Tinh tấn

14 Tháng Tư 201608:11(Xem: 4632)

THIỀN QUÁN TÂM 
HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH 
Sayadaw U Tejaniya

 

Tinh tấn



Quý vị hiểu tinh tấn như thế nào? Tôi hiểu nó là sự duy trì liên tục. Liệu quý vị có thể học được cái gì đó cho đến nơi đến chốn nếu quý vị bắt đầu rồi sau đó ngưng lại nhiều lần? Chẳng hạn, nếu quý vị xem phim truyền hình nhiều tập mà bỏ lỡ không xem một số tập trong đó, quý vị sẽ không nắm bắt được mạch chuyện. Trong thiền tập cũng như vậy, chỉ khi nào đó được duy trì liên tục, quý vị thấy được đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, thì quý vị mới hiểu được bản chất của hiện tượng. Vì vậy, sự chú tâm không quan trọng, thấy được đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối mới quan trọng. 

Tinh tấn không có nghĩa là dùng sức! Xin đừng làm thân tâm quý vị kiệt quệ bằng việc ra sức thực hành. Khi thân hay tâm của quý vị mệt mỏi, sự hiểu biết không phát triển được. Hãy thoải mái và an tịnh. Chỉ cần hứng thú thôi. Tinh tấn cần được duy trì liên tục, đều đặn nhưng không phải bằng dụng công. 

Tại thiền viện này, quý vị thực hành cả ngày, từ giây phút quý vị thức giấc cho đến khi đi ngủ. Nếu quý vị dùng đến quá nhiều năng lượng, quý vị có thể thực hành như vậy cả ngày không? Quý vị sẽ cảm thấy mệt mỏi và buồn chán. Tín tâm sẽ thuyên giảm. Vì vậy, chúng ta không gắng sức. Chúng ta chỉ duy trì tinh tấn một cách liên tục mà thôi. 

Ý nghĩa thực sự của tinh tấn là các phẩm chất kiên nhẫn và bền bỉ. 

“Không bỏ cuộc” không đồng nghĩa với việc gắng sức. Hãy luôn bền bỉ giữ chánh niệm chừng nào quý vị có thể, đừng để tuột mất. Suốt cả cuộc đời, chúng ta luôn cố gắng để hoàn thành công việc. Chúng ta sử dụng loại năng lượng nào? Đó là loại năng lượng phát xuất từ tham, sân, si. Đó là thói quen tự nhiên của tâm. 

Trong khi ấy, tinh tấn sử dụng ở đây biết rằng sự thực hành này mang lại lợi lạc, và có sự tham gia của trí tuệ. Vì vậy mà quý vị kiên trì và biết lý do vì sao mình phải kiên trì. Cũng giống như cuộc chạy ma-ra-tông. Người chạy ma-ra-tông có sử dụng toàn bộ sức lực của mình ngay từ khi xuất phát không? Không bao giờ. Anh ta chạy một cách đều đặn, vừa tạo đà trong quá trình đó. Tương tự như vậy, chúng ta cũng cần có đà chánh niệm trong sự thực hành của mình. Đà chánh niệm xuất hiện tự nhiên như vậy chính là đà chánh niệm do pháp vận hành, không phải tạo nên một cách khiên cưỡng. Nếu tạo nên một cách khiên cưỡng, nó không phải là sự vận hành tự nhiên của pháp. Quý vị sẽ mệt mỏi và không duy trì được nó. Hãy nhớ là chúng ta không chạy đua tốc độ trên đường chạy nước rút 100m. Chúng ta sẽ chạy ma-ra-tông. Vì thế quý vị cần làm một cách bền bỉ, đừng bỏ cuộc. 

Câu hỏi: Bạn bắt đầu khi nào?

Trả lời: Từ lúc thức giấc cho đến khi đi ngủ. 

Công việc đó có khó khăn hay nặng nhọc không? 

Không. Chỉ cần không quên. Luôn kiểm tra bản thân và xem mình đang sử dụng chừng nào sức tinh tấn. Quý vị phải tự mình nhận ra điều đó.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn