11. Buổi Thiền Quán An Lạc

05 Tháng Bảy 201100:00(Xem: 14524)


CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT

THE STORY OF BUDDHA
Nguyên Tác: JOHNATHAN LANDAW - Người Dịch: H. T. THÍCH TRÍ CHƠN

11 BUỔI THIỀN QUÁN AN LẠC

Thái tử ngày càng chìm sâu trong cảnh bi quan yếm thế. Hình như người không còn ham thích điều gì nữa. Thái tử biếng lười ăn uống và kết quả là người thái tử trở nên xanh xao, gầy ốm. Hoàng thượng và mọi người đều rất phiền muộn vì những thay đổi bất hạnh này đã xảy đến cho thái tử Tất Đạt Đa thân yêu của họ.

Ngày nọ, thái tử đến gặp vua cha và bày tỏ: “Thưa phụ vương, gần đây, tâm con luôn bị xáo trộn. Con cảm thấy bất an và xin cha cho phép con một lần nữa du ngoạn ra ngoài thành. Sự thay đổi cảnh trí này có thể giúp con an lạc”. 

Vua cha đồng ý nghe theo lời yêu cầu của thái tử ngay vì nhà vua muốn thực hiện bất cứ điều gì để làm thái tử vui lòng và có được hạnh phúc.Cũng như trước đây, phụ hoàng căn dặn các quan triều thần thân tín nhất nên đi sát bên cạnh và trông chừng thái tử.

Lần này, Tất Đạt Đa tự mình cỡi ngựa Kiền Trắc đi ra ngoài thành tìm những cảnh thôn quê xinh đẹp. Cuối cùng, thái tử tiến đến một bờ ruộng và xuống ngựa. Các quần thần đi theo sau bên cạnh. Họ cố gắng giúp thái tử vui bằng cách kể những câu chuyện vui tin tức và tin đồn nhảm nhí ở triều đình. Nhưng thái tử không thích nghe những câu chuyện tầm phào đó; nên các quầnthần để thái tử ở lại một mình, rồi họ bỏ đi, chuyện trò vui vẻ với nhau.

Thái tử Tất Đạt Đa đửng nhìn ra cánh đồng. Bác nông phu đang cày ruộng với những con bò, chim muông ca hát dưới ánh mặt trời chiếu sáng rực rỡ. Hoàng tử thầm nghĩ: “Cảnh nơi đây thật là đẹp. Các luống cày ở đồng ruộngtrông giống như các gợn sóng nơi mặt hồ”. 

Thái tử ngồi xuống, và lần đầu tiên tâm hồn người cảm thấy thoải mái trong giây lát. Nhưng khi nhìn kỹ hơn vào cảnh tượng trước mặt, thái tử bắt đầu nhận ra đó là những sự vật mà người chưa được mục kích trước đây. Lưỡi cày cắt đất thành luống tới đâu, thái tử trông thấy thân mình của hàng trăm côn trùng bé nhỏ bị giết chết đến đó. Thái tử nhìn thấy vô số loài sâu bọ khác bò lui bò tới hỗn loạn trong cảnh tổ ấm của chúng bị tàn phá.

Thái tử cũng nhận biết rằng chim chóc không còn hót ca vui vẻ nữa. Chúng đang liên tục tìm kiếm thức ăn, bay sà xuống để mổ gắp những con sâu sợ hãi. Và nhiều chim nhỏ hơn lo lắng sợ đàn diều hâu và các chim lớn khácđang đói ăn bay lượn vòng quanh bên trên chúng.

Thái tử chứng kiến những con bò làm việc khổ nhọc đang cố gắng kéo chiếc cày nặng nề trên thửa ruộng. Bác nông phu quất những làn roi làm phồng da đau đớn trên lưng con bò. Và người nông dân cũng lao động cực nhọc. Như loài vật, thân hình chai cứng và sạm nắng mặt trời của ông ta cũng nhễ nhại mồ hôi.

Thái tử suy nghĩ: “Đó là vòng luân hồi khổ đau. Người nông dân, những con vật của ông ta, các loài chim chóc, côn trùng - chúng làm việc suốt ngày mong tìm cuộc sống hạnh phúc, đầy tiện nghi và có đủ miếng ăn. Nhưng kỳ thực, chúng đang thường xuyên giết chóc, tự hủy diệt mình và sát hại lẫn nhau! Ta cảm thấy quá tội nghiệp cho cuộc sống trần gian làm sao”. 

Lòng thái tử ngập tràn tình thương bao la đối với những sinh vật bất hạnh này. Thái tử không muốn nhìn thấy chúng khổ đau. Người tìm đến một nơi bóng mát ngồi dưới cây hồng táo và bắt đầu chú tâm thiền định suy tưởng đến mọi cảnh vật mà thái tử đã chứng kiến. Khi thái tử quán chiếu sâu xa thấu suốt bản chất của sự khổ mà người đã thấy, tâm thức thái tử càng trở nên yên lặng và định tĩnh. Thái tử cảm thấy tâm mình hoàn toàn vắng lặng mà trước đây chưa từng có được.

Với tâm thanh tịnh, giờ đây thái tử bắt đầu quán tưởng: “Mọi chúng sanh đều mong tìm hạnh phúc. Nhưng hầu hết đều bị che lấp bởi vô minh và ái dục khiến họ thấy cuộc đời không có gì khác ngoài sự khổ đau. Sự lo âu, phiền muộn, đói nghèo, già, bệnh và chết–đây là những phần thưởng mà con người nhận lãnh trong cuộc sống trầm luân của họ!

“Giờ đây, ta đã nhận thức rõ điều đó, ta không còn thích sống trong thế giới dục lạc nhỏ bé và luôn thay đổi này. Ta phải đi tìm chân lý mà nó sẽ mang lại cho ta niềm vui và sự an lạc vĩnh cửu. Nhưng làm sao ta có thể an lòng chỉ biết tìm sự giải thoát khổ đau cho riêng mình? Ta phải tìm ra con đường cứu độ cho mọi chúng sanh khác nữa. Những người ấy đều thân thiết với ta, và họ đang quá khổ đau! Ta phải đi tìm ra con đường chấm dứt sự đau khổ này và chia xẻ sự giải thoát đó với những người khác”. 

Sau buổi tọa thiền quán tâm từ bi này kết thúc, thái tử Tất Đạt Đa liền mở mắt. Bấy giờ hiện ra trước mặt thái tử là một đạo sĩ phục sức giống như kẻ hành khất nghèo, mà từ trước nay thái tử chưa từng gặp thấy. Cặp mắt của vị đó rất hiền từ và trong sáng với khuôn mặt lộ vẽ hết sức bình an.

Thái tử hỏi: “Hãy cho ta biết ngươi là ai?”.

Vị đạo sĩ trả lời: “Ta là người cảm thấy ghê sợ trước những khổ đau của trần thế. Ta nhàm chán các thú vui dục lạc mà mọi kẻ khác đang mong tìm; cho nên giờ đây ta đi lang thang một mình. Ta đã rời bỏ ngôi nhà của ta; hiện ta sống và ngủ nơi các hang động, trong rừng hoặc bất cứ nơi nào mà ta gặp thấy. Nguồn vui duy nhất của ta là mong đạt được sự an lạc toàn hão và giải thoát cùng tột nhất”. Vừa nói xong những lời này, vị đạo sĩ như có phép lạ liền biến mất, bỏ mình thái tử ở lại với sự kinh ngạc và lòng ngập tràn niềm vui.

Thái tử thầm nghĩ: “Cuối cùng ta đã tìm thấy ý nghĩa chân thật của sự sống. Ta cũng sẽ từ giã cung điện của ta để bắt đầu đi tìm chân hạnh phúc và con đường chấm dứt mọi khổ đau”.

Với tâm nguyện dõng mãnh và ý chí cương quyết, thái tử leo lên ngựa Kiền Trắc và trở về hoàng cung.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn