Ngũ Uẩn và Thập Nhị Nhân Duyên - Thích Huệ Hải - Nhật Bảo Quốc dịch

25 Tháng Tư 201100:00(Xem: 19197)

NGŨ UẨN VÀ THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN 
THÍCH HUỆ HẢI 
Nhật Bảo Quốc dịch
 
Trong truyền thống Phật Giáo, chúng ta niệm “Nam Mô” rất nhiều. Trong tiếng Anh, “Nam Mô” có nghĩa là “quy mạng”. Khi khấn nguyện Đức Phật, chúng ta không nói “Xin Đức Phật, hãy dẹp sạch mọi khó khăn cho con”. Mà chúng ta thật sự dâng hiến, cúng dường bản thân mình cho Đức Phật. Chúng ta buông bỏ những điều “ta muốn cái này”, “ta không muốn cái kia” và nguyện làm bất cứ những gì mà Đức Phật muốn chúng ta làm. Dĩ nhiên, Chư Phật không cần chúng ta phải làm gì cho các ngài cả. Mà, các ngài muốn chúng ta hãy tỉnh thức, giác ngộ khỏi sự si mê, vô minh của ta, trở thành toàn giác và cứu giúp những chúng sanh đau khổ khác. Vì vậy, khi chúng ta niệm “Nam Mô” là chúng ta hứa nguyện, học và thực hành Phật Pháp trong khả năng tối đa của mình. Đó là lý do tại sao những khóa học này rất quan trọng. Chúng giúp ta hoàn thành lời khấn nguyện này. Và qua sự thực hành Phật Pháp, chúng ta mới có thể an lạc hơn trong đời sống này và đời sống tương lai, cũng như mang lại sự an lạc hơn cho kẻ khác. 

Vậy, đề tài thảo luận hôm nay là Ngũ Uẩn và Thập Nhị Nhân Duyên. Đề tài này có vẻ khô khan nhưng nó rất quan trọng. Bằng sự thấu hiểu, chúng ta thật sự là gì và tiến trình tâm lý đưa tới đau khổ, chúng ta mới có thể phá bỏ cái vòng si mê và tiến tới giác ngộ, mang lại sự lợi lạc cho mọi chúng sanh. 

Thiền quán 1: Sự tỉnh giác của tâm - 10 phút. 

NGŨ UẨN: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức 
“Skandha” tiếng Phạn có nghĩa là “đống, mớ” hay “tập hợp, nhóm”, mà âm Hán Việt là “Uẩn”. Chúng ta thường gọi chúng là “Ngũ Uẩn”. Năm nhóm này hợp lại thành những gì mà chúng ta lầm tưởng là một con người. Thật ra, tất cả chúng sanh đều có ngũ uẩn. Dựa vào năm nhóm này mà chúng ta tin lầm về một cái ta, tự ngã thật. Thật ra, cái mà chúng ta gọi là ta, tự ngã, chỉ là sự tập trung tạm thời của năm nhóm này. Cũng giống như là việc gọi “cái áo” để mô tả một cái, thật ra được làm từ những sợi chỉ riêng rẽ dệt lại, hay “cái bánh” để mô tả cái hổn hợp từ bột, nước, đường, v.v. 

SẮC nói đến mọi hiện tượng vật chất. Trong trường hợp của ngũ uẩn, chúng ta nói về khía cạnh thân thể vật lý. Và dĩ nhiên, thân thể này được thành lập bởi bốn thành phần như: phần rắn, phần lỏng, phần nóng, phần hơi. Nếu chúng ta phân tách thân thể ra và đặt các đốt xương lại thành đống, tóc để riêng, máu vào chậu này và thịt một đống kia, thì chúng ta còn lại cái gì? Thân thể đâu rồi? Tất cả những phần này còn có thể phân nhỏ ra thành tế bào và phân tử. Ngay cả phân tử cũng có thể chia nhỏ ra được. Khoa học hiện đại cho chúng ta biết, những gì mà chúng ta nghĩ là rắn chắc thật ra chỉ là dạng năng lượng. Vì vậy thể xác chỉ là sự tập trung tạm thời của các thành phần. 

Theo Ngài Dilgo Khyentse Rinpoche, một vị thầy Tây Tạng, thì chúng ta có thể liên kết thân thể với năm nguyên tố: thịt và xương thuộc về đất, hơi thở thuộc về khí, chất lỏng thuộc về nước, thân nhiệt thuộc về lửa, và khoảng trống trong thân thể thuộc về không gian. 

Bây giờ, qua sự hiểu biết là thân thể được cấu tạo bởi các thành phần có thể bị tan rã, là đề mục giúp cho chúng ta thiền quán về vô thường. Thân thể chỉ là sự tập trung các thành phần đến với nhau qua nhiều nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên). Khi những nguyên nhân và điều kiện đó cạn kiệt, được tận dụng, thì thân không còn nữa. Thế giới bên ngoài cũng vậy. Ngôi chùa này trong một ngày nào đó không còn nữa, và cũng sẽ như vậy ngay cả hành tinh này. 

Tuy vậy, chúng ta không nên xem sự vô thường (tạm bợ, không vĩng viễn) như là kẻ thù. Vì có vô thường, nên chúng ta không bị mắc kẹt liên lũy vào sự khổ ải của mình. Bởi vì vô thường mà chúng ta mới có thể thăng tiến và chuyển hóa, thay đổi. Thật ra, vô thường là người bạn quý, nó sẽ luôn luôn lấy đi sự đau đớn và khổ não của chúng ta. Vấn đề là những khó khăn mới lại xuất hiện. 

Bốn uẩn còn lại mang tánh cách tâm lý mà chúng ta gọi là tự ngã. Cảm nghiệm (sự cảm ứng, thể nghiệm) không thể nào có được nếu không có sự hay biết (mà chúng ta gọi là thức. Vậy cảm nghiệm đến từ sự phối hợp của giác quan như mắt (căn) thấy đối tượng con chim (trần), và sự hay biết (thức). Không có sự hay biết (thức), thân thể chỉ là một cái xác và vì vậy không có cảm nghiệm nào cả. Điều quan trọng ở đây là tâm, tâm ý, là giác quan thứ sáu, mà ta gọi là ý thức, mà ý tưởng và ký ức là đối tượng của nó (pháp). Mục đích của tâm là chuyển tải những giác quan (căn) và đối tượng (trần) của chúng trở thành những cảm nghiệm riêng rẽ. Thầy sẽ xét các uẩn này theo thứ tự khác với lối thường để hiểu rõ chúng hơn. 

THỨC thật ra là uẩn thứ năm. Nó chỉ đơn giản là sự hay biết. Nó không đưa ra ý tưởng hay gọi tên cho một cái gì. Nó không thông minh, hay chúng ta có thể nói, nó không là cái gì biết suy nghĩ. Thức bao gồm năm giác quan về thấy, nghe, ngửi, nếm và chạm. Cùng với những đối tượng của giác quan như là vật để thấy, âm thanh để nghe, v.v., chúng là căn cứ của cảm nghiệm. Những cảm nghiệm này hiện diện qua sự hay biết thô sơ hơn. Thức là một sự có mặt của sự hay biết lờ mờ. Chúng ta có thể nghĩ trình độ hay biết này như là một căn phòng trống chứa đầy ánh sáng. Đó là khả tính mà ở đó, những cảm nghiệm sanh khởi từ sự tiếp xúc của năm giác quan với các đối tượng của chúng. 

Một điều cần nhấn mạnh ở đây là thức không phải lúc nào cũng hiện diện. Thức sanh khởi một cách tạm thời khi mà giác quan tiếp xúc với đối tượng tương ứng của nó. Vì vậy, khi con mắt thấy đối tượng, khi đó nhãn thức mới xuất hiện. Nhưng khi con mắt của chúng ta nhắm, thì không có nhãn thức. 

THỌ là cảm giác dễ chịu (sướng), khó chịu (khổ) hay trung tính. Điều này xảy ra không có tên gọi của tri thức nào cho cảm giác đó. Nó chỉ là phản ứng theo bản năng. 

TƯỞNG là cách chúng ta nhận ra một sự vật hay không. Thí dụ, khi chúng ta nếm sô-cô-la chúng ta biết ngay nó là cái gì. Khi chúng ta thấy cái nhà, chúng ta gọi nó là “cái nhà”. Nếu chúng ta không biết một cái gì, thì tưởng cố gắng tìm hiểu nó. 

HÀNH là cách mà chúng ta phản ứng đối với những gì mà chúng ta gặp. Nó là tất cả những tư tưởng, cảm giác, ý tưởng, ước muốn, v.v. là kết quả của bốn uẩn kia. 

Bây giờ chúng ta hãy xét một thí dụ trong tiến trình này. Trước hết, chúng ta được sanh ra, chúng ta có hình tướng (sắc) và dĩ nhiên là chúng ta được sanh ra trong thế giới này, vì vậy chúng ta cũng có cảm giác (thọ) với các vật bên ngoài. Chúng ta cũng có các thức qua năm giác quan như nhãn, nhĩ, v.v. Như chúng ta ngửi cái gì mà chúng ta không thích. Có lẽ chúng ta nhăn mặt ghê tởm. Đó là “thọ”. Khi chúng ta nhận ra đó là mùi hôi của sữa hư. Đó là “tưởng”. Khi chúng ta nghĩ, “Thằng ngốc nào đã để sữa bên ngoài? Thật là phí phạm! Mùi hôi làm cho ta khó chịu. Ta phải quang nó ra ngoài và mở cửa sổ để mùi hôi ra khỏi đây..” Đó là “hành”. 

Vậy, như Thầy đã giải thích trước đây, những gì mà chúng ta gọi là “ta, tự ngã” chỉ là cái tập hợp tạm thời của năm uẩn này. Nhưng nếu năm uẩn này tan rã như chúng ta đã thấy trong sắc uẩn ở phần trước. Thức hay sự hay biết, thực ra chỉ là một chuỗi của những chặp hay biết xuất hiện và biến dạng một cách nhanh chóng. Vì vậy, chúng ta nghĩ nó là một tư tưởng liên tục nhưng thực ra nó là một chuỗi những chặp tư tưởng cực nhanh, luôn luôn thay đổi. Giống như thân thể, tâm thức không thể nào nắm bắt được. Không có một điểm nào của thân hoặc của tâm mà chúng ta có thể nắm bắt và nói là nó đây này, bởi vì cái chặp ý tưởng mà ta nghĩ là nắm bắt được, nó đã thay đổi mất rồi. Đây là những gì mà ta gọi là tánh không. Vì vậy, “ta, tự ngã” có thể chia chẽ thành các uẩn, nhưng các uẩn tự chúng không có tánh thường hằng, hiện hữu một cách thực sự (hằng hữu). 

Vậy thì, trước khi ta được sanh, cái mà ta gọi là “ta” đã không có mặt, không hiện hữu. Sau khi ta chết, cái mà ta gọi là “ta” sẽ chấm dứt có mặt, chấm dứt hiện hữu. Hơn nữa, khi chúng ta sống, cái mà chúng ta nghĩ là “ta” luôn luôn thay đổi, vậy thật sự nó chẳng có mặt, hiện hữu gì cả. Đó là sự bám víu, chấp trước vào cái khái niệm “ta” này mà đưa đến khá nhiều khổ sở. Nếu một người nào đó gây tổn hại ta, khi sự tổn hại qua đi, ta lại níu kéo lấy nó vì ta chấp chặt vào ý nghĩ sai lầm này về một cái “tự ngã” thực sự có mặt, hay hiện hữu. Ta lo lắng những tai hại chưa xảy đến cho ta với cùng một lý do như vậy. 

Trong kinh điển xưa của Phật Giáo Ấn Độ gọi là The Way of the Bodhisattva “Bồ tát Đạo”, Ngài Shantideva đã nêu ra điều này. Ngài nói, không có nghĩa lý gì mà bám víu vào cái đau đã qua bởi vì cái “ta” cảm nghiệm cái đau ấy đã qua đi mất rồi. Và cũng không có nghĩa lý để lo lắng về cái đau trong tương lai, vì cái “ta” sẽ cảm nghiệm nó vẫn chưa tới. 

Dĩ nhiên, có vài sự kế tục giữa con người lúc chúng ta mới năm tuổi, con người chúng ta bây giờ, và con người chúng ta sẽ thành trong mười năm tới. Vì thế, sự chỉ dạy này là của Ngài Shantideva, giúp chúng ta buông bỏ đi ý nghĩ về một cái ngã chắc thật mà chúng ta tin sâu vào nó. Chúng ta luôn luôn thay đổi -- chẳng bao giờ chúng ta giống hệt nhau từ giây phút này sang giây phút kế tiếp. 

Tuy nhiên, chúng ta không thể dùng việc này như là sự bào chữa cho sự làm hại người khác rồi bảo rằng người mà sẽ hãm hại họ chưa xuất hiện và sau đó thì người đã hãm hại họ không còn nữa. Thực ra chúng ta đã tạo nghiệp. Chúng ta mang tất cả các hạt giống thiện nghiệp và ác nghiệp của mình qua thân, ngữ và ý với chúng ta và chúng ta sẽ phải đau khổ với hậu quả hay hưởng thọ những phước báo đền. Bất kỳ hạt giống nào mà chúng ta trồng, thì chúng ta tất gặt những quả trái đó. 

Chúng ta cũng không thể nào dùng ý niệm rằng chúng ta không thật hiện hữu để biện hộ cho sự tự tử. Tự sát thì cũng giống như giết người khác. Nó mang nghiệp báo rất nặng nề. Ngoài ra, chúng ta không thể nào lẫn tránh nghiệp báo trong đời này. Bất kỳ nghiệp báo nào mà chúng ta không rữa sạch trong đời này thì chúng ta phải mang qua các đời tương lai. Nếu ai đó mà tự sát, họ chỉ mang thêm nghiệp vào thân. Cách duy nhất để thoát khỏi khổ đau là giác ngộ. 

Tất cả các hạt giống về nghiệp của chúng ta thực sự được mang vào một tầng khác của thức gọi là tàng thức. Theo Ngài Khenpo Jampa Dhonden, một học giả Tây Tạng mà Thầy Huệ Hải theo học ở Nepal, thì nó cũng giống như một máy điện toán với bộ phận ghi nhớ vô tận. Tầng tàng thức này không biết suy nghĩ, nó chỉ tích chứa các hạt giống nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu của chúng ta. Vì vậy, khi tới thời điểm vài nghiệp chín muồi, nó sanh khởi từ tầng tàng thức này. Thông thường chúng ta không nói về tầng tàng thức này trong bài nói về ngũ uẩn, tuy nhiên, rất quan trọng để biết thêm về nó ngõ hầu hiểu rõ cái cách mà nghiệp vận hành. 

Thiền quán 2: Tánh Không của Sắc Tướng - 10 phút. 

THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN 

Là sự giải thích tiến trình làm thế nào và tại sao chúng ta cứ tiếp tục trôi lăn trong vòng sanh, già, bệnh và chết. Nó giải thích là làm thế nào chúng ta tạo nghiệp, làm thế nào chúng ta đến đây, sống và mất đi. Theo giáo pháp này, không có cái gì và không có ai hiện hữu một cách độc lập với sự vật và sanh vật khác. Vì ông bà ta đã có cha mẹ ta, ta mới được sanh ra. Bởi vì có rất nhiều người là thành phần trong tiến trình trồng trọt và làm thực phẩm, thuốc uống v.v. ta mới có thể lớn lên và tiếp tục sống. 

Chúng ta nghĩ đây như là một cái vòng của những khâu xích riêng rẽ, nhưng thật ra không có khâu nào là bắt đầu hay khâu nào là kết thúc. Tuy nhiên, chúng ta thường bắt đầu bằng khâu Vô Minh. 

1. Vô Minh (Avidya) 
Avidya có nghĩa là thiếu sáng suốt hay thiếu hiểu biết. Đây là cái si mê trong Tứ Diệu Đế -- đời sống là tràn đầy sự bất mãn và khổ đau. Chúng ta có thể nghĩ là có hạnh phúc trong đời sống, nhưng nó không lâu dài. Sự thật là chúng ta cứ đeo đuổi theo những giây phút hạnh phúc tạm thời này, rồi cũng từ loại hạnh phúc này lại là nguyên nhân của khổ đau. 

Một trong những sự việc sau đây sẽ xảy ra. Chúng ta đã dùng hết cuộc đời mình để đeo đuổi những điều mà chúng ta cho là sẽ mang lại hạnh phúc cho ta rồi trở nên đau khổ vì ta chẳng bao giờ có được nó. Hay chúng ta có thể có những gì mà chúng ta mong cầu và khi biết được nó không thể nào làm cho ta hạnh phúc thì sau đó chúng ta lại khổ sở. Hay chúng ta được những gì mà chúng ta mong cầu và chúng ta cảm thấy hạnh phúc nhưng khi mất nó thì lại khổ sở vì sự mất mác đó. Hay chúng ta được những gì mà chúng ta mong muốn và nó làm cho chúng ta hạnh phúc trong một thời gian, nhưng khi niềm hạnh phúc ấy hao mòn, chúng ta lại phải đi tìm cái khác để mang lại cho ta hạnh phúc. 

Chúng ta thật giống như người nghiện ngập. Chúng ta cứ chích mũi kim vào cánh tay của mình mà nghĩ rằng lần này mọi đau đớn sẽ biến mất, nhưng nó chẳng là như vậy. Chỉ có điều khác biệt là giữa chúng ta và kẻ nghiệp ngập, là cái nghiện của chúng ta như là – tiền tài, danh vọng, hưởng thụ v.v. – thì xã hội dễ chấp nhận hơn. 

Si mê, vô minh cũng nói đến niềm tin của ta về một cái ngã thật sự, như chúng ta đã học qua phần Ngũ Uẩn, thì không có một cái ngã nào hiện hữu một cách thực sự. Nó là một ảo giác. Trong bản đồ sanh tử, si mê được mô tả qua hình ảnh một người mù. 

2. Hành (Sự Tạo Nghiệp – Samskara) 
>Vô minh móc nối với Hành (Tạo Nghiệp), mà có thể diễn dịch trong nhiều cách: Tác ý hành động, tạo tác hay khuynh hướng. Samskara là những sự thúc bách đưa đến hành động, và hành động tạo ra nghiệp. Nghiệp, thật ra có nghĩa là “hành động” và là hành động của thân, khẩu và ý. 

Trong bản đồ sanh tử, samskara thường được mô tả qua một người nắn tượng bằng đất sét. 

3. Thức (Vijnana) 
Vijnana thường được dịch là “thức” như chúng ta đã đề cập trong phần Ngũ Uẩn, Đức Phật dạy rằng, thức bắt đầu bằng một loại hay biết đơn thuần, hay khả năng. Dựa trên khả năng này, như Thầy nói trước đây, phát sanh ra sáu hình thức của thức khi một trong sáu căn thức đó gặp đối tượng của nó. Do vậy, khi nhĩ căn gặp một đối tượng có thể nghe, nhĩ thức phát sanh. 

Trong bản đồ sanh tử, con khỉ tượng trưng cho khâu này. Con khỉ chuyền từ cành này sang cành nọ. Chỉ thuần là bản năng. Tâm ý khỉ là si mê và dẫn chúng ta quay lưng lại với Phật Pháp. 

4. Danh và Sắc (Nama – Rupa) 
Nama-Rupa là Danh và Sắc, tâm và thân. Nó là sự kết hợp của ngũ uẩn để tạo sự hiện hữu cho một cá thể. Với danh và sắc cũng đưa tới cảm giác. Nếu không có sắc thì không có mắt, tai, mũi, v.v. 

Trong bản đồ sanh tử, đây được diễn tả qua người trong thuyền, lang thang trong cõi ta bà. Đây cũng được mô tả về nhiều nguyên nhân và điều kiện cần thiết cho danh và sắc: nước, thuyền, mái chèo, v.v. 

Danh và Sắc cùng với khâu kế tiếp, tạo duyên cho các khâu khác. 

5. Lục Nhập (Sáu Giác Quan – Shadayatana) 
Sáu giác quan, trong bản đồ sanh tử được mô tả như một căn nhà trống với sáu cửa. Mỗi giác quan (căn) đều vô nghĩa nếu như không có đối tượng tiếp xúc (trần). Con mắt sẽ vô nghĩa nếu như không có gì để thấy. Các giác quan cũng phải dựa vào toàn bộ thân thể để hoạt động. Cặp mắt mà không có thân thể thì không có thể trông thấy gì được. 

6. Xúc (Sparsha) 
Đây là sự tiếp xúc thật sự giữa giác quan và đối tượng của nó. Chỉ thuần tiếp xúc, mà không mang ý tưởng hay quan niệm nào về vật được tiếp xúc. Chúng ta có thể nghĩ nó như là dữ kiện giác quan thô sơ đưa đến não, trước khi chúng ta có ý thức gì về nó. Giác quan tiếp xúc và sự tiếp xúc đưa đến sự thể nghiệm của cảm giác (cảm nghiệm), đó là khâu kế tiếp. 

7. Thọ (Vedana) 
Khi chúng ta nhận ra những gì mà ta đã tiếp xúc. Thầy thấy đây cũng là khâu gọi là “gọi tên”. Vậy trong khâu trước chúng ta có nhĩ căn nhận vào âm thanh. Trong khâu này, chúng ta nói, “À đó là bài hát”. Chúng ta thường nghĩ rằng việc này xảy ra cùng một lúc, nhưng thật ra không phải vậy. Nó có thể xảy ra rất nhanh, nhưng đôi khi chúng ta cũng có cảm giác nghe hay ngửi cái gì mà không biết chúng là gì. 

Trong bản đồ sanh tử, điều này được mô tả bằng một người đàn ông với mũi tên ghim trong mắt để chỉ những giác quan bị găm bởi đối vật của chúng. 

8. Ái (Trishna) 
Vậy thì, sau khi chúng ta tiếp xúc với sự vật và cảm nghiệm về chúng, tham ái về chúng sẽ sanh ra. Thật vậy, đây cũng có thể là sự chán ghét, ngược với ham muốn. Khi chúng ta cảm nghiệm sự vật gì, thường thì chúng ta muốn hưởng thêm về nó hoặc lẫn tránh nó. 

Và vì vậy, chúng ta đã dùng trọn cuộc đời mình để đeo đuổi những cảm khoái và lẫn trốn những sự khó chịu và chịu đượng. Để làm việc này, chúng ta có thể nói láo, trộm cắp, hay làm điều gì phương hại đến kẻ khác để đạt được những gì mà ta mong cầu và việc này tạo nên ác nghiệp. Ít ra chúng ta đã củng cố thói quen đeo đuổi những hạnh phúc tạm thời và lẫn trốn những gì mà chúng ta không thích. Chúng ta chẳng bao giờ tìm được hạnh phúc thật sự và lâu dài qua cách này, và vì vậy, chúng ta lại phải trải qua những thất vọng và đau khổ. 

Sự tham ái này cũng bao gồm cả việc bám giữ thân xác và sợ mất đi cái “ta” sau khi chết. 

Trong bản đồ sanh tử, chúng ta thấy một người uống bia rượu với những chai không chung quanh ông ta, cho thấy ông ấy không bao giờ thỏa mãn.

9. Thủ (Upadana) 
Upadana là tâm chấp thủ và bám víu. Có bốn loại bám víu: bám víu vào sự vật đẹp, bám víu vào tà kiến (thí dụ như cho là nghiệp không có thực), bám víu vào ý tưởng của một cái thực “ngã” (ngã chấp), và bám víu vào ý tưởng không đạo đức mà đưa đến hạnh phúc (như nói láo, trộm cắp, v.v.). 

Trong bản đồ sanh tử, bám víu được mô tả như con khỉ vói níu cành cây lấy trái để hái những gì mà chúng đã từng nếm qua. 

10. Hữu (Bhava) 
Sự chấp thủ này từ khâu vừa rồi đưa đến một thân xác mới. Phần lớn sự chấp thủ mà chúng ta có, là chấp thủ vào thân xác. Nghiệp thức mà chúng ta tạo đưa đẩy chúng ta tìm sự tái sanh. Sự kiện này được mô tả trong bản đồ sanh tử như là người đàn bà thụ thai. 

11. Sanh (Jati) 
Rồi chúng ta được sanh và tiếp tục vòng khổ ải trong sanh, già, bệnh và chết. Việc này được diễn tả trong bản đồ sanh tử là người đàn bà đang sanh. 

12. Lão và Tử (Jara – Maranam) 
Rồi vòng chuỗi tiến đến già và chết, sự tan rã ngũ ấm. Trong bản đồ sanh tử, việc này được mô tả qua một người già cầm gậy và một xác chết. 

Nhằm chấm dứt vòng sanh, già, bệnh và chết, chúng ta cần phải phá bỏ vòng chuỗi mười hai nhân duyên ở một khâu nào đó. Một cách thực tiễn, chúng ta hầu như muốn phá bỏ vòng chuỗi giữa khâu Ái và Thủ. Khi chúng ta bám víu vào một sự vật nào (hay là oán ghét), chúng ta có thể áp dụng Phật Pháp và ghi nhớ rằng đeo đuổi hay trốn tránh sự vật không đưa đến sự an lạc thật sự và bền lâu. Chúng ta có thể thiền quán về ngũ uẩn và thật sự thâm nhập vào ý tưởng rằng thân xác và tâm thức là vô thường. Chúng ta càng loại bỏ cái nhìn sai lầm về một cái tự ngã thường hằng, thì chúng ta càng tiến gần đến sự giác ngộ giải thoát. 

Tuy nhiên, sự quán chiếu này cần kết hợp với lòng từ bi vĩ đại. Chúng ta cần phải luôn luôn quán tưởng là làm thế nào để sự giác ngộ của chúng ta sẽ giúp ích cho kẻ khác. Nếu như chúng ta chỉ mong giác ngộ cho riêng mình, thì chúng ta chẳng bao giờ gặp nó. Bám vào lòng mong cầu tận diệt sự đau khổ cho riêng mình, cho thấy đó là một cái tâm hẹp hòi. Nói một cách khác, chúng ta cho thấy rằng mình vẫn còn bám víu vào cái “tự ngã” của riêng mình, và chúng ta đã không chịu buông bỏ ý tưởng sai lầm là chúng ta thật sự hiện hữu. Khi chúng ta hiểu cái quan niệm này là sai lầm rồi, chúng ta không cần phải bảo vệ nhu cầu của chính mình mà quên đi nhu cầu của kẻ khác, vì không có cái “ngã” nào để mà bảo vệ. 

Dĩ nhiên, khi giải thích điều này, Thầy đã dùng từ ngữ như “chúng ta” hay “ta”, nhưng đó chỉ là ngôn ngữ mà chúng ta cần phải dùng. Cuối ngày, chúng ta không thể nói và nghĩ cách của chúng ta về giác ngộ. Ngôn ngữ mà chúng ta dùng chỉ để đạt đến mục đích mà thôi. Chúng ta cần phải thiền quán và trực nhận chân lý mà Đức Phật đã dạy. 

Thiền quán cuối: Quán Từ Bi - 10 phút.
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Tư 2011(Xem: 19188)
Một sự trình bày rõ ràng và trung thực về Phật giáo Tây Tạng, quyển sách này trình bày căn bản của Phật pháp theo một đường lối mà mọi người đều có thể hiểu được khi đọc và dễ dàng tu tập trong cuộc sống hàng ngày. Ðược soạn thảo riêng cho những người mới tìm hiểu vấn đề này lần đầu tiên, quyển sách này cũng còn cung cấp những kiến thức quý báu cho những đệ tử đã thông hiểu Phật giáo Tây Tạng.
25 Tháng Tư 2011(Xem: 1296487)
Tôi từng nghe, cửa chính yếu để nhập đạo thì sự phát tâm đứng đầu, việc khẩn cấp để tu hành thì sự lập nguyện đứng trước. Nguyện lập thì chúng sanh độ nổi, tâm phát thì Phật đạo thành được. Cái tâm quảng đại không phát, cái nguyện kiên cố chẳng lập, thì dẫu trải qua đời kiếp nhiều như cát bụi, cũng y nhiên vẫn ở trong phạm vi luân hồi. Tu hành dẫu có, cũng toàn là lao nhọc, khổ sở một cách vô ích. Do đó mà kinh Hoa nghiêm đã nói, quên mất tâm bồ đề mà tu hành các thiện pháp thì gọi là hành động theo ma vương. Quên mất còn thế, huống chi chưa phát. Nên muốn học Như lai thừa thì trước phải phát bồ đề nguyện, không thể chậm trễ.
25 Tháng Tư 2011(Xem: 33456)
Tâm từ có năng lực ban phát hạnh phúc tạm thời cho chúng ta trong đời này. Khi một việc làm nào có khả năng đem lại hạnh phúc cho ta, thì sự làm việc đó chỉ là một thái độ khôn ngoan. Bởi thế ta nên thực hành tâm từ đối với người khác. Dù cho lòng thương của ta có hòa lẫn với sự ràng buộc, thì nó vẫn còn có lợi ích. Dù có tôn giáo hay không tôn giáo, yêu thương vẫn là điều quan trọng.
25 Tháng Tư 2011(Xem: 17151)
Sự thực hành tâm thương xót là điều rất quan trọng và có lợi ích cho mọi người có tôn giáo hay không có tôn giáo. Dù chúng ta chưa có thể suy lường những lợi ích tối hậu tột cùng của việc thực hành tâm thương xót, ta cũng có thể thấy được nhiều lợi ích giai đoạn của lòng xót thương. Người mà không có lòng thương xót thì không phải là kẻ có thiện tâm. Một ngày kia, trong lúc Milarepa thiền giả vĩ đại của Tây tạng đang tĩnh tọa trong một hang động, ông nghe huyên náo bên ngoài và trông thấy một bầy dã thú tiến về phía động. Milarepa nghĩ có lẽ một kẻ thù ông đang xua bầy thú đến. Khi ấy môït con chó săn xuất hiện, ngồi ngoài hang cùng với những con dã thú.
25 Tháng Tư 2011(Xem: 15774)
Pháp môn niệm Phật, câu niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” họăc ngắn gọn hơn“A Di Đà Phật” đã hiện hữu với dân tộc Việt Nam hơn ngàn năm nay. Lúc tôi lên tám tuổi (1950), sống ở Hải Phòng, bà nội thường kể cho nghe Hội Chảy Chùa Hương lúc bà nội còn trẻ (thập niên 1920&1930). Lúc này đường đi còn khó khăn, đường lên Chùa núi dốc quanh co. Thế nhưng các cụ cứ chống gậy trúc mà miệng thì niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”.