15-03-2011 | Giáo sư Phạm Công Thiện, Một Con Người Rất Người - Thích Viên Lý

15 Tháng Ba 201100:00(Xem: 10749)

Giáo sư Phạm Công Thiện, Một Con Người Rất Người Thích Viên Lý


Tôi đã sống với một con người với tất cả ý nghĩa của Người trong một thời gian tương đối dài giữa một giai kỳ buồn vui pha trộn. Có thể nói Gs Phạm Công Thiện là người có một cách sống giản dị, không kiểu cách, cầu kỳ, ngược lại rất khiêm cung và nhẫn nại, nhẫn nại ngay cả trong hoàn cảnh rất khó nhẫn.

Với mái tóc bạc phơ bồng bềnh như chồm mây bạc, lúc nào Gs Thiện cũng tươi cười định tỉnh và ung dung trên những bước chân chậm rãi, đĩnh đạc, biểu lộ rõ phong thái tự tin và lòng khoang dung độ lượng của một tâm hồn đã siêu việt lên mọi hơn thua đầy tục lụy. Đời sống của Giáo sư Thiện là một bài học lớn mà qua đó tùy theo cách nhìn, mỗi người có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm thực tiễn, giá trị.

Từ năm 1983 đến 1987, khi chung sống tại Chùa Việt Nam ở thành phố mà Gs Phạm Công Thiện gọi là Thành phố "Thiên Thần" 1 giữa Gs Thiện và cá nhân tôi có nhiều kỷ niệm. Giáo sư làm Chủ bút, chúng tôi làm Tổng Thư ký của Tạp chí Phật Giáo Việt Nam, lúc ấy cố Chủ nhiệm là HT Thích Thiên Ân và Chủ nhiệm là HT Thích Mãn Giác. Trong giai đoạn này, máy Computer chưa có bộ phận chữ Việt, vì thế mỗi lần layout, tất cả đều thực hiện bằng tay và, cái khó khăn nhất là phải cặm cụi bỏ từng cái dấu, càng khó hơn cho Gs Thiện vì Giáo sư bị cận thị ở một độ cao. Giáo sư Thiện đề nghị nên tìm mua một máy đánh chữ kiểu trước năm 1975 tại VN, tôi đưa Gs Thiện đến một số tiệm bán máy đánh chữ nhưng chúng tôi đã không tìm thấy, trên đường về, Giáo sư Thiện nói đùa, " Ở Mỹ coi vậy mà cũng không có những cái cần có". Thuở ấy, ngoài việc đi học, phụ giúp Nguyệt san, chúng tôi còn dành thì giờ để đóng góp cho những Phật sự thuộc Hội đồng Giáo phẩm Lãnh đạo của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đồng thời cũng hỗ trợ những Phật sự khác trong vai trò Phó Chủ tịch Nội vụ Điều hành của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Liên Hữu tại Hoa Kỳ do cố HT Thích Thiên Ân sáng lập và được HT Mãn Giác duy trì. Giáo sư Thiện là người đã có nhiều tiếp khích và là nguồn an ủi lớn trước những nghịch cảnh và thiếu thốn đối với cá nhân tôi trong bước đầu định cư tại xứ người. Hồi ấy, trước sự ngửa nghiêng của thời thế, Giáo sư Thiện đề nghị xuất bản Tạp chí Hiện Thức và yêu cầu tôi làm Chủ bút, tuy nhiên có lẽ vì nhân duyên thời tiết lúc ấy chưa đủ chín muồi, do vậy tôi đã chủ xúy cho ra đời Tạp chí Chân Nguyên mà sau này Giáo sư Phạm Công Thiện là Chủ bút và tôi là Chủ nhiệm.

Sau khi khai sơn chùa Diệu Pháp tại Alhambra, chúng tôi đã mời Gs Thiện đến ở chung trong một ngôi chùa vừa chật hẹp vừa gần sát đường rầy xe lửa, sự ồn động là một trong những cái đáng nhớ mà sau này mỗi lần tâm sự, Giáo sư thường nhắc lại những hồi còi vào giữa đêm khuya vắng với biết bao xúc động khiến người nghe phải rung cảm bồi hồi .

Khi chùa Diệu Pháp dời sang thành phố Monterey Park, Gs Thiện cũng đến chung sống trong suốt nhiều năm. Có lẽ cảnh trí của ngôi chùa nhỏ nằm trên lưng đồi không mấy cao nhưng lại thơ mộng nên Giáo sư rất tâm đắc. Tại đây, Gs Thiện vừa sáng tác, vừa làm việc cho Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ với cương vị Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa đồng thời cũng vừa giúp chúng tôi giảng dạy Phật pháp cho Đại chúng. Điều làm tôi vô cùng kính trọng là dù Giáo sư chí mực uyên bác, hết sức thông thái nhưng sống rất thật lòng, lúc nào cũng quan tâm đến những khó khăn của đất nước, đạo pháp và dân tộc, đặc biệt là GHPGVNTN, nhất là tình trạng tù tội của đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang và đức Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Tại ngôi chùa mới ở San Gabriel, Giáo sư cũng đến ở chung và biếu chúng tôi nhiều loại sách quý, đặc biệt Gs Thiện đã tặng tôi cuốn "Anh-Ngữ Tinh-Âm Từ Điển" do Hoàng Long xuất bản năm 1957, một tác phẩm đầu tay mà khi bắt đầu viết, Giáo sư chỉ mới 14 tuổi.

Lúc Giáo sư Thiện đang sống tại Houston, tiểu bang Texas, khi nghe tin tôi hoàn tất 48 tín chỉ của chương trình tiến sỹ, trúng tuyển các kỳ khảo họach và chuẩn bị viết luận án, Người đã gởi tôi một lá thư viết tay dài ba trang với nhiều tâm sự mà chỉ giữa Giáo sư và tôi chia sẻ cho nhau. Một đoạn ngắn trong bức thư này, Gs Thiện viết:

phamcongthien

Nhận được bức thư trên của Gs Thiện, tôi rất xúc động nhưng cố giữ im lặng, không trả lời Giáo sư cả bằng thư từ cũng như điện thoại vì tôi tự biết là tôi phải chứng tỏ cách vững chãi trong học vị cuối cùng mà không cần sự nâng đở, giới thiệu của bất cứ ai trong đó có Gs Thiện người mà tôi rất kính và thương. Có thể tôi sai, nhưng tôi có cảm nghĩ Gs Thiện đã không vui lắm về quyết định tỏ ra bất cần ấy của tôi. Bây giờ, sau khi tốt nghiệp học vị tiến sỹ, mỗi khi hồi ức, lòng tôi cảm nghe sự thương kính Gs Thiện hơn bất cứ lúc nào.

Thời gian sau này vì địa dư cách trở, Phật sự đa đoan, dù không gặp nhau thường xuyên như trước nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc qua điện thọai và trao đổi với nhau rất nhiều vấn đề. Lần cuối cùng chúng tôi điện đàm với nhau là cuối năm Canh Dần, trong lần trao đổi này, tôi đã chúc TẾT và cầu nguyện Giáo sư luôn sức khỏe, trường thọ và an lạc. Đáp lại, Giáo sư chúc tôi thành tựu mọi Phật sự và đừng để tâm đến những chống phá phi lý, Giáo sư còn nhấn mạnh, nếu cần, Giáo sư sẽ lên tiếng bảo vệ tôi. Trân quý biết bao trước đạo tình của một người đi trước, người mà tôi vẫn xem như một nhà giáo dục khả kính, khả ái đã tận hiến đời mình cho phúc lợi của tha nhân. Trước khi kết thúc cuộc điện đàm, Giáo sư bảo rằng Giáo sư sẽ lên đường để đi về một nơi không biên cương và tên gọi. Tôi có cảm nhận Giáo sư nói đùa cho vui, không ngờ đó là lời vĩnh biệt!

Với Gs Phạm Công Thiện, chúng tôi có nhiều kỷ niệm vì đã cùng sống chung trong nhiều năm tại 4 địa điểm khác nhau ở Nam California, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần Giáo sư Thiện mời HT Ân Huệ, TT Thích Phước Nhơn và cá nhân tôi dùng cơm tại nhà cô Phạm Phong Sương, một ngôi nhà nhìn xuống dòng sông thơ mộng trên một dãy đồi Earlwood ở Úc.

Những gì nghĩ về Gs Phạm Công Thiện, tôi đã viết trong mấy dòng ngắn gọn sau đây khi đọc xong bài "Martin Heidegger and Zen Buddhism for Phạm Công Thiện" 2 của Gs Nohira Munehiro 3: "Triết gia Phạm Công Thiện, người mà nhiều thập niên trước đây đã trở thành thần tượng của tuổi trẻ VN bởi thiên tài lỗi lạc được thể hiện qua những tư tưởng khai phá triệt để ở mọi góc cạnh của đời sống, đặc biệt là lãnh vực triết học và đạo học. Ở ông, người ta phát hiện rất nhiều tư tưởng đặc dị, ưu thắng vượt cả thời và không gian mang tính qui ước. Hiện nay, ông đang là một triết gia đương đại kỳ vĩ mà các học giả Nhật Bản đánh giá như một kiến trúc sư tư tưởng triết học kiệt xuất."

Dù vẫn biết, ai rồi cũng sẽ phải bước vào cuộc hành trình cuối đời. Với cuộc hành trình này, sẽ không có bất cứ ai, dẫu thương ta cách chi có thể đồng hành với ta được, bởi thế, cô đơn, sợ hãi và khổ đau là điều chắc chắn không thể tránh khỏi nếu chúng ta chưa sẵn sàng cho cuộc hành trình cuối cùng ấy. Điều đáng nói ở đây là, Gs Phạm Công Thiện không chỉ đã sẵn sàng mà còn chuẩn bị rất chu đáo cho cuộc hành trình của mình từ rất nhiều năm trước. Tôi tin là chơn linh Giáo sư Thiện đang tiêu dao tự tại nơi một cảnh giới đặc thoát như những áng mây thong dong giữa hư không vô cùng tỉnh mịch.

Gs Phạm Công Thiện vĩnh viễn ra đi, nhưng những đóng góp của Giáo sư cho thế giới nhân lọai qua những lĩnh vực như văn học nghệ thuật, giáo dục, Phật học, triết học sẽ còn mãi như một thực tại không thể phủ bác. Khi nghe tin Gs Thiện xả bỏ huyễn thân để trở về chân thân thường tại, tôi cảm nhận tất cả sự mất mát và vội vã ghi lại đôi dòng cảm nghĩ của mình:

Nhớ những tháng năm còn chung sống
Tách trà tình đạo chửa phôi phai
Người về chốn cũ không tên gọi
Niết bàn tịch lặng chẳng biên cương
Chim hồng ủ dột thôi ca hát
Thi phú im lời lại ngẩn ngơ
Giữa lúc trăng sao chưa xuất hiện
Buồn nghe da diết tận nguồn cơn
Hoa nở trời tây hay trời đông
Nụ cười tỏa sáng chốn đồng mông
Tan bao loạn tưởng và si hận
Chân thường một cõi tự tiêu dao.


1 Los Angeles

2 "In the Vietnam War, Phạm Công Thiện (1941-)’s homeland was devastated and the antiwar movement broke out in the world. However, he thought that the collision was never solved in a radical way as long as the origin of the war and of the antiwar movement is rooted in the representation-thinking (Vorstellung), even though the peace movement were carried out. He considered that the cause of the Vietnam War was the Western metaphysics which is representation-thinking. He read the proximity of the thought of Heidegger and Zen at the age of the Abyss and at another beginning of destruction of Vorstellung. And he was going to destroy from the origin the Western metaphysics which brings about the homelessness of everything on earth.

Phạm Công Thiện insists that the word Sein (Being) of Heidegger is not necessarily translated into the Vorstellung language. He went back to the origin of the word Sein in Sanskrit, and found out its similarity with bhāva in Buddhism. And Sein of Heidegger was manifest from the way of Zen by translating Sein into Tính 性, Tính Thể 性体, and Thể Tính 体性. He considered that the thought of Heidegger was on the way to Kiến Tính 見性 (to see the Buddha-nature) of Zen.. He considered that the thought of Heidegger was close to the gradual awakening 漸悟 and thought that Heidegger was lingering between Grund and Abgrund and had not entered into the unfathomable Abyss of Kiến Tính yet. Therefore he waits for the sudden awakening 頓悟 of Huineng to jump into the abyss of Tính. When reaching the abyss of Tính, Nirvāṇa is realized and non-realized at the same time.. In brief, there is neither absolute affirmation nor absolute negation in the abyssal thinking of Phạm Công Thiện."

3 Người đã nghiên cứu tư tưởng của Gs Phạm Công Thiện để viết luận án tiến sỹ của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn