TÌM HIỂU và NHẬN DIỆN TÂM TÁNH Tuệ Thiện
Trong ngôn ngữ Việt nam có 3 chữ : Tâm, Ý, Thức có thể ghép thành ba danh từ : Tâm thức, Tâm ý và Ý thức. Ngoàì ra không thể ghép cách nào khác cho thuận tai : ta không thể nói ý tâm, thức ý hay thức tâm. Chữ Tâm thức có thể được hiểu một cách thông thường là thành phần vô hình cấu tạo nên con người. Tâm ý có thể hiểu là ý định bên trong tâm hoặc tình cảm và ý nghĩ của ai đó.Chẳng hạn khi nói : « hai người có tâm ý giống nhau » có nghĩa là « tâm đồng ý hợp ». Còn chữ Ý thức có thể có hai nghĩa tuỳ theo ngữ cảnh : 1- nhận biết qua tâm thay vì qua 5 giác quan ; 2- nhận thức về thực chất và tính cách quan trọng của 1 sự việc nhằm đưa đến 1 thái độ, 1 hành động . Chẳng hạn « Ý thức về sự trầm trọng của cơn khủng hoảng kinh tế, chính phủ đưa ra những biện pháp thắt lưng buộc bụng » Trên đây là ý nghĩa theo ngôn ngữ thông thường. Ba danh từ này đều có mặt trong tâm lý học Phật giáo và được định nghĩa rõ ràng chính xác hơn. Theo truyền thống Thượng Toạ Bộ 3 chữ TÂM (Citta), Ý (Mano) và Thức (Vinnana) đều có chung một ý nghĩa. Kể cả Hữu Bộ (Sarvastivada) cũng đồng ý như vậy. Kinh Lăng Già (Lankavatara sutra) của Phật giáo Bắc Tông cũng xem ba chữ này là đồng nghĩa. Ngài Vô Trước (Asanga) trong Nhiếp Đại Thừa Luận (Mahayana sangraha) đã viết « theo Thinh Văn Thừa, ba chữ này là đồng nghĩa ». Nhưng riêng Ông đã chia Thức Uẩn làm ba thành phần và định nghĩa như sau : -Tâm = Citta đó là Tàng thức hay A lại Da Thức (Alayavijana) bảo lưu tất cả chủng tử, trưởng dưỡng tất cả tập khí của tất cả Uẩn, Xứ và Giới, nghĩa là toàn bộ thân tâm nầy. -Ý = Mana hay Mạtna thức chính là sự chuyển biến , thể hiện của Tàng thức thành tư duy, biện luận và luôn tự có khuynh hướng chấp ngã với tập nhiễm của 4 thứ phiền não Ngã kiến, Ngã ái, Ngã mạn và Vô minh. -Thức = Vijnana, chính là lục thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Đó là quan điểm của Duy Thức Học .Khi chúng ta muốn hiểu Tâm là Tàng thức, Ý là Mạt na thức, Thức là Lục thức thì phái nói rõ như vậy. Trong bài này chúng tôi xem Tâm, Ý ,Thức là đồng nghĩa theo quan điểm của Vi Diệu Pháp. Tuy nhiên tùy ngữ cảnh phải qui chiếu theo định nghĩa dưới đây. - ĐỊNH-NGHĨA TÂM TÂM thường được dùng chung với chữ vật (vật chất) thành một cặp TÂM VẬT và còn được gọi là DANH để đối lại với chữ sắc (vật chất) thành DANH SẮC. Các sách thường định-nghĩa TÂM là khả-năng nhận biết một đối-tượng, hay nói giản-dị hơn : là sự biết cảnh, biết đối-tượng. Nhưng định-nghĩa như thế chỉ nói lên được một khía cạnh của tâm thôi, do đó chúng tôi xin đề-nghị một định-nghĩa tổng-quát hơn : TÂM là thành phần tinh-thần cấu tạo nên con người được qui-định bởi 4 yếu-tố : 1)TÂM-THỨC : là khả-năng nhận biết, ghi nhận, ý thức, nắm bắt một đối-tượng khi nó lọt vào một trong sáu cửa : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.Do đó có nhãn thức , nhĩ thức, tỉ thức , thiệt thức , thân thức và ý thức.Không có đối tượng thì không có thức nhận biết. 2)TÂM-TRẠNG : là hình-thức biểu-hiện, diễn-tả của TÂM xuyên qua 5 trạng-thái : vui, sướng, buồn, đau và thản-nhiên (hỉ, lạc, ưu, khổ, xả) . Không có TÂM nào mà không biểu-hiện qua một trong 5 cảm-thọ nói trên, ngay cả TÂM chứng-quả Niết-Bàn. 3) TÂM-HÀNH : là khả-năng hành xử của TÂM hay thái-độ của nó trước một đối-tượng tùy theo tính-cách thụ động (quả) , chủ động (nghiệp) hoặc tự động (duy tác).Thụ động thì không tạo nghiệp, chỉ chịu nhận kết quả tốt hay xấu . Chủ động thì tạo nghiệp có thể thiện hay bất-thiện. Còn tự động thì ứng xử một cách máy móc tự nhiên ,không thiện không ác, không tạo nghiệp gì cả . Đây là tâm của các bậc A La Hán và chư Phật. 4)TÂM TƯỞNG : là khả năng ghi nhớ , hồi tưởng ,hình dung những sự vật hay khái niệm mà mình đã kinh nghiệm biết qua. Như vậy, trước một đối-tượng ghi-nhận được (tâm thức), tùy theo khả-năng hành xử (tâm hành), TÂM sẽ biểu-hiện dưới một trạng-thái vui, buồn, sướng, khổ, hay thản-nhiên (tâm trạng) và đồng-thời tạo nghiệp hay không và nghiệp này được ghi nhớ (tâm tưởng) trong dòng trôi chảy của tâm. CẤU TẠO của TÂM Tâm được cấu tạo bởi hai thành phần là TÂM VƯƠNG và TÂM SỞ. Khi người ta chỉ nói đến tâm thôi thì đó là tâm vương, trong đó đã bao hàm nhiều tâm sở. TD : nhãn thức (tâm thấy) có 7 tâm sở: xúc, thọ, tưởng, tư, định, mạng quyền, ý hướng ( manasikara) 1/ TÂM VƯƠNG là phần chính yếu của tâm, nó làm chủ và nâng đở các pháp đồng sanh cũng như sườn vách của một cửa tiệm, nâng đở làm nơi nương tựa cho các hàng hoá trong tiệm. Có tất cả 89 tâm vương (hoặc 121 tuỳ theo chúng ta có kể những yếu tố chứng thiền trong các loại tâm siêu thế hay không). Một cách tổng quát gồm có : - 54 tâm Dục giới.(còn dính mắc với ái dục, chỉ xuất hiện trong cõi dục) - 15 tâm Sắc giới.( còn bám víu vào sự an lạc của thiền sắc giới) - 12 tâm Vô Sắc giới.(còn bám víu vào sự an lạc của thiền vô sắc giới) - 8 tâm Siêu thế (là loại tâm đang vượt lên hoặc đã vượt qua được 3 cảnh giới Dục giới, Sắc giới, Vô sắc và có đối tượng là Niết Bàn ) 2/ TÂM SỞ hay SỞ HỮU TÂM : là thành phần phụ thuộc của Tâm làm cho tâm có một trạng thái riêng biệt, hoặc một khả năng nào đó tuỳ theo bản chất của loại TÂM SỞ đó TD : tâm sở GANH TỴ khi phối hợp với tâm vương SÂN làm cho tâm này mang tính chất ganh ghét nặng nề. Có sách định nghĩa TÂM SỞ là cái gì « đồng sanh, đồng diệt, đồng nương một căn và đồng biết một cảnh với TÂM VƯƠNG ». Tâm sở như những món hàng hoá chưng bài trong một cửa tiệm, tuỳ theo những món hàng này mà ta qui định đây là tiệm bánh mì, tiệm may hay tiệm sách. Có tất cả 52 tâm sở, được chia làm 6 loại : - 7 Tâm sở Biến Hành : phối hợp với tất cả các loại tâm. - 6 Tâm sở Biệt Cảnh : phối hợp với một số tâm đặt biệt như tâm thiền. - 14 Tâm sở BẤT THIỆN : luôn luôn phối hợp với các Tâm Bất thiện. - 19 Tâm sở THIỆN : luôn luôn phối hợp với các Tâm Thiện. - 6 Tâm sở THIỆN khác phát sanh trong những trường hợp đặt biệt. Một phân giải sâu sắc về tâm đòi hỏi phải biết : - Một loại tâm VƯƠNG có bao nhiêu tâm sở trong đó. -Một loại Tâm SỞ có thể phối hợp với bao nhiêu loại tâm vương . -và đồng thời phải biết đặt loại tâm nầy vào diễn trình sanh diệt của nó (nghĩa là vào 1 lộ trình tâm). Biết như thế, chúng ta mới hiểu được bản chất, đặc tính, khả năng và nhiệm vụ của một loại tâm. ĐẶC-TÍNH CỦA TÂM TÂM là pháp chân-đế (paramattha) có đủ 2 loại đặc-tính : -Đặc-tính chung : . Vô-thường : vì nó luôn-luôn biến-đổi theo sự tác-động của nhân và duyên ; . Khổ-não : vì nó sinh diệt không ngừng ; . Vô-ngã : vì không theo ý muốn của chủ thể. - Đặc-tính riêng : . Biệt-tướng của tâm là nhận biết đối-tượng ; . Chức-năng của tâm là làm chủ các pháp (tâm sở và sắc pháp) ; . Biểu-hiện của tâm là sinh diệt liên-tục, không ngừng nghỉ ; . Nguyên-nhân gần của tâm là tâm sở và cảnh, nguyên nhân xa là nghiệp và vật nương ( sắc ý vật) -Nguyên nhân làm phát sanh tâm: . Nghiệp quá khứ ( hành=>thức ) . Cảnh ( không có cảnh sẽ không có tâm ) . Sở hữu tâm ( đồng sanh với tâm) . Vât nương tựa ( ý căn là tập hợp toàn bộ các nơrôn cùng làm một việc trong cùng một lúc) PHÂN LOẠI TÂM Phân loại tâm rất quan trọng.Khi tìm hiểu tâm phải biết nó có mấy loại và sự phân loại này thuộc phạm trù nào, nghĩa là thuộc khía cạnh nào, bởi vì có nhiều cách phân loại khác nhau. Có như vậy chúng ta mới có cái nhìn không phiếm diện về vấn đề đang nghiên cứu. I.Phân loại tâm theo cảnh giới (Dhàtu), có 4 loại: 1. Tâm Dục Giới 2. Tâm Sắc Giới 3. Tâm Vô Sắc Giới 4. Tâm Siêu Thế II.Phân loại tâm theo nhân (hetu), có 2 loại: - Tâm Vô Nhân - Tâm Hữu Nhân Nhân ở đây là 6 nhân tương ưng(sampayuttaka hetu):tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si .Tâm vô nhân không có sở hữu Thiện, lẫn sh Bất thiện, nên chúng không có khả năng tạo nghiệp. III. Phân loại tâm theo tánh, có 3 loại tâm: 1. Tâm thiện 2. Tâm bất thiện 3. Tâm vô ký (không cho quả : Tâm quả: 52 và Tâm duy tác: 20) IV.Phân loại tâm theo giống (jāti), có 4 loại tâm : Tâm thiện: 37, Tâm bất thiện: 12, Tâm quả: 52, Tâm duy tác: 20. V.Phân loại tâm theo nhiệm vụ ( kicca), có 14 nhiệm vụ: 1.Tái sanh; 2.Hộ kiếp (hữu phần); 3.Tử; 4.Hướng tâm; 5.Thấy-6.Nghe-7.Ngửi-8.Nếm-9.Đụng; 10.Tiếp thâu; 11.Quan sát; 12.Phân đoán; 13.Đổng lực; 14.Thập di (mót). VI.Phân loại tâm theo chủ quan/khách quan: - Tâm chủ quan: tái sanh, hộ kiếp, tử; - Tâm khách quan: khán ngũ môn, ngũ song thức, tiếp thâu, quan sát, xác định, tốc hành, mót. VII. Phân loại tâm theo thiền: - Tâm thiền: 67 - Tâm phi thiền: 54 Tâm thiền là những tâm thiện cao cả (tâm Đáo Đại) phát sanh trong những lộ trình tâm chỉ biết đề mục thiền. Nếu là thiền Chỉ tịnh thì đề mục là Tục Đế và có từ 2 cho tới 5 chi thiền sau đây làm việc tích cực: Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc (hoặc Xả), Định. Nếu là thiền Quán thì đề mục là Chân đế (danh, sắc)và có 5 chi thiền sau đây làm việc tích cực: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ. Trong khi chứng đạt thiền thì tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo hối và hoài nghi được đoạn trừ. VIII.Phân loại tâm theo môn (dvāra), có 6 cửa: Nhãn môn, Nhĩ môn, Tỹ môn, Thiệt môn, Thân môn, Ý môn. Có tâm nuơng theo một môn ( như 5 thức), có tâm nương 5 môn, hoặc 6 môn, hoặc không nương theo môn nào cả ( như tâm Tục sinh, Hộ kiếp, Tử) IX.Phân loại tâm theo đối tượng (ārammaṇaṃ, ālambanaṃ), có 6 loại: đối tượng của sự thấy, đối tượng của sự nghe, đối tượng của sự ngửi, đối tượng của sự nếm, đối tượng của sự đụng chạm, đối tượng của sự hay biết. X.Phân loại tâm theo trú căn (vatthu), có 6 loại: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỹ căn, Thiệt căn, Thân căn, Ý căn. XI.Phân loại tâm theo Thọ(Vedana) có 5 loại: Thọ khổ, Thọ lạc, Thọ ưu, Thọ hỷ, Thọ xả. NHIỆM VỤ và CÁCH VẬN HÀNH của TÂM Tâm diễn biến, sanh diệt theo một diển trình bao gồm nhiều satna-tâm*. Diễn trình này xảy ra theo một trật tự thứ lớp nhất định khi có một đối tượng xuất hiện từ bên ngoài, trước năm cửa của giác quan ; hoặc xuất hiện trong nội tâm trước cửa ý, tuỳ theo thời khoảng sống : lúc thức, lúc ngủ, lúc chiêm bao, lúc nhập thiền hoặc lúc chết… MỘT LỘ TRÌNH TÂM như thế có thể có từ 12 cho tới 17 chập satna-tâm liên tiếp . Nhiều lộ trình tiếp nối như thế sẽ cho chúng ta một chức năng của tâm não như tri giác, hồi tưởng, suy nghĩ.... Muốn tri giác (định danh) 1 đối tượng phải trải qua ít nhất 5 lộ trình. Mỗi satna-tâm trong lộ trình có 1 nhiệm vụ nhất định : Có tất cả 14 nhiệm vụ : 1) Tái sinh (= tục sinh, kiết sinh thức, Patisandhi) 2) Hộ kiếp (= hữu phần, Tiềm thức, A lại Da thức, Bhavanga) 3) Khán môn (= hướng tâm, Avajjana) 4®8) Năm thức : nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, Pancavinnana) 9) Tiếp thâu (= Sampaticchana) 10) Quan sát (= suy xét, santirana) 11) Phân đoán (= xác định, Votthapana) 12) Đổng lực (= tốc hành, tác hành, Javana) 13) Thập di (= Mót, Na cảnh, lưu chép, Tadanammana) 14) Tử (Cuti) *Satna-tâm là đơn vị thời gian ngắn nhất mà một loại tâm có thể chiếm hữu trong tiến trình sanh diệt của tâm. Danh từ này bao hàm hai ý niệm thời gian và tâm nên được gọi là satna-tâm. Có sách gọi là chặp tư tưởng. Hộ kiếp Đổng tốc (tốc hành) mót Phân đoán(xác định) Quan sát Tiếp thâu 5 song thức Khán 5 môn Chúng ta thử phân tách 14 nhiệm vụ nầy : 1/ Nhiệm vụ tái sinh (Patisandhi) là satna-tâm đầu tiên của một kiếp sống , nó làm công việc móc nối đời sống trước với đời sống sau, chỉ xảy ra có một sátna thôi lúc tinh trùng của cha gặp noãn bào của mẹ trong những điều kiện tâm sinh lý thuận tiện cho sự thụ thai . 2/ Nhiệm vụ hộ kiếp (Bhavanga) : Tiếp nối liền sau tâm tục sinh, là các tâm Hộ kiếp liên tục diễn biến làm điểm tựa nâng đở cho dòng tâm thức tiếp diễn, giúp cho đời sống được duy trì liên tục. Dòng Hộ kiếp có mặt khi tâm thức không bị dao động bởi ngoại cảnh, như khi đang ngủ say trong trạng thái không mộng mị hoặc như dòng tâm thức của thai bào đang nằm trong bụng mẹ, lúc mà giác quan chưa phát triển được đầy đủ nên chưa tiếp xúc được với ngủ trần. Khi có nội cảnh hoặc ngoại cảnh xuất hiện, dòng Hộ kiếp biến mất để nhường chổ cho những lộ trình tâm Ngủ môn hoặc Ý môn. Dòng Hộ kiếp được coi là tiềm thức của Phật giáo, tương đương với A Lại Da Thức (hay Tàng thức) của PG Bắc Tông. 3/ Nhiệm vụ Khán Môn (avajjana) : Khi có một cảnh xuất hiện trước sáu cửa (mắt, tai, mũi, lưởi, thân, ý) thì nhiệm vụ của tâm Khán môn là hướng tâm đến đối tượng để bắt cảnh làm cho dòng hộ kiếp tạm thời gián đoạn. Nếu là cảnh bên ngoài thì do tâm Khán Ngủ môn đảm nhiệm, nếu là cảnh bên trong thì do tâm Khán Ý môn đảm trách. Như vậy điều kiện để có 6 thức (Nhãn, Nhĩ, Tỉ, Thiệt, Thân và Ý thức) xuất hiện là phải có Tâm Khán Môn mở cửa. Ở đây chúng ta có thể đề cập đến ý niệm vô thức trong Phật Giáo.Những đối tượng không được tâm biết đến khi nào không có Tâm Khán môn mỡ cửa đón nhận, cũng giống như trong thần kinh học lý thuyết « cửa kiểm soát » đau nhức (control gate) ngăn chận cảm giác đau nhức không được dẫn truyền lên óc não. 4® 8/ Nhiệm vụ : thấy, nghe, ngữi, nếm, đụng (Pancavinnana) khi hội đủ các điều kiện sẽ có 1 trong 5 thức sinh ra để làm nhiệm vụ thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Những điều kiện nầy khác biệt cho từng giác quan và gồm có : - Sự toàn vẹn của 5 giác quan (mắt, tai, mũi, lưởi, thân) - Sự có mặt của 1 đối tượng tương ứng (sắc, thinh, hương, vị, xúc). - Tâm Khán Ngủ Môn hướng đến đối tượng (sự hướng tâm). - Ánh sáng cho mắt, không gian cho tai (âm thanh không truyền được trong chân không ), chất ở thể khí cho mũi, chất tan trong nước cho lưỡi, áp xuất hoặc nhiệt độ cho thân. 9/ Nhiệm vụ Tiếp Thu (Sampaticchana) Sau khi biết cảnh, nghĩa là ghi nhận 1 trong 5 thức, dòng tâm thức thọ lảnh tiếp nhận 1 trong 5 cảnh nầy gọi là tiếp thâu, chỉ xảy ra đối với ngoại cảnh. 10/ Nhiệm vụ Quan sát (Santirana) Tiếp đến tâm làm công việc xem xét tìm hiểu 1 trong 5 cảnh nầy. Việc điều tra 5 cảnh gọi là Quan sát. 11/ Nhiệm vụ Phân Đoán (hay Xác định = Votthapana) Sau khi đã xem xét tìm hiểu cảnh, tâm làm công việc xác định đối tượng đúng hay sai đối với những biểu tượng đã được chép nhớ trong quá khứ, không phải xác định tốt, xấu hay thiện, ác. 12/ Nhiệm vụ Đổng Tốc (hay Tốc Hành, Tác Hành = Javana) Là công việc hành xử của tâm, thái độ của nó (thương, ghét, hay trung tính) trước một trong 6 cảnh trên đây. Giai đoạn nầy rất quan trọng vì ở giai đoạn nầy hành động thiện hay ác(nghiệp) được thực hiện, do đó phát sinh một loạt 7 satna-tâm Đổng Tốc (hoặc 5 satna-tâm trong vài trường hợp đặc biệt). Bảy chập tâm nầy có bản chất và đối tượng giống nhau, nhưng có một tiềm năng cho quả khác nhau. Những tâm làm công việc Đổng tốc là những tâm « thuộc » Mạt Na Thức. Nhưng chỗ khác biệt ở đây, theo Vi Diệu Pháp thì những tâm nầy có thể là tâm thiện, bất thiện hoặc duy tác ( là tâm của chư Phật hoặc A la Hán đã trút bỏ mọi phiền não, mọi chủng tử xấu); còn theo Duy Thức Học thì những tâm thuộc Mạt Na Thức còn vô minh, si mê và ngã chấp;chỉ khi nào chứng đắc Phật quả, không còn ngã chấp nữa thì Mạt Na Thức chuyển thành Bình Đẳng Tánh Trí và lúc bấy giờ A Lại Da Thức biến thành Đại viên Cảnh Trí, rủ sạch mọi chủng tử xấu. Bởi vậy chúng ta ngạc nhiên khi thấy theo Vi Diệu Pháp có 89 hay 121 tâm, trong khi theo Duy Thức Học chỉ có 8 thức, chúng ta không tìm đâu thấy tâm Tham, tâm Sân, thì ra chúng được kể như nằm trong Mạt Na Thức, ngoài ra tâm Thiện, tâm Thiền, Tâm của chư Phật , chư Bồ Tát thì không thấy đâu cả. 13/ Nhiệm vụ Thập Di (hay Mót, lưu chép, Nacảnh = Tadarammana). Là công việc hưởng cảnh dư của các tâm Đổng Tốc, nó có cùng đối tượng với những tâm nầy. Dường như những lộ trình có tâm Thập Di sẽ được ghi chép sâu đậm hơn vào ký ức, tiềm thức ? 14/ Nhiệm vụ Tử (Cuti) Tử là công việc cuối cùng của dòng tâm thức trong kiếp sống hiện tại. Nó chỉ xãy ra trong một satna-tâm thôi. Đối với một người bình thường có 2 cách chết : một là bắt được một ngoại cảnh (sắc, thinh, hương, vị, xúc) hai là bắt được một nội cảnh (cảnh ý) trước khi chết. Tiếp nối liền sau satna-tâm Tử là satna-tâm Tục sinh, rồi cứ như thế dòng luân hồi cứ liên tục tiếp nối mãi cho đến khi nào chúng sinh ấy chứng đắc đạo quả Alahán, hoặc quả vị Phật Độc Giác hay Chánh Đẳng Chánh Giác. Đối với Phật giáo Nguyên Thuỷ không có một cõi trung gian nào (Thân Trung Ấm) sau khi chết mà tâm thức có thể trú ngụ vất vưỡng trong 49 ngày. Tâm Tái sinh hấp thụ tất cả những tiềm năng và chủng tử của tâm Tử và sẽ phát sinh ở một trong 6 cõi luân hồi : Trời, Người, Địa ngục, Ngạ quỷ, Atula và thú vật. Muốn tái sinh làm người có lý trí, khôn ngoan, chúng ta phải sống và hành động với 4 tâm Thiện Dục Giới và phải tập luyện chuyển đổi tâm tính (thái độ, hành động thiện) ở giai đoạn Khán Ý môn trong lộ trình tâm ý môn hoặc ở giai đoạn Phân Đoán trong lộ trình Ngủ môn. Sự tu tập của chúng ta có hiệu quả hay không là do sự chuyển hoá tác ý khôn khéo (yoniso manasikara) trong giai đoạn nầy, chỉ trong một satna-tâm thôi. BẢN TÁNH Theo Tỳ Khưu Giác Nguyên, là dịch giả quyển sách « Tìm hiểu ATỲĐÀM », không có chữ nào thích đáng hơn là chữ TÁNH hay TÍNH để dịch từ Cetasika. Mà Cetasika chính là Tâm Sở là thành phần phụ thuộc của Tâm « đồng sanh, đồng diệt, đồng nương một căn và đồng biết một cảnh » với Tâm. Tâm sở qui định BẢN TÁNH hay CĂN TÁNH con người. Theo Phật giáo, con người có 6 căn tánh chính là : 1/ Bản tánh THAM (Raagacarita) 2/ Bản tánh SÂN (Dosacarita) 3/ Bản tánh SI (Mohacarita) 4/ Bản tánh TÍN (Saddhacarita) 5/ Bản tánh MINH (Buddhicarita) (khôn ngoan) 6/ Bản tánh TẦM (Vitakkacarita) (tò mò, rắc rối, chi li) Sáu căn tánh nầy phối hợp với nhau cho ra 63 tánh tình khác nhau. Gồm có 14 thuần tánh và 49 hổn hợp tánh Không ai có thể biết chính xác tâm tánh người khác, ngay cả tâm tánh của chính mình hay của vợ chồng với nhau, ngoại trừ những vị có Tha Tâm Thông. Phật giáo đưa ra 5 yếu tố để xét đoán về tâm tánh con người : 1- Oai nghi : cách đi, đứng, ngồi, nằm, cử chỉ, nói năng… 2- Thọ dụng : cách ăn uống, sở thích ăn uống. TD : người tham thích ăn vị béo ngọt. 3- Cách làm việc TD. - người Minh : làm việc chu đáo, kỹ lưỡng - người Tham : làm việc nhanh le, gắp rút. - người Sân : làm việc dục chạc, cẩu thả. 4- Cách nhận thức, tính cảm quan, cách diễn dịch sự vật xuyên qua 5 giác quan : lạc quan, bi quan hay thực tế hay không tưởng (trên trời, dưới đất). Cách chấp thủ, bám viú, hay thờ ơ, lảnh đạm với đối tượng nầy. 5- Khuyết tánh (tánh xấu) : TD. - người Tham : không biết đủ, mưu mô, gian xảo, hay xo đo những gì có lợi cho mình ; tự cao, ngã mạn ; thích được tân bốc. - người Sân : nóng giận, thù hiềm, hay chỉ trích việc công đức người khác, ganh tị, bỏn xẻn, hối tiếc. - người Si : ngủ nhiều, không tỉnh táo, phân vân, ngờ vực vì không có khả năng để nhận xét đối tượng, thiếu tự tin. - người Tín : dể tin, dể dụ ; nếu thích hợp với tánh tầm thì lại hay hoài nghi, chẻ sợi tóc làm 4. - người Minh : có nhiều tánh tốt hơn tánh xấu, nhưng tuỳ theo những tánh hỗn hợp mà họ có những tánh xấu. Nếu hợp với tham thì họ sẽ ích kỹ, ngã mạn. Nếu hợp với sân thì họ sẽ thiếu nhẫn nại và hay bõ rơi đồng bạn. - người Tầm : thường nói nhiều, có ý nghĩ rắc rối, chẻ sợi tóc làm tư, vui thích những nơi tập hợp đông đảo, thiên hướng bất định, nên việc làm không đi đến kết quả. Đêm hay suy tính, nghĩ ngợi nên thường hay mất ngủ hoặc ngủ ít. Tâm và tánh nương tựa và gắn liền với nhau và tuỳ thuộc vào 3 yếu tố : - Nghiệp quá khứ : sở dĩ chúng ta hiện hữu ở trên đời, có tấm thân ngủ uẩn nầy là do cái nghiệp nầy. Dứt nghiệp là dứt tái sanh. - Căn : hay sắc thần kinh mà nơi đó tâm xuất phát.Ở đây chúng ta thử trả lời câu hỏi « tâm ở đâu? » -Tâm ở chỗ mà đối tượng được nhận biết. Thực ra đối với loài người nó không ra ngoài 6 căn. Còn đối với những chúng sanh có thức tánh khác chúng ta không biết rõ, chỉ có Đức Phật mới biết được. - Trần là cảnh mà tâm bắt được, đa số đều là quả của nghiệp quá khứ. Những cảnh nầy thường hay lập đi, lập lại trong đời sống là để cho ta trả cái nghiệp của quá khứ. Và cũng hay lập lại trong nội tâm tạo thành những sơ đồ tái diễn không ngừng của tâm thức. Chúng ta phải biết cách để chấm dứt, để tự giải thoát khỏi sự tái diến của những sơ đồ nầy. Trước hết mỗi người có lẽ cũng nên tìm hiểu tâm tánh của chính mình, để cố gắng cải thiện cho hoàn mỹ. Tu là sửa đổi tâm tánh, là chuyển nghiệp : - Nếu mình đã tham : thì hãy chuyển đổi sự ham muốn vào những thức ăn tinh thần, hay ham muốn làm việc phước thiện thay vì đi tìm cung ứng thức ăn cho ngủ quan. - Nếu mình đã sân : thì cố gắng làm sao lúc về già con cháu đừng xa lánh, hay lúc gần chết, tâm sân đừng phát khởi, để đưa mình vào 4 cõi sống bất hạnh. - Nếu mình có căn tánh si : thì phải cố gắng học hỏi hơn người, người ta học 1 thì mình phải học 10 để có một hiểu biết sâu rộng và cái nhìn chân xác về thực tại;Ráng ngủ ít lại và tập luyện cho tâm nhiều tỉnh giác. - Nếu mình có căn tánh Tín : thì phải nên rèn luyện chánh kiến và sự hiểu biết sâu rộng để khỏi rơi vào tình trạng hoài nghi hay dễ tin. - Nếu mình là người có căn tánh Minh : thì nên đem tài năng và đức độ để phục vụ con người.Thay vì dùng sự thông minh của mình để đi đè bẹp người. - Nếu mình là người có căn Tầm : thì nên giới hạn sự tìm hiểu, tò mò của mình vào những địa hạt có lợi ích thực tiễn, thay vì tò mò soi mói chuyện người khác hoặc những chuyện vô bổ. KẾT LUẬN Trên con đường tu tập chúng ta cũng nên tìm hiểu tâm tánh của chính mình để cải thiện ngày một tốt đẹp hơn. Đồng thời cũng nên tìm hiểu tâm tánh của những người chung quanh để sống với họ một cách hài hòa. Tục ngữ có câu « biết người biết ta trăm trận trăm thắng » Thắng ở đây không phải thắng ai, nhưng mà thắng chính mình và thắng cái hoàn cảnh nghiệt ngã đã đặt mình trong những điều kiện sống khó khăn. Do đó Pháp cú kinh có câu « thắng trăm trận không thắng một trận là chiến thắng mình ». Muốn thanh lọc tâm trước hết phải tìm hiểu tâm, sau đó hành thiền để rèn luyện và giải phóng nó. Bài viết trên đây một phần nào đã giải bày tất cả những khía cạnh của Tâm. Tuy chưa được hoàn hảo nhưng cũng cho chúng ta hiểu một cách tổng quát thế nào là Tâm tánh. Bây giờ là phần của quí vị có muốn đi sâu tìm hiểu Tâm qua Pháp hành hay không. TUỆ THIỆN Viện Phật Học Linh Sơn Pháp (26/10/2014) |