TÂM KHÔNG VƯỚNG MẮC Thiện Ý
Trong đời sống chúng ta thấy có người có những quan niệm rất ngộ nghỉnh, hay kỳ quặc. Họ là những người có ăn học, trí thức nhưng lại tin vào những điều huyền hoặc, không tưởng. Như có người tin rằng các loài khủng long bị diệt chủng là do các nhà khoa học chế tạo ra, chứ không có thật. Hoặc là ông Noah có thể đóng thuyền và chở cà trăm ngàn giống, loại thú khác nhau để tránh nạn hồng thủy là có thật. Từ những quan niệm này nên chúng ta có những khái niệm và suy nghĩ trong đời sống, ăn khớp với quan niệm của mình. Chúng ta nhìn chung quanh bằng cặp mắt được tô màu bởi những quan niệm, niềm tin của mình. Cả những điều mình cho là đúng hay sai cũng được những quan niệm của mình tô vẽ. Giống như một người đeo cặp kính màu do họ tạo ra. Họ sẽ nhìn thấy thế giới theo cặp kính màu đó nên họ sẽ khó có thể cảm thông với một người nào có những quan niệm khác hơn của họ. Vì có những quan niệm như vậy, trong tâm trí họ sẽ tự động loại bỏ những ý tưởng, hay quan niệm đối nghịch. Cách nhìn, cách sống, cách hành xử cũng theo đó mà hình thành. Ví dụ, có người có quan niệm rằng ‘thà ta phụ người, chớ không để người phụ ta.’ Cho nên mọi mối liên hệ từ tình cảm đến vật chất đều chỉ nghĩ lợi về cho mình. Trong đầu của họ luôn tính toán những kế hoạch, bước đi nào mà đem lợi về cho họ nhiều nhất, kể cả trong vấn đề tình cảm. Hoặc như khi chúng ta đang yêu, mình sẽ bỏ qua những khuyết điểm của người yêu và chỉ chuyên nhìn vào những ưu điểm của người đó. Chúng ta thấy người đó thật hoàn hảo và, dù có người chỉ ra những điểm dỡ, chúng ta hầu như hoàn toàn không nhìn thấy. Có khi mình còn cho rằng những người kia có thành kiến với người yêu của mình. Cho nên tục ngữ có câu: ' yêu là mù quáng.' Nhưng khi mình không còn yêu nữa thì những nét đặc biệt đáng yêu thuở xưa cũng bắt đầu phai nhạt dần. Chúng ta bắt đầu thấy những khiếm khuyết của nguời yêu mà mình mù quáng, không thấy lúc đang yêu. Trong kinh Trung Bộ số 74, đức Phật giảng về 3 quan điểm khác nhau mà người đời phần nhiều bị vướng mắc nên dễ sanh phiền não. ‘Phật phân tích: Một số người tuyên bố: tất cả đều làm tôi thích thú. Một số người tuyên bố: tất cả đều không làm tôi thích thú. Một số người nói: một phần làm tôi thích, một phần làm tôi không thích. Quan điểm đầu gần với tham dục, trói buộc, chấp thủ. Quan điểm 2 gần với không tham dục, không trói buộc, không chấp thủ. Khi nghe vậy, Trường Trảo cho rằng Phật tán dương quan điểm mình. Nhưng Phật bình tĩnh tiếp tục phân tích: Ai chủ trương: một phần làm tôi thích, một phần làm tôi không thích, thì các phần làm họ thích là gần với tham dục, trói buộc, chấp thủ; phần làm họ không thích là gần với không tham dục, không trói buộc, không chấp thủ. Người trí nhận thức rằng, nếu nói lên bất kỳ một quan điểm nào trong ba quan điểm trên, và cho đấy là sự thật, ngoài ra đều sai, thì sẽ chống lại hai hạng người chủ trương hai quan điểm kia. Tóm lại, có kiến chấp là có đối nghịch, đối nghịch đưa đến tranh luận, tranh luận đưa đến chống đối, chống đối đưa đến phiền não. Thấy thế, vị này hủy bỏ những tri kiến ấy.’ (Ni Sư Trí Hải tóm tắt & chú giải). Riêng đức Phật, Ngài có thể sử dụng ngôn ngữ thế gian nhưng không bao giờ bị vướng mắc vì Ngài thấu hiểu có kiến chấp thì sẽ đem đến phiền não và khổ đau. Kiến chấp này là những kinh nghiệm chúng ta lượm lặt trong đời sống và cho chúng là những sự thật sẽ mang lại lợi lạc cho bản thân. Chính vì những quan niệm này đã nhào nặn chúng ta thành một khuôn mẫu, một cá tính nhất định. Và từ đó, hình thành một con người với một cặp kính màu và quan niệm như vậy. Chẳng hạn, theo thống kê của Sở Xã Hội, Hoa kỳ các cháu gái chứng kiến cảnh đánh đập trong gia đình sẽ có khuynh hướng trở thành nạn nhân bị hành hạ bởi bạn trai hay chồng. Riêng các cháu trai chứng kiến những cảnh bạo động trong gia đình, như ba đánh đập mẹ…sẽ có nhiều khả năng trở thành người đánh hiếp vợ trong tương lai, tiếp tục cái vòng lẩn quẩn này vì những kinh nghiệm, quan niệm chúng học được từ cha mẹ mình. Rõ ràng, cái mà chúng ta nói là ‘học được’, dù tốt hay xấu, được giữ lại trong tâm thức để tạo duyên cho những cái khác sinh ra. Chính do cái tâm chấp thủ hay kiến chấp này đã đưa đẩy, lèo lái chúng ta thành ra một con người như vậy! Phật dạy trong kinh Trung Bộ, phẩm Bất đoạn (Anupada sutta) về cách quán sát từng sát na sự sinh diệt của các tâm hành qua nhiều trạng thái khác nhau mà Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta) qua trải nghiệm đó đã chứng được quả A-La-hán chỉ trong nửa tháng: ‘Các pháp ấy được Sariputta biết đến khi chúng khởi lên, được Sariputta biết đến khi an trú, được Sariputta biết đến khi đoạn diệt. Sariputta biết rõ như sau: "Như vậy các pháp ấy trước không có nơi ta, nay có hiện hữu, sau khi hiện hữu, chúng đoạn diệt". Sariputta đối với những pháp ấy, cảm thấy không luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy, an trú với tâm không có hạn chế.’ Vì tâm của Ngài Xá Lợi Phất đã không còn bị dính mắc với những sát na sinh khởi, nên tâm ngài được tự tại, giải thoát. Đây là một trong những phương pháp quán niệm chi tiết, từng bước một mà đức Phật đã trao truyền lại cho chúng ta để học cách thả buông, không dính mắc. Khi niệm Phật, hay lúc thiền quán là chúng ta đang học cách thả buông như ngài Xá lợi Phất. Mình thả buông quá khứ lẫn tương lai, và cả luôn hiện tại vì hiện tại cũng chỉ thoáng qua trong giây lát. ‘Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm,’ nghĩa là không trụ vào đâu cả thì tâm giác ngộ sẽ có mặt. Như chúng ta biết, Lục tổ Huệ Năng đã giác ngộ qua câu này trong kinh Kim Cương, và cũng chính vì hiểu rõ ý nghĩa của ‘vô trụ’ mà Ngài đã đối lại bài kệ của Tổ Thần Tú như sau:
Ý nghĩa của tâm không vướng mắc chúng ta thấy rất rõ trong bài kệ của ngài Huệ Năng. Không có một khái niệm, hay một quan niệm nào để bám víu trong bài kệ trên. Khi thiền quán với tâm không vướng mắc chúng ta cảm thấy mình như lá sen, không bị nước bùn dơ hay nước hồ sạch đọng lại. Tất cả đều trôi đi, không còn lại một dấu vết gì! Như Phật dạy ở trên: ‘Có kiến chấp là có đối nghịch, đối nghịch đưa đến tranh luận, tranh luận đưa đến chống đối, chống đối đưa đến phiền não.’ Khi tất cả những kiến chấp đều trôi tuột khỏi tâm thức chúng ta thì những tranh luận, chống đối, và phiền não sẽ trở nên ‘vô sở trụ’ (không có chỗ trụ vững) thì lấy gì mà tồn tại! Cũng như trong kinh Bát Nhã mà chúng ta tụng đọc hằng ngày: …dĩ vô sở đắc cố. ‘Vì không có sở đắc Vì tâm không chướng ngại, không vướng mắc nên tâm không bị khuấy động, không vọng tưởng, điên đảo, sợ hãi. Không chấp thủ vào nhị nguyên đối đãi, có có, không không… Cũng như Phật đã dạy trong duyên sinh: ‘Hễ cái này có, thì cái kia có. Hễ cái này không thì cái kia không.’ Vì tâm không tạo duyên để cái kia sinh nên tất cả các hiện tượng sau khi có mặt đều tự biến mất. Như Thiền sư Đạo Hạnh tức Từ Đạo Hạnh (1072-1116) là Thiền sư đời Lý có sáng tác thi kệ sau: Tác hữu trần sa hữu;
Vi không nhất thiết không.
Hữu vô như thủy nguyệt.
Vật trước hữu không không.
Bài kệ được Phan Kế Bính dịch thơ:
Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Thử xem bóng nguyệt dòng sông,
Ai hay không có, có không là gì?
San Jose, tháng 10, 2014 Thiện Ý |