Tuyên Dương Công Đức Cố Hòa Thượng Thích Viên Thành

14 Tháng Tư 201815:59(Xem: 6528)

Tuyên Dương Công Đức Cố Hòa Thượng Thích Viên Thành

blank 


Tuyên Dương Công Đức

Hòa Thượng Tân Viên Tịch Tân Viên Tịch Thích Viên Thành, húy thượng Như hạ Thức, hiệu Hải Trung, Viện Chủ Chùa Diệu Pháp, Phương Trượng Chùa Điều Ngự, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Phẩm kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Nghi Lễ Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại.

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật,

Kính bạch chư tôn đức Giáo phẩm, chư Trưởng lão Hòa Thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, ni sư, Đại đức Tăng ni cùng toàn thể đại diện các đoàn thể, Phật tử có mặt trong buổi Lễ Tưởng Nguyện Cố Hòa Thượng Tân Viên Tịch Tân Viên Tịch Thích Viên Thành, húy thượng Như hạ Thức, hiệu Hải Trung, Viện Chủ Chùa Diệu Pháp, Phương Trượng Chùa Điều Ngự, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Phẩm kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Nghi Lễ Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại. Tôi, Tỳ Kheo Thích Chơn Trí, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giáo Phẩm Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại, xin thay mặt Hội Đồng Giáo Phẩm, cũng như toàn thể Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại, có đôi lời tuyên dương công đức cố Hòa Thượng Tân Viên Tịch Thích Viên Thành.

Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa toàn thể quý Phật tử và các vị đồng hương,

Hòa Thượng Thích Viên Thành là bậc chân tu đạo hạnh, cả cuộc đời hy hiến cho lý tưởng Hoằng Pháp lợi sinh, dấn thân phục vụ giáo hội, và hết lòng phụng hiến cho nhân quần xã hội.

Kính thưa toàn thể quý vị,

Người xưa bảo: “Cái quan nãi định”, tức người mất rồi mới có thể nhìn lại và đánh giá về cuộc đời vị đó. Cho nên, hôm nay trước giác linh của Hòa Thượng chứng minh, chúng tôi xin phép được nói lên đôi điều về công đức to lớn của Ngài đối với Đạo Pháp và Dân Tộc qua các điểm sau đây.

  1. Trùng tu Phạm Vũ: nhiếp chúng độ sinh
  2. Phật sự khoa nghi: hoằng dương Chánh Pháp
  3. Phụng sự Giáo Hội: vô ngã vô tư
  4. Nhẫn nhục nhu hòa: rường cột Tăng Đoàn
  1. Trùng tu Phạm Vũ: nhiếp chúng độ sinh.

Hòa Thượng từng trụ trì chùa Bửu Quang ở Việt Nam suốt bốn mươi năm và trùng tu ngôi chùa xưa cũ này trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trở thành nơi Phạm Vũ trang nghiêm để nuôi dưỡng Tăng tài cho Phật giáo. Ở Hải Ngoại, Hòa Thương cũng từng trụ trì chùa Bảo Pháp, Viện chủ Chùa Diệu Pháp và Phương Trượng chùa Điều Ngự. Dù ở bất hoàn cảnh nào, Ngài cũng đều hết lòng làm tròn trách nhiệm “Trụ Pháp Vương Gia, Trì Như Lai Tạng” của mình. Các thầy trẻ ở chùa Diệu Pháp như Ấn Minh, Ấn Nguyên V.V… đều nhờ Ngài dạy dỗ từ lúc sơ tâm, từ giáo lý căn bản cho đến nhịp mõ hồi chuông, rồi khoa nghi Pháp sự.

  1. Phật sự khoa nghi Hoằng Dương Chánh Pháp.

Hòa Thượng có phạm âm thanh tịnh, rành rẽ Pháp sự khoa nghi, từng làm sám chủ cho các đại lễ, trong đó có sám chủ cho tang lễ Đức đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang tại Tu Viện Nguyên Thiều. Nhờ Pháp tướng trang nghiêm, Phạm âm vi diệu này, Ngài đã cảm hóa rất nhiều gia đình phát tâm quy y cửa Phật. Ngài còn trước tác sách “Hành Lễ Các Nghi Thức”, “Phật Giáo Và Văn Hóa” V.V… để gìn giữ và truyền thừa nghi lễ truyền thống Phật giáo Việt Nam.

  1. Phụng sự Giáo Hội: vô ngã vô tư

Về mặt Giáo Hội, Ngài là thành viên của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Nghi Lễ Giáo Hội PGVNTN Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, và là Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Phẩm, kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Nghi Lễ của Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại. Dù với chức vụ nào, Ngài cũng đều tận tâm phụng hiến. Thực ra, Ngài giữ những chức vụ của Giáo Hội với tinh thần “phục vụ chúng sinh tức là cúng dường chư Phật”, vô tư vô ngã, không vì danh lợi cho riêng mình.

  1. Nhẫn nhục nhu hòa: rường cột Tăng Đoàn

Là một bậc thầy lớn trong Tăng Đoàn, xuất gia từ thuở ấu thơ, thế thọ bảy mươi sáu năm, hạ lạp năm mươi sáu tuổi đạo, thế mà Ngài lúc nào cũng khiêm cung nhẫn nhục, cung kính với người trên, từ hòa với huynh đệ, khoa dung nâng đỡ với lớp sau. Có thể nói, sự nhu hòa của Ngài là chất keo kết dính cho Tăng Ni, đức độ của Ngài là nơi nương tựa của hàng tứ chúng.

Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni,
Kính thưa quý Phật tử và các đoàn thể đại diện,

Cuối cùng, chúng tôi xin được tóm tắt công đức của Hòa Thượng Thích Viên Thành sau đây:

Trụ Pháp Vương Gia: Bửu Quang, Bảo Pháp chốn xưa.
Trì Như Lai Tạng: Diệu Pháp, Điều Ngự còn đó.

Hoằng dương Chánh Pháp:
Khéo giúp đời bằng Phật sự Phạm âm.

Trụ cột Tăng Đoàn:
Giữ giềng mối nhờ nhu hòa tương kính.

Bao phen sương tuyết,
Mai cốt cách càng tỏa nét thanh cao
Lắm lúc lao đao,
Tuyết tinh thần vẫn ngạo cùng danh lợi.

Một đời thân giáo
Bút mực nào ghi được chỗ vô ngôn?

Mật hạnh âm thầm
Chỉ Phật mới biết được lòng Bồ-tát!

Nam-mô Diệu Pháp Đường Thượng, Từ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế, huý thượng Như hạ Thức, tự Viên Thành, hiệu Hải Trung giác linh Hòa Thượng liên toạ chứng minh.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Sáu 2023(Xem: 2176)
Phật pháp tại thế gian thời kỳ mạt pháp xuất hiện nhiều dị giáo làm cho hành giả sơ tâm tu tập dễ vướng các chướng do không biện được chánh, tà. Bởi thiếu phân định nên dễ đi vào con đường thành kiến sai lầm khiến một đời nỗ lực tu tập nhưng cứ mãi lẫn quẩn trong vòng luân chuyển của khổ đau, sanh tử. Với xuất phát điểm nơi tâm hướng đến con đường giải thoát, hành giả tu tập cần nương nhờ vào đoàn thể Tăng già - là những người thừa tự pháp của Phật, chọn đúng đường hướng hầu mong thoát khỏi cái khổ trần thế, thoát khỏi sự thiêu đốt của nhà lửa đang bốc cháy hừng hực nơi Ta Bà uế trược.
12 Tháng Sáu 2023(Xem: 1862)
Đức Phật đã từng dạy, trong mỗi chúng sanh đều có Phật tính và đều là những vị lai Phật. Hy vọng rằng mùa Phật đản về cũng là lúc chúng ta trở về với Phật tính, lắng nghe Pháp âm trong chính mình, để mỗi thời khắc đều là Phật thị hiện và, mỗi tấc đất trong cõi Ta Bà này đều là y báo trang nghiêm của chư Phật Thế Tôn. Có như vậy chúng ta mới thật sự đón mừng một mùa Phật Đản với tất cả tâm thành và ý nghĩa.
12 Tháng Sáu 2023(Xem: 1615)
Xin kính mời quý vị đón đọc Nguyệt San Diệu Pháp số 4 Mọi ý kiến đóng góp hoặc gửi bài vở xin gửi về địa chỉ email: Chuadieuphaptvl@gmail.com
29 Tháng Năm 2023(Xem: 3648)
Mùa Phật đản chính là lúc tất cả chúng ta nhớ nghĩ và cảm niệm ân đức cao dày của Đức Từ Phụ Thế Tôn, đồng thời cũng là lúc để quán chiếu tự tâm, phát huy thiện căn, hiển lộ Phật tính để an trú với “vị Phật” trong chính mình, mỗi người là một Pháp thân trang nghiêm pháp giới; nhất là giữa bối cảnh lịch sử có nhiều khủng hoảng, hận thù, chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, nhân hoạ… như ngày nay.