy! Điều mà ông bối rối và bất an - chính là điều mà Như Lai đã từng bối rối và bất an!

Nhưng mà này, Mahākoṭṭhita! Chính do năng lực sinh thành và hủy diệt ấy của vạn hữu nên mới có được những tâm sự như trên... khiến cho các nhà nghệ sĩ tạo nên thơ, nhạc, hội hoạ, điêu khắc ... Họ muốn chụp bắt vĩnh cửu, mô tả thực tại hoặc tái hiện nỗi lòng, này chàng trai! Và vì bất lực nên biết bao nhiêu thiên tài nghệ sĩ đã đau khổ, đã thống khổ... sống đời lập dị, bị tâm thần hoặc si cuồng, điên loạn.

Sự ngây thơ và ấu trĩ trong nhận thức ấy đẩy họ đi đến thế giới hư tưởng, vọng tưởng, hoang tưởng... lúc nào không hay! Đây mới chính là vực thẳm hoặc hư vô thật sự đấy, này chàng trai! Sự sinh thành và huỷ diệt ấy là cái tất định của vạn hữu mà! Vì nếu không có những luật tắc thiên nhiên và tự nhiên ấy thì một hạt bụi, một mầm xanh trên thế gian này cũng không tồn tại!

Tại sao, không một ai trong số họ, hiện quán, hãy ngắm nhìn vào bên trong, để thấy rằng, bên trong ấy cũng có sinh thành và hoại diệt. Một tâm niệm cũng được tham lam, sân hận, si mê chúng tạo tác, sinh thành và hoại diệt? Rồi chúng sinh ra sầu bi khổ ưu não!

Giáo pháp của Như Lai được thiết lập ngay tại chỗ này, và đó mới chính là nhận thức về khổ đế một cách thông minh, trưởng thành, có chiều sâu, như chân như thực, này chàng trai!

Thanh niên Mahākoṭṭhita rúng động cả châu thân. Trầm ngâm một hồi, chàng lại hỏi:

- Vậy thì cái sinh thành và hủy diệt của ngoại giới... tạo nên bi, khổ... là ảo tưởng, là māyā à, thưa Tôn Sư?

- Điều ấy, chính ông phải tự vắt tay lên trán mà chiêm nghiệm lấy, này chàng trai!

Đức Phật mỉm cười, không trả lời gì nữa cho chàng trai, dầu được hỏi.

Về lại Kỳ Viên, đức Phật kể chuyện ấy rồi nói với hai vị đại đệ tử:

- Mahākoṭṭhita, con trai của ông bà trưởng giả Assalāyana và Candavatī sẽ tìm đến đây xuất gia trong vài ngày tới. Sāriputta có duyên làm thầy tế độ. Moggallāna có duyên giáo huấn, dạy dỗ. Vậy hai ông ở lại đây ba bốn hôm nữa. Như Lai, và đại chúng sẽ lên đường trước. Sau đó, hoặc muốn ở tại đây hoặc muốn đi đến Rājagaha, Vesāli hay Kapilavatthu... thì hai ông cứ tùy nghi công việc.

Đúng như đức Phật dạy, hai hôm sau, chàng trai nghệ sĩ kỳ lạ ấy đến Kỳ Viên; và cuộc lễ xuất gia đã diễn ra sau đó.

Có điều hy hữu được nói lên, là khi đang cạo tóc, Mahākoṭṭhika đoạn lìa tất thảy mọi tà kiến, chánh kiến phát sanh. Và sau khi vừa mặc y xong, ông đắc quả A-la-hán, được luôn cả tứ vô ngại giải.

Hai vị tôn giả biết là vị tân tỳ-khưu này, về sau, sẽ trở thành một pháp khí đặc biệt. Ông ta sẽ có ngữ, nghĩa, pháp, biện đều vô ngại nhưng lại có duyên với giới nghệ sĩ, sẽ sử dụng ngôn ngữ của giới nghệ sĩ để cứu độ họ, dẫn dắt họ vào miền nghệ thuật tối thượng là sự im lặng và bình an vĩnh cửu của tâm hồn!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Sáu 2015(Xem: 7317)
Đây là bài nhận định tổng hợp của giáo sư Heinz Bechert, tóm tắt 21 bài viết đăng trong tuyển tập When Did the Buddha Live? được chính giáo sư làm tổng biên tập. Bài tóm tắt vô cùng công phu này đã đặt lại các vấn đề biên niên sử Tích Lan, Ấn Độ và các nước Phật giáo có liên hệ về cách tính niên đại của đức Phật.
07 Tháng Sáu 2015(Xem: 7157)
Mặc dù đã 2500 năm trôi qua, nhờ có Đức Phật, chúng ta đã hưởng được nhiều phước lợi qua sự cao cả, cùng sự vĩ đại của ngài về lòng từ bi, sự trí tuệ, và lòng trong sạch. Chúng ta còn đợi chờ thêm điều gì nữa?
01 Tháng Sáu 2015(Xem: 6784)
Bất cứ một tư tưởng triết học nào cũng đều chịu ảnh hưởng của bối cảnh xã hội, của nền văn hoá và của những tư tưởng triết học khác. Từ đó, tư tưởng của một triết gia có khi chịu ảnh hưởng của những người đi trước hoặc đương thời mà phát triển và quảng diễn thêm, nhưng cũng có khi phản kháng lại, hoặc phê bình để đi đến chỗ toàn thiện, hoặc để bênh vực cho tư tưởng của mình.
26 Tháng Năm 2015(Xem: 5432)
Con người sống qui tụ lại thành một xã hội, và phát triển tập thể này rộng lớn dần dần thành một quốc gia. Mỗi cá nhân trong tập thể đó không thể tự sống riêng mà cũng không thể có tự do hoàn toàn để muốn làm gì thì làm. Cá nhân trong tập thể phải tuân theo một số qui luật mà tập thể đưa ra để lấy nó làm tiêu chuẩn hướng dẩn đời sống của mình, và chính những tiêu chuẩn sống này sẽ giúp cá nhân hòa hợp được giữa cá nhân mình với người khác sống trong cùng một xã hội.
22 Tháng Năm 2015(Xem: 8317)
Có nhiều bằng chứng cho thấy Phật giáo được du nhập một cách hài hoà vào Việt Nam rất sớm, nhất là từ cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III Tây Lịch qua hai ngả giao thương với các nhà buôn Ấn Độ bằng đường thủy và giao lưu văn hoá với Trung Hoa bằng đường bộ.
01 Tháng Giêng 2015(Xem: 6803)
Sự khởi nguyên của Phật giáo Đại Thừa (Mahāyāna Buddhism) bị bao phủ trong bức màng quá khứ xa xôi, mãi ẩn khuất trong những tài liệu khảo cổ và những áng văn chương đã bị thất lạc. Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo vẫn duy trì quan điểm rằng Phật giáo Đại Thừa bắt nguồn từ Đại Chúng Bộ (Mahāsāṁghika School).
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14416)
Biểu đồ I.1: Thiền tông Ấn Độ Biểu đồ I.2: Thiền Ấn Độ Đến Trung Quốc Biểu đồ I.3: Thiền Trung Quốc – Huệ Năng và Môn Đệ Biểu đồ II.1: Dòng Mã Tổ Biểu đồ II.2: Dòng Mã Tổ Biểu đồ III.1: Tông Tào Động Biểu đồ IV.1: Tông Lâm Tế Biểu đồ IV.3: Dòng Lâm Tế – Viên Ngộ Biểu đồ V: Tông Vân Môn & Pháp Nhãn