10. Sống Trong Pháp Hoa

15 Tháng Năm 201516:15(Xem: 8306)
MƯỜI TƯ TƯỞNG PHÁP HOA 
TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY 
Đương Đạo
Thiện Tri Thức

Sống Trong Pháp Hoa

Với sự tin hiểu, ở đâu người ta cũng thấy Diệu Pháp Liên Hoa, thời gian nào cũng là sự hiển xuất của Diệu Pháp Liên Hoa. Không gian và thời gian đã ngấm đầy Phật chất để chuyển hóa thành một cách thế biểu hiện của Phật lực, một sự diễn xuất của Phật tánh và do đó không còn ngăn ngại, không còn ta người, không còn đây kia, sống chết, khổ đau…

Sống trong Pháp Hoa, nói theo kinh Lăng Nghiêm, là chuyển năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới và bảy đại, nghĩa là toàn bộ thế giới, chúng sanh về bản tánh của chúng là Như Lai tạng. Khi người ta lặn đến đáy cùng của tâm thức rồi đi ngược ra trở lại, bấy giờ thế giới và chúng sanh chính là sự “lộn trái” của tâm, là sự bùng vỡ thành muôn ngàn hình tướng của tâm, bởi thế tất cả chỉ là sự ứng hiện của tâm, tất cả chỉ là tâm. Và tâm ở đây chính là Phật tâm. Tất cả đều chứa đầy chất Phật, chứa đầy Phật tánh, toàn thể chúng sanh, thế giới đều đồng một chất vàng, gọi là Nhất Chân Thế Giới.

Sống trong Pháp Hoa hay tu hành Pháp Hoa không chỉ là thực hành riêng một pháp nào, thiền định, trí huệ, bố thí v.v… mà toàn cả thân tâm mình chìm ngập trong sự tin hiểu Pháp Hoa, trong cái thấy biết Pháp Hoa, trong một niềm lạc quan vô bờ bến, đéán độ như các Tổ ngày xưa đã nói, đất đá cây cỏ đều sẽ thành Phật.

Nói về cái thấy, tri kiến, đó là thấy Phật tánh nền tảng ở nơi tất cả. Về thiền định, thì niệm khởi hay vô niệm đều là Phật tánh. Còn hạnh là toàn bộ đời sống, thân khẩu ý của hành giả đều là sự hiển bày của Diệu Pháp Liên Hoa. Tất cả các giác quan đều được chuyển về trong cái thấy, nghe, hay, biết Phật.

Pháp Hoa là tột đỉnh của Chân Không Diệu Hữu. Về mặt Chân Không, đó là trí huệ quán thấy tánh Không : “Bồ tát quán sát tất cả các pháp là Không, đúng như thật tướng, chẳng điên đảo, chẳng động, chẳng thối, chẳng chuyển, như hư không, không có tự tánh, tất cả ngữ ngôn dứt tận, chẳng sanh, chẳng xuất, chẳng khởi, không danh, không tướng, thật không chỗ có, không số lượng, không giới hạn, không ngăn ngại, không che chướng, chỉ do nhân duyên mà có, từ điên đảo mà phát sanh và diễn tả thành ngôn ngữ. Thường ưa quán sát pháp tướng như thế gọi là “chỗ thân cận thứ hai” của Đại Bồ tát”. (phẩm An Lạc Hạnh)

Thế giới Chân Không ấy hợp nhất với thế giới Diệu Hữu, mà thế giới Diệu Hữu thì sống động, tương thông, tương liên, tương tác với nhau bằng từ bi hay thương yêu. Cũng trong phẩm An Lạc Hạnh này, nói về lòng thương yêu với con người : “Lại Văn Thù Sư Lợi ! Hạnh an lạc thứ ba là ở đời rốt sau, khi giáo pháp sắp ẩn mất mà thọ trì đọc tụng kinh điển này, chớ ôm lòng ganh ghét, dua nịnh dối trá, chớ khinh mắng người học Phật đạo, vạch chỗ hay dở của họ… Phải ở nơi tất cả chúng sanh khởi tưởng đại bi, đối với Phật đà thì nghĩ là từ phụ, đối với các Bồ tát nghĩ là các bậc đại sư, với các Bồ tát mười phương thì tôn kính sâu xa, với chúng sanh đủ loại thì đều bình đẳng nói pháp…”

“An lạc hạnh thứ tư là vị trì kinh Pháp Hoa đối với hàng người tại gia, xuất gia sanh lòng từ lớn, đối với người không phải bồ tát sanh lòng bi lớn. Nên nghĩ thế này : những người ấy mất mát lớn lao nếu chẳng nghe, chẳng biết, chẳng hay, không hỏi, không tin, không hiểu Pháp Hoa. Dầu vậy ta nguyện lúc được vô thượng chánh đẳng chánh giác, tùy những người đó ở vào bất cứ vị trí nào, ta cũng dùng thần thông lực và trí huệ lực dẫn dắt cho họ đứng vào Pháp Hoa”.

Chính lòng thương yêu như vậy kết hợp tất cả – trên là Phật, các Đại Bồ tát xuống đến các chúng sanh đủ loại – vào trong Nhất Thừa. Đó là một cây đời vĩ đại, một liên hệ huyết thống vĩ đại – tức Phật tánh – khiến hành giả Pháp Hoa thấy mình ở trong tất cả chúng sanh và tất cả chúng sanh ở trong mình. Với tình thương yêu rộng mở và hợp nhất như vậy, người ta phải cảm nhận chút gì về Như Lai Thọ Lượng, khi không còn bám trụ vào một thọ lượng hạn hẹp và ngắn ngủi của cuộc đời của riêng mình.

Chỉ cần sống cho được tình anh em đối với mỗi chúng sanh, người ta sẽ cảm thấy nơi mình sự sống vô lượng (Như Lai Thọ Lượng), niềm hoan hỷ lưu thông trong tất cả (Như Lai Thần Lực), sự lạc quan vô biên (Thọ ký cho vô biên chúng sanh trong Nhất Thừa), hạnh phúc vô lượng (kho tàng của Cha)… Cho nên bất cứ khi nào phiền não, khổ đau vì bất cứ điều gì, vì bất cứ ai, chúng ta hãy biết ngay là khi đó nơi chúng ta tình thương đang cạn kiệt. Khổ đau chỉ có mặt khi thương yêu vắng mặt ; rắc rối trắc trở chỉ thành hình khi thương yêu không thể hiện thành và lưu thông. Bất cứ khi nào nơi chúng ta có sự phê phán, sự không bằng lòng, không nhẫn nhục, sự co rút phòng thủ, sự bỏ cuộc rút lui, tóm lại mọi thứ tiêu cực – những loại cây sinh ra trái đau khổ – chúng ta hãy biết rằng khi đó thương yêu không còn là một thực thể sống động nơi chúng ta. Khi ấy hãy nhớ rằng thương yêu là một trong hai giải pháp căn bản – trí huệ và từ bi – để giải quyết mọi hạt giống và cây trái của khổ đau, phiền não, đồng thời đưa chúng ta tiếp cận với những chân lý Pháp Hoa. Bất cứ lúc nào chúng ta không thể thấy cái gì tốt đẹp nơi mỗi sự vật, mỗi biến cố – chứ đừng nói cái tốt đẹp nhất trong kiến giải Pháp Hoa – bất cứ lúc nào chúng ta chán nản, có ý tưởng tiêu cực, bất hòa, không lạc quan – tức là thiếu sức mạnh của Pháp Hoa – khi đó chúng ta hãy làm tuôn chảy lòng thương yêu đổ ra cuộc sống, tình thương đó sẽ cuốn trôi mọi hàng rào ngăn cản và xóa sạch mọi thứ tiêu cực ấy. Khi chúng ta có đủ thương yêu, chúng ta có đầy đủ tất cả, đó là sự giàu có thường được nói đến trong kinh Pháp Hoa này, kể cả nghiệp quả và sự khổ đau của chúng sanh.

Cũng trong phẩm An Lạc Hạnh, phần đầu khi nói về “chỗ thân cận” của bồ tát, kinh có nói rằng bồ tát không thân gần người có quyền thế, tu sĩ ngoại đạo, người tạo ra văn chương phù phiếm thế tục, cũng chẳng gần gũi những kẻ chơi trò hung hiểm đâm nhau, người làm thịt súc vật… Không có tư tưởng về thân thể người nữ, cũng chẳng ưa thấy ; đến nhà người, chớ nói chuyện với thiếu nữ, trinh nữ, gái góa v.v… Chúng ta có thể thấy đây là một ‘giới luật’ để chúng ta không nhầm lẫn tình thương yêu với lòng ham muốn, với sân giận, si mê, tình dục. Tình dục là sự phản ánh của tình thương yêu qua cơ cấu thân xác và bản năng và như thế nó làm tình thương yêu thu hẹp lại trong cái ta và cái của ta, đồng thời làm nặng đục nó, trói buộc nó ở mức độ bản năng. Như thế, nếu không biết, tình dục sẽ làm hư hỏng tình thương yêu, là cái cần được mở rộng, cần được hướng lên (Bồ tát Thượng Hạnh trong phẩm Tùng Địa Dũng Xuất), cần được tuôn chảy, cần được làm cho trong sạch. Bởi thế chúng ta cần cảnh giác với mọi thứ tình khác phát khởi từ và bị quy định trong bản năng và bản ngã chỉ làm lầm lạc, hạn cuộc và làm nặng đục tình thương thật sự.

Với hữu tình là như vậy. Nhưng với loài vô tình, cũng chính tình thương yêu xóa bỏ sự ngăn cách ‘nhân tạo’ giữa ta và vật, khiến hàng rào giả tạo giữa ta và một đám mây, một phiến đá, một cội cây phải sụp đổ, để trả lại cho con người và thế giới mối tương quan chân thật, tương quan trong Phật tánh. Khi một làn sóng có thể thương yêu những làn sóng khác, thương yêu tất cả những làn sóng trong đại dương, nó trở thành đại dương, an bình và tịnh lạc. Một khi lòng người không còn đông cứng để tạo thành cái ta và cái của ta, một khi lòng người mềm đi và chảy ra, nó lưu thông và chảy suốt qua tất cả mọi người và mọi vật. Lúc đó người ta tin hiểu được sự vĩnh cửu của cội nguồn đời sống, sự sống vĩnh cửu của Như Lai Thọ Lượng.

Với thương yêu, người ta tin hiểu được đỉnh cao của trí huệ : Tất cả vũ trụ chỉ là Nhất Tâm (kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Địa). Mọi sự khác biệt đa thù, mọi hình thức của đời sống là hóa thân của cái Một và cái Một là tất cả. Mọi khác biệt muôn sai là do Như Lai Thần Lực và chính là Như Lai Thần Lực. Người ta sẽ tin hiểu được “Ba cõi duy Tâm, muôn pháp duy thức” : trong tình thương yêu, người ta thấy cái gì cũng lưu xuất từ Tâm và biến hiện do thức, cái gì cũng là Nhất Tâm hiển xuất qua hoạt động của thức : cái Một ở trong tất cả, và tất cả ở trong Một. Như mặt trăng là Một, và nó hóa hiện ở khắp nơi nào có nước.

Sự tuôn chảy liên tục, tràn đầy của thương yêu ra với mọi người, mọi sự là một trong hai yếu tố quan trọng nhất để tin hiểu và sống trong Pháp Hoa. Bởi vì sống trong Pháp Hoa là sống trong thương yêu và vì Pháp Hoa là vô tận nên thương yêu cũng phải vô tận

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Năm 2016(Xem: 10829)
19 Tháng Ba 2016(Xem: 8402)
Bịnh trầm kha của con người là thích tìm tòi những giải đáp thắc mắc cao siêu để thỏa mãn óc hiếu kỳ mà thiếu thực tế với đời sống, thích luận bàn những việc xa vời viễn vong không tưởng hơn là thực hành để đem lại an lành hạnh phúc bản thân. Chứng bịnh trầm kha nầy đã đẩy con người sống chơi vơi trong huyền đàm phiếm luận của thiết thực đến đời sống đạo đức tiến bộ. Vì vậy số người mang danh hành đạo thì nhiều mà chứng đạo thì gần như gợn mây mỏng trong bầu trời giáo pháp. Để tránh mắc phải bịnh năng thuyết bất năng hành, cổ đức đã khuyên: Muốn đạt thành tâm nguyện tiến bộ thì cần phải “tri hành hợp nhất, trí đức tương ưng”.
22 Tháng Ba 2016(Xem: 7295)
Kinh tâm - Bát nhã ba la mật đa là một bản kinh được rút ra từ bộ kinh Đại Bát nhã, gom lại thành 262 từ. Qua nhiều thế hệ dịch thuật, các dịch giả đã viết bài kinh này lên lá bối. Đến thế kỷ thứ VII, ngài Huyền Trang đã cho khắc bản kinh tâm này vào đá ở tại chùa Bạch Mã, nơi ngài trụ trì.
22 Tháng Ba 2016(Xem: 6519)
Tại thành Xá Vệ, vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo-ni Avalika khoác y ôm bình bát, đi vào thành Xá Vệ để khất thực. Khi Tỳ-kheo-ni đi khất thực ở thành Xá Vệ và trở về, sau bữa thọ trai của mình, Tỳ-kheo-ni đi đến vườn cây của ông Cấp-Cô-Độc để nghỉ vào ban ngày. Khi vào sâu trong vườn cây Cấp-Cô-Độc, Tỳ-kheo-ni ngồi xuống dưới một gốc cây để thiền quán.
02 Tháng Giêng 2016(Xem: 7641)
Kinh "Chiếc lưới ái ân" được dịch từ kinh Pháp Cú, Hán tạng. Chữ "ái ân" nằm ngay trong bài kệ thứ ba của kinh, câu “Nhân vi ân ái hoặc”. Trong kinh có sử dụng hình ảnh chiếc lưới để ví với sự mất tự do của một người khi bị vướng vào ái dục.
18 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 8962)
Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh là bài kinh được tụng đọc tại các chùa theo hệ thống Phật Giáo Đại Thừa, là bài kinh rất phổ thông được nhiều người đọc thuộc, nhưng về ý nghĩa thì cũng có nhiều gút mắc vì kinh được tụng đọc bằng âm Việt nhưng phải hiểu theo nghĩa tiếng Hán. Nhân 3 tháng an cư Kiết Đông 2015 tại Tổ Đình Thiền Tánh Không, Perris, California, chúng tôi được giảng dạy và ôn tập lại bài kinh này và hôm nay có ý muốn ghi lại chia sẻ cùng các bạn có nhu cầu muốn nghiên cứu tìm hiểu.
29 Tháng Năm 2015(Xem: 8413)
Viên Giác là Chân Tâm thanh tịnh của chư Phật, của tất cả chúng sanh cùng toàn thể vũ trụ. Như thế tôi nghe, một thời Phật nhập chánh định thần thông Đại Quang Minh Tạng, là chỗ trụ trì quang nghiêm của tất cả Như lai, đó chính là giác địa thanh tịnh của tất cả chúng sanh. Thân tâm tịch diệt, bình đẳng suốt ba đời, viên mãn khắp mười phương
22 Tháng Năm 2015(Xem: 14422)
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đưa người ta đến một sự chuyển hóa toàn triệt và toàn diện cuộc đời sanh tử khổ đau manh mún bởi chia cắt, phân biệt, oán ghét và xung đột của mình bằng cái thấy biết chân thật của Phật (tri kiến Phật).
16 Tháng Năm 2015(Xem: 13010)
Năm 2003, tôi cho ấn hành cuốn Nghĩ Từ Trái Tim, viết về Tâm Kinh. Thật ngạc nhiên, nhiều bạn đọc gần xa rất chia sẻ, có bạn lại mong có được bản dịch Anh ngữ để cho con em họ – thế hệ thứ hai – ở hải ngoại không rành tiếng Việt được đọc và hiểu Tâm Kinh Bát Nhã. Đến năm 2008, sau khi nghiền ngẫm, thực hành Kim Cang, tôi cho ra mắt cuốn Gươm Báu Trao Tay,