TÔN GIÁO, MỘT NHU CẦU KHÔNG THỂ THIẾU TRONG ĐỜI SỐNG - Thích Viên Lý

28 Tháng Tư 201100:00(Xem: 2434)

TÔN GIÁO, MỘT NHU CẦU KHÔNG THỂ THIẾU TRONG ĐỜI SỐNG

T.T. Thích Viên Lý

Tôn giáo là nền tảng căn bản của mọi đạo đức xã hội, thiếu tôn giáo, con người sẽ biến thành vô cảm, xã hội sẽ loạn động và tệ nạn xã hội là một thảm kịch không thể tránh khỏi.

Niềm tin tôn giáo có sức tác động mãnh liệt lên sự thăng hóa của xã hội nhân loại. Chính tôn giáo làm tình người nở hoa, chính tôn giáo khiến đời sống trở thành ý nghĩa đáng sống; tuy nhiên, nếu nhân danh tôn giáo để áp đặt đức tin của mình lên người khác, thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng, chiến tranh sẽ nổ ra và con người sẽ biến thành nạn nhân của cái mà mình mệnh danh là thánh thiện. Chính vì thế, các tôn giáo không chỉ tôn trọng lẫn nhau mà cần họp tác trong những lãnh vực mà qua đó xã hội sẽ hưởng được những thiện ích không thể thiếu vắng trong đời sống. Không một ai, dù có đức tin như thế nào, muốn thấy đức tin của mình bị xúc phạm. Không một ai, sinh ra và lớn lên trong bất cứ truyền thống văn hoá nào muốn sống dưới sự xung đột, tranh chấp. Khoan dung, hoà ái là đặc trưng của cái thiện, là biểu tượng của văn minh, dân chủ và tự do.

Muốn xã hội loài người hưởng các quyền công dân bình đẳng thật sự, thế quyền tuyệt đối không xen vào nội bộ tôn giáo, không dựa vào cách mạng bạo lực để cưỡng bức tôn giáo, ngược lại bản thân các tôn giáo, bất luận đức tin của mình như thế nào, cần tận lực phục vụ con người thay vì bắt con người phải phục vụ cho tôn giáo của mình.

Tại Việt Nam, dưới thể chế độc tài toàn trị, các tôn giáo đã không thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu tâm linh của quần chúng mà ngay tại hải ngoại, dù có tự do nhưng vẫn bị Nghị quyết 36 của Cọng sản làm phân rã, lũng đoạn, đây là một thực tế không thể phủ bác, chính thế, các tôn giáo cần có một tầm nhìn bao dung, tỉnh giác. Với sức mạnh của sự đoàn kết, chắc chắn các tôn giáo sẽ là giải pháp thay thế tốt nhất cho hiện trạng đen tối hôm nay trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Tôn giáo là sức mạnh của dân tộc, đàn áp tôn giáo là triệt hủy sức sống của giống nòi. Ý thức rõ điều đó, trung thành với lý tưởng Xã Hội Chủ Nghĩa đại đồng, không biên giới, vô tổ quốc, vì quyền lợi phe nhóm, nhà cầm quyền Cọng sản Việt Nam đã chẳng những hiến đất, dâng biển cho ngoại bang mà còn tìm đủ kế sách để tiêu diệt các tôn giáo. Với Cọng sản, tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, là thế lực nguy hiểm nhất của chế độ, vì tôn giáo có khả năng quy tụ quần chúng - một sức mạnh đè bẹp mọi sức mạnh mà tôn giáo đang thủ đắc, chính thế, càng ngày nhà nước Cọng sản càng quyết tâm leo thang chính sách đàn áp tôn giáo của họ. Nhân danh Chủ nghĩa Xã hội, họ ngang nhiên chiếm đoạt đất đai, tài sản của các tôn giáo. Bắt giam các hàng Giáo phẩm, cấm đoán mọi sinh hoạt thuần túy tôn giáo của các Tự viện, Giáo đường, Thánh thất. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là nạn nhân trực tiếp và lâu dài của thế lực vô minh manh động này trên suốt nhiều thập kỷ qua. Thế nhưng, việc làm phi pháp của họ đã là động lực thúc đẩy những người có đức tin mạnh dạn đứng lên để chống lại cái ác, bảo vệ chân lý, dù phải đương đầu với hiểm nguy, bất trắc. Đây là một phản ứng rất tự nhiên của con người và đây cũng là nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của các chế độ độc tài toàn trị không luận là đông hay tây. Lịch sử đã minh chứng, dù mạnh và tàn bạo đến đâu như Tần Thủy Hoàng hay Adolf Hitler đi nữa, cuối cùng, độc tài đã phải nhường chỗ cho dân chủ.

Nói đến tuổi thọ của các Tôn giáo là nói đến thiên niên kỷ, ngược lại, chiều dài lịch sử của các triều đại hay thể chế chính trị chỉ được tính bằng vài ba con số. Yếu tố nào đã làm cho tôn giáo tồn tại lâu dài? Nhân tố ấy chính là lòng người. Cái gì đáp ứng được khát vọng sâu thẳm nhất của con người, cái ấy sẽ tồn tại miên viễn.

Tôn giáo có khả năng chăm sóc đời sống tâm linh của con người nên Tôn giáo chính là chìa khóa mở ra một quang lộ đầy triển vọng cho thế giới nhân loại, cách riêng cho dân tộc Việt Nam chúng ta.

Điều đáng lưu ý ở đây là, tôn giáo giữ một vai trò vô cùng quan yếu như thế, nhưng, chúng ta không nhân danh Tôn giáo mà chính là nhân danh sự khổ đau của con người, của muôn loại chúng sanh để hành động - hành động là cho và vì phúc lạc lâu dài của tha nhân chứ không phải cho chính tôn giáo của mình. Cần ý thức rằng, tôn giáo là sự vận hành của tình thương, một tình thương không biên giới, là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển tâm linh. Trong nhận ý minh mẫn như thế, thay vì tiêu cực, chúng ta sẽ tích cực dấn thân. Nhân quả không là một biện chứng mà chính là một luật tắc. Với luật tắc nhân quả, chắc chắn sự dấn thân tích cực của chúng ta sẽ mang lại niềm vui đích thực cho tất cả sinh loại.

Trong hoàn cảnh vàng thau lẫn lộn hiện nay, chúng ta cần ý thức thường xuyên mối hiểm họa của Cọng sản, quyết tâm không để chủ nghĩa Cọng sản hoặc những kẻ cuồng tín nhân danh Xã hội Chủ nghĩa tiêu diệt khát vọng tự do, nhân quyền và dân chủ của nhân dân. Sức mạnh mà chúng ta có thể có được đó là sự kết họp, với sức mạnh tổng họp đó, chúng ta sẽ chận đứng mọi chính sách thù nghịch của Cọng sản và sẽ mang lại tình thương bao la, một niềm vui bất tận cho thế giới nhân loại.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn