Vài Nét Về Gia Đình Phật Tử

23 Tháng Năm 201709:00(Xem: 6215)
Vài nét về GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

gia_dinh_phat_tuNói đến đoàn thể Gia Đình Phật Tử. Chúng ta không thể không nhắc đến  cư sĩ Tâm Minh  Lê Đình Thám , người đã sáng lập ra đoàn thể nầy.

Cụ Lê Đình Thám sinh năm 1897 tại làng Đông Mỹ, tổng Phú Khương , phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam mất năm 1969. Thân sinh cư sĩ là cụ ông Lê Đỉnh giữ chức Đông Các Điện Học sĩ kiêm Binh Bộ Thượng Thư dưới triều Tự Đức, thân mẫu là cụ bà Phan Thị Hiệu. Cư sĩ Lê Đình Thám đổ thủ khoa y sĩ Đông Dương trường y Hà Nội vào năm 1916, sau đó vào năm 1930 cụ lại đổ bác sĩ ngạch Pháp tại Hà Nội. Cụ Lê Đình Thám có người anh ruột là bác sĩ Lê Đình Dương tham gia cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân, sự việc không thành, ông bị thực dân Pháp bắt đày vào Khánh Hòa, rồi đày lên Buôn Mê Thuột. Do đó bác sĩ Lê Đình Thám bị Pháp nghi ngờ, luôn luôn theo dõi,  song thực dân Pháp vẫn dùng cụ, nhưng cũng vì thế người Pháp thuyên chuyển cụ làm y sĩ trưởng ở nhiều nhiệm sở. Từ năm 1916 đến năm 1926 cụ phục vụ ở các bệnh viện Hội An, Sông Cầu, Bình Thuận, Qui Nhơn, Tuy Hòa. Vào năm 1926, lúc ấy cư sĩ đang làm y sĩ trưởng tại bệnh viện Hội An, nhân một lần viếng thăm chùa Tam Thai tại Ngũ Hành Sơn, cụ đọc được bài thơ của tổ Huệ Năng  đề nơi vách chùa, nhờ nhìn thấy bài thơ nầy khiến cư sĩ  Tâm Minh có duyên lành đến với đạo Phật:

Bồ đề bổn vô thọ
Minh Cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai

Ngày 24 tháng 3 năm 1926 chí sĩ Phan Chu Trinh, lãnh tụ phong trào  canh tân đất nước, khuyến học để nâng cao trình độ dân trí bị bệnh  mất tại Sài gòn. Người dân khắp cả ba miền Trung, Nam, Bắc để tang . Bác sĩ Lê Đình Thám cùng một số bạn bè làm lể truy điệu cho  chí sĩ họ Phan. Mật thám Pháp để ý. Khoảng 1 tháng sau cư sĩ bị thuyên chuyển ra Hà tỉnh. Trong khoảng thời gian nầy, cụ thường nghiên cứu về kinh điển Phật Giáo, dịch thuật các kinh từ chữ Hán ra chữ Việt. Năm 1928 bác sĩ  được điều về bệnh viện Huế, cũng vào năm nầy,  cư sĩ đến chùa Trúc Lâm cách  Kinh đô Huế khoảng 7 km  nằm phía sau đền Nam Giao để thỉnh tôn ý Hòa Thượng Giác Tiên về bài thơ của Lục Tổ Huệ Năngcư sĩ đã đọc ở chùa Non Nước ( Tam Thai ). Sau khi lĩnh hội được ý nghĩa thâm sâu, vi diệu của bài thơ, bác sĩ đã phát nguyện qui y Tam Bảo với hoà thượng Giác Tiên. Hòa thượng ban cho cụ Lê Đình Thám  pháp danh Là  Tâm MinhPháp tự là Châu Hải. Từ đấy, cư sĩ Tâm Minh phát nguyện ăn trường trai, chú tâm vào việc nghiên cứu, dịch thuật kinh điển. Thời gian cụ Lê Đình Thám vào đời, phục vụ cho xã hội, cho đạo pháp, đó cũng chính là đỉnh điểm của phong trào chấn hưng Phật giáo ở khắp 3 miền Trung, Nam, Bắc. Nhiều hội Phật học được thành lập như: Hội Lưỡng xuyên Phật Học, Hội Lục Hòa, Hội Phật giáo Tân Thanh...Để chuyển tải những lời Phật dạy đến tầng lớp Tăng, Ni Phật tử có tạp chí Pháp Âm, báo Từ Bi Âm, tạp chí Viên Âm....Việc đào tạo Tăng tài có Phật Học Viện Tây Thiên, Phật Học viện chùa Báo Quốc, trường Ni ở chùa Diệu Đức. Tại miền Bắc trường Tăng ở chùa Quán Sứ, trường Ni ở chùa Bồ Đề. Trưởng giả Tâm Minh đã dồn tất cả bầu nhiệt huyết của mình vào phong trào phục hưng Phật giáo Việt Nam, với những công tác Phật sựcư sĩ đã thể hiện:

Vào năm 1932 thể theo tôn ý của các chư tôn thiền đức Phước Huệ, Giác Nhiên,Tịnh Hạnh, Tịnh Khiết...., bác sĩ Lê Đình Thám đã cùng với các đạo hữu Ưng Bàng, Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân, Viễn Đệ, Nguyễn Khoa Toàn, Ưng Bình, Ưng Bác....tất cả gồm 18 người thành lập Hội An Nam Phật Học. Nhằm đào tạoTăng tài, năm 1933 mở trường An Nam Phật Học tại chùa Vạn Phước, sau dời về chùa Báo Quốc do hòa thượng Trí Độ làm Đốc giáo. Mở trường Sơn Môn Phật Học năm 1935, cấp đại học do hòa thượng Giác Tiên làm  Đốc học và hòa thượng Tịnh Khiết đảm nhiệm chức giám học cấp trung học tại chùa Tường Vân.

Trong kỳ họp Đại Hội Đồng  của Tổng Hội An Nam Phật Học được tổ chức vào ngày  14 tháng 8 năm 1938, với niềm ưu tư đến tuổi trẻ, cư sĩ Tâm Minh đã phát biểu "Không có thành tựu bền vững nào lại không nhắm tới hàng ngũ thanh thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai....". Để thực hiện hoài bảo đó, vào khoảng mùa thu năm 1940, bác sĩ Lê Đình Thám thành lập đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục. Để chào mừng lể Đản sinh của đức Thế Tôn Phật lịch 2498, một cuộc hợp bạn, cắm trại cho liên đoàn Thanh niên Phật Học Đức Dục được tổ chức vào ngày 30 tháng 4 năm 1944 tại rừng Quảng Tế ở Huế, trong dịp hợp bạn nầy đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục  đổi danh xưng thành Gia Đình Phật Hóa Phổ. Đoàn thể nầy có 5 đơn vị :         

     1/ Gia đình Phật Hóa Phổ  Tâm Minh do bác sĩ Lê Đình Thám làm phổ trưởng, anh  Đinh Văn Nam ( sau nầy là Hòa thượng Thích Minh Châu ) làm Phổ phó

     2/ Gia đình Phật Hóa Phổ Thanh Tịnh, cư sĩ Tôn Thất Tùng làm phổ trưởng

     3/ Gia đình Phật Hóa Phổ Sum Đoàn, cư sĩ Nguyễn Hữu Tuân trưởng phổ

      4/ Gia đình Phật Hóa Phổ Tâm Lạc, cư sĩ Phạm Quang Thiện phổ trưởng

      5/ Gia đình Phật Hóa Phổ Liên Hoa do cư sĩ  Nguyễn văn Lãm làm trưởng và chị Ni ( sau nầy là Sư Bà Hải Triều Âm ) làm phó.

Gia Đình Phật Hóa Phổ chính là tiền thân của đoàn thể Gia Đình Phật Tử ngày nay. Phong trào chấn hưng Phật Giáo  ngày càng lớn mạnh, đưa đến sự thống nhất Phật giáo giữa 3 miền Trung, Nam, Bắc để trở thành Phật Giáo Việt Nam. Đoàn Gia Đình Phật Hóa Phổ cũng hòa đồng trong dòng chảy ấy. Vào các ngày 24, 25, 26 tháng 4 năm 1951 đại hội huynh trưởng Gia Đình Phật Hóa Phổ lần đầu tiên được tổ chức tại chùa Từ Đàm Huế với sự tham dự của các đại biểu 8 tỉnh thành miền Trung và các đại diện chính thức đoàn Gia Đình Phật Hoá Phổ của 2 miền Nam, Bắc. Mục đích của kỳ đại hội nầy nhằm:  Báo cáo thành qủa sinh hoạt, phát triển đoàn, đội của vùng miền và các tỉnh - Trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng  gia đình, tổ chức đoàn, đội và mối quan hệ với tổ chức Phật Giáo địa phương - Thảo luận bản nội qui và danh xưng thống nhất cho đoàn thể Gia Đình Phật Hóa Phổ. Trong 3 ngày họp đại hội cho chúng ta thấy :

        Những người thanh thiếu niên con Phật đã thể hiện tinh thần lục hòa cao độ. trong việc:

        Danh xưng Gia Đình Phật Hóa Phổ được đổi thành Gia Đình Phật Tử Việt Nam

        Chấp thuận bản nội qui do thầy Thích Minh Châu soạn thảo

        Thiết lập cơ cấu nghiên cứu Phật giáo, soạn thảo những đề tài, những kinh điển để giảng dạy cho các em.

Phàm một đoàn thể nào cũng đều có phương châm, điều luật và huy hiệu để định hướng cho mục đích sinh hoạt của đoàn thể đó. Gia Đình Phật Tử cũng không ngoại lệ. Nhìn vào huy hiệu hoa sen, với đóa sen trắng 8 cánh nằm giữa vòng tròn màu xanh  lá cây mà các em đeo trên túi áo bên trái khiến mỗi chủ nhật đến chùa sinh hoạt, các em quán niệm được rằng màu trắng  biểu hiệu cho hạnh thanh tịnh, vòng tròn tượng trưng sự tròn đầy viên dung của đạo Phật, màu xanh, màu của tuổi trẻ, màu của hy vọng và tràn đầy sức sống lý tưởng.  Nhìn vào 5 cánh sen bên trên giúp các em nhớ đến  hạnh Tinh tấn, Hỷ Xã, Thanh tịnh, Trí tuệTừ bi của các vị Phật Thích Ca, Di Lạc, A Di Đà, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi và đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Ba cánh sen bên dưới biểu tượng cho Phật - Pháp -Tăng, để rồi từ đó các em ý thức được rằng đã qui y Tam Bảo, những đoàn sinh phải luôn luôn nhớ đến phương châm Hòa - Tin - Vui đối với ngành oanh vũ và Bi- Trí - Dũng cho ngành thanh thiếu ( Nhưng ngày nay các phương châm trên đều dùng cho cả hai ngành ). Khi tập họp các đoàn đội đã hoàn chỉnh, các trưởng thường hô to Phật tử. Các em thường dõng dạc đáp lại Hòa - Tin- Vui hay Bi - Trí - Dũng. Sở dĩ các trưởng làm như thế, nhằm giúp các em nhớ lại những điều luật của đoàn mà các em đã thệ nguyện sau các buổi lễ Phật hằng tuần trước khi đi vào sinh hoạt. Nếu chúng ta tinh ý sẽ nhận ra rằng các châm ngôn ( phương châm ) ấy là sự tóm gọn của nội qui đoàn, lấy một ví dụ, khi các em Oanh Vũ hô Hòa, các em liền liên tưởng đến  điều luật  em kính mến cha mẹthuận thảo với anh chị em - Tin là tin vào Phật khiến các em nghĩ ngay đến điều em tưởng nhớ Phật...Đối với các em thanh thiếu niên cũng vậy, khi hô Bi - Trí - Dũng, các em liền nhớ đến Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống - Phật tử trao dồi trí huệ, tôn trọng sự thậtPhật tử sống hỹ xả để dũng tiến trên đường đạo....

Ngày nay Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã thừa hưởng một gia sản quí báu, về một nền giáo dục nhân bản của các bậc tôn sư  thiền đức, các bậc đàn anh đi trước đã dày công soạn thảo, nhằm mục đích duy nhất là để đào tạo các thanh thiếu, ấu niên thành những người Phật tử chân chính.  Một chương trình giáo dục vừa vui chơi để học, với những bài giảng về Phật Pháp của các thầy giáo thọ, kết hợp việc dùng  màu sắc, huy hiệu hoa  sen, luật đoàn.... khiến chương trình tu học trở nên  phong phú, đa dạng,  giúp các đoàn sinh dể tiếp thu được những điều mình học hỏi. Nhìn vào đoàn thể Gia Đình Phật tử ngày nay đã và đang phát triển, khắp năm châu, bốn biển, chúng ta cảm thấy vui mừng phấn khởi cho những thành quả ấy. về mặt xã hội, trong gia đình các em sẽ kính trên nhường dưới, hiếu thảo với cha mẹ thuận thảo với anh chị em, trong xã hội sẽ bớt đi các tội phạm hình sự, những nạn nhân chiến tranh, thiên tai lũ lụt có thêm bàn tay các em hổ trợ cứu giúp...

Các em đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Hoa Nghiêm thân mến, người viết bài nầy, người anh đi trước, một cựu huynh trưởng trong đại gia đình áo lam. Mỗi lần anh đi chùa lễ Phật, nhìn thấy các em sinh hoạt lòng thấy nao nao, những kỷ niệm xưa cũ lại hiện về trong trí óc, nhớ đến anh Lê Văn Vinh trưởng Ban Hướng Dẫn miềm Khuông Việt ( thuộc các tỉnh cao nguyên Nam, Trung phần )  khi anh nghe tin cuộc cách mạng 1/11/1963 thành công, bởi quá xúc động, vì bệnh tim đã ra đi vĩnh viễn. Các đoàn sinh gia đình Phật tử đã thay phiên nhau giữ quan tài vì sợ có thể xãy ra những điều bất trắc khi tình hình chưa ổn định. Nhớ đến trại họp bạn Thiện Mỹ nơi trại trường hồ  Than Thở, vào một đêm mưa phùn bên ánh lửa trại chị trưởng Hoàng Thị Kim Cúc nhắn nhủ về vai tròtrách nhiệm mà người đoàn sinh cần có trong việc bảo vệ đạo pháp, xây dựng đoàn, đội, giúp đỡ những người khốn cùng...., nhớ đến anh Nguyễn Hữu Thạnh, anh Bửu Ấn, anh Lộc tức nhạc sĩ Lê Uyên Phương với những buổi tập dượt văn nghệ để gây quỷ cứu trợ nạn lụt miền Trung, anh Bửu Đồng, anh Hoàng Trọng Can hiền hòa luôn luôn thương mến đàn em.... Giờ đây các anh  ấy đã trở về với cát bụi. Ôi làm sao kể hết những nổi niềm nhớ nhung nầy! 

Để tiếp nối những di sản của tiền nhân, những bâc đàn anh đi trước, hầu làm tròn bổn phận của một người Phật tử chân chính, các em cần nhìn thấy sự việc đúng, sai, tư duy chân chính vào các vấn đề cần giải quyết và phải có dũng khí khi quyết định những việc mình thấy đúng, thấy phải. Ngoài sinh hoạt, tu tập các em  huynh trưởng cần thực tập về chuyên môn quản trị điều hành bằng cách tham gia ứng cử, đề cử những chức vụ trong hội đồng quản trị để giúp các bác trong công tác Phật sự của chùa nơi  đoàn thể mình  trực thuộc. Anh nghĩ rằng các bác sẽ rất hoan hỹ tận tình  giúp đỡ . Viết đến đây anh bổng nhớ đến bài thơ Nhớ Chùa của thi sĩ Huyền Không tức cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Mãn Giác, anh xin trích ra đây đoạn cuối của bài thơ để đúc kết cho bài viết về Gia Đình Phật Tử :

Chuông vẳng nơi nao, nhớ lạ lùng,
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông

Vâng, mái chùa chung đó, nơi che chở nếp sống văn hóa Việt đã muôn đời cha ông ta nâng niu, gìn giử và bảo vệ, nay  đang chờ đợi các em chung vai gánh vác. Trong tương lai các em sẽ là người tiếp nhận ngôi nhà tâm linh nầy, bảo quản nó tốt đẹp hơn. Anh rất tin tưởng và tràn đầy hy vọng.     
                  

Tài Liệu Tham khảo:

Thư Viện Hoa Sen,

Đặc San Gia Đình Phật Tử Việt Nam 50 năm xây dựng

NgoanVoDinh

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn