Lời Đầu Sách - Mở Đầu

13 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 10413)

KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC GIẢNG GIẢI
Hòa Thượng Thích Thanh Từ
Thành Hội Phật Giáo HCM Xuất Bản 1999

LỜI ĐẦU SÁCH

Đạo Phật là đạo giác ngộ, toàn bộ giáo lý của Phật dạy đều nhằm đánh thức con người sớm được giác ngộ. Mê lầm là cội nguồn đau khổ, chỉ có giác ngộ mới cứu được mọi khổ đau của chúng sanh. Để cứu khổ chúng sanh, ngài An Thế Cao người nước An Tức sang Trung Hoa vào đời Hán Hoàn Đế ở kinh đô Lạc Dương, trước tiên trích dịch tám điều giác ngộ biên thành quyển kinh Bát Đại Nhân Giác này.

Chỉ cần tám điều giác ngộ ở đây, người Phật tử khéo ứng dụng tu hành sẽ tan biến hết mọi khổ đau và lần bước tiến lên cấp bậc Bồ-tát cho đến Phật quả. Hiệu dụng của tám điều giác ngộ quả thật không thể nghĩ bàn, nếu ai thực tập thực tu sẽ nhận được kết quả không nghi ngờ. Hàng Phật tử chúng ta chớ thấy quyển kinh mỏng mà xem thường, phải nghiền ngẫm cho tận tường, phải tu tập cho thuần thục sẽ đạt được bản nguyện thoát ly sanh tử.

Vì thấy tính cách tuy đơn giản nhưng quan trọng của quyển kinh, nên chúng tôi đem ra giảng cho Tăng Ni và Phật tử trước nhất. Đồng thời muốn Tăng Ni nhớ mãi, chúng tôi dịch thành văn vần để học mau thuộc.

Hiện nay các Thiền sinh hợp tác ghi chép lại lời giảng của tôi để phổ biến cho những bạn đồng tu được cơ hội đọc lại quyển kinh này. Để tỏ lòng tùy hỉ, tôi xin ghi ít dòng ở đầu sách.

THÍCH THANH TỪ
Viết tại Thiền viện Thường Chiếu
Ngày 27-08-1997

MỞ ĐẦU

Theo chương trình học ba năm thì kinh Bát Đại Nhân Giác được dạy đầu chương trình. Tôi sẽ giảng ngay bản kinh chữ Hán, do ngài An Thế Cao trích dịch, để cho quí vị mới học Phật dễ nhận ra yếu chỉ tu hành.

Bát: Là tám.

Đại Nhân: Là người lớn. Người lớn mà Phật muốn nói ở đây là người giác ngộ thấy rõ các pháp đúng như thật, không còn mê lầm các pháp. Theo đạo Phật, người chưa biết tu gọi là phàm phu. Người nghe lời Phật dạy, phát tâm tu chứng từ Sơ quả Tu-đà-hoàn, đến Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, thì gọi là Thanh văn. Còn người phát tâm tu Lục độ vạn hạnh chứng từ Thập tín… lên Sơ địa tiến dần đến Thập địa, gọi là Bồ-tát. Và khi công hạnh tự giác giác tha của Bồ-tát đã viên mãn thì thành Phật. 

Như vậy, hàng Bồ-tát, Phật gọi là đại nhân.

Giác: Là biết, là trí tuệ tối thượng do tu chứng mà thành, thấy biết đúng lẽ thật, chớ không phải cái biết thiển cận sai lầm của người thế gian.

Bát Đại Nhân Giác là tám điều giác ngộ của Phật và Bồ-tát. 

Kinh: Những lời giảng dạy của Phật, được kết tập lại thành bộ gọi là kinh. Lời Phật dạy vừa phù hợp với chân lý, vừa thích hợp với căn cơ tâm lượng của chúng sanh, trải qua ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai đều đúng. Kinh Phật nói cốt giáo hóa chúng sanh khiến cho chúng sanh nghe hiểu tin nhận tu hành, để thấy rõ lẽ thật và được giải thoát.

Kinh Bát Đại Nhân Giác, do ngài An Thế Cao dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán, vào thời Hậu Hán đời vua Hán Hoàn Đế, niên hiệu Kiến Hòa năm thứ 2 (148 Tây lịch). Ngài là Thái tử nước An Tức (Parthie), nay một phần thuộc Ba Tư (Persia) một phần thuộc A Phú Hãn (Afghanistan). Lúc bấy giờ Phật pháp từ Ấn Độ truyền sang An Tức rất thịnh hành, Ngài xuất gia tu học, thông suốt kinh luận. Sau Ngài đem Phật pháp truyền vào Trung Quốc, và dịch kinh này từ chữ Phạn ra chữ Hán.

Thông lệ các kinh mở đầu đều có lục chủng chứng tín của ngài A-nan khi kết tập: Tôi nghe như vầy, một thuở nọ, Phật ở tại… Nhưng mở đầu kinh Bát Đại Nhân Giác không có phần này là tại sao? Vì lúc bấy giờ Phật pháp mới truyền vào Trung Quốc, người học Phật chưa thâm nhập giáo lý nhiều, nếu để trọn bộ kinh dày cho họ đọc, e không kham đọc nổi, nên Ngài phương tiện rút từng phần tinh yếu của Phật pháp trong nhiều bộ kinh mà dịch, phân ra: thứ nhất, thứ hai, thứ ba… đến thứ tám, tập thành Kinh Bát Đại Nhân Giác, để cho người mới phát tâm tu học dễ nắm được những điểm cần yếu trong Phật pháp, rồi sau mới học tiếp những phần khác sâu rộng hơn. Vì lý do đó, mà kinh Bát Đại Nhân Giác không có lục chủng chứng tín của ngài A-nan khi kết tập.

(Thiền viện Thường Chiếu)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn