Shangpa Rinpoche
Thanh Liên dịch sang Việt ngữ
Ta nên suy niệm về những gì sẽ xảy ra trong cái chết. Đôi khi ta hỏi người nào đó: “Anh có sợ chết không?” và nhiều người sẽ nói là không. Nếu người ấy là một đại hành giả thì câu trả lời này có thể là chân thật.
Lòng kính ngưỡng Đạo sư là điều tối quan trọng cho việc thực hành của chúng ta bởi nó chiến thắng sự kiêu ngạo và bản ngã của ta, là những điều ta luôn luôn có. Sự từ bỏ (xả ly) là điều quan trọng thứ hai. Ta cần có cả hai điều này để có thể đi theo tiến trình đúng đắn dẫn đến giác ngộ. Nhiều Đạo sư đã nói rằng các thực hành chuẩn bị có thể còn sâu xa hơn thực hành Giáo Pháp thực sự. Nếu ta không phát triển thái độ từ bỏ đúng đắn nhờ suy niệm về những pháp chuẩn bị, việc thực hành (tu tập) của ta sẽ không có kết quả. Cho dù ta biết rằng thân người rất khó đạt được và nó vô cùng quý báu và hữu ích đối với ta, ta không thể tránh được sự thật là nó vô thường. Có sinh là có tử, nhưng không ai biết được khi nào cái chết đến. Shantideva đã nói: “Không ai biết được ngày mai hay cái Chết, cái nào đến trước. Ngày mai có thể không đến, nhưng cái chết chắc chắn sẽ đến.” Vì thế ta không nên nỗ lực cho ngày mai mà hãy thực hiện sự chuẩn bị đúng đắn cho cái chết. Để làm điều này ta cần phải suy niệm về cách tránh khỏi đau khổ trong cái chết, là điều rất thực và không thể thoát khỏi. Mặc dù ta cảm thấy buồn bã hay không thoải mái khi nghĩ về cái chết, ta cần đối mặt với sự thật này là một ngày kia tất cả chúng ta sẽ chết và hãy cố gắng chiến thắng những khổ đau mà cái chết mang lại. Ta cần tích cực suy niệm và tự chuẩn bị cho cái chết. Các Đạo sư Kadampa đã đưa ra năm câu ngắn về việc suy niệm về lẽ vô thường. Trước tiên, ta phải suy niệm rằng mọi sự sẽ không tồn tại như nó là mà sẽ biến đổi trong từng giây phút. Không chỉ bản thân ta mà ngay cả các hiện tượng lớn của thế giới cũng vô thường. A tỳ đạt ma (Luận Tạng) nói rằng sự hình thành của vũ trụ mất hàng triệu triệu năm và hầu như vũ trụ có thể được duy trì trong khoảng thời gian tương tự. Kế đó là sự hủy diệt của vũ trụ, cho đến cõi sắc (sắc giới) sẽ chắc chắn xuất hiện mặc dù phải mất một thời gian dài để hoàn toàn bị hủy diệt. Ta cũng nên quán chiếu về việc thời gian trôi qua. Năm ngoái đã là quá khứ và năm nay, ngày lại ngày, tuần nọ nối tiếp tuần kia, năm tháng trôi qua, mọi sự dời đổi và tiến tới. Mọi chúng sinh trong thế giới, ngay cả những Đạo sư vĩ đại cũng đều vô thường. Ta phải nhìn chính mình và xem mình đã thay đổi ra sao, từ một đứa trẻ thành một thiếu niên rồi trở thành một người trưởng thành. Ta không biết ta sẽ còn sống bao lâu, nhưng ta đang tiến đến cái chết trong từng giây phút. Ta nên suy niệm và tự hỏi: “Từ lúc này trở đi ta nên làm gì?”
Tượng Đức Phật Nhập Niết Bàn tại Kushinagar (Ấn Độ)
Kế đó, ta phải suy niệm về việc những người khác phải chết. Dù già hay trẻ, giàu hay nghèo, khỏe mạnh hay đau yếu, nhiều người mà ta biết đã chết. Qua tin tức hay những người ta biết, ta cũng nghe nói về vô số người nữa đã chết. Cho dù ta không nói về cái chết, ta đã nhìn thấy nhiều dời đổi trong các số phận, những người có địa vị cao và quan trọng đã mất đi ân phước, người có địa vị thấp đã tiến lên những vị trí quan trọng, người nghèo trở thành triệu phú, người giàu trở thành nghèo. Mọi sự đang thường xuyên thay đổi và không mãi mãi như cũ. Ta nên nhận ra rằng ta vẫn còn một ít thời gian trước khi chết và nên tận dụng nó tối đa bằng cách thực hành Pháp thật tinh tấn. Đây là kết quả của sự suy niệm của chúng ta về điều thứ hai.
Thứ ba, ta phải suy niệm về những nguyên nhân của cái chết. Có rất ít nguyên nhân để sống nhưng có nhiều nguyên nhân cho cái chết. Các thảm họa tự nhiên chẳng hạn như trượt đất, lụt lội, động đất, sóng thần có thể gây nên cái chết. Mặc dù không thường xảy ra ở Singapore, Nepal, nhiều người đã chết vì bị sét đánh. Con người đã tạo nên những thảm họa như các cuộc chiến tranh cũng có thể gây nên cái chết. Từ tin tức, ta nghe nói về nhiều việc rắc rối như thế và thậm chí tận mắt chứng kiến một vài sự việc đó. Ta không biết được mình sẽ chết theo cách nào hay khi nào cái chết xảy ra.
Tuy nhiên sự kiện ta sẽ chết là điều chắc chắn. Một vài Kinh Bồ Tát đề cập rằng người ta cũng có thể chết vì bị ngộ độc thực phẩm, vì bội thực, ăn không tiêu, không đi cầu được, vì không tuân theo lời chỉ dẫn của các bác sĩ và y tá hay vì bị những thế lực xấu tấn công. Không cẩn trọng, ta thực hiện những hoạt động gian khổ hay làm những việc thái quá và làm tổn hại thân thể mình. Bởi có nhiều nguyên nhân của cái chết, ta phải tuân theo luật nhân quả và cẩn thận chăm sóc thân người quý báu của ta, nhờ đó duy trì cuộc đời mình càng lâu càng tốt. Với thời gian có được từ việc sống trong điều kiện sức khỏe tốt lành, ta nên thực hành một cách tinh tấn.
Milarepa là một Đạo sư trong dòng truyền thừa của chúng ta và cũng là hành giả vĩ đại nhất của Tây Tạng. Sau khi ngài đã trải qua những khó khăn và rất nhiều đau khổ trước khi nhận được tất cả giáo lý của Đạo sư Marpa, ngài được phép trở về quê nhà. Marpa nói rằng khi trở về quê hương, Milarepa sẽ nhìn thấy một khuôn mẫu đích thực của sự vô thường và điều này sẽ lợi lạc cho ngài. Khi Milarepa trở về nhà, ngài nhìn thấy ngôi nhà của ngài đã sụp đổ và bộ xương của mẹ ngài nằm phơi trên mặt đất, những sợi giây buộc Kinh sách Pháp bị chuột gặm nát và cỏ mọc xuyên qua những pho sách. Ngài ở trọn đêm trong ngôi nhà và ở đó, ngài nhận thức sâu xa về lẽ vô thường và hiểu rằng thật là khủng khiếp nếu ngài không hoàn toàn tận dụng được thời gian cho việc thực hành. Vào lúc đó ngài lập đại nguyện là phải đạt được giải thoát và thực hành Giáo pháp bằng cách thiền định trong các hang động. Hiểu biết về vô thường thì không khó, nhưng để hoàn toàn xác tín và được thôi thúc bằng sự suy niệm về lẽ vô thường thì vô cùng khó khăn. Nếu chúng ta không xác tín, ta sẽ tiếp tục sống một cuộc đời tầm thường và không hết sức tinh tấn trong việc thực hành. Nếu ta xác tín, ta sẽ thực hiện nỗ lực lớn lao nhất để đạt được giác ngộ. Vì thế, thật là lợi lạc nếu ta sử dụng một ít thời gian mỗi ngày để suy niệm về lẽ vô thường và xác tín về tầm quan trọng của việc thực hành và nhờ đó tiến triển nhanh chóng để đạt được giác ngộ.
Milarepa nhặt xương của mẹ ngài và lập đại nguyện đạt được giác ngộ
Thứ tư, ta nên suy niệm về những gì sẽ xảy ra trong cái chết. Đôi khi ta hỏi người nào đó: “Anh có sợ chết không?” và nhiều người sẽ nói là không. Nếu người ấy là một đại hành giả thì câu trả lời này có thể là chân thật. Đối với họ, cái chết là sự giải thoát. Đối với những người bình thường, có thể là họ không suy nghĩ sâu xa và do bởi bản ngã, họ chỉ trả lời một cách hờ hững, để phô trương rằng họ không phải là người nhát gan. Ai là người thực sự muốn chết? Mọi người đều thực sự muốn sống càng lâu càng tốt. Chết là điều vô cùng khủng khiếp và kinh hoàng nhưng là điều cuối cùng rồi sẽ phải xảy ra. Trong khi chết, thân thể vật lý và tâm thức tách lìa nhau. Chỉ có những hoàn cảnh bi thảm hay tổn thương to lớn mới dẫn đến điều này. Đặc biệt là đối với những người đã tích tập ác nghiệp, do sự biểu lộ của ác nghiệp, tâm thức của họ bị mê mờ và họ nhìn thấy các chúng sinh địa ngục và họ trở nên vô cùng bối rối.
Khi Rinpoche ở Nepal, ngài nghe nói rằng một người hàng thịt - sống bằng nghề giết trâu – bị lâm bệnh. Khi người hàng thịt sắp chết, ông ta vô cùng sợ hãi khi nhìn thấy những con trâu có những chiếc sừng sắc nhọn lao vào tấn công mình và ông cầu xin những người xung quanh cứu giúp kẻo ông bị những con trâu giết chết. Các biểu lộ của nghiệp đã bắt đầu thậm chí trước khi cái chết xảy ra. Đối với các đại hành giả thì cũng thế, vào lúc chết, họ sẽ nhìn thấy chư Phật và Dakini đón chào họ và tâm thức sẽ an trụ trong sự an bình vĩ đại. Một Lạt ma già ở Nepal vừa mất mới đây. Trước khi mất, ngài nói với những người đứng quanh ngài rằng ngài nhìn thấy Đức Quán Thế Âm Đỏ (Hồng Quan Âm) và Karmapa đến đón chào ngài. Ngài là người duy nhất ở đó có thể nhìn thấy điều này. Vì thế đây là khác biệt to lớn vào lúc chết giữa những người từng tích tập nhiều ác nghiệp và những người tích tập các công đức vĩ đại.
Giây phút thực sự của cái chết thì vô cùng quan trọng. Cho dù một người đã từng tích tập nhiều công đức trong đời, vào lúc chết, nếu họ bị mê mờ bởi sự sinh khởi của sân hận hay những cảm xúc tiêu cực khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến tái sinh kế tiếp của họ và họ có thể bị sinh trong các cõi thấp. Nếu một hành giả có thể nhập tâm các giáo lý và đã thực hành thật tốt đẹp thì vào lúc chết, họ có thể duy trì được sự an bình và thanh thản trong tâm thức và điều này sẽ là cánh cửa dẫn đến giải thoát. Vì thế ta nên suy niệm về sự khác biệt giữa những hành giả xuất sắc và hành giả tầm thường và nỗ lực để có được một kinh nghiệm tốt lành trong cái chết bằng cách thực hành tinh tấn ngay lúc này.
Thứ năm, ta nên suy niệm về những gì xảy ra sau cái chết. Như ta biết, sau khi chết, ngay cả một Đại Đế cũng không thể mang theo mình một mảnh y phục duy nhất hay thậm chí những người phục vụ tầm thường nhất. Ông ta phải bỏ lại mọi của cải của mình. Thân thể ông trở thành một xác chết với chỉ một mảnh y phục để khâm liệm tử thi. Sẽ chẳng ai nghĩ rằng xác chết là huy hoàng hay kỳ diệu. Sau ít ngày, tử thi sẽ thối rữa và nặng mùi, chẳng ai ước ao nó. Tâm thức tách lìa khỏi thân xác. Tâm thức không làm chủ được nó, nó bị các nghiệp lực sai sử. Nó giống như một chiếc lông chim nhỏ trong không trung bị xô đẩy bởi bất kỳ cơn gió mạnh nào. Cũng giống như thế, tâm thức kinh nghiệm giai đoạn bardo. Ta không biết được đích đến cuối cùng của mình. Không có bất kỳ sự hướng dẫn nào. Tâm thức lang thang, tìm kiếm sự cứu giúp nhưng không tìm được. Các nghiệp lực tích cực và tiêu cực sẽ điều khiển chúng ta. Mọi tội lỗi ta từng tích tập mà không thể giải trừ được đã để lại những dấu vết sâu xa trong ý thức của ta. Nếu ta không từng tích tập các công đức, ta không thể vay mượn hay tích tập công đức mới vào giai đoạn này. Vì thế điều này thật là khủng khiếp.
Đối với một hành giả xuất sắc, mỗi giây phút trong bardo là một khoảnh khắc dẫn tới giải thoát. Tuy nhiên, đối với những người không tích tập công đức, họ sẽ bị dẫn tới việc tái sinh trong các cõi thấp. Giờ đây, nếu chúng ta không bắt đầu tích tập công đức thì không ai có thể chỉ đường hay dẫn dắt ta sau cái chết. Vì thế ngay lúc này, khi còn có thể nỗ lực để tích tập công đức vĩ đại, ta nên làm điều đó.
Sau hết, ta bắt đầu cảm thấy rằng mình không có nhiều thời gian và phải bắt đầu thực hành và học Giáo Pháp. Pháp cần được áp dụng và ta nên làm cho Pháp không tách lìa với bản thân ta. Mọi điều ta học từ Pháp, ta nên áp dụng một cách phù hợp, mọi kinh nghiệm được giảng dạy trong Pháp, ta nên trải nghiệm cho chính mình, mọi chứng ngộ có thể có được từ Pháp, ta nên chứng ngộ cho bản thân ta. Bạn có thể học rất nhiều về Pháp, nhưng tất cả chỉ là tri thức. Nếu bạn không cố gắng áp dụng và nhập tâm nó, bạn sẽ chỉ là một chúng sinh tầm thường không có bất kỳ thành tựu hay tích tập nào. Ta phải làm cho Pháp và bản thân ta trở thành bất nhị. Ta đã dùng hết một nửa cuộc đời mình, có lẽ thỉnh thoảng thực hiện được các thiện hạnh nhưng rất thường tích tập nghiệp vô cùng xấu xa. Ta đã lãng phí rất nhiều thời gian và không còn nhiều thời giờ để thực hành. Vì thế ta không nên bị xao lãng bởi việc theo đuổi thanh danh, của cải, lạc thú và những thành tựu thế tục khác như thế, là những điều sẽ chẳng mang lại lợi lạc cho ta trong cái chết hay sau cái chết. Thay vì làm việc để đáp ứng cho bản ngã, ta nên toàn tâm tập trung vào con đường thực hành với thân, ngữ và tâm ta. Đây là kết luận cuối cùng ta phải đạt tới sau sự suy niệm. Nếu ta nhìn thấy người nào đó dại dột kiếm tìm niềm vui cho bản thân, ta nên phát khởi lòng thương xót và bi mẫn lớn lao đối với họ bởi họ đang lãng phí thời giờ quý báu của mình. Khi đó, ta nên khát khao tận dụng tối đa thời giờ của ta trong thế gian này để thực hành và nhắm đến việc thoát khỏi sự tái sinh trong ba cõi thấp. Cho dù ta không thể giải thoát trong đời này, ít nhất ta nên ước nguyện thực hành Pháp đời này sang đời khác cho đến khi đạt được giải thoát.
Có nhiều Đạo sư Kadampa rất vĩ đại và suy niệm trong mọi lúc về lẽ vô thường. Một Đạo sư như thế đang thiền định trong một hang động, ở đó có một bụi gai mọc ở bên ngoài lối vào. Mỗi ngày khi ngài đi qua bụi gai để ra ngoài lấy nước, áo quần của ngài bị vướng gai và ngài nghĩ: “Bụi gai này thật là phiền phức, ta nên chặt nó đi.” Tuy nhiên một lát sau ngài quán chiếu rằng có thể ngài sẽ chẳng sống lâu để trở vào hang động tu tập và ngài gạt bỏ tư tưởng đó. Khi ngài mang nước về, quần áo ngài lại bị vướng gai và ngài nghĩ đến việc đốn bỏ bụi gai. Tuy thế, ngay lập tức ngài suy niệm rằng có thể ngài chẳng sống lâu để ra khỏi hang một lần nữa và ngài lại gạt bỏ ý tưởng đốn bỏ bụi gai. Điều này tiếp diễn trong nhiều năm cho đến khi ngài giác ngộ và ra khỏi hang động để giảng dạy cho những người khác. Chúng ta nên tuân theo gương mẫu của ngài. Đừng thỉnh thoảng nhớ tưởng về lẽ vô thường mà nên nghĩ tưởng về vô thường trong mọi lúc.
Cảnh hoàng hôn – một nhắc nhở về việc tu tập Giáo Pháp
Theo phong tục của Tây Tạng, là một điềm gở khi lật úp một cái tách (chén) bởi điều đó biểu thị cho cái chết. Tuy nhiên, mỗi đêm trước khi đi ngủ, các Đạo sư Kadampa đã cố ý úp cái tách của mình xuống để nếu các ngài chết trong khi ngủ, sẽ không cần nhờ người nào khác lật úp cái tách. Nếu chúng ta suy niệm về cái chết trong từng giây phút, ta sẽ không làm bất kỳ điều gì xấu xa. Vì thế, quán chiếu về sự vô thường vô cùng cần thiết. Nó là một chiếc roi thúc đẩy ta tu tập và là một vị Thầy bảo ta rằng ta nên làm việc nhiều hơn nữa cho việc thực hành của ta. Vì thế ta nên nỗ lực trong việc thực hành nhờ quán chiếu về lẽ vô thường.
Đặc biệt là khi ta thực hành bốn nền tảng, ta nên sử dụng ít nhất mười lăm phút mỗi ngày để quán chiếu về bốn nền tảng thông thường này, đó là thân người quý báu với tám sự nhàn nhã và mười thành tựu (mười thuận lợi), năm điều từ bản thân ta và năm điều từ những người khác; sự vô thường; nhân quả cũng như những đau khổ của luân hồi sinh tử. Trong một khóa nhập thất, một hành giả phải dùng trọn bảy ngày cho sự suy niệm như thế.
Với thời gian ngắn ngủi chúng ta có được trong cuộc đời mình, ta phải phát triển động lực: “Tôi phải đạt được các thành tựu tâm linh.” Vì thế ta không nên hờ hững trong việc tu tập và nên hết sức tập trung và cẩn trọng trong việc thực hành các suy niệm và những giai đoạn khác trong việc tu tập. Nhân và quả thì luôn luôn hiện diện với chúng ta. Bằng cách thường xuyên suy niệm về nhân quả, ta sẽ có thể ngăn ngừa mình không làm các hành động tiêu cực và tích tập ác nghiệp. Ta phải hết sức kiên cố trong việc thực hành. Ta nghe Pháp để làm điều gì đó xảy ra trong cuộc đời chúng ta chứ không phải chỉ để cho vui. Ít nhất ta phải dùng mười lăm phút mỗi ngày để nghĩ về điều này và từ từ chúng ta sẽ bắt đầu chuyển hóa. Khi đó tiến trình từ bỏ (xả ly) sẽ bắt đầu. Từ bỏ không có nghĩa là khoác lên người chiếc áo tu sĩ và rời bỏ gia đình, điều đó chỉ là việc thay đổi y phục. Từ bỏ phải đến từ bên trong.
Giáo lý này là một sự nhắc nhở cho tất cả những người đang thực hành các nền tảng và là một động lực đầy phấn khởi cho những ai đang bắt đầu tu tập. Tất cả chúng ta đều rất mới mẻ đối với việc thực hành và ngay cả những hành giả cao cấp cũng cần phải thường xuyên quán chiếu về bốn nền tảng thông thường. Vì thế điều quan trọng là chúng ta cần phải noi gương các ngài.
Nguyên tác: “Contemplation on Impermanence” by Shangpa Rinpoche http://www.shangpa.org/teachings/ContemplationOnImpermanence.pdf Thanh Liên dịch sang Việt ngữ