NHỮNG TẤM GƯƠNG THẦM LẶNG VIỆT NAM
Trong một dịp tiếp xúc với bác sĩ Lê Đức Tố, người trực tiếp điều trị cho con tôi và cũng là người điều hành chương trình phẫu thuật gồm nhiều y bác sĩ chuyên chữa trị cho những người khuyết tật đó, tôi mới biết họ được tài trợ bởi SAP-VN (Social Assistance Program For Vietnam), một tổ chức phi lợi nhuận mà vị Giám đốc là Tiến sĩ Huỳnh Phước Đương, một người Mỹ gốc Việt. Bác sĩ Tố còn cho biết, năm 1993 ông Đương về nước thăm nhà, chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của người dân quê, ông đặc biệt chú trọng tới nỗi bất hạnh của những người khuyết tật, nạn nhận của hậu quả chiến tranh. Khi đi thăm bà con hàng xóm, ông xót xa thấy nhiều người bị giam lỏng trong nhà vì không thể đi lại được. Và có dịp đi khắp đất nước từ Bắc chí Nam, điều làm ông vô cùng suy nghĩ là ông không thấy người nào dùng xe lăn. Khi trở về Mỹ, ông vận động bạn bè mua xe lăn, xe lắc gởi về tặng người khuyết tật ở quê nhà. Việc làm đó có ý nghĩa to lớn đối với những người khuyết tật vì đã giải phóng họ ra khỏi mặc tàn phế vô dụng và trả họ về cuộc sống đời thường khi họ có thể tự thân di chuyển được bằng những chiếc xe lăn, xe lắc. Anh Bửu ở thôn Tư xã Cẩm Thanh, một trong những người được nhận xe lăn đợt đầu, đã xúc động nói, “Tôi bị liệt đôi chân từ nhỏ, nhà nghèo nên suốt 15, 16 năm chưa một lần bước chân ra khỏi ngõ. Nay nhờ chiếc xe lăn mà tôi được đi đây đi đó khắp nơi. Cuộc đời tôi và nhiều người khuyết tật đã sang trang là nhờ chiếc xe lăn, thật vô cùng biết ơn ông Đương”. Không những thế, chiếc xe lăn còn giúp kết nối những mảnh đời tật nguyền ở thị xã Hội An, Điện Bàn và nhiều huyện miền núi đổ về Hội An kiếm sống bằng dịch vụ bán đồ lưu niệm cho khách nước ngoài. Ông Đương còn cấp học phí và chi phí ăn ở cho hơn mười em khuyết tật theo học lớp vi tính ở Computer Bình… Nhiều em sau đó sử dụng công nghệ tin học để sinh sống và giúp đỡ bạn đồng cảnh ngộ. Hơn mười năm trước, dư luận báo đài nói nhiều đến lớp học cô Nhứt, được mở dưới bóng cây bằng lăng ở vỉa hè đường Bạch Đằng Hội An do cô Phạm Thị Nhứt, một người khuyết tật, dạy tiếng Anh cho người khuyết tật giúp họ có thể giao dịch với người nước ngoài để việc mưu sinh được dễ dàng. Được biết hoạt động của lớp học này có sự động viên và hỗ trợ của Tiến sĩ Huỳnh Phước Đương. Rồi từ một nhóm năm bảy người, dần dà đã quy tụ được ba bốn chục người, Chi hội Người khuyết tật Hội An được thành lập, đến nay đã là nơi sinh hoạt của hơn 100 người. Lần lần, chương trình tặng xe lăn xe lắc được tổ chức cấp phát cho người khuyết tật ở nhiều địa phương trên cả nước. Để mở rộng qui mô và hoạt động có hiệu quả bền vững, ông Đương cùng những người bạn tâm huyết thành lập Hội Từ thiện SAP-VN nhằm mục tiêu vì người nghèo, người khuyết tật với phương châm tự nguyện làm việc không lương. Sau một thời gian hoạt động, Hội SAP-VN đã kết nối được những tấm lòng trong cộng đồng người Việt định cư nước ngoài để có điều kiện thực hiện các chương trình từ thiện phẫu thuật phục hồi chức năng tặng xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, vá môi hở hàm ếch, xây trường học, khám chữa bệnh cho người dân vùng sâu vùng xa, cứu trợ nạn nhân thiên tai bão lụt ở Việt Nam. Nơi nào có người khuyết tật gặp hoàn cảnh khó khăn là có bàn tay Hội Từ thiện SAP-VN. Trong một lần gặp mặt nhân dịp Tết, Chi hội Người khuyết tật Hội An được đón tiếp một vị khách. Một người ngồi xe lăn đến thăm Chi hội đang sinh hoạt tại Khổng Miếu. Từ sân vào nơi sinh hoạt phải lên nhiều bậc cấp khá cao, thật khó khăn đối với người khuyết tật, nhiều người tỏ ý muốn đỡ xe và người lên. Người khách cảm ơn và tự xuống xe rồi dùng tay để lên bậc cấp như mọi người khuyết tật khác khiến tất cả những ai đang có mặt trong buổi sinh hoạt của chi hội lúc bấy giờ đều có một ấn tượng thật mãnh liệt. Lên đến nơi, vị khách ấy thân mật chào hỏi từng người khuyết tật với nụ cười trên môi. Thì ra, ông chính là Tiến sĩ Huỳnh Phước Đương, Giám đốc điều hành Hội SAP/VN. Tất nhiên, sau lần đó thì Chi hội Người khuyết tật Hội An đã đặt một tấm ván lên trên những bậc tam cấp để giúp người khuyết tật có thể đưa xe lên tận nơi. Khi có điều kiện để biết rõ hơn về Tiến sĩ Huỳnh Phước Đương, tôi càng ngạc nhiên và thán phục trước sức phấn đấu vượt nghịch cảnh của ông. Cha mất sớm, mẹ phải tảo tần nuôi bốn người con bữa đói bữa no ở một vùng quê không có an ninh. Cũng như bao trẻ ở quê, cậu bé Đương phải đi chăn trâu nên 11 tuổi mới học xong lớp Một. Trong một đêm khuya, đang ngủ bỗng nghe tiếng nổ thật gần, toàn thân đau nhói, máu me đầy mình và lịm đi. Khi tỉnh dậy, cậu bé thấy mình đang nằm trong bệnh viện và hai chân mất hết cảm giác. Sau đó cậu phải chịu đựng nỗi đau đớn với những ca phẫu thuật kéo dài tại các bệnh viện Đà Nẵng, Sài Gòn. Biết mình đã bị tàn phế, sẽ là gánh nặng cho mẹ và các em, Đương đã phải khai không có gia đình để được Tổ chức Y tế chăm sóc. Rồi cậu được một người đàn ông Mỹ nhận làm con nuôi. Sau năm 1975, Đương theo cha nuôi đến Mỹ và bắt đầu những ngày tháng mới của cuộc đời. Đó cũng là những ngày khó khăn nhất, nhiều gian nan thử thách nhất của Đương. Đương tự nghĩ mình phải có kiến thức, nghĩa là phải học. Nhưng làm thế nào để học khi mà những chữ a b c hồi lớp Một ở Việt Nam đã quên hết mà giờ đây lại phải đối mặt một ngôn ngữ hoàn toàn khác lạ? Thế nhưng giấc mơ được trở về Việt Nam, được gặp lại mẹ và các em, thăm lại vùng quê nghèo chứa chan kỷ niệm… đã là mãnh lực có sức thúc đẩy Đương cố gắng vượt qua mọi khó khăn. Với ý chí của bản thân, cùng với sự giúp đỡ tận tình của nhiều người và nhất là nhờ môi trường thuận lợi, Đương đã lần lần đạt được những thành quả trong việc học tập. Học xong trung học, anh ghi danh vào Trường Đại học California khoa Công nghệ sinh học, rồi sau đó, với chính sách ưu đãi Chính phủ Mỹ dành cho người khuyết tật, anh theo học tiếp chương trình tiến sĩ ngành Sinh hóa thần kinh và trở thành Giáo sư tại Đại học UCLA California. Giờ đây, tại các hội thảo về thần kinh học tại các trường đại học y khoa trong nước và quốc tế không còn xa lạ với hình ảnh một giáo sư người Việt trên chiếc xe lăn thuyết trình các đề tài mới về các bệnh có liên quan đến thần kinh. Nhưng với anh, niềm vui và hạnh phúc nhất là được trở về Việt Nam tham gia các chương trình từ thiện mà Đương đã hoài bão ngay từ những ngày mới đặt chân đến đất Mỹ1. Từ một cậu bé chăn trâu Việt Nam trở thành một giáo sư tiến sĩ Mỹ là quá trình phấn đấu đầy khó khăn gian khổ chỉ vì động cơ yêu mẹ và yêu quê hương đất nước Việt Nam. Là một nhà khoa học ngành thần kinh, anh đã đem kiến thức và kinh nghiệm chia sẻ cùng đồng nghiệp nhiều nước trên thế giới, nhưng đối với anh niềm vui và hạnh phúc to lớn nhất vẫn là được chia sẻ nỗi khó khăn của những người khuyết tật và đồng bào nghèo ở quê hương. Anh trực tiếp đến tận nơi chứng kiến và cùng với những người bạn trong tổ chức từ thiện SAP-VN giúp đỡ người khuyết tật, người nghèo… vượt khó khăn, bất hạnh. Là người rất kiệm lời, anh chỉ làm chứ không nói việc mình làm kể cả hoàn cảnh và sự phấn đấu vượt khó khăn, mặc dù những điều đó đều là sự thật, tất cả đều do bạn bè và người thân anh tiết lộ! Nhà mẹ anh hiện là ngôi nhà cấp bốn ở thôn Tư xã Cẩm Thanh TP. Hội An, đặc biệt là hành lang bên hông nhà dài xuôi dẫn vào nhà sau để mỗi lần về nước anh trú ngụ và sinh hoạt tại đây.
Bên cạnh anh còn bao người bất hạnh, những người khuyết tật đã và đang âm thầm phấn đấu vươn lên vượt qua số phận bất hạnh. Cậu bé Nguyễn Anh Tuấn, một Nguyễn Ngọc Ký thứ hai… những ngón tay em co quắp lại làm đôi tay em trở nên thừa thãi. Tuấn đã phấn đấu tập luyện, sử dụng đôi chân thay đôi tay. Ngoài viết chữ, em còn sử dụng thành thạo máy vi tinh. Những ngón chân em nhanh nhẹ di chuột và gõ bàn phím chẳng kém gì bàn tay bình thường2. Và tấm gương Hà Chương người nhạc sĩ khiếm thị. Bị mù đôi mắt từ hồi còn nhỏ, năm 12 tuổi Chương, vào học Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu Đà Nẵng. Năm 21 tuổi (2004), Chương thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tại Hà Nội, đỗ đầu khoa Nhạc cụ truyền thống ngành đàn bầu; anh còn sử dụng thành thạo máy vi tính và nhiều nhạc cụ khác, hai lần đỗ thủ khoa môn đàn bầu và đạt được nhiều thành tích xuất sắc; sắp tới anh có chuyến đi Mỹ, theo lời mời đích danh, để biểu diễn cùng với ca sĩ Thủy Tiên3. Và gần đây hơn là tấm gương của Nguyễn Phương Anh nỗ lực vượt qua sự khắc nghiệt của chứng bệnh hiểm nghèo, bệnh xương thủy tinh, và đã 30 lần bị gãy xương phải đi lại bằng xe lăn; em tham gia và lọt vào vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt (VietNam got Talent) được nhiều người chú ý và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) chọn làm tấm gương tiêu biểu toàn cầu3. Là những người thầm lặng vì họ nhận thức rõ luật nhân quả, nghiệp báo; theo đó hoàn cảnh sướng khổ, hạnh phúc hay bất hạnh tật nguyền đều có nguồn gốc từ Nghiệp tức là lực cảm ứng từ hành vi có chủ ý hay việc làm có dụng tâm từ ý nghĩ, miệng nói, thân làm trong tiền kiếp lâu xa. Họ rõ biết trùng trùng nhân quả quả nhân đan xen, trong quá khứ họ đã có việc làm xấu ác, hành vi bất thiện đời nay hội đủ duyên để thành quả… nhưng bên cạnh đó họ cũng có việc làm lành, hành vi thiện tạo nhân cho quả tài năng đặc biệt đời nay có mặt. Ở đây không có bóng dáng bất cứ đấng quyền năng Trời, Chúa, Thượng đế! Nhận thức được như thế họ ra sức vận dụng, phát huy những gì có được, cố gắng thích nghi với hạn chế bản thân mà vẫn đem lại lợi lạc cho người khác và cho cộng đồng – tự lợi lợi tha – họ có sự an vui ngay bây giờ và tại đây. Và theo chiều hướng thiện nghiệp, sớm muộn chắc chắn họ có thân hình lành lặn xinh đẹp, cuộc sống an vui, hạnh phúc. (TC. Văn Hóa Phật Giáo) Chú thích:
|