Suối Tào Khê

19 Tháng Tư 201615:55(Xem: 6449)

SUỐI TÀO KHÊ
Thích Trung Nghĩa


luc to hue nang‘Tào khê thuỷ’ (曹溪水) hay ‘Tào Khê’ là đại từ chỉ định về Lục tổ Huệ Năng, cũng chỉ cho dòng suối trí tuệ Phật giáo. Dòng thiền phương bắc lấy Lục Tổ làm cội nguồn, sử gọi Nam tông (南宗); dòng này chủ trương “không câu nệ hình thức, không bám víu danh từ khái niệm, không chú trọng ngồi thiền, chỉ cần nội tâm trực giác đốn ngộ, tức tâm tức Phật, liền có thể thành Phật”.

Trong nghi lễ Phật giáo cố đô Huế, bài tán Tào khê thuỷ gồm có 7 câu,[1]được cất lên trầm bỗng trong lễ cúng ngọ. Với sử liệu về nghi rất ít ỏi nên khó khảo cứ về gốc tích tác giả, xuất xứ và niên đại của bài này. Do mang công dụng “địch trần cấu; tẩy bụi trần” và “Dương chi sái xứ nhuận tiêu khô; Cành dương rưới héo tàn thành tươi” nên đôi lúc được vị Sám chủ[2] bắt tán bài này thay cho bài “Dương chi tịnh thuỷ, biến sái tam thiên (Nước tịnh cành dương, rưới khắp ba cõi) trong lễ Bạch Phật khai kinh. Cốt lõi sám kệ nhấn mạnh đến “Đề hồ quán đỉnh” (醍醐观顶), vào thời Ấn Độ cổ đại, xem đề hồ là thức ăn hảo hạng trên thế gian, là chất liệu sữa bò được pha chế rồi biến thành bột sữa tinh khiết nuôi sống mạng người. Theo Phật Quang đại từ điển, cụm từ này nhằm chỉ cho nương vào trí tuệ trong con người mới phá trừ phiền não vô minh, đầu óc nóng bức, trở nên mát mẻ.      
     

‘Tào khê thuỷ’ (曹溪水) hay ‘Tào Khê’ là đại từ chỉ định về Lục tổ Huệ Năng, cũng chỉ cho dòng suối trí tuệ Phật giáo. Dòng thiền phương bắc lấy Lục Tổ làm cội nguồn, sử gọi Nam tông (南宗); dòng này chủ trương “không câu nệ hình thức, không bám víu danh từ khái niệm, không chú trọng ngồi thiền, chỉ cần nội tâm trực giác đốn ngộ, tức tâm tức Phật, liền có thể thành Phật”.[3] Đối lập với dòng này là dòng thiền phương Bắc của Đại sư Thần Tú, chủ trương “duy trì giáo pháp truyền thống, an tịnh toạ thiền, quán niệm hơi thở, dọn trần cấu để thanh tịnh, dần dần chứng ngộ (tiệm ngộ) thành Phật”,[4] sử gọi Bắc tông (北宗.)

Trong sử phiên dịch kinh điển Trung Hoa cổ đại, người mở đầu cho phong trào dịch thuật và khơi dậy việc thiết lập dịch trường Hán dịch Phật điển, ban sơ và nổi tiếng có An Thế Cao người Ba Tư đến thành Lạc Dương vào niên hiệu Kiến Hoà (174) thời Đông Hán. Kinh An ban Thủ Ý thuộc Tiểu thừa được Thế Cao dịch ra rất sớm, nhấn mạnh thông qua pháp đếm hơi thở mà dứt trừ vọng tưởng tà niệm, xuyên qua soi rọi năm ấm thân thể mà thấy ‘khổ, không’.

Nói đến thiền, thông thường mọi người liên tưởng đến do người Trung Hoa sáng tạo, nhưng thực ra đây là văn minh cổ quốc Ấn Độ của phương đông cổ đại. Trải qua nhiều thời đại và quá trình đúc kết hoằng hoá của Tổ sư mà hình thành trọn vẹn thiền phái[5]. Như tông Thiên Thai là tông phái đặc thù của dân tộc hoá. Thời sơ kì Tiểu thừa, cũng từng lưu hành thiền pháp ‘tứ niệm xứ’ nhằm đả phá ngoại đạo và gầy dựng quan niệm ‘thường lạc ngã tịnh’ trên thế gian, soi thấy thân dơ bẩn và tâm vô thường để không bám víu. Thiền pháp “16 đặc tánh pháp” nhấn mạnh việc điều hoà tâm quán tưởng và hơi thở, nhấn mạnh cảm thọ trong hỷ lạc thiền định, để thấy kiếp người là khổ, muôn pháp đều không, thuộc từ Tiểu thừa. Thấy được Phật giáo từ cổ sơ đã lưu hành tư tưởng thiền pháp chán ghét thế gian để sống đời khổ hạnh, là đại biểu đặc điểm căn bản của thiền pháp phương Bắc lúc bấy giờ. [6]

Trong thoáng đại ngộ của Lục Tổ khiến dòng suối cũng mang tính linh thiêng, nên suối này có địa vị rất được sùng cao trong Thiền tông. Tương truyền, Pháp sư Trí Dược người Tây Ấn Độ dong thuyền đến mảnh đất Tào Khê vào thời Lương Nam triều; sư đã vốc nước mà uống, chất nước trong ngọt diệu vời, lên thượng nguồn, trố mắt nhìn quang cảnh sơn thanh thuỷ tú, cảm nhận nguồn suối chứa đất thánh, rồi vận động người con Phật dựng chùa trên đất, đặt tên chùa Bảo Lâm (Nam Hoa). Cách 170 năm sau, có Huệ Năng đến đất thánh này đại khai hoằng giáo.[7]

Trong cỗi nguồn xa xưa, có Đức Thích Tôn dẹp trừ ma quân rồi Đại giác ngộ dưới cội bồ-đề trên đất liền bên dòng sông Ni liên thiền vào lúc sao mai vừa mọc, cách khoảng 1000 năm sau đó, có Huệ Năng (638-713 sTl) “đốn ngộ thành Phật” dưới dòng suối trong trẻo Tào khê. Tương truyền, Lục Tổ từng tắm gội thân thể dưới dòng nước trong veo này, đêm nọ chợt đốn ngộ Phật lý, từ đó, dòng Tào Khê trở nên thánh thuỷ muôn thưở. Ven triền Nam Hoa thiền tự có thánh thuỷ chảy mãi hơn nghìn năm nay, nước mát rượi trong xanh như ngọc bích, mưa xuân Tào khê, hạt rơi lất phất, mưa đêm rả rít, thánh thuỷ róc rách, khiến học nhân chuyên tập thiền quán dễ bề hoát nhiên khai ngộ, nên dân gian còn gọi là ‘Suối trí tuệ’ (开悟泉), ‘suối khai ngộ’ (智慧泉). Và Tào khê được nâng lên địa vị tối cao—Tổ đình Thiền tông.

Lục Tổ lên pháp toà trong chùa Đại Phạm để tuyên giảng pháp tối thượng thừa đốn giáo Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật, được đệ tử Pháp Hải tập lục thành bộ kinh điển—Pháp bảo đàn kinh (Đàn kinh), gọi đủ là Nam tông đốn giáo tối thượng đại thừa ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh Lục Tổ Huệ Năng Đại sư vu Thiều châu Đại Phạm tự thí pháp Đàn kinh. Với lời văn thông tục, nội dung dồi dào, truyền trao ‘giới vô tướng’, trả lời câu hỏi của Tăng tín đồ nên đây bản kinh được y cứ quan trọng trong cội nguồn của tư tưởng Thiền tông, là bản trứ tác duy nhất mà được Phật giáo Trung Hoa tôn xưng là kinh.

Tư tưởng thiền học của Lục Tổ lấy Đàn kinh làm căn cứ chủ yếu. Nhưng những năm gần đây có những học giả nêu lên quan điểm khác nhau, học giả Phật học nổi tiếng Lữ Trừng nhận định: “Căn cứ Đàn kinhđể nghiên cứu về Huệ Năng, đây không thể tin cậy”.[8]Bởi Đàn kinh được lưu truyền với thời gian dài và trải qua quá trình không ngừng bổ sung khảo đính của các đại sư học giả, như Thiền sư Thần Hội hay cao tăng Khế Tung, rồi hình thành nhiều bản khác nhau. Nhất là sau khi khai quật thạch động Đôn Hoàng đã phát hiện nhiều cổ bản điển tịch liên hệ Đàn kinh. Tư tưởng trong kinh này không hoàn toàn là đại biểu của Huệ Năng, nhưng phần nhiều vẫn lấy tư tưởng Huệ Năng làm nền móng, “hiện nay nên lấy Lục Tổ Huệ Năng Thiền sư bi minh  của Vương Duy làm căn cứ.”[9]

Thiền tông lấy Đàn kinh để truyền tông. Lục Tổ chủ trương ‘tức tâm tức Phật”, ‘đốn ngộ thành Phật’; chẳng cần ‘tông thông’ (宗通) hay ‘thuyết thông’ (说通), lìa giáo mà tham là tà nhân, rời giáo mà ngộ là tà giải, nhằm nêu bật cái ý này mà hậu duệ của Thiền tông diễn hoá và lưu truyền 4 câu: “Tông thông không tông giáo, mở lời sẽ loạn đạo. Thông giáo chẳng thông tông, giống như rồng một mắt”, và “đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thiền Đạt-ma.”[10]

Tư tưởng “đốn ngộ”, “tức tâm tức Phật”, chủ trương ‘tam vô’ (三无), lấy “vô niệm làm tông”, “vô tướng làm thể”, “vô trụ làm gốc”, là phạm trù căn bản về nhận thức của Lục Tổ[11]. Đều ảnh hưởng sâu đậm và lấy kinh Lăng-già, kinh Viên Giác, kinh Kim Cang làm kinh điển căn bản. Thông qua cách thức truyền pháp tâm yếu, tham ngộ ấn chứng, thí hoá phương tiện; xuyên qua đối đáp, biện luận, tham cứu giữa thầy và trò, giữa Thiền sư và học sĩ du phương tham học mà biên thành ngữ lục.[12]

Về khía cạnh triết học ngôn ngữ, ‘phương tiện pháp môn’ được trải dài trên trang tôn kinh. Như kinh Pháp Hoa mượn hình tượng ba xe: xe hưu, xe dê, xe nai để thuyết minh về ba cấp độ thánh quả của Đại thừa; kinh Kim Cang mượn hình ảnh thanh kiếm trí tuệ (tuệ kiếm) để chắt đứt hàng rào thần ngã hay bốn tướng (ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả). Trong nghi cũng vậy, cổ đức mượn ngôn từ biểu tượng mộc mạc để bày tỏ tấc lòng thanh khiết như cỏ thơm. Như khi dâng hiến đến bậc tôn sư ‘kế vãng khai lai’, khai sơn chùa, ân sư, tiền bối hữu công, tiền hậu công đức thì gọi phẩm vật là rau Tào khê, cơm Hương tích, gạo Thiên trù, thanh thuỷ hương tuyền (suối thơm nước trong). Thành duy thức luận nói về thức thứ 6 a-lại-da thức cũng mượn cảnh tượng “Chảy mãi như thác đổ; Hằng chuyển như bộc lưu” để biểu đạt. Cảnh giới văn học Thiền tông, cấu trúc ẩn dụ—‘đàm ẩn dụ nhân’ được dùng đến rất nhiều, như gió thổi cờ lay, trăng Lăng-già hay say sưa đại định Lăng-nghiêm, đều chỉ cho cảnh giới tối cao trong thiền tĩnh. Mượn đàm thiền “Một hoa nở năm lá; Nhất hoa khai ngũ diệp”, nhằm phiếm chỉ Sơ tổ Thiền tông Bồ-đề Đạt-ma từ Đông Độ truyền pháp đến Nhị tổ Huệ Khả và đến Lục tổ Huệ Năng”. Trong thư pháp thiền có truyền tụng câu “nhất hoa nhất thế giới, nhất diệp nhất Như Lai”, trong cành hoa ngọn cỏ hiện bày cả thế giới, trong ngọn lá hoá hiện đức Như Lai. Thiền sư Linh Vân thấy hoa đào nở bèn ngộ đạo, nghe ngọn bách thảo đong đưa liền tỏ ngộ hay nghe hạt sỏi rơi lốp đốp bên dưới rặng tre, đều là biểu tượng về cảnh vật thiên nhiên và bất chợt ‘đốn ngộ thành Phật’ của thiền giả.

Từ lúc sáng lập phả mạch Tào Khê mãi đến hôm nay, có bề dầy lịch sử lâu đời, hương khói Tào Khê vẫn ướm thịnh, nơi quy tập và hoằng đạo của Đại sư như Hám Sơn, Đan Điền hay Hư Vân, dòng chảy này vẫn không ngớt lưu truyền, là thánh địa nổi tiếng nên mỗi ngày khách hành hương đến tấp nập và dâng tấc dạ khẩn cầu đạo giải thoát ở thánh địa này. Và “thiền pháp của Huệ Năng là một thứ tôn giáo và một thứ học thuyết xuyên qua nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn học, nghệ thuật”[13]nên phát sinh rộng rãi và ảnh hưởng rất sâu sắc.

Trích từ: Chú giải nghi Huế (bản cảo)

Phổ Đà, Xuyên Mộc, BRVT



[1] “Tào khê thuỷ, Nhất phái hướng đông lưu, Quán Âm bình nội trừ tai cựu, Đề hồ quán đỉnh đich trần cấu, Dương chi sái xứ nhuận tiêu khô, Yết hầu trung cam lồ, Tự hữu quỳnh tương khấu. Nam mô Hương cúng dường Bồ-tát” (nếu lễ khai kinh thì  Nam mô Thanh lương địa Bồ-tát)

[2]Nghi Huế gọi Sám chủ, nghi Nam gọi Thầy cả, nghi Trung gọi Gia trì sư, khảo cứ Chánh khắc trung khoa du-già tập yếu vào mùa đông niên hiệu Đồng Khánh năm Mậu tý của tạng bản Sắc tứ Báo Quốc tự thì viết là Pháp chủ (法主). Đều là vận tâm bình đẳng mà hành trì pháp thức ‘Gia trì hiển mật’ (加持显密)  

[3] Huỳnh Hạ Niên, Thích Trung Nghĩa dịch, Lịch sử Phật giáo Trung Hoa cổ đại, tủ sách Đạo Phật ngày nay, Nxb. Hồng đức, 2014, tr. 28

[4] sđd

[5] tham khảo Huỳnh Hạ Niên chủ biên, Thiền tông tam bách đề ( 禅宗三百题), phần ‘Tổng luận, Thiền’ của Huỳnh Hạ Niên, Nxb. Cổ tịch Thượng Hải, 2000, tr.1

[6] Thiền tông tam bách đề, phần ‘Giáo nghĩa, thuật ngữ’ của Ôn Kim Ngọc (温金玉), tr.288

[7] tham khảo Hoà thượng Hư Vân, Tái tăng đính Phật Tổ đạo ảnh, q.4

[8] Lữ Trừng, Trung Quốc Phật học nguyên lưu lược giảng, Nxb. Thư cục Trung Hoa, 1979, tr.222

[9] Sđd, 223

[10] tham khảo Huỳnh Hạ Niên chủ biên, Thiền tông tam bách đề , phần “Tích giáo ngộ tông  (惜教悟宗) là gì?” của Ôn Kim Ngọc (温金玉), tr.290

[11] Sđd, phần “Đặc sắc của Huệ Năng thiền là gì” của Huỳnh Xuân Hoà (黃春和),tr.137

[12] tham khảo Huỳnh Hạ Niên chủ biên, Phật quang phổ chiếu-Phật giáo (佛光普照-佛教) , Thế giới tôn giáo sử thoại tùng thư, Nxb. Tri thức thế giới, 1999, tr.234

[13] Huỳnh Hạ Niên chủ biên, Thiền tông tam bách đề, phần “Đặc sắc của Huệ Năng Thiền như thế nào ?” của Huỳnh Xuân Hoà, tr.137

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn