CHUYẾN HÀNH HƯƠNG 03-2011
Hoàng Thị Bích Ti
Bài 2
Bài viết này chỉ nhắm vào mục đích cung cấp một số hình ảnh, dữ kiện trung thực về cuộc hành trình 24 ngày trên xứ Ấn mà chúng tôi đã đi qua. Chuyến đi này hẳn nhiên không phải là một cuộc du sơn, ngoạn thủy; mà đích thực là một chuyến hành hương đầy thử thách, không huyền thoại hoá. Đối với chúng tôi, đi một ngày là học một ngày. Học từ chính mình. Học từ người. Học trong cái dỡ và trong cái hay. Đi trong chánh niệm và đi trong niềm tin bất thối chuyển.
Va 19/03/2011
Hoàng thị Bích Ti.
Phòng ăn rộng lớn, diêm dúa với những tấm khăn trải bàn đỏ lòm. Toilet nằm ngay trước lối đi. Một tốp người đang đứng xếp hàng chờ đến phiên mình. Nhìn gương mặt còn…phảng phất nét hãi hùng của vài người trong toilet bước ra là tôi thấy tan nát cả cõi lòng. Tôi xáp đại vô một bàn gần lối đi. Vài vị trong bàn mỉm cười chào. Một chị lắc nhẹ mặt bàn chõng chơ, bảo: “Nè, coi chừng nha. Bàn xiêu vẹo hết cả rồi.” Mọi người đang ra sắp hàng lấy cơm. Lành thay! Lành thay! Ai ai cũng đã quên, đã buông hết cảnh lau dĩa khi nãy rồi ư?!! Một người nào đó nói với nhau: “Thôi! Người ta sao, mình vậy!”.
Trời quơi! Ai sao tui dzậy sao được? Trong Tây Du Ký, khi thánh tăng Đường Tam Tạng đi thỉnh kính, lọt vào động quỷ, không biết thầy trò giải quyết chuyện ăn uống ra sao vậy kìa??!! Dù tác giả không viết ra nhưng tôi quả quyết, chắc chắn là thánh tăng không ngã mặn và không “ai sao, tui dzậy”, gì hết!”. Từ sáng giờ chỉ có hai cái bánh lạt trong bụng. Đã vậy, đường đến…Tây Trúc còn xa. Lát nữa phải đi xe lửa suốt đêm. Lại hình dung ra cảnh các nhà sư tay ôm bình bát đi khất thực, nhiều khi phải ăn cả cơm hẩm, tôi bấm bụng, qủa quyết bảo lòng: “Ăn thì ăn chứ, ngán ai!” rồi kéo ghế đứng lên theo dòng người trước mặt.
Với lòng thành như vậy, sự cố gắng như vậy, mà khi cầm dĩa, chén trắng phau phau trên tay đứng xếp hàng, người cứ rét run. Chọn thức ăn kỹ càng. Một chén soup nóng và một ít cơm càri chay thật cay để…giết vi trùng. Tuy thế, không dễ gì nuốt xuống. Đã vậy, mấy vị ngồi chung bàn đang nói xôn xao nói về giới “Thọ bát quan trai” và nghi thức “Quá Đường” cúng dường cơm, khi ăn phải quán. Quán thức ăn từ đâu tới. Quán thức ăn này để nuôi thân ta chứ không phải…thoả mãn cái miệng tham ăn của ta. Quán công khó nhọc của biết bao người đã làm nên thức ăn này. Quán thân mình có xứng đáng để thọ dụng những thực phẩm này không. Và cuối cùng, .. phải ăn cho hết sạch phần của mình, không bỏ sót một hạt cơm nhỏ để quán công người….lau dĩa.
Nghe quí vị trong bàn nói chuyện, tôi tập trung tinh thần, trệu trạo cố nuốt cho xong mấy muỗng soup. Chẳng biết tôi tập trung thế nào mà chén soup nhỏ xíu của tôi vẫn tràn đầy, lai láng, chẳng chịu vơi. Mọi người trong bàn đã ăn gần xong mà phần ăn nhỏ bé của tôi chỉ mới hết nửa. Buồn quá trời! Cứ y như hồi nhỏ bị người lớn bắt uống sữa! Ai ai trong bàn cũng nhìn tôi như khuyến khích. Cuối cùng, mọi người đã ăn xong, trừ tôi. Nhìn sang dĩa của mọi người, trắng trơn, không còn một hột cơm. Đã vậy, có chị còn đủng đỉnh lột quýt ăn tráng miệng nữa mới chết tui. Chịu hết nỗi, tôi nhẹ nhàng đẩy chén soup ra giữa bàn, thỏ thẻ: “Mô phật! Xin mọi người miển thứ cho, …em còn đang trên đường tu tập.” Mọi người trong bàn cười xoà. Ui, những nụ cười từ bi làm sao! Sung sướng như vừa quẳng được chén soup nặng ngàn cân, tôi khoan khoái đứng lên, vội vàng theo mọi người ra sắp hàng để chiến đấu với cái toilet trước khi lên xe.
Sân ga
Sau cơm trưa, cả đoàn trực chỉ ra sân ga. Lòng nao nức. Cuộc hành trình thật sự bắt đầu từ đây. Xe quẹo vào sân ga. Người người tấp nập. Tôi sững sốt nhìn những người phu khuân vác mặc áo đỏ, thành phần bần cố nông mà theo một người trong ban tổ chức nói là người ta vẫn còn gọi họ là “coolie”, đang khiêng, gỡ những kiện hành lý. Tất cả những công việc nặng nhọc này đều làm bằng tay chân, nhiều lắm là xe kéo. Đa số là những người đàn ông trung niên. Họ đội những va li nặng trĩu lên đầu, lên xuống cầu thang, len lõi trong dòng người, trong cái nắng và mùi hôi khai của sân ga, sinh hoạt y như những thập niên 40 -50 trong các phim classic.
Khát nước ư? Xin mời…(ảnh, H.T.B.Ti /2011)
Ban tổ chức cho xuống tất cả vali và những thùng đồ từ thiện. Nghe nói quý ni và phật tử ở vùng Fortworth, TX đã quyên góp và đóng thùng năm chục thùng hàng cho chuyến hành hương này. Điều cao quý hơn nữa là phái đoàn đã cúng dường thêm tiền chi phí và công sức để chuyên chở những kiện hàng này từ Mỹ qua đến đây. Ngoài ra, theo như sự chỉ dẫn của ban tổ chức, mỗi người trong đoàn đều mang theo ít nhất là một bộ quần áo trẻ em để góp phần vào việc từ thiện. Dĩ nhiên, nhiều người cũng hoan hỉ đóng góp thêm tiền bạc phụ giúp vào việc tài thí. Trong toà hạng ba của chuyến đi từ New Delhi tới Varanasi, những kiện hàng và hành lý là cả một vấn đề cho ban tổ chức. Tuy nhiên, những người trong đoàn đã không quản ngại và hoan hỉ chất thêm những hành lý này vào chỗ ngồi vốn đã rất chật hẹp của mình, miễn sao không một kiện hàng nào bị bỏ sót lại.
Những thùng giấy quyên góp từ Texas (ảnh, HTBTi /201)
Khỏi cần diễn tả, quý độc giả có thể tự hình dung ra vấn đề vệ sinh ở nhà ga và toa xe lữa hạng ba ra sao rồi. Ông trưởng đoàn nói, chuyến về, đoàn được đi toa hạng nhì. Mỗi toa, hai giường. Qua kinh nghiệm của cả chuyến đi, chuyến về; theo tôi , hạng nhì hay hạng ba gì cũng …dơ giống nhau. Bít bùng. Ngộp thở. Còn chuyện ăn uống, vấn nạn lớn nhất của loài người thì, hôm nay… tự giác, tự túc. Người khỏe mạnh nhịn một, hai bửa ăn là chuyện thường tình. Riêng với những vị lớn tuổi, bệnh, phải ăn để uống thuốc cao máu, tiểu đường vv.. với một chặng đường dài, vất vã như vậy thì thật tội nghiệp?
Tôi ngồi chung toa với đôi mắt đen láy, H. và “tổ trưởng”, T. ; H. nói: “Em đi theo để làm ô-sin, xách vali cho má.”. Từ đó, hai mẹ con H. mắt đen, vợ chồng anh N., T., ông Úc, ông Canada và tôi nhập thành một nhóm nhỏ để trông chừng nhau. Chưa quen với giờ giấc, tụi tôi ngồi, trò chuyện rôm rã từ lúc mờ sáng. T, kể những sinh hoạt bên Úc và những chuyện sau 75. Ông N, (Ùc) thì nói về về phương pháp ăn Osawa (nhỏ H. nhất định gọi là phương pháp Kawasaki). H. kể : “ngày má đi tu, mấy chị em em kéo đến chùa, khóc như cha chết. Ngày nào cũng tới chùa, đòi má. Xin sư cô trụ trì cho má dìa. Sư cô nói: “Sư cô đâu có bắt má đi tu đâu!.” Nhưng rốt cuộc, dù chị em H. có bấm chuông, gõ cửa cách mấy, má của H. cuối cùng cũng… cắt đứt được… dây chuông.
H. là một người đàn bà khá trẻ. Người đối diện dễ dàng nhận ra H. khá linh động, sôi nỗi và sung sướng đã quen. Nhưng với tôi, H. là một trong những bài học đáng nể trong chuyến hành hương 24 ngày này. Nhìn cách H. chăm sóc mẹ là hiểu . Với H., mẹ là tất cả. Mẹ là Phật! H. là một tấm gương đúng như một cư sĩ nào đã nói: “Trước khi quỳ lạy phật ở Ấn Độ, hãy quỳ lạy phật cha mẹ ở nhà, là vậy.”
Xe lữa chạy suốt đêm và tới Varasani vào khoảng trưa. Cả đoàn cùng tạm trú một đêm ở khách sạn Clark, và chiều nay, sẽ cùng đi thăm vườn Lộc Uyển. Mọi người sau khi trút bỏ hành lý xong, cùng gặp nhau ở phòng ăn. Từ ngày đặt chân tới New Delhi, đây là một phòng ăn tương đối đủ tiêu chuẩn, sạch sẽ nhất cho nên ai cũng thấy thoải mái. Tuy nhiên, trong giờ ăn; cả bàn xôn xao với tin, sáng nay, đã có người ngất xỉu...
Còn tiếp:
Va 23/3/2011
Xem bài kỳ trước:
ĐẠO VÀ ĐỜI TRONG 24 NGÀY TRÊN ĐẤT PHẬT - Hoàng Thị Bích Ti (Bài 1)
Ý KIẾN PHẢN HỒI:
Nguyễn Thanh Tâm, Hoa Kỳ:
Theo như tác giả bài viết, “…Bít bùng. Ngộp thở. Còn chuyện ăn uống, vấn nạn lớn nhất của loài người thì, hôm nay… tự giác, tự túc. Người khỏe mạnh nhịn một, hai bửa ăn là chuyện thường tình. Riêng với những vị lớn tuổi, bệnh, phải ăn để uống thuốc cao máu, tiểu đường vv.. với một chặng đường dài, vất vã như vậy thì thật tội nghiệp?...”
Như vậy trong suốt 24 giờ, từ sau bữa ăn buổi trưa tại một nhà hàng “sạch sẽ nhất ở New Delhi” cho đến trưa ngày hôm sau, ăn trưa tại khách sạn Clark ở thành phố Varanasi bà con phải nhịn đói hai bữa, bữa ăn tối và bữa ăn sáng, Cộng thêm với việc ngủ trên xe lửa hạng ba, lại thêm ồn ào và ngộp thở…nếu không có ai bị bệnh hay bị sỉu mới là chuyện không bình thường đấy.
Tôi đã từng tham dự một chuyến hành hương chiêm bái tứ đại danh sơn ở Trung Quốc vào năm 1991, cả đoàn 27 người đồng ý hủy bỏ một bữa ăn trưa trên đường đến Ngũ Đài Sơn, nhưng sau khi trưởng tour là người Trung Quốc liên lạc với văn phòng trung ương ở Bắc Kinh để xin phép, đã bị khước từ vì lý do sức khỏe cho các thành viên của đoàn. Họ nói rằng đi tour dù là tour hành hương hay tour du lịch vẫn phải ăn uống đầy đủ, đây là luật của lữ hành Trung Quốc. Người trưởng tour còn “hóm hỉnh” nói thêm vì biết rằng tất cả các thành viên trong đoàn đều là Phật tử tu học: “có thực mới vực được đạo”, không ăn đầy đủ lấy sức đâu mà tu hành…Anh thông dịch viên người Việt trong đoàn, ngoài việc thông dịch còn như muốn giảng thêm, tôi còn nhớ đại ý anh ấy nói rằng: “ Thực là ăn. Đạo là những điều to tát, thiêng liêng, mang tính lý tưởng (đạo lý) muốn làm được những việc lớn, trước hết phải có sức khỏe, mà muốn có sức khỏe thì con người ta phải ăn mới đủ năng lượng. Trong cuộc sống, cần quan tâm trước hết tới những điều thiết thực nhất. Các nhu cầu của đời sống vật chất được đáp ứng đủ thì con người ta mới hướng tới đời sống tâm linh được..Nhịn đói, nhịn khát không có tu hành được đâu…”
Tôi xin góp ý với các độc giả về kinh nghiệm của tôi. Cũng xin tác giả bài viết cho biết tên tour để cho những người khác biết để họ nghiên cứu kỹ càng trước khi book tour.