An Tâm Pháp Môn

28 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 13851)

THIẾU THẤT LỤC MÔN
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2009

AN TÂM PHÁP MÔN

(Phần này có ghi chép trong các sách Tông cảnh lục và Chánh pháp nhãn tạng)

Khi còn mê muội, người đuổi theo các pháp. Lúc hiểu rõ rồi, các pháp đuổi theo người. Hiểu rõ rồi thì các thức chế ngự hình sắc, còn mê muội thì hình sắc chế ngự các thức.

Chỉ cần sinh tâm phân biệt so tính thì mọi sự xét lường hiện nay của tâm thảy đều là mộng tưởng. Nếu hiểu được tâm, đạt đến chỗ tịch diệt không mảy may động niệm, như vậy gọi là giác ngộ chân chánh.

Hỏi: Thế nào là sự xét lường hiện nay của tâm?

Đáp: Khi thấy hết thảy các pháp là có, cái có ấy chẳng phải tự có, mà do tâm tự suy lường mà cho là có. Khi thấy hết thảy các pháp là không, cái không ấy chẳng phải tự không, mà do tâm tự suy lường mà cho là không. Cho đến hết thảy các pháp cũng đều như vậy, thảy đều là do tâm tự suy lường mà cho là có, tâm tự suy lường mà cho là không. Lại như có người làm hết thảy mọi điều tội lỗi, nếu tự thấy được vị vua pháp của chính mình liền được giải thoát.

Như người vượt lên trên sự việc mà hiểu rõ, đó là khí lực mạnh mẽ. Như người từ trong sự việc mà thấy được pháp thì dù ở đâu cũng không mất chánh niệm. Như người do nơi văn tự mà hiểu rõ, đó là khí lực yếu ớt. Như người hiểu được sự tức là pháp, pháp tức là sự, đó là khí lực thâm sâu, hết thảy mọi hành vi, chuyển vận, cho dù dọc ngang lên xuống cũng không ra ngoài cõi pháp, lại cũng không vào trong cõi pháp.

Nếu dùng cõi pháp để vào cõi pháp, đó là kẻ ngu si. Nói chung, hết thảy mọi hành vi rốt cùng đều không ra ngoài cõi pháp của tâm. Tại sao vậy? Vì thể của tâm chính là cõi pháp.

Hỏi: Người thế gian học hỏi đủ điều, vì sao lại không đắc đạo?

Đáp: Vì còn thấy có bản thân mình nên không đắc đạo. Bản thân mình, ấy là “cái ta”. Bậc chí nhân gặp khổ không lo, gặp vui không mừng là vì không thấy có bản thân mình. Do quên bản thân mình nên không còn biết đến những nỗi khổ vui. Đạt đến chỗ hư vô, bản thân mình còn tự quên mất thì còn có sự vật gì mà chẳng quên?

Hỏi: Các pháp đã không, vậy người nào tu đạo?

Đáp: Nếu có “người nào” tức cần phải tu đạo. Nếu chẳng có “người nào” thì không cần phải tu đạo. “Người nào” đó tức là “cái ta”. Như không có “cái ta” thì đối với sự việc chẳng sinh ra điều phân biệt đúng sai. Đúng, ấy là “cái ta” tự cho rằng đúng, mà sự việc thật không có đúng. Sai, ấy là “cái ta” tự cho rằng sai, mà sự việc thật không có sai.

Ngay nơi tâm này mà không tâm, đó là thông đạt đạo Phật. Ngay nơi sự vật trước mắt mà không khởi lên kiến chấp, đó gọi là đắc đạo. 

Người mở thông con mắt trí huệ thì nhìn vào sự việc liền trực tiếp hiểu thấu, biết rõ đến tận nguồn cội.

Người có trí thì tùy nơi sự việc, chẳng tùy tự thân, liền không có chỗ lấy bỏ, thuận nghịch. Người ngu si thì tùy nơi tự thân, chẳng tùy nơi sự việc, liền có chỗ lấy bỏ, thuận nghịch.

Không thấy có sự việc nào cả, gọi là thấy đạo. Không làm việc gì cả, gọi là làm theo đạo, liền thấy đâu đâu cũng là cõi không, nơi nào cũng là cõi pháp, dù ở đâu cũng là không ở, không làm, đó tức là thấy Phật.

Nếu như thấy có hình tướng, liền thấy đâu đâu cũng là ma quỷ. Do chấp giữ hình tướng nên đọa vào địa ngục. Do quán xét các pháp nên được giải thoát.

Nếu như thấy có sự phân biệt nhớ tưởng, liền phải chịu lấy những cảnh cực hình như chảo nước sôi, lò than nóng... Tướng sanh tử liền hiện ra trước mắt.

Nếu như thấy được tánh của cõi pháp, đó chính là tánh Niết-bàn.

Không có sự phân biệt nhớ tưởng tức là tánh của cõi pháp.

Tâm vốn không hình sắc nên chẳng phải có. Có chỗ dùng đến không bỏ nên chẳng phải không. Dùng đến mà vẫn thường không nên chẳng phải có. Không mà vẫn thường dùng đến nên chẳng phải không.

Có kệ dạy rằng:

Chỉ một tâm này, thật khó tìm,
Rộng trùm cõi pháp, hẹp đầu kim!

Không thấy việc ác sinh ghét bỏ,
Cũng không vì thiện khổ nhọc làm.
Không bỏ kẻ trí theo người ngu,
Cũng không lìa mê cầu được ngộ.

Thấu đạt đạo lớn thật mênh mông,
Thông suốt tâm Phật thật vô hạn.
Chẳng chung một đường cùng phàm thánh,
Vượt trên tất cả xưng là Tổ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Bảy 2014(Xem: 11706)
Tất cả quý Phật tử học Phật pháp lâu rồi nhưng có thấy được chân giáo pháp chưa? Nếu học Phật pháp theo kiểu lật từng trang kinh này qua trang kinh nọ, hay là nhai từng lời của những vị Tổ này đến những vị Tổ nọ, hoặc là nghe buổi giảng này đến buổi giảng kia v.v… thì quý vị có thấy chân giáo pháp không? Mà nếu không thấy thì nghe giảng để làm chi? Cho nên đây phải nhớ: giảng giải là chỉ nói về pháp thôi !
07 Tháng Bảy 2014(Xem: 13429)
Trước đây nhiều Tăng Ni, Phật tử Nam Bắc Tông cho rằng thiền Phật giáo Nguyên Thủy và thiền Phật giáo Phát Triển là hai loại thiền hoàn toàn khác biệt và thậm chí bên nào cũng tự cho rằng thiền của tông môn mình hay hơn, đúng hơn. Tất nhiên điều này phát xuất từ sự nghiên cứu, học hỏi một chiều, nặng cảm tính hơn là sự đối chiếu, so sánh một cách nghiêm túc, khách quan.
27 Tháng Sáu 2014(Xem: 7420)
Từ tầm nhìn đúng, hành động đúng, sẽ đưa đến kết quả đúng như ý muốn. Khi làm một công việc gì, thông thường chúng ta phải biết trước rồi làm sau, như vậy sẽ có kết quả tốt. Như quý vị muốn đi từ đây ra đằng kia thì đầu tiên phải mở mắt trước, thấy đường rồi mới đi, còn nếu cứ nhắm mắt mà đi thì chắc chắn sẽ bị té.
07 Tháng Sáu 2014(Xem: 8057)
Trong một quyển sách mới nhất của học giả người Pháp Alain Grosrey, dày hơn 900 trang, tựa là Quyển sách lớn về Phật giáo (Le Grand livre du Bouddhisme, Nhà Xuất bản Albin Michel), phát hành vào cuối năm 2007, có thuật lại một cuộc tranh biện giữa một thiền sư Hàn Quốc và một đại sư Tây Tạng như sau: