NHỮNG CỨ LIỆU VỀ NI GIỚI
TRƯỚC THỜI DI MẪU MA-HA-BA-XÀ-BA-ĐỀ
Chúc Phú
Theo niềm tin truyền thống, di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahāpajāpatī) được xem là vị trưởng lão ni đầu tiên trong lịch sử kinh điển. Cơ sở của quan điểm này được nhiều kinh, luật khả tín từ Hán tạng cho đến Nikāya xác chứng[1].
Tuy nhiên, vào những năm đầu của thế kỷ XXI, với những khảo cứu mang tính phát hiện của Liz Williams[2] và của tỳ-kheo Sujato[3], đã mở ra những quan điểm mới về thời điểm xuất hiện ni giới và những liên hệ với giới luật nói chung.
Trên cơ sở những gợi mở đó, cộng với những đối khảo dựa trên các nguồn kinh, luật ở các truyền thống, chúng tôi cố gắng làm sáng tỏ nghi vấn: phải chăng, đã có ni chúng trước thời di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề?
Những cứ liệu sau đây là những bằng chứng bước đầu nhằm góp phần làm sáng tỏ nghi vấn đó.
1. Di mẫu cúng dường chư ni.
Theo kinh Phân biệt cúng dường (Dakkhiṇāvibhaṅgasutta), di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahāpajāpatī) đã tự mình dệt rồi tự mình cắt (sāmaṃ kantaṃ sāmaṃ vāyitaṃ)[4] sau đó may thành một chiếc y đặc biệt, tư liệu Hán tạng gọi là Kim-lâu-hoàng-sắc y (金縷黃色衣)[5] cúng dường lên Đức Phật. Đức Phật đã không thâu nhận mà còn dạy bà cúng dường chiếc y này lên chúng Tăng. Theo kinh Phân biệt cúng dường, Đức Phật dạy, trong bảy loại bố thí cúng dường thì bố thí cho chúng Tỷ-kheo ni là cúng dường Tăng chúng thứ tư[6] (Bhikkhunisaṅghe dānaṃ deti – ayaṃ catutthī saṅghagatā dakkhiṇā)[7].
Bản kinh này chuyên chở vài lưu ý quan trọng. Đó là các sự kiện như di mẫu tự mình dệt y (sāmaṃ vāyitaṃ), cũng như khi ấy đang thọ tam quy ngũ giới, thành tựu quả vị dự lưu do liễu ngộ tứ đế, đã cho thấy lúc này di mẫu đang còn thân phận cư sĩ. Công trình khảo cứu về kinh Trung Bộ của tỳ-kheo Anālayo cũng đồng ý với quan điểm này[8]. Khi di mẫu phát tâm cúng dường y, Đức Phật đã không biệt thọ mà còn dạy bà cúng dường lên tăng chúng, trong đó có cả chư ni. Cũng có quan điểm cho rằng, có khả năng đây là một bản kinh với nhiều đoạn được thêm vào về sau, nhưng không xác định rõ, trong số các đoạn thêm vào có đoạn kinh liên quan đến bảy loại cúng dường hay không[9].
Ở đây, theo logic nội tại cũng như ngữ cảnh của kinh văn, thì việc Đức Phật hướng dẫn di mẫu cúng dường y lên hai chúng xuất gia là sự kiện có cơ sở.
Như vậy, sự kiện di mẫu cúng dường y đến chư ni là một trong những cứ liệu đầu tiên cho thấy, có khả năng ni chúng đã tồn tại trước khi di mẫu Mahāpajāpatī xuất gia.
2. Chư ni nghi ngờ việc thọ giới của di mẫu.
Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahāpajāpatī) xuất gia sau khi vua Tịnh Phạn (Suddhodana) băng hà, xét về khung thời gian thì khi di mẫu xuất gia, tuổi tác của bà đã thuộc vào hàng niên trưởng. Không những vậy, với thân phận là một bậc Hoàng phi, đồng thời là kế mẫu của thái tử Siddhattha, thì dù ở tại gia hay xuất gia, xét theo lẽ thường thì bà luôn được mọi người tôn trọng.
Tuy nhiên, trong Chú giải kinh Pháp Cú (Dhammapada-Aṭṭhakathā), đã có trường hợp chư ni nghi ngờ việc thọ giới của di mẫu, dẫn đến việc không chịu tham gia lễ Bố-tát chung. Mặc dù sự nghi ngờ ấy đã được Đức Phật hóa giải, nhưng qua đó đã chuyển tải một tồn nghi: Ai có đủ khả năng nghi ngờ việc thọ giới của Di mẫu?
Nguyên văn đoạn chú giải ấy như sau:
Liên quan đến vị trưởng lão ni đã được thọ giới cụ túc giới như vậy, một thời gian sau, họ (samuṭṭhāpesuṃ = ngôi thứ 3, số nhiều, chủ từ không có ở đoạn văn này) đã khởi lên nghi ngờ (kathaṃ) rằng: “Các vị thầy giáo thọ và thầy tế độ (ācariyupajjhāyā) của bà Mahāpajāpatī Gotamī không được xác định (na paññāyanti), bà đã nhận lấy (gaṇhi) các y ca-sa (kāsāyāni) bằng chính bàn tay của mình (sahattheneva).
(Evaṃ laddhūpasampadaṃ theriṃ ārabbha aparena samayena kathaṃ samuṭṭhāpesuṃ ‘‘mahāpajāpatiyā gotamiyā ācariyupajjhāyā na paññāyanti, sahattheneva kāsāyāni gaṇhī’’ti)[10].
Sự kiện có một nhóm chư ni nghi ngờ việc thọ giới của di mẫu, đã cung cấp thêm một khả năng, rất có thể di mẫu xuất gia sau những vị này.
3. Khi tỳ-kheo ni hủy phạm tỳ-kheo tăng.
Điều kiện để di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahāpajāpatī) được phép xuất gia là phải tuân giữ bát kỉnh pháp. Trong bát kỉnh pháp, thì ngay ở điều thứ nhất đã ghi:
Dầu cho thọ đại giới một trăm năm, một Tỷ-kheo-ni đối với một Tỷ-kheo mới thọ đại giới trong một ngày cũng phải đảnh lễ, đứng dậy, chắp tay, xử sự đúng pháp. Pháp này sau khi cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, cho đến trọn đời không được vượt qua[11].
Sự kiện các tỳ kheo ni xúc phạm tỳ kheo tăng như xô đẩy, ném đất đá và chửi bới…đã diễn ra, điều đó cho thấy dường như lúc ấy Bát kỉnh pháp chưa có mặt.
Đó là trường hợp của tỳ-kheo ni xứ Malla, trong khi đi đường, vị này thấy có tỳ-kheo tăng ốm yếu đang đi trước mặt, không rõ vì lý do gì mà vị ni ấy dùng bả vai thúc một cái làm cho vị tỳ-kheo tăng té nhào[12].
Tương tự, đó cũng là trường hợp của vị tỳ-kheo ni vốn là vợ của đại thần tên là Ārohanta, cả hai đều xuất gia và thọ cụ túc giới. Trong bữa ăn, do vị tỳ kheo tăng có lời huấn thị về giới luật, nên vị tỳ-kheo ni ấy đã đổ nước lên đầu tỳ-kheo tăng, lại còn dùng quạt đánh[13].
Đặc biệt nhất, đó là trường hợp liên quan đến thân giáo sư của tôn giả Upāli, tên là Kappitaka. Do ngài đập vỡ bảo tháp chứa di cốt của một vị ni trưởng, nên các vị ni học trò đã âm mưu giết chết ngài Kappitaka nhưng không thành công. Không những vậy, nghi ngờ kế hoạch bị tiết lộ bởi tôn giả Upāli, các vị ni ấy còn chửi rủa ngài Upāli thậm tệ: Tại sao gã thợ cạo lau chùi bụi bặm và dòng dõi hạ tiện này lại tiết lộ kế hoạch của chúng tôi?[14].
Từ ba trường hợp chư ni xúc phạm cả thân thể lẫn lời nói đối với tỳ-kheo tăng nêu trên, nhất là đối với trường hợp ngài Upāli, một vị xuất gia rất sớm trong chuyến trở về quê hương lần thứ nhất của Đức Phật[15], đã cho thấy dường như bát kỉnh pháp chưa xuất hiện vào lúc này. Và, điều đó cũng có nghĩa là, ni giới đã tồn tại trước khi di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahāpajāpatī) được phép xuất gia.
4. Về thuật ngữ Thiện lai tỳ-kheo ni.
Thuật ngữ Thiện lai-tỳ-kheo (Ehi bhikkhū) được Đức Phật sử dụng đầu tiên đối với trường hợp ngài A-nhã-Kiều-trần-như (Aññākoṇḍañña)[16] trong bài kinh Chuyển pháp luân (S.v,420).
Theo kinh Tăng-nhất-A-hàm: Theo thường pháp xưa nay của chư Phật, khi Đức Phật nói ‘Thiện lai, Tỳ-kheo!, thì người ấy liền thành Sa-môn.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo ngài Ca-diếp:
“Thiện lại, Tỳ-kheo! Pháp này vi diệu. Hãy khéo tu phạm hạnh.”
Ngay lúc đó thì y phục đang mặc của tôn giả Ca-diếp và năm trăm đệ tử thảy đều biến thành ca-sa, tóc trên đầu tự rụng, giống như cạo tóc được bảy ngày[17].
Khảo về Trưởng lão ni kệ, có một trường hợp được chính Đức Phật trao giới cụ túc bằng thuật ngữ Thiện lai tỳ-kheo ni, đó là trường hợp của trưởng lão ni Bhaddā Kuṇḍalakesā. Tự thuật của trưởng lão ni đã cho thấy điều đó:
109. Quỳ gối ta đảnh lễ,
Đối diện ta chắp tay,
Hãy đến này Bhaddā,
Ta được thọ đại giới[18].
Trường hợp của tôn ni Bhaddā Kuṇḍalakesā rất đặc thù, sau khi tham khảo Trưởng lão ni kệ và cả bản chú giải của ngài Dhammapāla, HT. Thích Minh Châu đã viết: Nàng xuất gia, thọ giới với quả A-la-hán và chính đức Phật trao đại giới cho nàng[19]. Sự khẳng định này của hòa thượng dịch giả Thích Minh Châu, theo chúng tôi ngoài việc dựa vào nghĩa của cụm từ Ehi bhaddeti, còn căn cứ trên hợp ngữ Āsūpasampadā. Āsu có nghĩa là mau lẹ, nhanh chóng; Upasampadā nghĩa là đại giới hay cụ túc giới. Khi tôn ni Bhaddā Kuṇḍalakesā thừa nhận: Āsūpasampadā, nghĩa là ngay lúc ấy được thọ giới cụ túc, tức là được thọ giới theo hình thức thiện lai tỳ-kheo ni. Trong kinh Tăng Chi (A.i,24), Đức Phật cũng ghi nhận rằng: Trong các vị nữ đệ tử tỳ-kheo ni của ta, có thắng trí mau lẹ, này các tỳ-kheo, tối thắng là Bhaddā Kuṇḍalakesā[20].
Tuy nhiên, trong chú giải Trưởng lão Ni kệ (Therīgāthā-Aṭṭhakathā), liên quan đến tỳ-kheo ni Bhaddā Kuṇḍalakesā, ngài Dhammapāla, một nhà chú giải kinh điển nổi tiếng sống ở thế kỷ thứ VI, đã nghiêng về quan điểm cho rằng, nàng được xuất gia và thọ giới trong chúng tỳ-kheo ni (ThigA., 105, PTS)[21]. Trong khi đưa ra lời giải thích này, ngài Dhammapāla không nêu dẫn tư liệu kinh, luận làm cơ sở y cứ[22].
Trong khi đó, khảo về luật tạng Nam truyền cho thấy, trong khi phân loại các tầng bậc tỳ-kheo ni thì tác phẩm Phân tích giới tỳ kheo ni (Bhikkhunīvibhaṅga), đã ghi nhận có sự liên quan đến hạng thiện lai tỳ-kheo ni:
Tỳ khưu ni: “Người nữ đi khất thực” là tỳ khưu ni. “Người nữ chấp nhận việc đi khất thực” là tỳ khưu ni. “Người nữ mặc y đã được cắt rời” là tỳ khưu ni. Là tỳ khưu ni do sự thừa nhận. Là tỳ khưu ni do tự mình xác nhận. Là tỳ khưu ni khi được (đức Phật) nói rằng: “Này tỳ khưu ni, hãy đi đến (ehi bhikkhunī).[23]”
Tương tự, luật Tứ phần của Pháp tạng bộ, thuộc Thượng Tọa Bộ, cũng ghi nhận:
Tỳ-kheo-ni: có tỳ-kheo-ni danh tự, tỳ-kheo-ni tương tự, tỳ-kheo-ni tự xưng, tỳ-kheo-ni thiện lai, tỳ-kheo-ni khất cầu, tỳ-kheo-ni mặc áo cắt rọc, tỳ-kheo-ni phá kết sử, tỳ-kheo-ni thọ đại giới bạch tứ yết-ma như pháp thành tựu đúng cách. Tỳ-kheo-ni nói ở đây là tỳ-kheo-ni thọ đại giới, bạch tứ yết-ma như pháp, thành tựu như pháp, trụ trong pháp tỳ-kheo-ni. Đó gọi là nghĩa tỳ-kheo-ni[24].
Cũng thuộc về Pháp tạng bộ, là tác phẩm giải thích, lý luận về luật, được dịch sang Hán tạng khá sớm, mang tên kinh Tỳ-ni mẫu, ghi rằng:
Thế nào gọi là thiện lai tỳ-kheo ni, thọ cụ túc giới?
Một thời Thế Tôn, tại nước Xá-vệ, nữ Ma-đăng-kỳ, đi đến chỗ Phật, cúi đầu sát đất, kính lễ dưới chân, của đức Thế Tôn, lui ngồi một phía. Phật liền thuyết pháp, vị đó liễu ngộ, thông đạt pháp tánh, chứng quả Dự-lưu, xin Phật xuất gia. Thế Tôn liền dạy: Ngươi hãy chuyên chú, nương pháp của ta, khéo tu Phạm-hạnh, thì sẽ diệt trừ, các khổ vi tế”. Phật vừa dạy xong, tức thì vị ấy, đầu tóc tự rụng, y bát pháp phục, tự nhiên đầy đủ, oai nghi ngôn hạnh, như bậc tu lâu, vì thế gọi là, thiện lai cụ túc[25].
Luật Nhị thập nhị minh liễu luận do pháp sư Giác Hộ (覺護法師) tạo, tác phẩm này thuộc bộ phái Chánh lượng bộ (Sāmmitīya), một bộ phái Phật giáo tách ra từ Độc Tử Bộ khá sớm, khoảng 300 năm sau khi Đức Phật nhập diệt[26], thuộc Thượng Tọa Bộ. Bản dịch này do ngài Chân Đế dịch vào ngày 20 tháng Giêng niên hiệu Quang Đại (568) thời vua Trần Bá Tông, Trung Quốc (554-570)[27]. Luật ghi[28]:
Tỳ kheo ni có ba bậc như pháp: Thứ nhất, do thiện lai tỳ kheo ni nên thành tựu, thứ hai do tuân giữ Bát kỉnh pháp nên thành tựu[29], và thứ ba là do nghe pháp, khởi niềm tin vào Đức Phật nên thành tựu[30].
Đặc biệt, tác phẩm Soạn tập Bách duyên kinh do cư sĩ Chi Khiêm dịch vào giữa thế kỷ thứ III, đã ghi nhận có bảy trường hợp thành tựu tỳ kheo ni từ câu Thiện lai tỳ-kheo ni (善來比丘尼: Ehi Bhikkhunī). Tên của các vị tỳ-kheo đó là Bảo Châu (寶珠:Suprabhā), Thiện Ái (善愛:Supriyā), Bạch Tịnh (白淨: Śuklā), Tu Mạn (須漫: Somā), Thanh Liên Hoa (青蓮華:Kuvalayā), Cà Thi (伽尸:Kāśikasundarī), Chơn Châu Man (真珠鬘:Muktā)[31]
Như vậy, cả bốn tác phẩm luật học thuộc truyền thống Thượng Tọa Bộ nói chung, cộng với Trưởng lão ni kệ và một bản kinh thuộc hệ Bổn duyên đều ghi nhận rằng, có nhiều người nữ xuất gia và thọ cụ túc giới theo phương cách đặc biệt, gọi là thiện lai tỳ-kheo-ni.
Thế nhưng vấn đề được đặt ra là, dù được chính Đức Phật xuất gia, thọ cụ túc giới, nhưng điều đó chưa đủ cơ sở để khẳng định rằng, những vị này xuất gia trước tôn giả Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahāpajāpatī).
5. Ai là người nữ đầu tiên xuất gia và thọ giới?
Khảo về bảy vị thiện lai tỳ-kheo ni trong kinh Soạn tập bách duyên, cho thấy các vị này được thọ giới cụ túc nhưng không phải thọ đồng thời các trọng pháp (Gurudhamma: 瞿婁多達磨[32]). Trong khi đó, kể từ khi di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahāpajāpatī) được phép xuất gia, thì Tám trọng pháp là yêu cầu bắt buộc. Đây là một cơ sở cho thấy rằng các vị thuộc vào hàng thiện lai tỳ-kheo ni thì không cần phải thọ Bát kỉnh pháp. Nói cách khác, khi những vị này được xuất gia, thì di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahāpajāpatī) chưa có mặt trong Ni chúng, và cũng từ lý do này cho thấy, di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahāpajāpatī) chưa phải vị ni đầu tiên. Vậy thử hỏi, ai là người nữ đầu tiên được xuất gia, thọ cụ túc giới?
Trở lại nghiên cứu về trường hợp tôn giả ni Bhaddā Kuṇḍalakesā được ghi nhận trong Trưởng lão Ni kệ đã cho thấy, ngoài việc được chính Đức Phật ban cho giới cụ túc, không phải thọ các trọng giới (Gurudhamma), còn có một lưu ý quan trọng là, thời gian hành đạo của nữ tôn giả diễn ra rất lâu (Paṇṇāsa=50 năm), và không gian du hóa rất rộng (Năm quốc gia, khu vực: Aṅgā, Magadhā, Vajjī, Kāsī và Kosalā). Tự thuật của tôn ni đã cho thấy điều này:
Ta đi khắp Aṅgā,
Magadhā, Vajjī, (Kāsī)[33]
Quốc độ Kosalā,
Năm mươi năm[34] không nợ,
Ăn đồ ăn quốc độ[35].
(Ciṇṇā aṅgā ca magadhā, vajjī kāsī ca kosalā;
Anakā paṇṇāsa vassāni, raṭṭhapiṇḍaṃ abhuñjahaṃ) [36].
Theo tiểu sử, tôn giả ni Bhaddā Kuṇḍalakesā đã có chồng trước khi xuất gia. Sau khi từ bỏ đời sống gia đình, nàng đã tu theo truyền thống Kỳ-na giáo[37] trước khi được Phật xuất gia và sống cuộc đời rảnh rang vô sự (Anakā) suốt 50 năm sau đó. Xét về phương diện niên đại lịch sử, nữ tôn giả có thời gian hành đạo còn lâu hơn thời gian hoằng hóa của Đức Phật. Đây là một cơ sở quan trọng, góp phần cũng cố quan điểm cho rằng, tôn giả ni Bhaddā Kuṇḍalakesā có thể được xem là vị xuất gia, thọ giới đầu tiên của Ni giới[38].
6. Nhận định.
Phật chế giới luật căn cứ vào nghiệp tánh của mỗi chúng sanh. Trong những năm đầu thành lập giáo đoàn, giới luật là khái niệm chưa xuất hiện trong sinh hoạt Tăng-già. Khi Tăng-đoàn phát triển về số lượng, thì đó cũng là lúc nhiều giới luật được thành lập, ban hành. Chỉ xét riêng với giới luật tỳ-kheo tăng, số lượng các học giới được hình thành từ từ. Sự kiện có vị tỳ-kheo ở Vajjī không thể thuộc 150 học giới được ghi nhận ở kinh Tăng-chi (A.i,230)[39] so với 250 giới ngày nay, đã góp phần khẳng định điều đó.
Với giáo hội tỳ-kheo ni cũng vậy. Khảo cứu trên đã chỉ ra đã có những hạng tỳ-kheo ni được thọ cụ túc giới và chứng đắc thánh quả A-la-hán quả với hình thức thiện lai tỳ-kheo ni, nhưng tư liệu kinh văn không ghi nhận việc tuân hành kèm theo Tám trọng giới (Gurudhamma). Cứ liệu liên quan về những vị tỳ-kheo ni này đã chuyên chở một khả năng: sự kiện này có thể diễn ra ở giai đoạn Phật giáo sơ kỳ.
Theo luật tạng, giới luật Phật giáo được hình thành dựa trên nguyên tắc tùy theo sự vi phạm mà chế định (隨犯而制)[40]. Do vậy, theo chúng tôi, có thể trong giai đoạn đầu, với chúng xuất gia nói chung tâm tư và chí nguyện phần lớn đều thanh tịnh, thì các học giới chưa thành lập nhiều. Riêng với các vị tỳ-kheo ni xuất gia trong giai đoạn sơ kỳ cũng có khả năng diễn ra như thế. Tuy nhiên, khi số lượng Tăng-Ni phát triển, cụ thể là khi có cả 500 người nữ thuộc dòng họ Thích (Sākya) cùng lúc xuất gia, thì việc thiết lập các giới điều cần thiết cũng như Tám trọng pháp, là nhu cầu bức thiết và phù hợp với logic của sự kiện.
Trong giáo, luật của Phật không phải ai là người đầu tiên xuất gia, thọ giới là người có nhiều ảnh hưởng cũng như có khả năng chi phối đời sống Tăng-già. Trường hợp của tôn giả A-nhã-Kiều-trần-như (Aññākoṇḍañña) xét trong mối tương quan với các đại đệ tử tỳ-kheo Tăng là một bằng chứng. Điều đó cho thấy việc xuất gia, thọ giới đầu tiên chưa hẳn là yếu tố quyết định vai trò lãnh đạo của mình trong tổ chức Tăng-già. Trường hợp ngược lại cũng có thể diễn ra đối với di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahāpajāpatī), tuy có thể chưa phải là người xuất gia, thọ giới đầu tiên, nhưng với khả năng quản lý và điều hành Ni chúng, di mẫu có thể được suy tôn lên ngôi vị lãnh đạo Ni đoàn.
Trong liên hệ đến yếu tố giới luật và Ni chúng, mà ở đây là việc tuân hành Tám trọng pháp, chúng tôi xin lược trích cuộc hội thoại giữa Đức Phật và tôn giả Ca-diếp được ghi lại trong kinh Tương Ưng (S.ii,223), như là gợi mở cho câu trả lời, và đồng thời đây cũng là lời kết của chuyên luận này.
- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, thuở trước, học giới có ít hơn nhưng các Tỷ-kheo chứng đắc chánh trí nhiều hơn? Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ngày nay học giới có nhiều hơn, nhưng các Tỷ-kheo chứng đắc chánh trí ít hơn.
Phật dạy:
- Ở đây, này Kassapa, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không tôn kính, không tùy thuận bậc Đạo Sư, sống không tôn kính, không tùy thuận Chánh pháp, sống không tôn kính, không tùy thuận chúng Tăng, sống không tôn kính, không tùy thuận học giới, sống không tôn kính, không tùy thuận đối với Thiền định. Này Kassapa, chính những thối pháp này đưa đến sự hỗn loạn, sự biến mất của diệu pháp[41].
[1] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr.61. 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第三, 比丘尼品, 一. Cūḷavaggapāḷi. Bhikkhunikkhandhakaṃ. Nguyên văn: ‘‘sādhu, bhante, labheyya mātugāmo tathāgatappavedite dhammavinaye agārasmā anagāriyaṃ pabbajja’’nti. ‘‘Alaṃ, gotami, mā te rucci mātugāmassa tathāgatappavedite dhammavinaye agārasmā anagāriyaṃ pabbajjā’’ti. Tỳ-kheo Indacanda – Nguyệt Thiên, dịch: Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố. - Này Gotamī, thôi đi! Bà chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.
[2] Williams, Liz (2000) ‘ A Whisper in the Silence: Nuns before Mahāpajāpatī?’, Buddhist Studies Review,17 (2): 167-173. Khảo cứu mang tính phát hiện của Liz Williams dựa trên tư liệu của hai bản kinh: kinh Đại Bát Niết-bàn thuộc Trường Bộ và kinh Phân biệt cúng dường thuộc Trung Bộ.
[3] Bhikkhu Sujato. White Bones Red Rot Black Snakes. Bundanoon, Australia: Santipada, 2011. p.161-167. See also: Bhikkhu Sujato. Bhikkhuni Vinaya Studies. Bundanoon, Australia: Santipada, 2012. p.10
[4] Dakkhiṇāvibhaṅgasuttaṃ. Xem tại: tipitaka.org.
[5]大正藏第 01 冊 No. 0026 中阿含經, 卷第四十七,(一八〇)中阿含, 心品, 瞿曇彌經第九
[6] Kinh Trung Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2014, tr. 598.
[7] Dakkhiṇāvibhaṅgasuttaṃ. Xem tại: tipitaka.org.
[8] Bhikkhu Anālayo. Comparative Study of the Majjhima Nikāya. Vol.2. Taipei: Dharma Drum, 2011, p.814
[9]Bhikkhu Anālayo. Comparative Study of the Majjhima Nikāya. Vol.2. Taipei: Dharma Drum, 2011, p.818.. Cf: In view of the absence of such a reference to the fruitfulness of giving to immoral monks in the parallel versions, it seems quite possible that this particular passage in the Dakkhiṇāvibhaṅgasutta is a later addition to the discourse.
[10] Dhammapada-aṭṭhakathā. Brāhmaṇavaggo. Mahāpajāpatigotamīvatthu. Xem tại: http://www.tipitaka.org/romn/
[11] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr.378. Xem thêm, Cullavagga, chương tỳ-kheo ni thứ X.
[12] Cūḷavaggapāḷi. Bhikkhunikkhandhakaṃ. Nguyên văn: Sā rathikāya dubbalakaṃ bhikkhuṃ passitvā aṃsakūṭena pahāraṃ datvā pātesi.
[13] Bhikkhunivibhanga, chương Pācittiya (Ưng đối trị), phần Tỏi, điều học thứ sáu, đoạn 168. Bản dịch tiếng Việt của tỳ-kheo Indacanda.
[14] Bhikkhunivibhanga, chương Pācittiya (Ưng đối trị), phần Tu viện, điều học thứ nhì, đoạn 334. Bản dịch tiếng Việt của tỳ-kheo Indacanda.
[15] Cullavagga, chương Chia rẽ hội chúng, thứ 7, đoạn 343. Bản dịch tiếng Việt của tỳ-kheo Indacanda.
[16] Mahavagga, chương Trọng yếu. Bản dịch tiếng Việt của tỳ-kheo Indacanda.
[17]大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第十五, 高幢品.
[18] Kinh Tiểu Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 566. Nguyên tác Pāli: Nihacca jāṇuṃ vanditvā, sammukhā añjaliṃ akaṃ; Ehi bhaddeti maṃ avaca, sā me āsūpasampadā.
[19] Kđd, tr.565-566.
[20] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr.61
[21]Achariya Dhammapāla. Therīgāthā-aṭṭhakathā. Edited by William Pruitt. Oxford: The Pali Text Society. 1998. p.105. Nguyên văn đoạn chú giải như sau: Ehi, bhaddeti maṃ avaca, sā me āsūpasampadāti yaṃ maṃ bhagavā arahattaṃ patvā pabbajjañca upasampadañca yācitvā ṭhitaṃ ‘‘ehi, bhadde, bhikkhunupassayaṃ gantvā bhikkhunīnaṃ santike pabbaja upasampajjassū’’ti avaca āṇāpesi. Sā satthu āṇā mayhaṃ upasampadāya kāraṇattā upasampadā āsi ahosi.
[22] Khác với phong cách của ngài Buddhaghosa, cụ thể là ở trong tác phẩm Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga), khi đưa ra một quan điểm mới, ngài Buddhaghosa thường chú dẫn nhiều kinh điển để tham chiếu.
[23] Bhikkhunivibhanga, chương Pārājika, điều Pārājika thứ nhất, đoạn 3. Bản dịch tiếng Việt của tỳ-kheo Indacanda.
[24] Luật tứ phần, HT. Thích Đỗng Minh, dịch, NXB. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2013, tr. 760
[25]大正藏第 24 冊 No. 1463 毘尼母經, 卷第一. Nguyên văn: 云何名善來比丘尼受具? 當於爾時, 世尊在舍衛國. 摩登祇女來到佛所, 頭面著地禮世尊足, 退坐一面. 佛即為說法. 深悟法性, 得須陀洹果, 求佛出家. 世尊告曰: 聽汝於我法中善修梵行盡諸苦際. 佛言已訖, 頭髮自落, 法服應器忽然在身, 威儀庠序如久服法者. 是故名為善來受具.
[26]大正藏第 42 冊 No. 1824 中觀論疏, 卷第八
[27]大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第七
[28]大正藏第 24 冊 No. 1461 律二十二明了論. Nguyên văn: 比丘尼有三種圓德: 一由善來比丘尼方得,二由遣使方得,三由廣羯磨方得.
[29]大正藏第 24 冊 No. 1461 律二十二明了論. Nguyên văn: 二由遣使方得. Theo Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương, quyển 3, thì 遣使 được giải thích: 二遣使.即法授尼. 瞿婁多達磨 (Gurudharma – người viết chú) 敬尊重法. 遣阿難傳語遙為授故.
[30]大正藏第 24 冊 No. 1461 律二十二明了論. Nguyên văn: 三由廣羯磨方得. Theo Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương, quyển 3, thì 廣羯磨được giải thích: 廣羯磨. 略羯磨者. 佛初成時. 聞法得戒故名略羯磨. 即見諦得. 其信佛為大師.
[31]大正藏第 04 冊 No. 0200 撰集百緣經, 卷第八.
[32]大正藏第 45 冊 No. 1861 大乘法苑義林章, 卷第三
[33] HT Thích Minh Châu lược bỏ địa danh Kāsī trong bản dịch.
[34] HT Thích Minh Châu ghi nhầm, ngài cho là mười lăm năm. Xem, Kinh Tiểu Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 566: Mười lăm năm không nợ. Tuy nhiên, nguyên tác Pāli ghi là Paṇṇāsa, tức là 50 năm.
[35] Kinh Tiểu Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 566
[36] Achariya Dhammapāla. Therīgāthā-Aṭṭhakathā. Edited by William Pruitt. Oxford: The Pali Text Society. 1998. p.105
[37] Tư liệu về người nữ xuất gia trong Kỳ-na giáo (Jain) có nguồn gốc từ bà Rājīmatī, vốn là vợ của thái tử Nemi, thường được gọi là Ariṣṭanemi, là Đấng Chiến Thắng (Jina, cũng được gọi là Tīrthaṅkara) thứ 22 của Kỳ-na. Theo, The Uttaradhyayana Sutra, SBE. 45.p.116. Trong tương quan niên đại, người nữ xuất gia ở Kỳ-na xuất hiện rất sớm, vì vị Tīrthaṅkara 24 là Mahāvīra, người sống cùng thời với Đức Phật.
[38] Kinh Tăng-nhất-A-hàm, quyển ba, phẩm Tỳ-kheo ni, có dẫn một vị tên là Bạt-đà Quân-đà-la (拔陀軍陀羅), người nước Câu-di (拘夷國) là tỳ-kheo-ni đệ nhất cuối cùng trong hàng Thanh văn, với lời chú dẫn là tỳ-kheo ni Bhaddā Kuṇḍalakesā. Theo Trưởng lão Ni kệ, tỳ-kheo ni Bhaddā Kuṇḍalakesā sinh tại Vương-xá (Rajagaha), thuộc quốc gia Ma-kiệt-đà (Magadha). Trong khi đó tỳ-kheo ni Bạt-đà Quân-đà-la là người nước Câu-di. Nước Câu-di, viết tắt của Câu-di-na-kiệt (拘夷那竭). Theo Phiên Phạn-ngữ, quyển sáu, Câu-di-na-kiệt tức thành Câu-thi-na (拘尸那: Kushinagar), nơi Đức Phật nhập Niết-bàn. Như vậy, đây là hai vị tỳ-kheo ni khác nhau, có lẽ chú dẫn trong Đại chính tạng bị nhầm.
[39] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr.261-262.
[40]大正藏第 24 冊 No. 1462 善見律毘婆沙,卷第五, 舍利弗品.