CHƯƠNG 6 ĐẠI ĐẠO CỦA MÔN BẮN CUNG

15 Tháng Chín 202223:02(Xem: 457)

 THIỀN TRONG NGHỆ THUẬT BẮN CUNG

Dịch giả: Thích Viên Lý

 

CHƯƠNG 6
ĐẠI ĐẠO CỦA MÔN BẮN CUNG

 

        Càng ngày tôi thấy mình càng dễ dàng nhập vào nghi thức “Đại Đạo” của môn bắn cung, thi hành mà không cần cố gắng; nói một cách chính xác hơn, tôi cảm thấy mình được “dìu” đi qua, giống như trong một giấc mộng. Như vậy là những dự ngôn của Đại Sư đã được chứng thực. Tuy mhiên, tôi không thể tránh cho sự chú tâm khỏi bị sút giảm đúng vào lúc phải bắn mũi tên. Sự chờ đợi ở điểm cao nhất của sức căng không những mỏi mệt đến nỗi tay tôi phải buông lỏng bớt mà còn cực khổ đến nỗi tôi cứ bị lôi ra khỏi sự định tâm và hướng sự chú tâm của tôi vào việc buông mũi tên. Đại Sư la lên: “Không được nghĩ gì về cú bắn! Như thế là phải thất bại.” Tôi trả lời: “Tôi không có cách nào, sức căng của cung quá mạnh khiến tôi đau lắm”.

        Đại Sư giải thích: “Anh cảm thấy đau bởi vì anh không thực sự buông thả chính mình. Điều này rất đơn giản. Anh có thể theo gương chiếc lá tre tầm thường để thấy điều gì phải xảy ra. Khi tuyết rơi, chiếc lá càng lúc càng gục xuống thấp hơn, do sức nặng của tuyết. Hốt nhiên, tuyết trượt xuống đất, trong khi chiếc lá chẳng động đậy. Sau khi kéo đầy cánh cung anh hãy duy trì sức căng ở cao điểm cho đến khi mũi tên từ tay trượt ra. Sự thật là như thế này: Khi sức căng của cung lên tới mức độ định, mũi tên phải rơi ra, nó phải lìa khỏi tay xạ thủ giống như tuyết trượt từ chiếc lá tre, trước khi xạ thủ kịp nghĩ tới hành động của mình.”

        Bất kể mọi điều mà tôi có thể làm hoặc không làm, tôi vẫn không thể nào chờ tới lúc mũi tên “rơi ra”. Giống như trước đây, tôi không có cách nào khác hơn là phải cố ý bắn tên ra. Sự thất bại dai dẳng này càng khiến tôi thêm buồn hơn nữa, bởi vì tôi đã trải qua ba năm thụ huấn. Tôi phải thú nhận rằng tôi đã dành nhiều thời giờ để tự hỏi mình có đáng để uống phí thời gian như thế này hay không – sự uổng phí thời gian này dường như thể không liên hệ tới bất cứ điều gì mà tôi đã học và đã kinh nghiệm cho đến lúc này. Tôi nghĩ tới lời mỉa mai của một đồng hương nói rằng ở Nhật Bổn có nhiều môn quan trọng để học, ngoài cái môn nghệ thuật hạ tiện này. Anh ấy hỏi tôi sau khi học được môn công phu này thì tôi định dùng nó để làm gì? Lúc đó tôi chẳng bận tâm về câu hỏi này, nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy lời nói của anh ta không phải hoàn toàn phi lý.

        Đại Sư chắc hẳn cảm thấy ý nghĩ trong tâm trí tôi. Sau này ông Komachiya thuật với tôi rằng Đại Sư từng đọc thử một quyển khái luận về triết học Tây phương bằng tiếng Nhật để mong có thể dùng loại học vấn của chính tôi mà khai sáng cho tôi. Nhưng sau cùng ông gập cuốn sách lại với nét mặt bực bội và bảo rằng bây giờ ông đã rõ: Một người chuyên tâm vào loại triết lý nói trong cuốn sách thì đương nhiên phải thấy rằng nghệ thuật bắn cung thật là khó học.

        Vợ chồng tôi đi nghỉ hè ở vùng bờ biển, trong cảnh cô tịch, phong cảnh đẹp thanh khiết như trong mộng. Trong hành lý của chúng tôi, vật trọng yếu nhất là cung tên. Ngày này qua ngày khác tôi tập trung tâm lực để bắn tên. Việc này đã trở thành một định kiến trong đầu tôi, khiến cho tôi càng ngày càng quên lời cảnh giác của Đại Sư dạy rằng chúng tôi không nên luyện tập điều gì khác hơn là từ bỏ chấp ngã. Tôi suy xét tất cả những gì có thể là nguyên nhân gây ra thất bại và đi đến kết luận rằng lỗi lầm không thể do điều mà Đại Sư đã nghi ngờ: Theo Đại sư thì nguyên nhân là vì tôi vẫn còn cơ tâm và chưa thể vong ngã; nhưng theo tôi nghĩ thì nguyên nhân là bởi những ngón trên bàn tay phải của tôi bám quá chặt vào ngón tay cái. Thời gian chờ đợi buông tên càng lâu, tôi càng bám ngón tay chặt hơn mà không suy nghĩ gì cả. Tôi tự nhủ rằng tôi cần phải nhắm vào điểm này để sửa sai. Không lâu, tôi tìm được câu trả lời đơn giản mà hiển nhiên dễ thấy cho vấn đề này. Giá như sau khi giương cung, tôi cẩn thận giảm áp lực của các ngón dài lên ngón cái, thì sẽ tới lúc ngón cái – không còn bị giữ chặt - bật ra khỏi vị trí tựa hồ như một cách tự nhiên: Theo cách này, dây cung có thể buông ra nhanh như chớp và mũi tên cũng hiển nhiên giống như “tuyết từ lá tre trượt xuống.” Tôi cảm thấy phát hiện này rất đáng kể, nhất là so nó với kỹ thuật bắn súng trường có chỗ rất giống nhau. Vì khi bóp cò súng trường ngón tay trỏ chậm rãi cong lại và dần giảm bớt áp lực cho tới khi khắc phục sức đối kháng cuối cùng của của cò súng.

        Rất nhanh, tôi tin con đường mình đi là đúng. Hầu hết mỗi một mũi tên được bắn ra một cách êm thắm và bất ngờ, theo ý nghĩ của tôi. Đương nhiên tôi cũng không bỏ qua cái mặt trái của thắng lợi này: Sự cử động chính xác của bàn tay phải đòi hỏi tôi phải hoàn toàn chú ý. Nhưng tôi tự trấn an với kỳ vọng rằng lối giải quyết kỹ thuật này sẽ dần dần trở thành một thói quen tới độ nó sẽ không còn đòi hỏi tôi phải chú tâm tới nữa; và tôi cũng hy vọng đến một ngày nào đó nhờ kỹ thuật này tôi sẽ có thể bắn mũi tên một cách vong ngã và vô thức, khi sức căng của cung lên tới tột điểm, và trong trường hợp đó kỹ xảo cũng tự nó biến thành sức của tâm linh. Điều tin tưởng này của tôi cùng lúc càng kiên cố, tôi bác bỏ sự chống đối nổi dậy trong thâm tâm mình, không đếm xỉa tới những lời khuyên trái ý của vợ tôi, cảm thấy tự mãn rằng mình đã đạt được một bước tiến quan trọng.

        Sau kỳ nghỉ hè, khi trở lại lớp học mũi tên đầu tiên tôi bắn ra thành công sáng chói, theo tôi nghĩ. Hành động buông dây cung êm thắm và tự nhiên. Đại Sư nhìn tôi một lúc, như thể ông không tin ở cặp mắt mình, rồi ông ngập ngừng nói: “Xin hãy bắn thêm lần nữa!” Mũi tên thứ hai tôi bắn ra dường như còn tốt hơn cả mũi tên thứ nhất. Đại Sư không nói năng gì, bước tới lấy cây cung từ trong tay tôi, rồi ông ngồi lên một tấm nệm, xoay lưng về phía tôi. Tôi hiểu ý nghĩa của cử chỉ đó và đành rút lui.

        Ngày hôm sau, ông Komachiya báo cho tôi biết rằng Đại Sư từ chối tiếp tục huấn luyện tôi vì tôi đã dối gạt ông. Nhận xét như vậy của Đại Sư về hành vi của tôi khiến tôi hoảng hốt không thể tả. Tôi giải thích với ông Komachiya rằng tôi nghĩ ra phương pháp bắn tên này là vì muốn tránh cả đời dậm chân tại chỗ không tiến lên được. Sau khi ông Komachiya thuyết trình giùm tôi với Đại Sư, cuối cùng ông chuẩn bị nhượng bộ, nhưng với điều kiện là tôi phải tôn trọng lời hứa, vĩnh viễn không vi phạm tinh thần của “Đại Đạo” nữa, ông mới tiếp tục huấn luyện cho tôi.

        Nếu sự hổ thẹn trầm trọng không chữa nổi tôi thì cung cách của Đại Sư chắc chắn phải chữa được. Ông không nhắc tới một lời nào về chuyện đã qua, chỉ thản nhiên phát biểu: “Anh thấy điều gì xảy ra khi anh không thể chờ đợi một cách vô tâm tới lúc cây cung căng tột đỉnh. Thậm chí anh không thể học tập điều đó mà không tiếp tục tự hỏi: Ta có thể làm được điều này không? Hãy kiên nhẫn chờ, rồi sẽ thấy điều gì đến – và nó đến như thế nào.”

        Tôi nói với Đại Sư rằng tôi đến đây bốn năm, và thời gian lưu lại Nhật chỉ có hạn.

        Ông bảo tôi: “Con đường đi đến mục đích không thể đo lường được! Tuần lễ à, tháng, năm à, đâu có quan trọng gì?”

        Tôi hỏi: “Nhưng nếu nửa đường mà phải bỏ thì sao?”

        “Một khi anh trở thành thực sự vô ngã, anh có thể ngừng bất cứ lúc nào. Hãy tiếp tục luyện tập điều đó.”

        Thế là chúng tôi lại khởi sự gừ đầu, tựa hồ mọi điều mà tôi đã học cho tới lúc này trở thành vô dụng. Nhưng khả năng chờ đợi ở tột điểm của sức căng vẫn chẳng thành công gì hơn trước, tựa hồ tôi bị sa lầy.

        Một hôm, tôi hỏi Đại Sư: “Nếu tôi không buông mũi tên thì mũi tên làm sao bắn ra được?”

        Đại Sư trả lời: “Tự nó bắn ra.”

        “Tôi đã nghe Thầy nói như vậy vài lần rồi. Vậy để tôi đặt câu hỏi theo cách khác: Làm sao tôi có thể chờ một cách vong ngã để buông tên nếu ‘tôi’ không có mặt tại đó?”

        “Nó sẽ chờ đợi tại điểm sức căng cao nhất.”

        “Nhưng ‘Nó’ là ai hoặc là gì?’

        “Ngày nào anh hiểu cái sự lý đó, anh sẽ không cần đến tôi nữa. Nếu tôi cố gắng đưa ra cho anh thấy đầu sợi chỉ trong cuộn chỉ rồi, thay vì để cho anh tự thể nghiệm, thì tôi sẽ là ông thầy tồi tệ nhất và đáng bị khai trừ! Vì vậy, chúng ta không nên đàm luận về nó nữa. Hãy tiếp tục luyện tập đi!”

         Mấy tuần qua, một chút tiến bộ cũng không. Nhưng đồng thời tôi nhận ra rằng điều đó không khiến tôi bực mình tí nào. Phải chăng tôi đã chán tất cả những chuyện này?

        Tôi có thể học được môn nghệ thuật này hay không? Tôi thể nghiệm được điều mà Đại Sư gọi là “Nó” hay không? Tôi có thể tìm thấy con đường dẫn tới Thiền hay không? Tất cả những điều này đột nhiên biến thành không đáng kể va xa vời đến nỗi tôi chẳng còn bận tâm gì nữa.

        Đã mấy lần tôi quyết tâm thổ lộ cảm nghĩ này nói với Đại Sư, nhưng khi đứng trước mặt ông tôi cảm thấy mất can đảm; tôi tin rằng mình sẽ chỉ được nghe câu trả lời đơn giản: “Đừng hỏi! Luyện tập đi!” Vì thế tôi không hỏi nữa, và có lẽ tôi đã ngừng luyện tập nếu Đại Sư không nắm chặt tôi trong bàn tay ông một cách không thương xót. Tôi sống qua ngày, tận lực chu toàn công việc nghề nghiệp của mình, và cuối cùng không còn than vãn về chuyện tất cả những nỗ lực học bắn cung trong mấy năm qua đã trở thành vô nghĩa.

        Rồi, một hôm, sau khi tôi bắn mũi tên ra, Đại Sư cúi gập lưng xuống để chào và tạm ngưng bài học. “Vừa rồi ‘Nó’ bắn đó!” Đại Sư nói lớn, trong khi tôi sững sờ nhìn ông. Đến khi tôi hiểu ý ông, tôi sung sướng bật tiếng la lên.

        Đại Sư nghiêm nghị bảo tôi; “Những gì mà tôi nói chẳng phải là lời khen ngợi, chỉ là câu nói thẳng bình thường, không nên khiến anh cảm động như thế. Cũng chẳng phải tôi đã cúi đầu chào chính anh đâu, bởi vì cú bắn đó đối với bản thân anh hoàn toàn vô quan hệ. Lần này khi đạt đến sức căng cao điểm nhất, anh hoàn toàn vong ngã, hoàn toàn không có cơ tâm nào cả. Vì thế, mũi tên ấy rơi ra từ anh giống như một trái cây chín muồi rụng xuống. Bây giờ hãy tiếp tục luyện tập như hoàn toàn không có điều gì xảy ra cả.”

        Chỉ sau khi trải qua thời gian tương đối dài, tôi mới thỉnh thoảng bắn đúng cách, và mỗi lần như vậy Đại Sư lại gập mình cúi chào để xác nhận. Làm cách nào mà các mũi tên tự bay ra khi tôi chẳng làm gì cả, tại sao bàn tay phải nắm chặt của tôi bỗng nhiên mở vung mạnh ra sau, lúc ấy tôi không giải thích nổi, và cho đến bây giờ cũng vẫn không thể giải thích. Sự thật là nó đã xảy ra, và chỉ có điều này là quan trọng. Nhưng ít nhất tôi đã đạt tới điểm có thể tự mình phân biệt những phát bắn đúng cách và những phát bắn sai. Sự khác nhau về phẩm chất lớn đến độ xạ thủ nhận ra ngay, sau khi đã trải qua kinh nghiệm. 

        Đối với người quan sát, nhìn từ bên ngoài, phát bắn đúng cách được nhận ra khi thấy như có sức vô hình nâng đỡ bàn tay phải khi nó vung mạnh về phía sau, giúp cho toàn thân xạ thủ không bị chấn động.

        Còn nữa, sau khi bắn không đúng phép, hơi thở đang nín sẽ bật ra, và khó có thể nhanh chóng hít vào phổi hơi thở kế tiếp. Trái lại, sau khi bắn đúng phép, hơi thở ra không phí sức chút nào, thở hết ra rồi, lúc hít hơi vào và cũng rất ung dung hòa hoãn, tim đập đều đặn và yên tịnh; và vì sự chú tâm của xạ thủ không bị quấy nhiễu, nên họ có thể lập tức bắn mũi tên kế tiếp. Về phương diện nội tâm, bắn đúng phép có thể khiến cho xạ thủ cảm thấy như vừa khởi đầu một ngày mới. Hắn cảm thấy mình ở trong tâm cảnh có thể làm đúng mọi chuyện. Trạng thái này thật là thú vị. Nhưng, Đại Sư chỉ khẽ mỉm cười và nói rằng người có tâm cảnh này thường thản nhiên như thể họ không có nó. Chỉ có cái tâm bình thản liên tục mới có thể dung nạp loại tâm cảnh này để nó dám xuất hiện trở lại trong lòng họ.

        Một hôm, Đại Sư loan báo rằng chúng tôi sắp học thêm những luyện tập mới. Tôi nói với ông: “Dạ, ít ra chúng tôi đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất.” Đại Sư dẫn một câu ngạn ngữ đáp lại: “Kẻ nào phải đi bộ một trăm dặm, hắn phải đi hết chín mươi dặm mới có thể tính là đi được một nửa đường. Luyện tập mới của chúng ta là hướng vào tấm bia mà bắn.”

        Trước kia, bia và đồ cản tên là một bó rơm đặt trên cái kệ bằng gỗ, chỉ cách xạ thủ bằng hai cây tên nối đuôi với nhau. Còn tấm bia bây giờ cách xa khoảng 60 bộ (18 mét), đặt trên một ụ cát cao phía trước ba bức tường, được che bằng mái ngói uốn cong rất đẹp, giống như hành lang mà cung thủ đứng bắn. Hai hành lang này dùng vách ván cao nối lại để ngăn cách với cảnh vật bên ngoài – khoảng không gian bên trong là nơi xảy ra những điều kỳ quái như tôi đã thuật.

        Đại Sư biểu diễn cho chúng tôi xem cách bắn bia: Hai mũi tên đều cắm vào trung tâm của bia. Rồi ông căn dặn chúng tôi cử hành nghi thức giống như trước, chớ để tấm bia hù sợ, phải chờ đợi ở tột điểm của sức căng cho tới khi tên tự nhiên rời khỏi tay bay đi. Những mũi tên tre mảnh mai của tôi bay đúng phương hướng, nhưng không trúng cả ụ cát chứ đừng nói gì tới tấm bia. Chúng đều cắm xuống đất trước mặt cây bia.

        Đại Sư nhận xét: “Tên của anh không đủ lực lượng, bởi vì tâm lực của anh không đủ, cho nên bắn không xa. Anh phải hành động tựa hồ như mục tiêu nằm ở nơi vô tận. Các cung thủ bậc thầy đều có kinh nghiệm rằng một cung thủ tài giỏi có thể dùng một cây cung mạnh bậc trung để bắn xa hơn một cung thủ khác dùng cây cung mạnh nhất mà thiếu tâm lực. Điều này không tùy thuộc vào cây cung mà tùy thuộc vào tâm của xạ thủ, vào sức sống và sự tỉnh thức của anh khi bắn. Để phát tiết tất cả sức mạnh của sự tỉnh thức tâm linh này anh phải cử hành nghi thức theo cách khác: phải giống như một nghệ nhân đang múa một vũ khúc. Nếu anh theo đó mà làm thì tất cả động tác của anh đều phát xuất từ “trung tâm” – từ nguồn gốc của hơi thở chính xác. Thay vì làm những động tác của nghi thức giống như là anh đang sáng tạo vũ khúc do cảm hứng đương thời, để khiến cho vũ khúc và vũ nhân hợp nhất thành một. Khi cử hành nghi thức giống như một điệu múa tôn giáo thì sự tỉnh thức tâm linh sẽ phát huy trọn vẹn sức lực của nó.”

        Tôi không biết mình đã tiến xa tới đâu trong cách “múa” nghi thức để phát động nó từ trung tâm. Tên của tôi đã có thể bắn được xa nhưng vẫn chưa bắn trúng tấm bia. Điều này thúc đẩy tôi hỏi Đại Sư tại sao ông chưa bao giờ giảng dạy cho chúng tôi cách nhắm bắn mục tiêu. Tôi cho rằng phải có sự liên hệ nào đó giữa tấm bia và đầu mũi tên, và do đó phải có một phương pháp cố hữu để nhắm bắn trúng đích.

        Đại sư trả lời: “Đương nhiên là có, và tự anh có thể tìm được cách nhắm đúng. Nhưng, dù anh bắn lần nào cũng trúng đích chăng nữa, chẳng qua anh chỉ là một xạ thủ thích khoe khoang đặc kỹ mà thôi. Đối với một xạ thủ chuyên nghiệp chỉ thích đếm những phát bắn trúng đích của hắn, tấm bia chỉ là một tờ giấy khốn khổ để cho hắn bắn nát mà thôi. ‘Đại Đạo’ coi chuyện đó không khác gì trò quỉ thuật. ‘Đại Đạo’ không biết gì về cái tấm bia cắm ở một khoảng cách cố định từ xạ thủ. ‘Đại Đạo’ không chỉ biết có mục đích – là cái không thể nhắm vào bằng kỹ thuật – và nếu ‘Đại Đạo’ cần đặt tên cho nó thì phải gọi mục đích này là Phật.” Sau khi thốt những lời này – ông nói ra như thể đây là những điều hiển nhiên – Đại Sư bảo chúng tôi hãy quan sát cặp mắt ông thật kỹ trong khi ông bắn. Giống như khi cử hành nghi thức, cặp mắt ông hầu như hoàn toàn khép lại, và chúng tôi thấy ông chẳng có vẻ gì là nhắm bắn.

        Chúng tôi theo lời ông thực hành cách bắn mà không cần nhắm. Lúc đầu, tôi hoàn toàn lãnh đạm không cần biết mũi tên bay tới đâu. Cho dù đôi khi trúng bia, tôi cũng không cảm thấy phấn chấn, vì tôi thấy rằng đó chỉ là những lần may mắn. Nhưng về sau, lối buông tên bừa bãi làm cho tôi không chịu được. Bệnh âu sầu cũ của tôi lại tái phát. Đại Sư giả vờ như không chú ý đến sự bất ổn của tôi, mãi đến một hôm tôi thưa vói ông tôi đã hết kiên nhẫn nổi.

        Đại Sư an ủi tôi: “Việc gì mà phải âu sầu! Hãy gạt bỏ cái ý nghĩ bắn trúng mục tiêu ra khỏi tâm trí anh! Anh có thể trở thành một Đại sư mà không cần phải bắn trúng phát nào. Bắn trúng bia chỉ là bằng chứng ngoại tại, xác nhận anh đã đến mức cao nhất của vô cơ tâm, chứng minh anh vô ngã, đã phế bỏ ngã, hoặc bất cứ anh gọi cảnh giới ấy là gì. Có nhiều đẳng cấp của sự lão luyện, và chỉ khi nào anh đã đạt tới đẳng cấp cuối cùng thì mới có thể biết chắc rằng anh không trật mục đích.”

        Tôi trả lời: “Đó là điều tôi không thể nào hấp thụ vào đầu óc... Tôi có thể hiểu ý Thầy cần phải bắn trúng cái mục tiêu đích thực trong nội tâm. Nhưng làm sao bắn trúng được cái mục tiêu ngoại tại – tờ giấy hình tròn – mà xạ thủ không cần phải nhắm khi bắn, và những phát bắn trúng chỉ là những xác nhận ngoại tại của những biến chuyển trong nội tâm – tôi không thể nào hiểu nổi sự tương quan này.”

        Đại Sư nghĩ một lát rồi nói: “Nếu anh tưởng tượng rằng thậm chí một sự hiểu biết sơ sài về những tương quan bí ẩn này cũng có ích cho anh thì đó chỉ là ảo tưởng. Đây kà những điều mà lý trí không thể hiểu được. Đừng quên rằng trong Thiên Nhiên có những tương quan không thể thiếu được, nhưng chúng xác thực đến nỗi chúng ta đã trở thành quá quen thuộc, tựa hồ như chúng không thể xảy ra cách nào khác. Tôi nêu cho anh thấy một thí dụ mà tôi thường thắc mắc không hiểu nổi. Con nhện nhảy múa để đan dệt cái lưới mà không biết rằng sẽ có những con ruồi sa vào lưới. Con ruồi, nhảy múa một cách vô tư trong tia nắng, bị vướng vào lưới nhện mà chẳng biết điều gì sắp xảy ra. Nhưng qua cả con nhện lẫn con ruồi, ‘Nó’ múa, và nội tại và ngoại tại hợp nhất với nhau trong vũ khúc này. Vì thế, cung thủ bắn trúng bia mà không cần nhắm – tôi không thể nói gì thêm nữa.”

        Tôi suy nghĩ nhiều về sự so sánh này – tuy rằng tôi vô phương nghĩ ra một kết luận vừa ý – nhưng có điều gì đó trong tôi vẫn từ chối sự thoa dịu và không để cho tôi tiếp tục luyện tập một cách vô ưu. Qua được mấy tuần, trong lòng tôi bắt đầu hình thành một sự chống đối rõ ràng hơn. Vì thế tôi lại hỏi Đại Sư: “Ít nhất có thể giải thích như thế này: Sau nhiều năm luyện tập Thầy nâng cung tên lên với lòng tin tưởng của một người mộng du; vì vậy, tuy không nhắm một cách có ý thức khi giương cung, Thầy phải bắn trúng tấm bia – không thể bắn trật được?”

        Đã quá quen với những câu hỏi lạt lẽo của tôi, Đại Sư lắc đầu. Sau một lúc yên lặng ngắn ngủi, ông nói: “Lời của anh có lẽ cũng không phải không hữu lý. Tôi đứng đối diện tấm bia ở vị thế ắt phải trông thấy nó, cho dù tôi không cố ý nhìn về hướng đó. Mặt khác, tôi cũng biết rằng sự trông thấy đó chưa đủ, nó không thể quyết định gì cả, nó cũng không thể giải thích gì cả. Bởi vì tôi thấy tấm bia tựa hồ như tôi không thấy nó.”

        Tôi buột miệng thốt: “Vậy thì nếu Thầy bịt mắt lại cũng có thể bắn trúng nó.”

        Đại Sư quay nhìn tôi với tia mắt khiến tôi sợ rằng mình đã xúc phạm ông. Rồi ông nói: “Tối nay hãy đến gặp tôi.”

        Tối hôm đó tôi ngồi trên tấm nệm trước mặt Thầy. Ông trao tôi một tách trà, không thốt một lời. Cứ như thế, chúng tôi ngồi đối diện khá lâu. Trong phòng yên tịnh không tiếng động, chỉ nghe tiếng nước sôi từ chiếc ấm trên lò lửa. Sau cùng Đại Sư đứng lên và ra dấu bảo tôi đi theo. Trong phòng tập bắn thắp đèn sáng trưng. Đại Sư bảo tôi mang cây đèn sáp nhỏ dài như cây kim đan cắm trong cát trước cây bia, nhưng đừng bật đèn trong khu vực dựng bia. Trời tối đến nỗi tôi không trông thấy hình dạng của cái bục cắm bia. Nếu không có ngọn lửa nhỏ xíu của cây nến ở đó thì có lẽ tôi cũng có thể đoán được vị trí của tấm bia, tuy rằng tôi không thể xác định được vị trí chính xác của nó. Đại Sư “múa’ xong nghi thức. Mũi tên thứ nhất từ xạ lang đèn sáng chói mắt bay sang hướng trời tối mù. Qua tiếng động tôi biết rằng ông đã bắn trúng tấm bia. Tiếp đến mũi tên thứ hai cũng bắn trúng luôn. Khi tôi đến chỗ cắm bia mở đèn, tôi rất nỗi kinh ngạc: Mũi tên thứ nhất trúng giữa hồng tâm không xê xích tí nào, còn mũi tên thứ hai sau khi xạ thấu đứt đuôi tên của mũi thứ nhất, còn xuyên qua thâm mũi tên thứ hai, cắm bên cạnh nó. Tôi không dám phân biệt nhổ hai mũi tên này, khiêng trọn cả tên và tấm bia trở về. Đại Sư nghiêm nghị thẩm xét qua, cuối cùng ông bảo: “Chắc hẳn anh nghĩ rằng mũi tên thứ nhất chẳng phải là kỳ công, vì sau nhiều năm luyện tập tôi tôi đã qúa quen thuộc với tấm bia, nên dù ban đêm tối miṭ cũng có thể biết là bia ở đâu. Có lẽ đúng đấy, và tôi không muốn giả vờ là không phải như vậy. Thế nhưng mũi tên thứ hai bắn trúng mũi tên thứ nhất thì anh suy xét như thế nào? Dù sao, tôi biết rằng không phải cái ‘Tôi’ có công bắn trúng. Chính ‘Nó’ bắn đấy, và cũng chính ‘Nó’ bắn trúng đấy. Chúng ta hãy cúi lạy mục tiêu giống như cúi lạy Đức Phật!”

        Hai mũi tên của đại sư hiển nhiên cũng bắn trúng tôi: Chỉ một buổi tối tôi đã biến đổi. Tôi không còn bận tâm lo nghĩ về những mũi tên của mình, không thắc mắc điều gì xảy ra cho chúng. Đại Sư càng làm vững mạnh thêm thái độ này của tôi khi ông chẳng hề nhìn vào tấm bia mà chỉ cần nhìn xạ thủ, tựa hồ như đó là cách thích hợp nhất để ông biết đến kết quả của mũi tên bắn ra. Khi tôi hỏi ông có phải như vậy không, ông thản nhiên thừa nhận đích thực là thế, và tôi có thể thấy rõ rằng sự phán đoán chính xác của ông trên phương diện này không kém gì sự chính xác của những mũi tên ông bắn ra. Như vậy là ông lấy công phu định tâm thâm hậu để truyền cái tinh thần nghệ thuật của ông cho môn sinh. Tôi không ngại xác nhận từ kinh nghiệm bản thân – mà tôi từng hoài nghi trong một thời gian dài – rằng cái gọi là “truyền tâm trực tiếp” không phải chỉ là cách nói bóng bẩy mà là một sự thực hiển nhiên. Lúc ấy Đại Sư còn dùng một phương thức truyền tâm khác để trợ giúp chúng tôi. Ông gọi loại phương thức này là “tức khắc truyền tâm.” Nếu tôi liên tiếp nhiều lần bắn không tốt, Đại Sư liền dùng cung của tôi để tự mình bắn vài lần. Sự cải tiến của cây cung thật đáng kinh ngạc: Tựa hồ như cây cung kia đã cải biến, nó cam lòng tình nguyện để tôi kéo cung ra, dường như càng hiểu tôi. Điều này chẳng phải chỉ xảy ra cho riêng tôi. Ngay cả những môn sinh lớn tuổi nhất và nhiều kinh nghiệm nhất, những người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, coi điều này như là một sự thật đã được công nhận từ lâu, và họ ngạc nhiên khi thấy tôi nêu ra những câu hỏi như một người còn bán tín bán nghi. 

        Tương tự như vậy, các bậc sư kiếm thuật đều tin rằng mỗi thanh kiếm đều mang dấu ấn tâm linh của chuyên gia đúc kiếm; những người này làm việc rất tận tụy và thận trọng, cho nên khi đúc kiếm họ phải mặc lễ phục. Các kiếm thuật gia này có kinh nghiệm phong phú, tài nghệ điêu luyện, cho nên nhận ra những phản ứng của một thanh kiếm trong tay họ.

        Một hôm, mũi tên của tôi vừa buông ra, Đại Sư la lên: “Nó đó! Hãy hướng về tấm bia cúi lạy đi!” Sau đó, khi tôi liếc mắt về hướng tấm bia – đây là điều không nên làm, nhưng tôi không cầm lòng nổi – tôi trông thấy mũi tên kia chỉ cọ vào cạnh tấm bia mà thôi.

        Đại Sư khẳng định nói: “Mũi tên ấy bắn trúng rồi. Bắt đầu khá rồi đó. Nhưng hôm nay như vậy là đã đủ, nếu không mũi tên sau anh sẽ dụng tâm nhiều hơn và làm hỏng sự khởi đầu tốt đẹp.”

        Đôi khi có vài mũi tên hầu như liên tiếp bắn trúng bia, đương nhiên còn có bao nhiêu mũi bắn trật. Nhưng nếu trên nét mặt tôi lộ ra một chút thần sắc đắc ý thì Đại Sư nhìn tôi với nét mặt nghiêm nghị và bảo: “Anh đang nghĩ gì đó? Anh đã biết rằng không nên ưu phiền khi bắn sai. Bây giờ anh phải luyện tâm để không vui mừng khi bắn đúng. Anh đừng để cho mình bị ràng buộc vào những ảnh hưởng của sung sướng và đau đớn, hãy luyện tâm để vượt lên trên những thứ đó và trở thành bình thản, hãy vui như là chẳng phải chính anh mà là một người nào khác đã bắn giỏi. Điều này anh cũng cần phải luyện tập không ngừng – anh không thể biết nó quan trọng tới mức nào.”

        Suốt mấy tuần nay, mấy tháng nay, tôi đã trải qua một thời kỳ giáo dục gian khổ nhất trong đời tôi, và tuy rằng kỷ luật huấn luyện không phải luôn luôn dễ tiếp nhận đối với tôi, nhưng tôi dần dần thấy được rằng mình chịu ơn việc huấn luyện này rất nhiều. Nó đã tiêu hủy hết những dấu vết của sự chấp ngã và những thăng trầm trong tâm tánh tôi.

        Một hôm, sau khi tôi bắn ra mũi tên đặc biệt tốt, Đại Sư hỏi tôi: “Nay anh có hiểu khi tôi nói ‘Nó bắn,’ ‘Nó bắn trúng’ rồi không?”

        Tôi trả lời: “Tôi e rằng tôi chẳng hiểu thêm gì hơn. Ngay cả những điều đơn giản nhất cũng khiến tôi khó hiểu. Có phải ‘Tôi’ giương cung, hay là cây cung giương tôi tới trạng thái căng thẳng tột độ? Có phải ‘Tôi’ bắn trúng mục tiêu, hay là mục tiêu bắn trúng tôi? Cái “Nó” này có tính cách tâm linh khi chúng ta nhìn bằng cặp mắt thịt, và có tính cách xác thịt khi chúng ta nhìn bằng cặp mắt tâm linh – hay là cả hai đều đúng, hay là cả hai đều không đúng? Cung, tên, mục tiêu, cái ngã, tất cả đều hòa tan vào nhau, cho nên tôi không thể tách riêng chúng ra được nữa. Và thậm chí sự tách rời cũng không còn cần thiết nữa. Vì ngay khi tôi cầm cây cung để bắn, mọi đều trở thành rõ ràng, hiển nhiên, và đơn giản một cách nực cười...”

        Đại Sư ngắt lời tôi: “Bây giờ, cuối cùng dây cung đã cắt xuyên qua anh rồi đó.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Sáu 202310:51(Xem: 2029)
Phật pháp tại thế gian thời kỳ mạt pháp xuất hiện nhiều dị giáo làm cho hành giả sơ tâm tu tập dễ vướng các chướng do không biện được chánh, tà. Bởi thiếu phân định nên dễ đi vào con đường thành kiến sai lầm khiến một đời nỗ lực tu tập nhưng cứ mãi lẫn quẩn trong vòng luân chuyển của khổ đau, sanh tử. Với xuất phát điểm nơi tâm hướng đến con đường giải thoát, hành giả tu tập cần nương nhờ vào đoàn thể Tăng già - là những người thừa tự pháp của Phật, chọn đúng đường hướng hầu mong thoát khỏi cái khổ trần thế, thoát khỏi sự thiêu đốt của nhà lửa đang bốc cháy hừng hực nơi Ta Bà uế trược.
12 Tháng Sáu 202316:26(Xem: 1717)
Đức Phật đã từng dạy, trong mỗi chúng sanh đều có Phật tính và đều là những vị lai Phật. Hy vọng rằng mùa Phật đản về cũng là lúc chúng ta trở về với Phật tính, lắng nghe Pháp âm trong chính mình, để mỗi thời khắc đều là Phật thị hiện và, mỗi tấc đất trong cõi Ta Bà này đều là y báo trang nghiêm của chư Phật Thế Tôn. Có như vậy chúng ta mới thật sự đón mừng một mùa Phật Đản với tất cả tâm thành và ý nghĩa.
13 Tháng Ba 202315:04(Xem: 1858)
Đạo Phật chủ trương lấy con người làm trung tâm điểm để cải hóa và xây dựng xã hội. Con người tốt, xã hội tốt và ngược lại. Giáo dục con người để trở thành một tài bảo của thế giới nhân loại là bước căn bản và hết sức quan yếu mà Phật giáo gọi là Nhân Thừa trong Ngũ Thừa giáo. Con người là tài nguyên lớn vô giá như Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Nhân thị tối thắng - Con người là trên hết”; ... Truyền thống giáo dục của Phật giáo là truyền thống giáo dục toàn diện. Đức Phật được tôn xưng như là một nhà giáo dục vĩ đại và thánh thiện, là bậc đạo sư tiêu biểu, mẫu mực (bậc Điều Ngự, đấng phước trí vẹn toàn), đức Phật chủ trương giáo dục con người giải thoát mọi kiến thủ đ
27 Tháng Chín 202222:32(Xem: 82765)
Lúc đầu, kinh điển Phật giáo gồm hai bộ chính là “kinh” (sutra) và “luật” (vinaya): “Kinh” ghi lại giáo lý của Đức Phật, “Luật” là những giới luật mà Đức Phật đã chế định cho hàng tăng nhân tu hành tại các tự viện. Về sau này có thêm những lời chú giải về kinh và luật đó, và được gọi chung là “luận” (abhidharma), kết quả là có ba bộ sách gồm kinh, luật, và luận, tức là “Tam Tạng” (Tripitaka). Dần dần xuất hiện những dị biệt trong những lời giải thích về giáo lý của Đức Phật và giới luật của tự viện; và, điều đó gây ra sự phân rẽ trong cộng đồng Phật giáo, đưa tới sự phân chia thành hai bộ phái chính yếu đó là Thượng Tọa Bộ (Therevada) có tinh thần bảo thủ và Đại Chúng Bộ (mahasamghika) có tinh thần cấp tiến. Mỗi bộ phái có một bộ kinh điển riêng, được coi là chính thức bao gồm những quan điểm của mỗi phái.
22 Tháng Chín 202215:38(Xem: 2591)
thiền Tứ Niệm Xứ là con đường duy nhất để chấm dứt hoàn toàn khổ đau. Pháp môn này giúp hành giả có thể khiến tâm an trú trong chánh niệm, tỉnh giác, xả ly tham ái, đạt tâm vô ngã, không thủ chấp, giải thoát toàn bộ lậu hoặc có đầy đủ từ bi và trí tuệ và, từ bi và trí tuệ chính là động lực khiến hành giả đồng cảm với những nỗi khổ của tha nhân. Trên căn bản của đại bi tâm hành giả sẽ không ngừng vận dụng mọi thiện phương tiện để cứu độ chúng sinh giải thoát vòng luân hối sanh tử. Do đó, hãy tinh tấn thực hành thiền Tứ Niệm Xứ để giải thoát khổ đau cho mình và muôn loài...
21 Tháng Chín 202200:00(Xem: 32254)
Tinh yếu của đạo lý Tánh Không của Bồ Tát Long Thọ xưa nay vốn là thểtài sâu rộng mà biết bao luận sư, giảng sư, học giả, trí thức đã dày côngnghiên cứu và lưu bố. Nhưng, không phải vì thế mà không còn gì để truy tầmhay ham học. Ngược laị, càng có nhiều người diễn giải càng có thêm nhiềuchiếu kiến mới lạ rất giá trị để suy nghiệm. Nay Thượng Tọa Thích Viên Lý, một tác giả và dịch giả của hàng chục pho sách rất giá trị, phát tâm dịch sang tiếng Việt để giúp cho người học Phật, nhất là những ai quan tâm đến giáo nghĩa Không Tánh của Bồ Tát Long Thọ. Mặc dù, đây là một tác phẩm chứa đầy những phương pháp lý luận tinh vi, những thuật ngữ triết luận lý học, và Tánh Không học chuyên biệt, dịch giả bằng phong cách đặc dị và bút pháp trong sáng đã giúp cho người đọc cảm thấy nhẹ nhàng và dễ nắm bắt hơn.
15 Tháng Chín 202221:02(Xem: 1753)
Thiền Trong Nghệ Thuật Bắn Cung là tác phẩm mà Eugen Herrigel đã trình bày một cách tinh yếu nghệ thuật bắn cung ở Nhật và qua đó để lộ sắc diện và phong thái ưu việt của thiền đối với các môn nghệ thuật nói riêng và đối với nghệ thuật sống cho con người nói chung. Tác phẩm này nay được Thượng Tọa Thích Viên Lý dịch sang tiếng Việt với lời văn trong sáng, từ ngữ chuẩn xác đã chuyển hiện được tất cả tinh hoa của nguyên tác sang dic̣h bản. Thượng Tọa Thích Viên Lý là một nhà lãnh đạo trẻ của Phật giáo Việt Nam, một nhà văn hóa đã đóng góp xứng đáng cho gia tài văn hóa dân tộc và Phật giáo qua nhiều công trình sáng tác và dịch thuật giá trị. Chính bối cảnh này làm tăng thêm phẩm chất quý giá của bản dịch Việt văn.
15 Tháng Chín 202201:20(Xem: 3494)
Bản dịch của Thượng Tọa Thích Viên Lý được xuất hiện đúng lúc; trong những hoàn cảnh khó khăn nhất và thường xuyên bận rộn suốt ngày đêm qua bao nhiêu công việc Phật sự phức tạp nan giải, thế mà Thượng Tọa Thích Viên Lý cũng đã nỗ lực thể hiện đức Tinh Tấn Ba La Mật hy hữu và đã dịch trọn vẹn một tác phẩm có tiếng là khó hiểu nhất trong những tác phẩm khó hiểu nhất của nhân loại. Không phải chỉ giỏi chữ Hán là có thể dịch nổi Trung Luận của Long Thọ, cũng không phải chỉ giỏi Phật học là dịch được Trung Luận. Biết bao nhiêu vị học giả uyên bác về Hán học và Phật học phải đành cảm thấy bất lực khi muốn dịch Trung Luận ra chữ Việt. Thế mà Thượng Tọa Thích Viên Lý đã làm được điều ít ai làm được; bản dịch của Thượng Tọa chẳng những là bản dịch
14 Tháng Sáu 202210:27(Xem: 4900)
Nhằm góp phần vào việc hoằng dương chánh pháp trong thời đại mới, thời đại mà hầu như tất cả mọi việc làm và ý nghĩ đều hướng đến thực dụng. Để giúp cho mọi người dễ dàng tiếp xúc với kho tàng giáo lý của Đức Phật, giúp cho mọi người dễ dàng hơn trong việc nghiên cứu tìm hiểu lời Phật dạy trên cơ sở chánh tín.
01 Tháng Sáu 202222:56(Xem: 5672)
Lịch sử Phật Giáo là một dòng chảy xuyên suốt mà mối liên hệ gắn bó của nó không chỉ là những thời khắc ngắn ngủi nhưng lại là một nối kết mật thiết được khởi đi từ nhiều kiếp quá khứ.