Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

24 Tháng Mười 201408:23(Xem: 12665)
BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH 
Quảng Minh dịch Việt

blankBát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (phiên latinh từ Phạn ngữ: Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra,Prajnaparamitahridaya Sutra; Anh ngữ: Heart of Perfect Wisdom Sutra, tiếng Hoa: 般若波羅蜜多心經; âmHán Việt: Bát nhã ba la mật đa tâm kinh) còn được gọi là Bát-nhã tâm kinh, hay Tâm Kinh. Đây là kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông. Nó cũng là kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn. Dưới đây là sáu bản dịch Việt từ sáu bản dịch tiếng Trung khác nhau:

Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật Đại Minh Chú Kinh

No. 250

Diêu Tần, Thiên Trúc, Tam tạng Cưu-ma-la-thập dịch.

Việt dịch: Quảng Minh

 

Bồ-tát Quán Thế Âm khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, soi thấy năm ấm đều Không, vượt mọi khổ ách.

Xá-lợi-phất! Sắc là Không nên không có tướng não hoại, thọ là Không nên không có tướng cảm thọ, tưởng là Không nên không có tướng tri nhận, hành là Không nên không có tướng tạo tác, thức là Không nên không có tướng giác tri. Vì sao vậy? Xá-lợi-phất! Chẳng phải sắc khác Không, chẳng phải Không khác sắc; sắc tức là Không, Không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức, cũng như vậy.

Xá-lợi-phất! Tướng Không của các pháp ấy không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. Pháp Không ấy chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại. Thế nên, trong Không không sắc, không thọ, tưởng, hành, thức; không nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới cho đến không ý thức giới; không vô minh và không sự diệt tận của vô minh; cho đến không lão tử và không sự diệt tận của lão tử; không khổ, tập, diệt, đạo; không quán trí và không thủ đắc.

Vì không thủ đắc nên bồ-tát y theo Bát-nhã ba-la-mật thì tâm không bị chướng ngại; không bị chướng ngại thì không có khiếp sợ, xa lìa mọi điên đảo mộng tưởng và khổ não, được cứu cánh Niết-bàn. Chư Phật trong ba đời y theo Bát-nhã ba-la-mật thì được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. 

Nên biết Bát-nhã ba-la-mật là minh chú vĩ đại, là minh chú vô thượng, là minh chú không gì sánh bằng, trừ được mọi khổ não, chân thật không hư dối, nên được gọi là chú Bát-nhã ba-la-mật.

Nên thuyết chú rằng: Yết-đế, yết-đế, ba-la-yết-đế, ba-la-tăng-yết-đế, bồ-đề, tăng sa-ha.

Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật Đại Minh Chú Kinh

 
_______________________________________

Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh

No. 251

Đờ i Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang dịch.

Việt dịch: Quảng Minh

 

Bồ-tát Quán Tự Tại khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, soi thấy năm uẩn đều Không, vượt mọi khổ ách.

Xá-lợi Tử! Sắc chẳng khác Không. Không chẳng khác sắc. Sắc tức là Không, Không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng lại như vậy.  

Xá-lợi Tử! Tướng Không của các pháp ấy không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. Thế nên, trong Không không sắc, không thọ, tưởng, hành, thức; không nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới cho đến không ý thức giới; không vô minh và không sự diệt tận của vô minh; cho đến không lão tử và không sự diệt tận của lão tử; không khổ, tập, diệt, đạo; không quán trí và không thủ đắc.

Vì không thủ đắc nên Bồ-tát y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì tâm không bị chướng ngại; không bị chướng ngại thì không có khiếp sợ, xa lìa mọi điên đảo mộng tưởng, được cứu cánh Niết-bàn. Chư Phật trong ba đời y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. 

Nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa là thần chú vĩ đại, là chú rất sáng chói, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, trừ được mọi khổ não, chân thật không hư dối, nên được gọi là chú Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Nên thuyết chú rằng: Yết-đế, yết-đế, ba-la-yết-đế, ba-la-tăng-yết-đế, bồ-đề, tăng sa-ha.

Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh

 
___________________________________________
 

Phổ Biến Trí Tạng Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh

No. 252

Nước Ma-kiệt-đề, Tam tạng Sa-môn Pháp Nguyệt trùng dịch

Việt dịch: Quảng Minh

 

Tôi nghe như vầy.

Một thời, đức Phật trú tại núi Linh thứu, đại thành Vương xá, cùng với đủ trăm ngàn vị đại Tỷ-kheo và bảy vạn bảy ngàn vị Bồ-tát ma-ha-tát đến tụ tập. Danh hiệu của các vị là Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Di-lặc, v.v., đều là bậc thượng thủ, đều được tam-muội tổng trì, trú nơi Bất tư nghị giải thoát.

Bấy giờ, Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại đang ở chỗ mình ngồi, ngay trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến trước đức Thế Tôn, chắp tay hướng về đức Phật, nghiêng mình cung kính, chiêm ngưỡng tôn nhan, bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Trong chúng hội này, con muốn nói về tâm [chú/ yếu] của Bát-nhã ba-la-mật-đa, là Kho tàng Trí tuệ phổ biến của các Bồ-tát. Cúi mong Thế Tôn hứa khả cho những điều con nói. Con sẽ tuyên thuyết pháp yếu bí mật cho các Bồ-tát.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn, bằng âm thanh vi diệu của Phạm thiên, nói với Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại rằng: “Lành thay, lành thay! Bậc đầy đủ Đại bi, Ta hứa khả những điều ông nói, để làm ánh sáng vĩ đại cho các chúng sinh.”

Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại, sau khi được Phật hứa khả, được Phật hộ niệm, bèn nhập chánh thọ tên là Tuệ quang tam-muội. Khi nhập định này rồi, dùng năng lực của tam-muội mà tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, Ngài soi thấy tự tính của năm uẩn đều Không. Ngài liễu tri tự tính của năm uẩn đều Không, rồi an lành xuất khỏi tam-muội kia, và nói với Tuệ mạng Xá-lợi-phất rằng: “Thiện nam tử, Bồ-tát có tâm [chú] của Bát-nhã ba-la-mật-đa, được gọi là Kho tàng Trí tuệ phổ biến, ông nay hãy lắng nghe, hãy khéo suy niệm. Tôi sẽ vì ông phân biệt giải thuyết.”

Sau lời nói ấy, Tuệ mạng Xá-lợi-phất bạch với Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại rằng: “Thưa đức Đại Tịnh, kính thỉnh Ngài nói. Nay chính là đúng thời.”

Rồi Bồ-tát nói với Xá-lợi-phất: “Các Bồ-tát ma-ha-tát nên học như vầy: Sắc tính là Không, Không tính là sắc. Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc. Sắc tức là Không, Không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng lại như vậy. Thức tính là Không, Không tính là thức. Thức chẳng khác Không, Không chẳng khác thức. Thức tức là Không, Không tức là thức.”

“Xá-lợi Tử, tướng Không của các pháp ấy không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. Thế nên, trong Không không sắc, không thọ, tưởng, hành, thức; không nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới cho đến không ý thức giới; không vô minh và không sự diệt tận của vô minh; cho đến không lão tử và không sự diệt tận của lão tử; không khổ, tập, diệt, đạo; không quán trí và không thủ đắc.”

“Vì không thủ đắc nên Bồ-đề-tát-đỏa y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì tâm không bị chướng ngại; không bị chướng ngại thì không có khiếp sợ, xa lìa mọi điên đảo mộng tưởng, được cứu cánh Niết-bàn. Chư Phật trong ba đời y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” 

“Nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa là thần chú vĩ đại, là chú rất sáng chói, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, trừ được mọi khổ não, chân thật không hư dối, nên được gọi là chú Bát-nhã ba-la-mật-đa.”

Nên thuyết chú rằng: “Yết-đế, yết-đế, ba-la-yết-đế, ba-la-tăng-yết-đế, bồ-đề sa-bà-ha.”

Đức Phật nói kinh này xong thì các Tỷ-kheo và chúng Bồ-tát, hết thảy thế gian gồm Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà, v.v. nghe những điều đức Phật nói, đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

Phổ Biến Trí Tạng Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh


_________________________________________ 

 

Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh

No. 253

Nước Kế Tân, Tam tạng Bát-nhã và Lợi Ngôn đồng dịch.

Việt dịch: Quảng Minh

 

Tôi nghe như vầy.

Một thời, đức Phật trú tại núi Kỳ-xà-quật, thành Vương Xá, cùng với chúng đại Tỷ-kheo và chúng Bồ-tát đều đến tụ tập. Bấy giờ, đức Phật Thế Tôn liền nhập tam-muội tên là Quảng đại thậm thâm.  

Bấy giờ, trong chúng có Bồ-tát ma-ha-tát tên là Quán Tự Tại. Khi Ngài tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, soi thấy năm uẩn đều Không, lìa các khổ ách. Khi ấy, tôn giả Xá-lợi Tử nương uy lực của Phật, chắp tay cung kính, bạch với Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại rằng: “Thưa Thiện nam tử! Nếu có hành giả muốn học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì tu hành thế nào?”  Hỏi như vậy rồi.

Bấy giờ, Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại nói với Cụ thọ Xá-lợi-phất rằng: “Xá-lợi Tử! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân đi vào Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, khi tu hành nên quán tự tính của năm uẩn đều Không. Xá-lợi Tử! Sắc chẳng khác Không. Không chẳng khác sắc. Sắc tức là Không, Không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng lại như vậy.”

“Xá-lợi Tử! Tướng Không của các pháp ấy không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. Thế nên, trong Không không sắc, không thọ, tưởng, hành, thức; không nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới cho đến không ý thức giới; không vô minh và không sự diệt tận của vô minh; cho đến không lão tử và không sự diệt tận của lão tử; không khổ, tập, diệt, đạo; không quán trí và không thủ đắc.”

“Vì không thủ đắc nên Bồ-đề-tát-đỏa y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì tâm không bị chướng ngại; không bị chướng ngại thì không có khiếp sợ, xa lìa mọi điên đảo mộng tưởng, được cứu cánh Niết-bàn. Chư Phật trong ba đời y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” 

“Nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa là thần chú vĩ đại, là chú rất sáng chói, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, trừ được mọi khổ đau, chân thật không hư dối, nên được gọi là chú Bát-nhã ba-la-mật-đa.”

Nên thuyết chú rằng: “Yết-đế, yết-đế, ba-la-yết-đế, ba-la-tăng-yết-đế, bồ-đề sa-bà-ha.”

“Như vậy, Xá-lợi-phất! Các Bồ-tát ma-ha-tát đối với sự đi vào Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, nên tu hành như vậy.” Tuyên thuyết như vậy rồi.

Lúc ấy, đức Thế Tôn xuất khỏi tam-ma-địa Quảng đại thậm thâm, ca ngợi Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại rằng: “Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Đúng thế, đúng thế! Như những điều ông tuyên thuyết. Đi vào Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, thì nên tu hành như vậy. Khi tu hành như vậy thì các đức Như Lai thảy đều tùy hỷ.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói lời này xong, Cụ thọ Xá-lợi-phất tràn đầy hoan hỷ,  Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại cũng rất hoan hỷ. Bấy giờ, trong chúng hội, Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà, v.v. nghe những điều đức Phật nói, đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh

 
_________________________________________

 

Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh

No. 254

Đời Đường, chùa Đại Hưng Thiện ở Thượng đô [Trường An],

Tam tạng sa-môn Trí Tuệ Luân phụng chiếu dịch.

Việt dịch: Quảng Minh

 

Tôi nghe như vầy.

Một thời, đức Bạc-già-phạm trú tại núi Kỳ-xà-quật, thành Vương Xá, cùng với chúng đại Bí-sô và chúng đại Bồ-tát đều đến tụ tập. Bấy giờ, đức Thế Tôn nhập tam ma địa, tên là Quảng đại thậm thâm chiếu kiến.  Khi ấy, trong chúng có một vị Bồ-tát ma-ha-tát, tên là Quán Thế Âm Tự Tại, đi vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, khi tu hành soi thấy tự tính của năm uẩn đều Không.

Khi ấy, tôn giả Cụ thọ Xá-lợi Tử nương uy thần của Phật, chắp tay cung kính, bạch với Bồ-tát ma-ha-tát Quán Thế Âm Tự Tại rằng: “Thưa Thánh giả! Nếu có hành giả muốn học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì tu hành thế nào?”  Hỏi như vậy rồi.

Bấy giờ, Bồ-tát ma-ha-tát Quán Thế Âm Tự Tại nói với Cụ thọ Xá-lợi Tử rằng: “Xá-lợi Tử! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân đi vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, khi tu hành nên soi thấy tự tính của năm uẩn đều Không, lìa các khổ ách. Xá-lợi Tử! Sắc là Không, nơi tính Không thấy sắc. Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc. Sắc ấy tức Không, Không ấy tức sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng lại như vậy.”

“Xá-lợi Tử! Tính tướng Không của các pháp ấy không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. Thế nên, trong Không không sắc, không thọ, tưởng, hành, thức; không nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới cho đến không ý thức giới; không vô minh và không sự diệt tận của vô minh; cho đến không sự diệt tận của lão tử; không khổ, tập, diệt, đạo; không trí chứng và không thủ đắc.”

“Vì không thủ đắc nên Bồ-đề-tát-đỏa y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa mà an trú, thì tâm không bị chướng ngại; không bị chướng ngại thì không có khiếp sợ, xa lìa mọi điên đảo mộng tưởng, được cứu cánh Niết-bàn. Chư Phật trong ba đời y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì được Vô thượng bồ-đề, hiện thành Chánh giác.” 

“Nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa là chân ngôn vĩ đại, là chân ngôn rất sáng chói, là chân ngôn vô thượng, là chân ngôn không gì sánh bằng, trừ được mọi khổ đau, chân thật không hư dối, nên được gọi là chân ngôn Bát-nhã ba-la-mật-đa.”

Nên thuyết chú rằng: “Án, nga đế, nga đế, bả la nga đế, bả la tán nga đế, mạo địa, sa-phộc hạ.”

“Như vậy, Xá-lợi Tử! Các Bồ-tát ma-ha-tát đối với sự đi vào Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, nên học như vậy.”  

Bấy giờ, đức Thế Tôn an lành xuất khỏi tam-ma-địa, ca ngợi Bồ-tát ma-ha-tát Quán Thế Âm Tự Tại rằng: “Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Đúng thế, đúng thế! Như những điều ông tuyên thuyết. Đi vào Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, thì nên tu hành như vậy. Khi tu hành như vậy thì các đức Như Lai thảy đều tùy hỷ.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói lời này xong, Cụ thọ Xá-lợi Tử,  Bồ-tát Quán Thế Âm Tự Tại, và trong chúng hội, hết thảy thế gian gồm Trời, Người, A-tô-la, Nghiễn-đà-phược, v.v. nghe những điều đức Phật nói, đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh

 

 ____________________________________________

 

Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh

(Bản Thạch thất Đôn hoàng)

No. 255

[Đại Phiên] Quốc, Đại đức Tam tạng Pháp sư Sa-môn Pháp Thành dịch.

Việt dịch: Quảng Minh

 

Tôi nghe như vầy.

Một thời đức Bạc-già-phạm trú tại núi Thứu phong, thành Vương Xá, cùng với chúng đại Bí-sô và các Bồ-tát ma-ha-tát đều đến tụ tập. Bấy giờ, đức Thế Tôn bèn nhập tam ma địa tên là Thậm thâm minh liễu – dị môn của giáo pháp. 

Vào lúc đó, Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại khi đi vào Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, quán sát soi thấy thể tính của năm uẩn thảy đều là Không. Khi ấy, tôn giả Cụ thọ Xá-lợi Tử nương uy lực của Phật, bạch với Bồ-tát ma-ha-tát Quán Thế Âm Tự Tại rằng: “Thưa Thánh giả! Nếu có thiện nam tử muốn tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì nên tu học thế nào?”  Nói lời đó xong.

Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại trả lời Cụ thọ Xá-lợi-tử rằng: “Xá-lợi Tử! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn tu hành Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, vị ấy phải quán sát như vầy: Thể tính của năm uẩn đều Không. Sắc tức là Không, Không tức là sắc. Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc. Cũng lại như vậy, thọ, tưởng, hành, thức thảy đều Không.”

“Thế nên Xá-lợi Tử! Tính Không của tất cả pháp là vô tướng, không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. Thế nên, bấy giờ ở trong tính Không không sắc, không thọ, không tưởng, không hành, cũng không có thức; không nhãn, không nhĩ, không tỹ, không thiệt, không thân, không ý; không sắc, không thanh, không hương, không vị, không xúc, không pháp; không nhãn giới cho đến không ý thức giới; không vô minh và không sự diệt tận của vô minh; cho đến không lão tử và không sự diệt tận của lão tử; không khổ, tập, diệt, đạo; không quán trí, không thủ đắc và không không thủ đắc.”

“Thế nên Xá-lợi Tử! Vì không thủ đắc nên các chúng Bồ-tát y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì tâm không bị chướng ngại; không bị chướng ngại thì không có khiếp sợ, vượt qua mọi điên đảo, được cứu cánh Niết-bàn. Hết thảy chư Phật trong ba đời y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa mà chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.” 

“Xá-lợi Tử! Thế nên phải biết đại mật chú Bát-nhã ba-la-mật-đa là chú rất sáng chói, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, là chú trừ được mọi khổ đau, chân thật không điên đảo. Nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa là bài chú bí mật. “

Nên thuyết chú Bát-nhã ba-la-mật-đa rằng: “Nga-đế, nga-đế, ba-la-nga-đế, ba-la-tăng-nga-đế, bồ-đề sa-ha.”

“Xá-lợi Tử! Các Bồ-tát ma-ha-tát nên tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy.” 

Bấy giờ, đức Thế Tôn xuất khỏi định ấy, nói với Thánh giả Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại rằng: “Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Đúng thế, đúng thế! Như những điều ông tuyên thuyết. Các vị phải tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy. Tất cả Như Lai cũng đều tùy hỷ.”

Bấy giờ, đức Bạc-già-phạm nói lời này xong, Cụ thọ Xá-lợi Tử,  Thánh giả Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại và hết thảy thế gian, Trời, Người, A-tô-la, Càn-thát-bà, v.v… nghe những điều đức Phật nói, đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh

 ________________________________________________

Phật thuyết Thánh Phật mẫu Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh

No. 257

Tây thiên dịch kinh Tam tạng, Triều phụng Đại phu,

Thí Quang lộc khanh, Truyền pháp Đại sư,

Thần được sắc ban tử y, Thi Hộ phụng chiếu dịch.

Việt dịch: Quảng Minh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Thế Tôn trú tại núi Thứu phong, thành Vương Xá, cùng với chúng đại Bí-sô một ngàn hai trăm năm chục người tụ tập, và chúng Bồ-tát ma-ha-tát cùng nhau vây quanh.

Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nhập tam-ma-địa tên là Thậm thâm quang minh tuyên thuyết chánh pháp. Khi ấy, Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại đang ở giữa Phật hội. Vị Bồ-tát ma-ha-tát này có khả năng tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, quán chiếu thấy tự tính của năm uẩn thảy đều Không.

Bấy giờ, tôn giả Xá-lợi Tử nương uy thần của Phật, bước lên trước mà bạch với Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại rằng: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân ưa muốn tu học ở trong pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì nên học như thế nào?”

Khi ấy, Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại nói với tôn giả Xá-lợi Tử rằng:

“Ông nay hãy lắng nghe, tôi sẽ vì ông tuyên thuyết. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân ưa muốn tu học ở trong pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, hãy quán chiếu tự tính của năm uẩn thảy đều Không.”

“Thế nào gọi là tự tính của năm uẩn đều Không? Đó là, tức sắc là Không, tức Không là sắc; sắc không khác với Không, Không không khác với sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng lại như vậy.”

“Xá-lợi Tử! Tướng Không như vậy của tất cả các pháp ấy vốn không có cái gì được sinh, không có cái gì bị diệt; không cấu nhiễm, không thanh tịnh; không tăng trưởng, không tổn giảm.”

“Xá-lợi Tử! Thế nên, trong Không không sắc, không thọ, tưởng, hành, thức; không tồn tại mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không tồn tại sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới và không nhãn thức giới, cho đến không ý giới và không ý thức giới; không vô minh và không sự diệt tận của vô minh; cho đến không lão tử và không sự diệt tận của lão tử; không khổ, tập, diệt, đạo; không quán trí, không thủ đắc, cũng không không thủ đắc.”

“Xá-lợi Tử, do vì không thủ đắc như vậy, Bồ-tát ma-ha-tát y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa mà thực hành tương ứng, thì tâm không bị vướng mắc, cũng không bị chướng ngại; không bị vướng mắc, không bị chướng ngại, thì không có khiếp sợ, xa lìa tất cả điên đảo vọng tưởng, được cứu cánh viên tịch. Chư Phật trong ba đời y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

“Vì vậy, nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa là minh chú quảng đại, là minh chú vô thượng, là minh chú không gì sánh bằng, có năng lực dứt trừ được mọi khổ não, vì đó chính là pháp chân thật, không hư vọng. Những ai tu học hãy tu học như vậy.”

“Nay tôi tuyên thuyết đại minh chú Bát-nhã ba-la-mật-đa rằng: Đát-ninh-dã-tha, nga-đế, nga-đế, bá-ra-nga-đế, bá-ra-tăng-nga-đế, mạo-đề, sa-hạ.”

“Xá-lợi Tử! Các Bồ-tát ma-ha-tát nếu thường tụng đọc minh chú Bát-nhã ba-la-mật-đa này tức là tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn an lành xuất khỏi tam-ma-địa; Ngài ca ngợi Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại rằng: “Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Những điều ông tuyên thuyết, đúng vậy, đúng vậy! Bát-nhã ba-la-mật-đa nên được tu học như vậy. Đó chính là cứu cánh chân thật tối thượng. Hết thảy đức Như Lai cũng đều tuỳ hỷ.”

Phật thuyết kinh này xong; Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại, cùng các Bí-sô, cho đến thế gian gồm Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà, v.v. hết thảy đại chúng, sau khi nghe những điều Phật nói, đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

Phật thuyết Thánh Phật mẫu Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh.

 

23.10.2014

30.09.Giáp Ngọ

 pdf_download_2
Phiên bản PDF: Tâm kinh bát nhã

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1790)
27 Tháng Chín 2022(Xem: 84369)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
16 Tháng Chín 2020(Xem: 6272)
20 Tháng Tám 2018(Xem: 8000)