58. Phật Đản Sinh Bốn Chân Lý Nhiệm Mầu

24 Tháng Mười 201000:00(Xem: 10859)

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH PHẬT GIÁO
DO BAN BIÊN TẬP THƯ VIỆN HOA SEN PHỤ TRÁCH

NỘI DUNG BÀI PHÁT THANH SỐ 58
PHẬT ĐẢN SINH BỐN CHÂN LÝ NHIỆM MẦU
(Nghe audio bấm vào hàng chữ này)

Thưa quý thính giả,

 

Vào ngày rằm tháng Tư cách nay 2550 năm, thái tử Tất Đạt Đa ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni, thành Ca-ty-la-vệ, gần biên thùy giữa Ấn Độ và Népal, cha là quốc vương Tịnh Phạn và mẹ là hoàng hậu Ma Da. Thái tử ra đời được bảy ngày thì hoàng hậu Ma Da tạ thế, em bà là di mẫu Kiều Đàm nuôi nấng thái tử trong tình thương yêu rất mực. 

Khởi đi từ ngày đó, mà sau này được gọi là ngày Phật đản, một cuộc cách mạng tư tưởng trên thế giới, cuộc cách mạng khai phóng tâm linh cũng sắp sửa ra đời. 
Tuy xuất thân là con vua, nhưng thái tử không bị những xa hoa vật chất nơi hoàng cung lôi cuốn, mà trong tâm luôn băn khoăn thắc mắc về những bất trắc của sinh lão bệnh tử, về những nỗi thống khổ triền miên của kiếp người.

Vào năm hai mươi chín tuổi, một đêm kia, thái tử cùng với người đánh xe tên là Xa Nặc lìa bỏ kinh thành, quyết lên đường tìm Chân Lý. Sáng hôm sau, thấy đã đi được một quãng đường khá xa, Ngài xuống xe, cởi bỏ vương bào gấm vóc, trao cho Xa Nặc, bảo hắn đem về hoàng cung. Rồi chỉ khoác lên mình một tấm vải vàng, ôm một bình bát, Ngài quyết quay lưng lại đời sống dư thừa vật chất, với những người hầu hạ vây quanh, từ biệt Xa Nặc, một mình dấn bước lên con đường gian nan phía trước. 

Trải qua sáu năm trời sống trong cảnh thiếu thốn, kham khổ, hành trì nhiều phương pháp với nhiều bậc thầy, nhưng Ngài đều không thỏa mãn, cứ đi hoài, tìm hoài. Cuối cùng, Ngài nhận ra rằng tất cả các bậc thầy này đều chưa thoát ra khỏi được vòng vô minh. Vì vậy, Ngài quyết định không trông cậy vào một bậc thày từ bên ngoài, mà ngưng tìm kiếm, một mình một bóng, tự quay vào soi rọi nội tâm. 
Cuộc chiến đấu với bản thân của Ngài vô cùng cam go. Với niềm tin tưởng rằng nếu không sống cuộc đời khắc khổ, thì sẽ không thể giải thoát, Ngài khép mình vào kỷ luật, sống trong cảnh cực kỳ gian nan, thiếu thốn, chỉ khoác trên mình một mảnh y, chỉ ăn một chút hạt khô và rau cỏ, đến nỗi cơ thể Ngài vốn là một thái tử đẹp đẽ oai phong, nay chỉ còn lại lớp da bọc bộ xương. 

Thế nhưng sự hành hạ xác thân đó cũng không khiến cho Ngài thấy được Chân Lý. Cuối cùng, sau khi đã suýt gục ngã vì quá thiếu chất dinh dưỡng cho cơ thể, Ngài mới thấy rằng lối sống xa hoa phủ phê thì kéo con người xuống thấp vì đắm say vật chất, lối sống quá thiếu thốn, quá cơ cực, thì lại khiến cho tâm thần mỏi mệt, không đủ ý chí để theo đuổi việc lớn. 

Từ nhận định này, Ngài chọn con đường Trung Đạo, giữ sự quân bình đối với những nhu cầu trong đời sống để có đủ sức khỏe, nhưng không nuông chiều những đòi hỏi quá với sự cần thiết. Do đó, Ngài ngưng hành xác, thọ nhận một vài món thực phẩm thô sơ do thí chủ cúng dường. Sức khỏe nhờ vậy mà dần dần hồi phục, tinh thần minh mẫn, Ngài tự thanh tịnh hóa nội tâm, không cần đến một năng lực siêu nhiên nào hỗ trợ. Con đường Trung Đạo này còn được các hành giả của đạo Phật ứng dụng rất thành công cho tới tận ngày nay.

Sau sáu năm khổ hạnh và bốn mươi chín ngày tịnh tọa dưới gốc cây bồ đề, một buổi sớm khi sao Mai lóe sáng trên bầu trời, Ngài bừng tỉnh, nhận ra Chân Lý Tối Thượng, trở thành người giác ngộ. Người giác ngộ tiếng Ấn Độ là Buddha, người Trung Hoa phiên âm chữ Buddha thành Phật Đà, phiên dịch là Giác Giả, Người Giác Ngộ. 

Đây là những lời đầu tiên của Đức Phật, sau khi giác ngộ: 

"Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi, đi mãi. 
Như Lai mãi đi tìm mà không gặp, Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này. 
Lặp đi lặp lại đời sống quả thật là phiền muộn. 
Này hỡi người thợ làm nhà, 
Như Lai đã tìm được ngươi. 
Từ đây ngươi không còn cất được nhà cho Như Lai nữa. 
Tất cả sườn nhà đều gẫy, 
Cây đòn dong của ngươi dựng lên cũng bị phá tan. 
Như Lai đã chứng nghiệm Quả Vô Sanh Bất Diệt và Như Lai đã tận diệt mọi Ái Dục". 

Và tuyên ngôn cao thượng, bình đẳng: 

"Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành" 

Chúng sinh ở đây không chỉ riêng cho loài người, mà là bao gồm tất cả mọi loài sinh vật hữu tình, có giác tánh. Những loài hữu tình có giác tánh này đều biết đau khổ, yêu thương, sợ hãi và đều muốn được sống. 

Đạo Phật được ví như một con đại bàng mà Trí Tuệ và Từ Bi là hai cánh. Nhờ có Trí Tuệ, chúng ta mới tỉnh cơn mê. Nhưng đồng thời, trên bước đường tu tập, chúng ta phải trải rộng Tâm Từ để tránh đau khổ cho chúng sinh, hơn thế nữa, để giúp chúng sinh, cùng chúng sinh tiến bước theo dấu chân Đức Phật, đó là chúng ta đang hành Bồ Tát Đạo. 

Từ sự giác ngộ này, Ngài thấu suốt nguyên nhân mọi nỗi thống khổ của kiếp người và phương pháp để chấm dứt mọi khổ não, đó là Tứ Diệu Đế, bốn chân lý mầu nhiệm, bốn chân lý đưa con người lên bờ an lạc, giải thoát. 

Ngày nay, cứ mỗi Rằm tháng Tư âm lịch, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử khắp năm châu đều hướng tâm về đức Phật. Đời Ngài đã thuộc về quá khứ nhưng giáo pháp giải thoát của Ngài vẫn tồn tại và hữu ích cho chúng ta. 

Chúng ta chào mừng ngày đản sanh của đức Phật cũng có nghĩa là chúng ta chào mừng ngày đản sanh ra giáo pháp giải thoát của Ngài. 

Thưa quý thính giả,

Chúng tôi xin kính gửi tới quý thính giả bài pháp đầu tiên mà Ngài đã thuyết giảng sau khi thành đạo, bài giảng về Tứ Diệu Đế, bốn chân lý mầu nhiệm, đó là: 

1. Chân lý về Khổ: 

Đây là chân lý về các vấn đề của đời sống, qua sinh, già, bệnh, chết, cầu mong mà không toại nguyện, thương yêu nhau mà phải chia lìa, ghét nhau mà cứ phải gặp và thân tâm thay đổi bất thường. 

2. Chân lý về Nguồn gốc của Khổ: 

Từ ánh sáng của tuệ giác, Đức Phật giải thích nguyên nhân của Khổ qua quy luật Nhân Quả và Nghiệp Báo. Khởi từ vô minh, tham ái sinh ra sân hận và si mê, con người tạo Nghiệp, trả Quả, nỗi thống khổ ngày càng sâu dầy. 

3. Chân lý về sự Diệt Khổ: 

Chân lý này là lời dạy của Đức Phật về sự cần thiết phải chấm dứt nguyên nhân tạo ra nỗi khổ để thoát Khổ. 

4. Chân lý về Con đường đưa đến diệt Khổ:

 Đây là lời Đức Phật dạy về cách thức tu tập, về phương pháp để Phật tử nương theo mà hành trì, ngõ hầu kết thúc được mọi nỗi thống khổ, đạt được trạng thái tâm an lạc. Phương pháp đó là Bát Chánh Đạo, còn gọi là Tam Học, tức là ba môn học chung cho mọi người tu Phật, học Phật như sau: 

Giới học gồm có: 
- Chánh ngữ, 
- Chánh nghiệp, 
- Chánh mạng 
Định học, gồm có: 
- Chánh tinh tấn, 
- Chánh niệm, 
- Chánh định 
Tuệ học, gồm có: 
- Chánh kiến, 
- Chánh tư duy 

Nói cho gọn thì con đường tu tập để chấm dứt mọi đau khổ gồm: 

- Không làm điều xấu, ác, 
- Siêng làm điều lành, thiện 
- Tự thanh lọc tâm ý. 

Trong cuốn Đức Phật và Phật Pháp, hòa thượng Narada Maha Thera soạn, cư sĩ Phạm Kim Khánh dịch, đã nói về Đức Phật như sau:

... “ ...Để minh định rõ ràng mối tương quan của Ngài đối với hàng môn đệ và để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện tự mình nhận lãnh trọn vẹn trách nhiệm và tự mình nỗ lực kiên trì, Đức Phật minh bạch dạy rằng: 

"Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư." 

Đức Phật chỉ vạch cho ta con đường và phương pháp mà ta có thể nương theo đó để tự giải thoát ra khỏi mọi khổ đau của vòng sanh tử và thành tựu mục tiêu cứu cánh. Đi trên con đường và theo đúng phương pháp cùng không, là phần của người đệ tử chân thành muốn thoát khỏi những bất hạnh của đời sống. 

"Ỷ lại nơi kẻ khác để giải thoát cho mình là tiêu cực. Nhưng đảm đang lãnh lấy trách nhiệm, chỉ tùy thuộc nơi mình để tự giải thoát, quả thật là tích cực." 

Tùy thuộc nơi người khác là đem tất cả cố gắng của chúng ta ra quy hàng. 

"Hãy tự xem con là hải đảo của con. Hãy tự xem con là nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác!

Các lời lẽ có rất nhiều ý nghĩa kia mà Đức Phật đã dạy trong những ngày sau cùng của Ngài quả thật mạnh mẽ, nổi bật và cảm kích. Điều này chứng tỏ rằng cố gắng cá nhân là yếu tố tối cần để thành tựu mục tiêu. Tìm sự cứu rỗi nơi những nhân vật hảo tâm có quyền năng cứu thế và khát khao ham muốn hạnh phúc ảo huyền xuyên qua những lời van vái nguyện cầu vô hiệu quả và nghi thức cúng tế vô nghĩa lý, quả thật là thiển bạc và vô ích. 

Đức Phật là một người như chúng ta. Ngài sanh ra là một người, sống như một người, và từ giã cõi đời như một người. Mặc dầu là người, Ngài trở thành một người phi thường, một bậc siêu nhân, do những cá tính đặc biệt duy nhất của Ngài. Đức Phật đã ân cần nhắc nhở nhiều lần như vậy và không có điểm nào trong đời sống hoặc trong lời dạy của Ngài để chúng ta lầm hiểu rằng Ngài là một nhân vật vô sanh bất diệt. Có lời phê bình rằng lịch sử nhân loại, không hề có vị giáo chủ nào "phi thần linh hơn Đức Phật, tuy nhiên, cũng không có vị nào có đặc tánh thần linh hơn Đức Phật" 

Trong thời Ngài còn tại thế, Đức Phật chắc chắn được hàng tín đồ hết lòng tôn kính, nhưng không bao giờ Ngài tự xưng là Thần Linh. 

Sanh ra là một người, sống như một người, Đức Phật thành đạt trạng thái tối thượng của sự toàn thiện, Đạo Quả Phật, do sức kiên trì nỗ lực cá nhân. Nhưng Ngài không dành giữ sự liễu ngộ siêu phàm cho riêng mình mà công bố trước thế gian rằng tâm có khả năng và oai lực bất khuất. Không khi nào tự hào rằng chỉ có Ngài là người duy nhất đắc Quả Phật, vì Đạo Quả Phật không phải là ân huệ đặc biệt dành riêng cho một cá nhân tốt phước nào đã được chọn trước. 

Thay vì đặt trên con người một thần linh vạn năng vô hình và cho con người một địa vị khép nép rụt rè, Đức Phật chứng minh rằng con người có thể thành đạt trí tuệ cao siêu và Đạo Quả tối thượng do sự cố gắng của chính mình. Và như vậy, Đức Phật nâng cao phẩm giá con người. Ngài dạy rằng muốn thoát ra khỏi vòng trầm luân phiền não, chính ta phải tự mình gia công cố gắng chớ không phải phục tùng, tùy thuộc nơi một thần linh, hay một nhân vật nào làm trung gian giữa ta và vị thần linh ấy. 

Trong thế gian ngã chấp, lấy mình làm trung tâm của vũ trụ và chạy theo quyền thế, Đức Phật dạy chúng ta lý tưởng cao quý của sự phục vụ bất cầu lợi. Ngài chống đối tệ đoan phân chia giai cấp trong xã hội -- chỉ làm trở ngại mức độ tiến hoá của loài người -- và luôn luôn bênh vực công lý, khuyên dạy bình đẳng giữa người và người. Ngài tuyên bố rằng cánh cửa đưa vào sự thành công và thịnh vượng phải rộng mở cho tất cả mọi người, ai cũng như ai, dầu cao thấp, sang hèn, đạo đức hay tội lỗi, nếu người ấy cố công cải thiện nếp sống, hướng về con đường trong sạch. Ngài nâng đỡ hoàn cảnh của người phụ nữ, lúc bấy giờ bị xã hội khinh thường, không những bằng cách nâng phẩm giá của người đàn bà lên đúng tầm quan trọng, mà còn sáng lập giáo hội đầu tiên trong lịch sử cho hàng phụ nữ. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, Ngài đứng lên cố gắng đánh đổ chế độ mua bán người làm nô lệ. Ngài bãi bỏ phong tục đem những con vật xấu số ra giết để cúng tế thần linh và nới rộng tâm Từ, bao trùm luôn cả loài thú. 
Không bao giờ Đức Phật cưỡng bách tín đồ phải làm nô lệ cho giáo lý của mình hay cho chính mình. Những ai bước theo dấu chân Ngài đều được tự do tư tưởng. Ngài khuyên dạy hàng môn đệ không nên nhắm mắt chấp nhận những lời của Ngài chỉ vì kính nể, tôn trọng, nhưng phải xem xét, nghiên cứu, suy niệm cẩn thận, cũng như người trí tuệ muốn thử vàng, phải "đốt, cắt và chà vào đá". ... “ ...

Trên đây là bài giảng của hòa thượng Narada, trích từ cuốn Đức Phật và Phật Pháp.

Kính thưa quý vị,

Bản thân Đức Phật đã tự tu, tự chấm dứt được Nghiệp lực lôi cuốn vào dòng đời, thoát được cảnh chìm nổi trong biển sinh tử. Sau khi giác ngộ, Ngài đã ngược xuôi trên bốn chục năm trường ở thế gian, để truyền lại cho chúng sinh những kinh nghiệm Ngài đã trải qua, giương cao Ánh Đạo Vàng của Trí Tuệ, dẫn dắt chúng sinh bước trên con đường giải thoát.. 

Vào những ngày cuối cùng của cuộc đời, sau những năm dài tận tụy giáo hóa chúng sinh, Ngài trở về Kusinàra và tịch diệt tại đây. Thân Ngài nằm giữa hai cây Long Thọ, hôm ấy cũng nhằm ngày Rằm tháng Tư. 

2550 năm đã trôi qua, dù cho mọi sự vật đều thay đổi, biển xanh biến thành ruộng dâu, nhưng giáo pháp giải thoát của Ngài vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Thông điệp về Bốn Chân Lý cao quý của Ngài vẫn còn thích hợp với xã hội hiện đại cũng như nhiều thế kỷ trước đây. 

Thưa quý thính giả,

Nhân mùa lễ Mừng Phật Đản Sinh, để cùng chung vui trong dịp kỷ niệm đức Phật ra đời, chúng tôi xin kính gửi tới quý vị một số lời ca ngợi đạo Phật của các nhà trí thức, từ cuốn Buddhism in the Eyes of Intellectuals, tác giả là hòa thượng K. Sri Dhammananada, do tỳ kheo Thích Tâm Quang dịch, như sau:

...”... Trong cuốn Phật Giáo Là Gì, hòa thượng Narada Maha Thera đã viết: 
- Người Phật tử không nô lệ cho sách vở hay bất cứ ai. Người đó cũng không hy sinh tự do tư tưởng của mình để trở thành một đệ tử của đức Phật. Người đó có thể luyện tập ý chí tự do của mình và mở mang kiến thức cho đến khi tự mình đạt được Phật quả, vì tất cả mọi người đều có khả năng thành Phật. 

Giáo Sĩ Joseph Wain nói rằng:

- Phật giáo dạy đời sống không bằng luật lệ mà bằng nguyên lý một đời sống cao đẹp; và chính vì thế Phật giáo là một tôn giáo khoan dung, một hệ thống nhân từ nhất dưới ánh mặt trời. 

Christmas Humphrey viết trong cuốn Buddhism:

- Phật giáo vẫn tồn tại như hồi nào, cả đến khi nếu phải chứng minh là đức Phật chưa bao giờ đã từng sống cả. 

 Tiến Sĩ Graham Howe xác nhận:

- Đọc một chút về Phật giáo, là biết ngay rằng hai ngàn năm trăm trước đây, người Phật giáo đã hiểu rõ xa hơn và đã được thừa nhận về những vấn đề tâm lý hiện đại của chúng ta. Họ đã nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và đã tìm thấy câu trả lời. 

Trong cuốn Tinh Hoa của Phật giáo, Giáo Sư Lakshmi Nasaru viết:

- Nói về Phật giáo, ta có thể xác nhận là tôn giáo này thoát khỏi tất cả mọi cuồng tín. Phật giáo nhằm tạo trong mỗi cá nhân một sự chuyển hóa nội tâm bằng cách tự chiến thắng mình. Đức Phật chỉ rõ một con đường giải thoát duy nhất, để cho cá nhân tự quyết định nếu muốn theo tôn giáo này. 

Bertrand Russell, nhà văn đã từng sáng tác trên 75 tác phẩm, đoạt giải Nobel về văn chương năm 1950, nhận định:

- Trong những tôn giáo vĩ đại của lịch sử, tôi thích Phật giáo, nhất là những dạng thức thuở ban đầu, vì tôn giáo này có ít yếu tố ngược đãi nhất. 

Hòa thượng Tiến sĩ W. Rahula viết trong cuốn Đức Phật Dạy Gì như sau:

- Tự mình bắt ép mình tin hay chấp nhận một việc mà không hiểu thấu, thì đó là hình thái chính trị, chứ không phải hình thái của tâm linh hay trí tuệ. 

Trên đây là một số nhận định về đạo Phật của các nhà trí thức, được trích trong cuốn Buddhism in the Eyes of Intellectuals.

Ban Biên Tập/TVHS

Bài này sẽ được phát thanh trên làn sóng AM 1480 (KVNR) tại Nam California  ngày 13-5-2006 và ngày 14-5-2006 trên làn sóng AM1520 (KYND) & AM 880 (KJOJ) tại Texas. Live Webcasting at http://www.littlesaigonradio.com 8:00 PM Saturday (Pacific Time).
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn