Tranh vẽ bánh xe luân hồi

11 Tháng Tư 201608:48(Xem: 5305)

Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV 
NGUYÊN LÝ DUYÊN KHỞI  
Bài giảng về 12 nhân duyên và cách vận dụng vào 
sự tu tập theo Phật Giáo Tây Tạng 
Nguyễn Minh Tiến Việt dịch và chú giải 
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016

Tranh vẽ bánh xe luân hồi

 

Trong tranh vẽ bánh xe luân hồi này có 6 phần, các phần phía trên miêu tả cõi trời, cõi a-tu-la và cõi người, các phần phía dưới miêu tả những cảnh giới xấu trong luân hồi. Những cảnh giới này tượng trưng cho các mức độ khổ đau. Do những nhân duyên nào mà khởi sinh các cảnh giới như vậy? Vòng tròn bên trong nói lên [điều này,] rằng các mức độ khổ đau [trong những cảnh giới] đó đều do nghiệp, tức là các hành vi [của chúng sinh] tạo ra. Vòng tròn này có hai phần, nửa bên trái miêu tả các thiện nghiệp và bất động nghiệp, nửa bên phải là các bất thiện nghiệp sẽ dẫn đến [tái sinh vào] các cảnh giới xấu. Ở đây, ta thấy những người [thuộc nửa vòng tròn] bên trái quay mặt hướng lên trên và những người thuộc nửa bên phải thì quay mặt hướng xuống dưới.

Nguồn gốc của khổ đau là nghiệp, vốn khởi sinh từ những phiền não của tham dục, sân hận và si mê, được biểu thị bằng vòng tròn ở trong cùng. Hình vẽ con lợn biểu thị vô minh hay si mê, con rắn biểu thị sân hận và con gà trống biểu thị tham dục. Trong một tranh vẽ khác chính xác hơn, hình ảnh gà và rắn được vẽ chui ra từ miệng lợn và miệng chúng ngậm vào đuôi lợn. Vẽ như thế để biểu thị rằng, tham dục và sân hận có nguồn gốc từ vô minh (si mê), nhưng chi tiết chúng ngậm vào đuôi lợn biểu thị rằng các yếu tố này hoạt động để thúc đẩy và hỗ trợ lẫn nhau.

Như vậy, tranh vẽ này cho thấy rằng ba loại cảm xúc phiền não của tham dục, sân hận và si mê làm khởi lên các nghiệp thiện ác, và các nghiệp này làm sinh khởi những mức độ khổ đau khác nhau trong luân hồi. Vậy thì, sự khởi sinh những khổ đau như thế diễn ra theo trình tự nhân-quả như thế nào? Điều này được chỉ rõ bởi vòng tròn ngoài cùng, biểu thị 12 mắt xích duyên khởi. Sinh thể hung nộ bên ngoài đồ hình không biểu thị một đấng sáng tạo [vũ trụ], mà là biểu tượng của vô thường. Biểu tượng này lẽ ra không thực sự phải có các món trang sức như vậy. Có lần, khi nhờ người thực hiện một bức thangka loại này, tôi đã yêu cầu vẽ biểu tượng ấy như một bộ xương, bởi nó là biểu tượng của vô thường. Hình mặt trăng biểu thị sự giải thoát. Đức Phật trong hình chỉ tay về phía mặt trăng, biểu thị rằng chúng ta nên phát khởi con đường tu tập hướng đến giải thoát. 

Lịch sử bức tranh này bắt nguồn từ câu chuyện có vị vua ở vùng xa xôi mang đến tặng cho vua nước Ma-kiệt-đà một món châu báu quý giá. Nhà vua thấy mình không có gì tương đương để tặng lại, liền thưa hỏi đức Phật xem nên tặng lại món gì. Đức Phật dạy nhà vua nên tặng lại bức tranh vẽ 12 mắt xích duyên khởi này, với 5 phần tượng trưng cho khổ đau. Nghe nói rằng, khi vị vua ở vùng xa xôi kia nhận được bức tranh vẽ và nghiên cứu nó, nhờ đó ông ta đã đạt được giác ngộ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn