Đạo chí yếu

21 Tháng Mười 201510:04(Xem: 5090)

ĐẠO CHÍ HIẾU
Quảng Tánh

duc phatGiáo pháp do Đức Phật dạy có rất nhiều nhưng trọng tâm vẫn là Bát Chánh đạo. Tu tập “Tám đạo phẩm, tức Đẳng kiến, Đẳng tri, Đẳng ngữ, Đẳng nghiệp, Đẳng mạng, Đẳng phương tiện, Đẳng niệm, Đẳng định sẽ khiến cho nhãn sanh, trí sanh, ý được thôi dứt, được các thần thông, thành quả Sa-môn, đến Niết-bàn” là cốt tủy của pháp hành theo Phật giáo.

Có thể nói, Bát Chánh đạo hay Tám đạo phẩm là pháp tu căn bản, là đạo chí yếu. Trong Bát Chánh đạo có đầy đủ giới-định-tuệ, mục tiêu của mọi pháp môn tu Phật. Đức Phật trong quá trình du hóa, tùy duyên mà Ngài dạy cho đệ tử những cách tu tập, quán niệm khác nhau nhưng dù tu cách nào vẫn không ngoài thành tựu giới-định-tuệ.

“Một thời Phật ở nước Ba-la-nại, trong vườn Tiên nhân Lộc-uyển.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có hai việc này, người học đạo chẳng nên thân cận. Thế nào là hai việc? Nghĩa là tham đắm pháp dục và lạc. Đây là pháp tầm thường ti tiện. Lại đây là trăm mối khổ não. Đó là hai việc người học đạo chẳng nên thân cận. Như thế, bỏ hai việc này rồi, Ta tự có đạo chí yếu, được thành Chánh giác, nhãn sanh, trí sanh, ý được thôi dứt, được các thần thông, thành quả vị Sa-môn, đến Niết-bàn.

Thế nào là đạo chí yếu được thành Chánh giác khiến nhãn sanh, trí sanh, ý được thôi dứt, được các thần thông, thành quả Sa-môn, đến Niết-bàn? Nghĩa là Tám đạo phẩm này vậy, đó là Đẳng kiến, Đẳng tri, Đẳng ngữ, Đẳng nghiệp, Đẳng mạng, Đẳng phương tiện, Đẳng niệm, Đẳng định. Đây gọi là nhãn sanh, trí sanh, ý được thôi dứt, được các thần thông, thành quả Sa-môn, đến Niết-bàn. Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học bỏ hai việc trên và tu tập đạo chí yếu. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Khuyến thỉnh, 

VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.299)

Giáo huấn của Đức Phật thật rõ ràng, muốn thành tựu giải thoát an lạc thì cần từ bỏ,  không thân cận, không “tham đắm pháp dục và lạc”, đồng thời “tu tập đạo chí yếu”. Người học đạo không thân cận hai pháp dục và lạc vì thấy rõ “Đây là pháp tầm thường ti tiện. Lại đây là trăm mối khổ não”. Trong khi dục và lạc là mục tiêu tìm cầu của thế gian, nó có “vị ngọt” khiến chúng sanh khó kềm lòng tham đắm. Hành giả nguyện đi ngược dòng sinh tử thế thường, ngoài những điều kiện sống thiết yếu cần phải can đảm xả buông, vượt thoát cám dỗ của dục và lạc. Nguyên lý bất di bất dịch trong nhà đạo là xả ly càng nhiều thì đến với đạo càng gần. Ngược lại, bất kể hình thức bên ngoài là gì, nếu không thực sự xả ly ngũ dục-ngũ trần thì cách đạo còn xa.

Kinh nghiệm của Thế Tôn, “bỏ hai việc này rồi, Ta tự có đạo chí yếu, được thành Chánh giác, nhãn sanh, trí sanh…”. Ngay đây, chỉ cần xa lìa dục và lạc - những pháp chướng đạo, thì tự khắc đời sống của hành giả trở nên thuận hợp với đạo. Nói cách khác, khi thân tâm xa rời dục và lạc thì “tự có đạo chí yếu”, chánh đạo hiện tiền. Như hai mặt của một vấn đề, khi “trăm mối khổ não” được lắng yên thì giải thoát, an vui hiện hữu.

Trên nền tảng thanh tịnh nhờ xa lìa dục và lạc, hành giả nỗ lực thực hành Tám đạo phẩm, tức Bát Chánh đạo. Đẳng kiến, Đẳng tri, Đẳng ngữ, Đẳng nghiệp, Đẳng mạng, Đẳng phương tiện, Đẳng niệm, Đẳng định là cách gọi khác của Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Thế Tôn đã khẳng định thực hành Bát Chánh đạo là đạo chí yếu, là con đường Thánh, nhờ đó mà “nhãn sanh, trí sanh, ý được thôi dứt, được các thần thông, thành quả Sa-môn, đến Niết-bàn”.

Người học Phật tùy duyên mà hành trì những phương cách tu tập khác nhau. Dù tu tập theo pháp thức nào, người đệ tử Phật vẫn luôn ghi nhớ Bát Chánh đạo là con đường trọng yếu nhất, thành tựu giới-định-tuệ là mục tiêu chung nhất của các pháp hành theo lời Phật dạy. 

Quảng Tánh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Chín 2014(Xem: 5748)
Ai cũng biết rằng, có thực mới vực được đạo. Dĩ nhiên, nếu thiếu thốn và khốn khó quá thì tu tập cũng bị trở ngại nhưng ngược lại đầy đủ và sung mãn quá đôi khi lại không phải là điều hay. Nhất là hành trình chứng đạt giải thoát thì luôn đi ngược với sự chấp thủ, cần phải xả ly và buông bỏ đến tận cùng. Nếu một hành giả chưa thành tựu A-la-hán, thiết nghĩ cũng rất cần tỉnh giác đối với cung kính và lợi dưỡng, vì đó thực sự là một chướng ngại.
31 Tháng Tám 2014(Xem: 6026)
Một trong những phẩm hạnh cao đẹp của người đệ tử Phật là biết ơn và đền ơn. Ơn nghĩa trong cuộc đời thật bao la rộng lớn, bao trùm khắp tất cả mọi chúng sanh và hết thảy sự vật. Giáo điển nhà Phật khái quát ơn nghĩa trong đời thành bốn ơn sâu nặng: Ơn cha mẹ sanh dưỡng, ơn chúng sanh vạn loại, ơn quốc gia xã hội, ơn Tam bảo thiêng liêng.
25 Tháng Tám 2014(Xem: 6110)
Đời người, nếu nói chung ai cũng ước chừng khoảng trên dưới “ba vạn sáu ngàn ngày”, ngót nghét cả trăm năm. Nhưng trong thực tế thì mỗi người có một tuổi thọ khác nhau, tùy nghiệp duyên của chính mình. Có người trường thọ, trăm tuổi còn dư. Có người cũng bước lên ngưỡng tuổi “bảy mươi xưa nay hiếm”. Tuy vậy, có không ít người ra đi lúc tuổi còn xanh hoặc vẫn còn thơ bé. Thậm chí, có người không có được cơ hội chào đời cũng phải chóng vánh kết thúc một đời.
23 Tháng Tám 2014(Xem: 6643)
Nhìn theo hướng lạc quan, hiện chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng phát triển và kiện toàn về nhiều phương diện. Bình tâm mà suy xét thì tuy có phát triển nhưng đời sống nhân loại lại luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hiểm họa. Không ai có thể dám chắc bất cứ điều gì ở tương lai khi mà mâu thuẫn, xung đột, chiến tranh, thảm họa, dịch bệnh, thiên tai… cứ chực chờ, đoanh vây, hủy diệt sự sống con người.
14 Tháng Tám 2014(Xem: 7005)
Là Phật tử, chúng ta đều tin hiểu lời Phật mà thực hành hiếu đạo trong đời sống hàng ngày. Cha mẹ, hai đấng sanh thành có một địa vị quan trọng trong tâm thức của người con Phật, ngang bằng với Phật và các vị Đại Bồ-tát, nên “gặp thời không có Phật, khéo phụng thờ cha mẹ tức là phụng thờ Phật vậy”(Kinh Đại tập).
20 Tháng Bảy 2014(Xem: 7132)
Nhằm hộ trì Chánh pháp cũng như để vun bồi phước báo cho mai hậu, pháp hành phổ biến nhất cho hàng Phật tử là bố thí và cúng dường. Dĩ nhiên có tài vật thì chúng ta có thể thực hành bố thí. Tuy vậy, nếu khéo léo hơn, thì cũng chừng ấy tài vật, nhưng việc bố thí của chúng ta sẽ gặt hái được nhiều lợi ích hơn.
14 Tháng Bảy 2014(Xem: 6403)
Quán niệm vô thường là một trong những nội dung tu tập căn bản của người Phật tử. Mọi sự mọi vật quanh ta luôn vận động, biến đổi từng phút, từng giây. Thấy rõ như vậy để biết rằng những gì mà mình hay nhận lầm là ta và của ta, là vĩnh hằng bất biến, thực ra không có gì bền chắc cả.
06 Tháng Bảy 2014(Xem: 10116)
Niệm Phật là pháp môn tu khá phổ biến hiện nay. Pháp môn này được những người con Phật thực tập rất tinh chuyên từ thời Thế Tôn còn tại thế. Những cách tu niệm Phật như trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật… đã có từ thời Phật Thích Ca, do chính Ngài chỉ dạy.
02 Tháng Bảy 2014(Xem: 6108)
Mỗi người được sinh ra ở trên đời với một thân phận, hoàn cảnh khác nhau. Họ không có quyền chọn lựa cho mình nơi để sinh ra vì đó là nghiệp dĩ. Tuy nhiên, con người hoàn toàn có thể phấn đấu cải tạo nghiệp lực, chuyển hóa thân tâm và hoàn cảnh theo hướng tích cực, tốt đẹp hơn. Cuộc sống là một quá trình đấu tranh giữa cái thiện và cái ác.
30 Tháng Sáu 2014(Xem: 7029)
Là người con Phật, ai cũng nguyện trọn đời quy y Tăng và nhất quyết không quy y thầy tà, bạn xấu. Dĩ nhiên, với tâm từ, chúng ta không trách móc hay oán hận hoặc tẩy chay bất cứ vị thầy, bạn nào không xứng đáng nhưng quyết không thân cận, hợp tác với họ, vì Thế Tôn đã từng khuyến cáo “chớ cùng ác tri thức tùng sự”.