Vận Dụng Tinh Thần Thiền Tông Đời Trần Vào Cuộc Sống Đương Đại

05 Tháng Mười Hai 201514:14(Xem: 7551)

VẬN DỤNG TINH THẦN THIỀN TÔNG ĐỜI TRẦN
VÀO CUỘC SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI
Thích Tâm Hạnh

 

I/ THIỀN TÔNG VIỆT NAM ĐỜI TRẦN.

Đằng sau cái bóng của con trâu là một con trâu thật. Tận trong sâu thẳm của mọi hoạt động trong đời là một tâm thái lặng lẽ, sáng suốt, an nhiên. Chúng ta có thể rủ bỏ tất cả mọi thứ, nhưng không ai tài nào rủ bỏ được tâm thái này. Bởi nó chính là mình, là sức sống của chính mình, và cũng chính là tâm thiền nơi mỗi chúng ta. Do đó, thiền vốn là thiền, không là gì cả. Trên tâm này, tính nhất quán chỉ có một chất giác ngộ không khác. Nhưng quan niệm sống của mỗi vùng miền thì có phong tục tập quán khác nhau. Bằng tâm này để vận dụng uyển chuyển vào từng vùng miền, sao cho phù hợp với phong tục tập quán nơi ấy, khiến mọi người dễ dàng thích nghi và cảm nhận được giá trị cao thượng kia, từ đó có ra thiền tông Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam…

 Trước thế kỷ XIII, ở Việt Nam tồn tại ba dòng Thiền chính: Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Đến thời Vua Trần Nhân Tông, sau khi làm tròn trách nhiệm một vị vua, ngài đã lên núi Yên tử xuất gia tu hành. Trải thời gian công phu miên mật, ngài đã giác ngộ. Là người Việt Nam, ngài rất thấu hiểu căn cơ, tâm tư tình cảm, phong tục tập quán của người Việt. Trên căn bản tâm giác ngộ ấy, ngài đã dung nhiếp tinh túy những dòng thiền đang có, nhất quán, phù hợp với nếp nghĩ, cách làm, tâm tư nguyện vọng của người Việt, trở thành một dòng thiền chính thống Việt Nam chúng ta, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Từ đây, dòng thiền Việt Nam chính thức khai sinh, mang lại lợi lạc cho mọi người, biến Phật giáo lúc bấy giờ trở thành quốc giáo.

II/ GIÁ TRỊ TÂM THIỀN.

Mọi người trên đời ai cũng có nhận định sáng suốt, trí tuệ, tài giỏi nhất định. Nhưng do không làm chủ được mình, dính mắc, lệ thuộc mọi thứ bên ngoài nên đưa đến sai lầm, dại dột, khổ đau. Nếu để bụng mình đói khát thì ly nước lã cũng cảm thấy ghiền. Nhưng khi đã no đủ những món ngon thượng vị rồi thì không còn thấy thèm cốc nước lã tầm thường kia nữa. Muốn thắng được mình thì chúng ta phải nhận ra một cái có giá trị lớn hơn tất cả những thứ đang có. Như thế mới không bị bất cứ một điều gì chi phối, không bị nô lệ mọi thứ bên ngoài, làm chủ được mình, được khôn ngoan đúng nghĩa, không còn lầm lỗi, khổ đau. Chúng ta sẽ nhận thấy điều này nơi Sơ Tổ Trần Nhân Tông.

Sống trong cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ, của cải đầy đủ, nhất hô vạn ứng, kẻ hầu người hạ, binh lính đề huề, Vua Trần Nhân Tông đã có đủ tất cả những gì mà con người mơ ước. Nhưng ngài đã nhận ra một cái có giá trị lớn hơn những gì đang có, cho nên mới bỏ lại mọi thứ để đi thực hành, khám phá cho cùng tột giá trị cao cả mà mình đã nhận ra. Khi đã thấu suốt, thành tựu viên mãn, Ngài đã sáng lập nên một đường lối để đưa mọi người cùng đạt được điều quý báu như mình. Giá trị quý báu ấy là tâm thiền. Và đường lối kia là dòng Thiền Trúc Lâm Yên tử, Việt Nam.

Cốc nước lã muôn đời vẫn là một cốc nước lã bình thường, không hơn, không kém. Nhưng với người đói khát thì dính mắc, bị nó chi phối vô cùng. Với một người đã uống no món ngon thượng vị thì nước lã không còn là vị ngon với họ. Cũng thế, mọi thứ buồn vui, thành bại, của cải vật chất trên đời vốn nó bình thường như chính nó. Nhưng do chúng ta chỉ biết có mỗi mình nó rồi quan trọng, dính mắc, tham đắm cho nên bị chi phối, dẫn đến phức tạp, sai lầm, ngu dại, khổ đau. Ngược lại, cũng ăn, cũng mặc, cũng sinh hoạt và làm mọi việc trong đời như bao nhiêu người khác, nhưng bằng tâm thiền này để sống, để làm thì chúng ta mới cảm nhận được ý vị cao thượng hơn những thứ đang có quanh ta. Từ đây, chúng ta mới có đủ năng lực trả lại mọi thứ đúng nguyên bản vị của nó, xưa nay vốn không có giá trị quá mức như mọi người lầm tưởng. Nhận ra và sống được bằng tâm thiền này thì không còn bị bất cứ điều gì chi phối, các tính chất khác tùy nơi, tùy việc, tùy lúc mà chúng ta tự được soi sáng, tự nhận biết mình nên làm gì để đưa đến kết quả mỹ mãn, lợi ích, an vui.

III/ CẦN NHẬN RA TRỌNG TÂM, CỐT LÕI, CHÂN LÝ.

Nếu ai đó chỉ thấy rằng, mọi người chờ đến khi già yếu, hoặc gặp phải chuyện buồn hay bị thất bại trong đời mới tìm tới cửa chùa để xoa dịu nổi đau, thì họ sẽ cho rằng, đạo Phật chỉ dành cho những tầng lớp như vậy, là thụ động, thiếu tích cực, bi quan. Trên thực tế, có nhiều người giàu sang, thành đạt, mọi thứ đang có đủ trong tầm tay. Nhưng do nhận ra được một chân hạnh phúc lớn hơn thế cho nên họ muốn có cơ hội để tranh thủ thực hiện điều này càng sớm càng tốt. Vậy thì đâu có đợi đến khi già, khi buồn hay khi thất thế mới hướng về tu tập? Có nhiều vị sau khi nghe giảng và đọc được cuốn sách thiền rồi đến thưa với quý thầy trong niềm cảm xúc vô hạn: “Phải chi con được gặp thầy và đọc được cuốn sách này trước đây 20 năm thì con đã không trải qua 20 năm sống trong đau khổ!” Nghĩa là vị này hối tiếc cho sự muộn màng của mình, cần nhận ra chân lý thiền này sớm hơn để được sống, để không khổ chứ không phải chờ đến 20 năm sau mới bắt đầu tu tập. Và hôm nay phát tâm tu tập là do nhận ra được chân lý tối thượng này chứ không phải do bi quan, buồn đời hay chán nản… Cảm nhận được điều này là cảm nhận được căn nguyên trí tuệ và cội nguồn an lạc của đạo Phật, là nhận ra trọng tâm, cốt lõi, chân lý trước khi thực hành.

Đạo Phật là đạo cứu khổ ban vui, là nơi nương về để được cứu giải của những tâm hồn đau khổ. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Bởi nếu chỉ có thế thì ai là người cứu khổ và năng lực nào có thể cứu giải được những nỗi khổ kia? Muốn cứu được những người đang đau khổ thì phải có những vị tu hành giác ngộ. Và chỉ có trí tuệ và năng lực của sự giác ngộ chân lý tuyệt đối mới có thể cứu giải được bao nỗi khổ não trong đời. Do đó, song song với những người khổ đau, già yếu tìm đến cửa chùa, vẫn còn đó nhiều người do nhận ra chân lý cao thượng tìm về để trau dồi, tu tập một cách chuyên nghiệp, sâu sắc hơn. Thấy rõ như vậy mới không bị hiện tượng bên ngoài chi phối, dẫn đến nhìn thiếu, hiểu sai; mới có cái nhìn đúng về một chân lý mà ngàn năm sau nhân loại có khám phá gì thêm, cũng không ra ngoài những gì đức Phật đã nói.

Khi còn là thái tử, được học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ, Vua Trần Nhân Tông đã nhận ra chân lý của Phật đạo, của Thiền nên Ngài đã trốn lên núi Yên tử đi tu. Vua cha là Trần Thánh Tông đi tìm bảo về lo vương nghiệp. Do công việc chung, ngài đã tùy thuận trong trách nhiệm của mình, nhưng vẫn không thể sống thiếu chân lý, chân hạnh phúc cao thượng mà mình đã cảm nhận được. Điều này thấy rõ qua bài phú Cư Trần Lạc Đạo mà ngài đã viết lúc còn ở trong hoàng cung. Do đó, từ nếp nghĩ, cách làm cho đến hành động, mọi việc đều được hoàn hảo, khiến cho nhân loại trên thế giới hiện nay, càng nhận ra, càng hiểu ngài thì lại càng nghiêng mình kính chuộng.

Vua Trần Nhân Tông do nhận ra chân lý nên mới phát tâm tu hành. Cũng thế, khi làm bất cứ việc gì, ngài cũng nhận ra điểm chính yếu, trọng tâm, cốt lõi một cách rõ ràng rồi mới hành động. Muốn vậy, cần phải có trí tuệ sáng suốt để nhìn nhận, quyết định; mà nguồn trí tuệ xuyên suốt trong cuộc đời Vua Trần Nhân Tông là trí tuệ thiền do ngài đã thâm nhập.

Trong bất cứ tình huống nào, làm bất cứ công việc gì, nếu bằng trí tuệ để nhìn nhận cho thấu suốt mọi vấn đề, nhận ra trọng tâm cốt lõi của vấn đề đó, không để cảm xúc hay các tác động bên ngoài thôi thúc, chi phối thì chúng ta mới có được tầm nhìn đúng, hành động đúng và đưa đến kết quả tốt đẹp. Được vậy là chúng ta đã vận dụng được phần nào cách sống và làm việc của vua Trần Nhân Tông, của Phật giáo Thiền tông đời Trần.

IV/ VẬN DỤNG TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA THIỀN TÔNG ĐỜI TRẦN.

Một trong các yếu tố để xây dựng nên một đất nước hùng cường, vững mạnh, rực rỡ của thời Trần, trong đó phải kể đến nguyên nhân chủ đạo là biết vận dụng tâm thiền vào đời sống, công việc, trong nếp nghĩ, cách làm. Bằng chứng là Vua Trần Nhân Tông đã nói, ở trong cõi đời mà ngài vẫn vui được với đạo, tức là đạo lý chân thật luôn hiện tiền trong cuộc sống và trên mọi công việc của ngài. Làm bất cứ việc gì ngài cũng vận dụng tâm thiền nên đưa đến kết quả mỹ mãn. Người xưa đã như thế, ngày nay học theo tinh thần vua Trần mà bỏ qua yếu tố quan trọng này thì e là thiếu căn bản, chưa được trọn vẹn.

Cụ thể, khi giải quyết mọi công việc xong rồi, cuối ngày tắm rửa nghỉ ngơi, chúng ta thường phát hiện ra nhiều điều còn thiếu sót. Cho thấy, trí tuệ, cái nhìn của mình chưa được đầy đủ. Và chúng ta phát hiện ra những điều sai sót kia lúc trả lại sự yên lặng của lòng mình. Nếu đợi đến tối về mới biết, sự việc đã qua lâu rồi mới phát hiện thì đã lầm lỡ, muộn màng, không còn sửa kịp. Chi bằng nên biết kịp thời ngay trên sự việc đang xảy ra thì cách giải quyết mọi thứ sẽ được trọn vẹn, tốt đẹp hơn. Muốn nhận biết đầy đủ thì bằng tất cả những gì mình học được, cộng thêm vào đó một sự yên lắng kịp thời, chúng ta sẽ giải quyết mọi việc được hoàn hảo, thấu tình đạt lý; không bị nhầm lẫn, thất bại, hối tiếc về sau. Nhưng muốn yên lắng và sáng biết kịp thời thì phải biết vận dụng tâm thiền. Bởi chính tâm lặng mà tự sáng biết, đó là tâm thiền đang hiển hiện trên hoàn cảnh, công việc, ở khắp mọi nơi. Vận dụng được như vậy là chúng ta đã phần nào ứng dụng được tính chất nhập thế của thiền tông đời Trần vào mọi lĩnh vực đang phát triển trong xã hội đương đại.

V/ VẬN DỤNG TÍNH CHẤT KHÔNG DÍNH KẸT TRÊN PHƯƠNG TIỆN, HÌNH THỨC.

Con người chúng ta thường nhằm trên hiện tượng đang xảy ra để kết luận một vấn đề nên không được thấu suốt, dẫn đến sai lầm, tai hại. Như muốn trị lành mụn độc, người bác sĩ chỉ nhận thấy trên mụn ghẻ rồi cho thoa thuốc bên ngoài mà không chịu tìm hiểu gốc rễ, căn nguyên phát ra căn bệnh để điều trị tận gốc bên trong thì không thể khỏi hẳn được. Tất cả mọi quyết định và hành động như thế là do hời hợt, chỉ nhìn trên hiện tượng bên ngoài rồi vội kết luận nên dẫn đến sai lầm.

Chúng ta không chỉ nghe người khác nói gì, mà phải bình tâm để nghe vì sao họ nói như thế. Chúng ta không nên nhìn người khác đang làm những gì để kết luận, mà phải tỉnh trí để thấy được vì sao họ làm những điều kia. Được vậy sẽ không dính kẹt trên hiện tượng, biết thấu suốt qua những phương tiện tạm thời để thấy tột đến chủ đích của mọi vấn đề.

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi lại câu chuyện. Đầu năm 1281, sứ nhà Nguyên là Sài Thung đến Thăng Long với thái độ rất ngạo mạn. Vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp, Sài Thung vẫn nằm khểnh không ra. Quang Khải vào hẳn trong phòng, Sài Thung cũng không ngồi dậy tiếp. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nghe thế liền tâu xin được đến sứ quán xem Sài Thung làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn cạo tóc, mặc áo vải như một nhà Sư phương Bắc đến sứ quán. Ông đi thẳng vào trong phòng, Sài Thung đứng dậy vái chào mời ngồi, pha trà cùng uống. Người hầu của Sài Thung cầm cái tên đứng sau chọc vào đầu của Quốc Tuấn đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về, Sài Thung ra tận cửa để đưa tiễn Hưng Đạo Vương.

Nghe câu chuyện này, nhiều người bảo: “Chỉ có Trần Quốc Tuấn mới chịu được như thế, còn mình thì sức chịu đựng cũng phải có giới hạn, nhịn cũng vừa phải thôi, chứ đến cớ sự như thế thì sẽ tức điên lên, không chịu nổi.” Nếu thế, chúng ta sẽ không sáng suốt được và dẫn đến hành động sai lầm.

Giận mà không đổi sắc mặt là người mưu. Chọc tức mà không giận là người trí. Người đạt được đại trí, người ấy không bao giờ dễ sân giận bởi bất cứ hiện tượng gì. Nếu chưa như thế, chúng ta phải khéo bình tâm tĩnh trí, thấu qua hiện tượng để đạt đến chủ đích sâu xa. Được vậy mới không nông nổi tức giận, không nhầm lẫn và sẽ đạt được mục đích chính yếu mình cần hướng đến.

Như khi đưa một ngón tay lên mắt và nhìn về rặng núi đằng xa kia. Nếu chỉ nhìn theo ngón tay thì sẽ bị khuất che, không thể thấy được rặng núi lớn. Ngược lại, nếu không chăm vào mà phải nhìn thấu suốt qua ngón tay thì chúng ta sẽ trông thấy được cả một vùng trời non nước hữu tình. Cũng vậy, nếu chỉ nhìn vào những thứ bên ngoài để đi đến kết luận một vấn đề và hành động thì có khác nào chỉ nhìn thấy ngón tay mà không trông thấy được rặng núi lớn trước mắt kia. Trên tất cả hiện tượng xảy ra giữa cuộc đời, chúng ta cần có tâm bình, khí hòa, trí tuệ tỉnh sáng để nhìn nhận cho thấu suốt và tường tận được chủ đích, thấu triệt được mọi căn nguyên sâu xa, từ đó mới có được hành động đúng đắn, tránh được sự nông nổi, sai lầm.

Nhìn trên hiện tượng thì không thẩm thấu được chủ đích của vấn đề. Đây là kẹt trên hiện tượng. Thấu qua hiện tượng để đạt đến chủ đích sâu xa kia, sẽ thấu triệt hết mọi vấn đề không sai chạy. Nếu biết vận dụng tính chất không kẹt trên phương tiện của nhà thiền sẽ giúp chúng ta nhận biết kịp thời để hành xử hợp lý trong mọi tình huống của cuộc sống.

VI/ VẬN DỤNG TRÍ TUỆ THIỀN.

Một quả xoài lúc còn non mềm thì chúng ta có thể ăn ngon cả vỏ lẫn hột. Nhưng đến thời kỳ phát triển, chín rồi thì chỉ ăn được cơm của nó mà phải bỏ vỏ và hột đi. Đông Tây kim cổ vốn có nhiều điều hay đã làm cho đất nước của mỗi thời được huy hoàng, thịnh vượng, chúng ta cần trân trọng, học theo. Nhưng nếu học theo kiểu rập khuôn, một bề tuân theo hành động và hình thức bên ngoài thì chẳng khác nào thấy người xưa ăn xoài non ăn ngon cả vỏ lẫn hột, thời nay xoài đã chín, chúng ta cũng nuốt trọn cả hột lẫn vỏ xoài. Học theo một điều gì, chúng ta cần phải biết tính kế thừa hợp thời và phát huy có hiệu quả. Muốn thế, trước tiên cần phải có một trí tuệ thiền đủ sáng suốt để nhận định nên làm gì và làm như thế nào thì mới có tính sáng tạo, không bị rập khuôn.

Khi ném một hòn đá về phía trước, con chó sẽ chạy theo gặm lấy hòn đá ấy. Nhưng nếu là loài sư tử thì chúng sẽ quay lại cắn lấy tay mình, nơi xuất phát hòn đá kia. Mọi thứ triết lý, khôn ngoan, thành tựu trên đời, không có cái gì từ trên trời rơi xuống cả, mỗi mỗi đều từ trí tuệ con người mà có ra. Nếu chỉ học theo, gom góp mọi thứ bên ngoài thì có ăn rồi ngồi không cũng không bao giờ học hết. Giả sử có học được hết thì cũng chỉ học theo những điều đã xưa cũ, không ứng dụng kịp trước một cuộc thế luôn đổi mới từng giờ. Ngược lại, nếu biết khơi gợi, kích hoạt để mỗi người tự nhận ra trí tuệ nơi chính mình, đó là chúng ta nhận ra được cha đẻ của mọi thứ, nhận lại được cội nguồn xuất phát của những thành tựu trên đời, là một cậu sư tử oai hùng chứ không phải một chú chó ngoan ngoãn chỉ biết chạy theo hòn sỏi. Cuộc đời, hiện tượng có thay đổi muôn vàn, nhưng chúng ta đã có trí tuệ, có được cha đẻ của những thứ kia thì sẽ tùy thời vận dụng một cách linh hoạt, thông thạo, sáng tạo, hiệu quả, thành công.

Khi tâm đã sáng, soi rọi đến đâu thì vấn đề được sáng tỏ đến đó. Có được trí thiền thì ở vào bất cứ thời điểm nào, vận dụng vào đâu cũng được thành tựu, lưu thông. Mới biết, chỉ có trí thiền mới thâu tóm và vượt lên trên những đổi thay của thời đại thăng trầm.

VII/ VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP KHAI MỞ TRÍ TUỆ CỦA NHÀ THIỀN.

Trong lớp làm bài kiểm tra toán học, có ba bài đáp án đúng, nhưng có ba cách giải khác nhau. Nếu phải chọn ra một bài ưu việt, chắc chắn chúng ta sẽ chọn bài nào có cách giải ngắn gọn nhất. Ra một đề toán phải đảm bảo giả thiết vừa đủ chứ không thể bị thừa. Giải toán là trau dồi trí tuệ. Và trau dồi trí tuệ không có nghĩa là đưa vào quá nhiều giả thiết khiến cho bài toán dễ đi, nhìn vào là giải được liền, ai cũng làm được, không cần động não. Cũng thế, giáo dục không có nghĩa là đưa sẵn ra quá nhiều kiến thức sách vở để nhồi nhét, bắt học sinh phải học thuộc lòng rồi cho đó là học giỏi, có trí thông minh. Trong nhà thiền thường gọi sai lầm này là dính kẹt trên lý thuyết, văn tự, chấp vào ngón tay mà cho đó là mặt trăng.

Cũng như khi giúp một cậu học trò làm bài tập, nếu chúng ta giải sẵn ra để cậu ghi nhớ, chép vào thì cậu học trò này chỉ giỏi giải những đề toán tương tự, khi gặp các bài khác đi thì không thể giải được. Đây là học theo kiểu nhồi nhét, rập khuôn thì biết bao giờ mới giỏi? Ngược lại, nếu chúng ta không giải ra sẵn mà chỉ gợi ý vừa phải để cậu ta tự tìm tòi cách giải. Giải được một bài này, trí thông minh sẽ phát huy và sẽ giải được nhiều bài khác nhau một cách linh hoạt. Như thế mới biết kích hoạt trí tuệ nơi chính học sinh.

Cuộc đời là một trường lớp khắc nghiệt với vô vàn các bài toán khó thách đố lẫn nhau, không ai giải sẵn cho chúng ta cả. Mỗi một học sinh sau này bước ra phải đối diện, giải quyết. Nếu chỉ giáo dục theo cách rập khuôn, giải sẵn thì sẽ thụ động, làm sao có thể linh hoạt để bắt kịp, thích nghi? Như thế sẽ bất lực trước những biến đổi, khó khăn, phức tạp trên thực tế của trường đời. Cho nên, giáo dục có nghĩa là phải khéo léo kích hoạt trí tuệ nơi mỗi người được sống dậy, là phải biết đặt một vài vấn đề vừa đủ để khơi gợi cho mỗi người tự nhận ra, chứ không có nghĩa đưa quá nhiều điều để nhồi nhét. Có vậy, học sinh mới có đủ trí tuệ, linh hoạt, chủ động, mạnh mẽ, tự tin khi đối diện với vô vàn thử thách, biến đổi để làm nên nhiều điều tốt đẹp cho đời.

Khéo kích hoạt để người học nhận ra trí tuệ của chính họ, đó là sở trường và việc làm chính yếu của Thiền tông nói chung và Thiền phái Trúc Lâm Yên tử nói riêng. Nếu khéo vận dụng phương thức này vào giáo dục hay đào tạo một ngành nghề gì thì chắc chắn sẽ có những thành tựu mới mẻ.

VIII/ DỐC TÂM VÀO CÔNG VIỆC.

Nhà bác học Newton đã dồn tâm và phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn. Nhà bác học Ac-si-met cũng đã dồn tâm về một mối nên mới có lúc tình cờ phát hiện ra lực đẩy. Mệnh đề của Newton là định luật vạn vật hấp dẫn. Mệnh đề của Ac-si-met là lực đẩy Acsimet. Còn mệnh đề của mỗi chúng ta là gì? Chủ đề gần nhất của mỗi con người là phải hoàn thiện tốt cuộc sống chính họ. Mệnh đề của xã hội là hoàn thành tốt đời sống ấm no hạnh phúc cho nhân loại, là hình thành một xã hội phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực: văn hóa, kinh tế, chính trị, quân sự… Tùy theo sứ mệnh và sở trường của mỗi người, mỗi cộng đồng mà chúng ta cần phải dốc tâm hoàn thiện cho thật tốt.

Một nhà giáo nếu quá bận lòng với kinh tế, không có tâm tha thiết yêu nghề thì không thể trở thành một nhà giáo giỏi. Một bác sĩ quá quan trọng đồng tiền, không hứng thú trong khám phá y học và thương tưởng đến bệnh nhân thì không biết lấy gì để trở thành một danh y tài ba lỗi lạc. Một vị tu sĩ muốn tu hành tiến bộ thì điều kiện tối thiểu đầu tiên cần phải có, đó là sự thiết tha trong dụng công tu tập… Tất cả mọi lĩnh vực, nếu muốn thành tựu tốt đẹp đều cần phải có sự cần mẫn, dốc tâm. Nếu chúng ta hời hợt với những gì mình đang làm thì mọi việc sẽ không thành tựu như mong muốn. Cuộc sống nếu cứ thả trôi bồng bềnh thì sẽ phải cứ lênh đênh, trọn đời sẽ long đong, không đi đến đâu cả.

Như chú sư tử, khi bắt một con voi chú cũng dùng hết sức, và khi bắt một con chuột chú cũng không hề chủ quan chút nào. Một đôi khi chúng ta có thể bơi giữa đại dương muôn trùng không chết, nhưng lại chết trên một vũng nước trâu nằm. Có những việc to tác thì hoàn thành tốt, nhưng với việc nhỏ lại xem thường nên bị sai lầm, đưa đến phá hỏng mọi thứ và thất bại. Không xem thường, dốc hết sức mình, đưa tâm về một mối thì không việc gì mà không thành tựu. Tính chất dứt khoát, kiên quyết, nhất tâm, dõng mãnh, tinh tấn, không lười mỏi, không xem thường, không mê lầm của Thiền tông đời Trần sẽ giúp chúng ta làm tốt việc dốc lòng, toàn tâm toàn ý này.

IX/ PHẢI LÀ CHÍNH MÌNH.

Muốn tìm hiểu một vấn đề thì phải nghe từ nhiều phía, nhiều người. Nhưng để đi đến kết luận, quyết định một vấn đề thì phải tự chính mình; phải từ nhận định, trí tuệ của chính mình chứ không vì bất cứ một điều gì bên ngoài cả.

Trong đề thi môn Văn Tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2014, câu II có trích một đoạn trong vỡ kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề “con người cần được sống là chính mình.”

Điều chính yếu đầu tiên cần phải xác định ở đây là “chính mình”. Nếu chưa xác định được “chính mình là gì” thì cuộc sống sẽ mất phương hướng.

Thấy bạn mình dùng vũ lực đánh đập người khác một cách dã man, A bảo:

- Cậu không nên hành động như vậy, lẽ ra phải khoan dung giúp đỡ người khác mới phải.

Anh B nói:

- Khoan dung, giúp đỡ người khác là tính cách của cậu. Còn tôi thì khác. Tôi không thể là cậu. Tôi chỉ muốn đánh anh ấy. Tôi phải là chính tôi.

Anh A bảo:

- Cậu không thể nhận hành động xấu xa tồi tệ đó làm chính mình được. Cái chính mình phải là điều tốt đẹp lương thiện cơ.

Anh B nói:

- Tốt hay xấu chỉ là do quan niệm của mỗi người thôi. Hành động đó cậu cho là xấu, nhưng với tôi thì nghĩ đó là nên làm.

Trước một thây chết, chúng ta có hành động thế nào họ cũng không thể nhận biết. Nhưng với người còn sống thì họ sẽ có nhận thức tốt xấu, thiện ác… Cho nên, thiện hay ác, tốt hay xấu chỉ là do quan niệm của mỗi một con người. Đã là quan niệm thì mỗi người sẽ có quyền quan niệm khác nhau. Đánh một kẻ khác, anh A cho đó là xấu ác, nhưng với anh B thì đó là hành động tốt lành. Bởi nó chỉ là quan niệm và chúng ta có quyền suy nghĩ theo cách của mình. Phải làm thế nào để hai anh này nhận ra chính mình một cách đúng đắn? Không xác định được điều này thì đạo đức xã hội sẽ bị hỗn loạn. Nếu chỉ dừng trên quan niệm tương đối thì con người sẽ không bao giờ có được định hướng để sống dứt khoát; khi vui thì nhường nhịn, khi thiếu kiểm soát thì hành hung. Chính vì lý do này mà nhân loại chưa mạnh mẽ để hướng thiện một cách tuyệt đối, khiến cuộc thế còn đó lắm nỗi lầm than.

Tông chỉ chính yếu của Thiền tông Việt nam đời Trần là “phản quan tự kỷ” (tìm lại chính mình). Nhận ra chính mình một cách thấu đáo là nhận được trí tuệ chân thật rốt ráo nơi chính mỗi người. Từ đây đạo đức được định hình, trong con người này tự có năng lực phi thường, tự nó định tĩnh, dũng mãnh, tự tin, tự biết sáng tạo, ứng dụng trên mọi lĩnh vực. Ở vào vai trò nào cũng hoàn thành xuất sắc, vào tình huống nào cũng có trí lực biết chuyển xấu thành tốt, trên công việc nào cũng đều được thành tựu viên mãn. Vận dụng được tinh thần này vào trong đời sống là chúng ta đã phần nào ứng dụng được tinh thần Thiền tông Việt nam đời Trần vào mọi phương diện của xã hội đương đại để đưa đến những thành tựu tốt đẹp.

Vậy thì, “chính mình là gì?” Là việc mỗi người phải dốc tâm tìm học và tự khám phá thôi.
Thích Tâm Hânh
(Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã Thừa Thiên Huế)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn