Suy tư của một cư sĩ cho hiện tình Phật giáo

29 Tháng Bảy 201520:06(Xem: 4623)
Bồ tát Quán Thế Âm, ảnh sưu tầm
Bồ tát Quán Thế Âm, ảnh sưu tầm

Kính bạch chư Tôn Đức,

Kính thưa chư Đạo hữu, cùng quý vị quan tâm,

Đọc Tâm Thư của Hòa thượng Viên Định con rất cảm động. Con xin chân thành cầu nguyện Đức Bồ tát Avalokitesvara gia hộ cho Phật sự viên thành, chư Tăng hòa hợp dưới quang đạo Lục Hòa làm đuốc soi sáng mọi vô minh nấp dưới danh nghĩa giáo quyền qua 3 giáo chỉ: 2, 9, và 10 đã gây ra không biết bao nhiêu là đổ vỡ khóc cười trong lòng Phật tử tứ chúng. Được như thế con nguyện đội ơn bằng cách suốt đời chay tịnh, sống hạnh từ bi cứu mình và cứu đời.

Nhớ xưa vua Lê Long Đỉnh hoang dâm vô đạo, bỏ bê việc nước, xa hoa phung phí, sưu cao thuế nặng đè đầu cỡi cổ lương dân tiếng oán than dậy trời ngập đất. Sĩ phu trong nước uất hận ngút trời chỉ mong dứt trừ ông vua bạo ngược cứu dân khỏi cảnh lầm than. Vào thời đó có khá nhiều nhóm vũ trang khởi nghĩa, nhiều lãnh tụ vốn xuất thân võ biền – hào phú đã đích thân cung kính thỉnh mời giới Thiền lâm tham mưu giúp họ lật đỗ ông vua bạo ngược nhưng quý ngài đều một mực từ chối. 

Từ chối không vì trái tim khối óc của quý ngài đã hóa đá trước khổ đau của đồng bào và đồng loại. Ngược lại với hạnh ba la mật của 4 tâm từ, bi, hỷ, và xả, tình thương của quý ngài còn thâm sâu hơn con người trần tục rất nhiều. Nhưng một khi đã mặc vào thân mình chiếc áo Như Lai, người tu có cách hành xử khác với lề thói trần tục. Bất cứ việc gì dù lớn dù nhỏ, người tu cũng phải hành xử hợp với giáo pháp từ bi và trí tuệ, cho nên mọi việc đều đã được quý ngài nhìn xa trông rộng cho một triều đại văn hiến thay thế những ông vua võ biền trong thời kỳ đầu kiến quốc vừa thoát vòng đô hộ của người Tàu. 

Làm quân sư tham mưu cho những lãnh tụ hào phú võ biền sẵn quân sẵn của là việc rất dễ và là con đường ngắn. Nhưng bằng cách ấy, sau khi lật đỗ một Lê Long Đỉnh này sẽ không tránh khỏi một Lê Long Đỉnh khác tái hiện (một khi đã chiếm lĩnh ngôi cao quyền lực, kẻ vũ phu nào lại không có lòng tham vô đáy). Thay vào đó, quý ngài đã chọn con đường bền vững hơn, lâu dài hơn khó khăn hơn và cố nhiên mục tiêu cốt lõi vẫn là xây dựng một triều đại văn hiến cho nước nhà. Đó là con đường giáo dục, đào tạo, dựng xây văn hiến cho thế hệ tiếp nối. Và quý ngài đã thành công, trong đó thành quả nổi trội nhứt là đào tạo ra một ông vua nhân từ đức độ, xây dựng một xã hội an vui thái hòa, một nền văn hóa từ ái mà kiên cường và sống động làm nền tảng vững chắc cho đời sau. Dù quyền bính có sang tay đổi họ nhưng giá trị nền tảng ấy vẫn vững bền trường cửu cho đến ngày nay. Mặc cho bụi mờ lịch sử nhiễu nhương phủ lấp, đất nước không ngừng bị câu xé bởi thế lực và tư tưởng ngoại lai, nhưng giá trị đó vẫn còn lấp lánh trong mỗi con người Việt Nam sau hơn 1000 năm vật đổi sao dời. 

Ngoại trừ đời nhà Trần, Phật tử Việt Nam từ thập niên 30 của thế kỷ 20 trở về trước không cần một tổ chức, giáo hội, và cũng không cần dựa vào bất kỳ thế lực chính trị thế quyền nào, nhưng mạch Đạo vẫn trường tồn, luôn luôn là trụ cột cho nền tự chủ quốc gia và văn hóa dân tộc. Đó là nhờ vào sự thanh tịnh của thiền môn và công phu thiền quán của tiền nhân. Dù ẩn thân nơi non cao rừng thẳm nhưng với lòng từ bi và trí huệ, bao giờ các vị thiền sư cũng có chính khách viếng thăm, tham vấn đạo an dân kiến quốc, hoặc tao nhân mặc khách luận bàn đạo giải thoát cứu nhân độ thế. Sử sách còn ghi, nếu không được thiền sư Phù Vân ẩn cư trên núi Yên Tử khai thị, chắc gì Trần Thái Tông trở thành vị vua anh minh xây nền cho một triều đại huy hoàng nhất nhì trong lịch sử, đồng thời cũng là một vị thiền sư cư sĩ tác giả nhiều tác phẩm cả Đạo lẫn Đời lưu danh hậu thế. 

Trải bao thời kỳ lịch sử tái diễn, thời nào cũng vậy mỗi khi đất nước suy vong đều có bàn tay bồ tát của chư vị thiền sư đắc đạo ta tay giúp nước dựng lại cơ đồ. Lịch sử cận đại trong thập niên 30 là một bằng chứng. Nếu không có cuộc chấn hưng Phật giáo của các vị thiền sư thời ấy làm sao đất nước có được Bồ tát Quảng Đức xuất hiện cứu nước, cứu đạo năm 1963.  

Tới thời Cộng sản, dù Phật giáo bị chính quyền phân hóa, tác động chia rẽ nhưng người Phật tử đã không mắc bẫy của nhà nước. Tuy bị khủng bố, cản ngăn, cấm cố, tù đày, khuynh đảo, mua chuộc, dọa nạt, cách phân gây thâm thù giữa Giáo Hội “hợp pháp” và Giáo Hội “bất hợp pháp”, nhưng quý ngài vẫn sáng suốt xem nhau là anh em một nhà tương tức tương hợp hóa giải một cách thông minh; phá vỡ mọi mưu toan của nhà cầm quyền, cùng nhau một thời giữ vững mạng mạch đạo pháp. Mỗi một yêu sách vận động Phật sự của Tăng Đoàn đưa ra và bị nhà nước khủng bố là lúc cái vòng “kim cô” của Đảng trên đầu Giáo Hội “hợp pháp” được nới ra một chút, Phật tử có thêm không khí để thở. Quý thầy Tuệ Sỹ, Mạnh Thát, cô Trí Hải, … được chư Hòa thượng Trí Thủ, Đôn Hậu,… che đậy để chư vị mở lớp đào tạo, trao truyền tư tưởng cho thế hệ mới mà giờ đây đang góp mặt hành đạo nhiều nơi trong và ngoài nước dưới danh nghĩa của cả hai Giáo Hội “hợp pháp” và “bất hợp pháp”.

Nhờ đâu, nguyên liệu chi, năng lượng nào để Phật tử Việt Nam làm nên ngôi nhà văn hóa kỳ diệu ấy cho dân cho nước? Theo con câu trả lời chỉ có 4 chữ duy nhứt là THỰC TU và THỰC CHỨNG. Chỉ khi nào Phật tử (4 chúng) nhứt là chư vị xuất gia có thực tu và thực chứng mới có thể dẫn dắt được quốc gia dân tộc đồng bào tới bến tự do và hạnh phúc. Không ai có thể cho cái mình không có. Không thực tu làm sao có tuệ giác, không có tuệ giác chẳng khác nào người mù bẩm sinh làm sao dẫn đường cho thiên hạ? Lịch sử như đã tóm lược chứng minh cho cái thấy này. Thế nên theo con, vấn đề là mỗi Phật tử dù xuất gia hay cư sĩ phải tự hỏi, tự soi gương xem mình đang đứng đâu trong Ngũ giới, Tứ diệu đế và Bát chánh đạo? Ta đã thực sự có được tình thương và trí tuệ hay chưa? Chỉ khi nào có kết quả tích cực (+) cho những câu hỏi ấy thì mới dám nói tới việc bố thí. Bằng không thì bố thí cái gì? Có chăng là gây thêm vô minh và thù hận mà thôi.

Ai có thể tưởng tượng được một người nhân danh Phật tử lại đi kêu gọi hận thù bao giờ. Hãy lấy Đức Dalai Lama làm gương. Có bao giờ ngài buông một tiếng có tính thù hằn lãnh đạo nhà nước Trung Hoa không, mặc dù đất nước của ngài đang bị đô hộ bởi người Tàu. Ai có thể tưởng tượng được một người nhân danh Phật tử mà lên tiếng mạt sát kẻ tu hành là “ma tăng” không? Ai có thể tưởng tượng một ông thầy tu lại du dạ lên án một ông thầy tu khác không? Trong khi có không ít người không dám nhận mình là Phật tử mà vẫn tôn trọng, thương kính kẻ hành hạ tù đày mình chỉ vì khác biệt chính kiến hay có cách yêu nước không giống đảng cầm quyền. Hoặc chưa làm được như thế nhưng họ cũng đang trên đường thực tập để được như thế, và ít ra họ cũng không hận thù người muốn loại trừ họ. Vậy thì ai đáng cho mình học đây? Chỉ có tình thương mới có thể chuyển hóa được hận thù. Đức Thế Tôn đã dạy như vậy! Là con Phật cớ sao ta lại làm ngược giáo lý của Ngài? Xứng đáng chỉ có tình thương mà thôi. Con nghĩ đó là mục đích thứ nhứt, ưu tiên một cho cuộc chấn hưng hôm nay.

Kính thưa chư tôn Đức, thưa quý đạo hữu và chư vị quan tâm,

Tâm thư Hòa thượng Viên Định có nói tới một trong những mục đích chánh của Giáo Hội là: “tiến hành công cuộc vận động cho tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam” không chỉ Phật tử mà toàn dân dù là Cộng sản, Cao Đài, Thiên Chúa, Hoà Hảo, Tin Lành, Thờ Mẫu, Thờ cúng ông bà, … mỗi người một cách, tất cả đều mong muốn như thế. Nhưng là Phật tử phải có cách của người Phật tử. Cách đó chư tổ đã vạch sẵn cho mình hơn cả ngàn năm qua như bài học lịch sử dẫn thượng. Ở đây con xin tái xác định: là người tu, là con Phật (thực tu thực học) chúng ta không thể nói và làm theo thế tục được. Ta không thể biến giáo đoàn thành đảng hoạt động chính trị, hoặc biện luận theo kiểu “thái độ chính trị” như ai đó từng tuyên bố được. Người đời đi với Bụt họ mặc áo cà sa, đi với Ma họ mặc áo giấy, nhưng người tu không thể như thế được. Theo Bụt mặc áo casa của Bụt đã đành, nhưng gặp ma chẳng lẽ ta thay casa mặc áo của Ma sao? Vậy ta theo Ma hay theo Bụt? Không, mục đích, sứ mạng của Phật tử là phải chuyển hóa Ma thành Bụt, nên bất cứ lúc nào cũng không thể cho phép mình rời chiếc áo giải thoát ấy. Nghĩa là: tự do, dân chủ, và nhân quyền chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng tình thương và trí tuệ. Nếu không, mọi tuyên bố tốt đẹp ngôn từ hoa mỹ nhân danh tự do, dân chủ, nhân quyền chỉ là tấm màn che đậy cho tham vọng quyền bính chính trị và tâm linh mà thôi.

38 năm qua, ta làm được gì cho mục tiêu : “tiến hành công cuộc vận động cho tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam” này? Có phải là con số KHÔNG to tướng không? Trong khi đạo đức xã hội ngày càng suy đồi, chẳng những ngoài xã hội thôi mà còn lan cả trong thiền môn, miếu đền văn hóa nữa. Xin đừng đổ tội và lên án cho phe này phái kia mà phải can đảm nhận chân sự thật và cất bước lên đường bằng gói hành trang tình thương và trí tuệ. 

Trong nước, người trẻ năng động đầy nhiệt huyết nhưng lại không có một hướng đi, khủng hoảng niềm tin và lý tưởng. Ngoài nước du học sinh bơ vơ không nơi nương tựa tâm linh, rất muốn đến chùa nhưng lại ngại gặp rắc rối chính trị cho bản thân và gia đình bên nhà. Thế là trước lúc ra đi con là Phật tử, là con của gia đình theo Phật, nhưng ra khỏi nước lại cải đạo theo Tin Lành hoặc Công giáo (tùy theo quốc gia), cha mẹ trong nước khóc ròng. Trong khi họ sẽ là những người chủ tương lai của đất nước, là những Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo,… nếu được chư Tôn Thiền Đức quan tâm dạy dỗ trao truyền đạo tỉnh thức.

Cho nên, theo con mục đích thứ hai là: Các Giáo Hội phải đặt trọng tâm vào giáo dục, trao tuyền hai cái tinh hoa hoa vĩnh cửu ấy cho thế hệ trẻ. Hãy lên đường và nguyện suốt đời làm người gieo hạt hiểu biết (trí tuệ) và thương yêu (từ bi) trên đất tâm của ta (tự) và người (tha). Hãy hành theo cái hạnh của chư vị thiền sư Vạn Hạnh và Ngô Chân Lưu thời trước. Là đệ tử cửa KHÔNG thì không có lý gì ta lại rơi vào thế giới lưỡng nguyên: tự/tha, ta/người, của ta/của người. Với tâm không phân biệt con cúi đầu ngưỡng mong chư tôn thiền đức quan tâm tới giới trẻ, đào tạo ra một thế hệ mới làm nền tảng cho văn hiến nước nhà như chư tổ đã làm trong lịch sử. Hãy là Vạn Hạnh, Ngô Chân Lưu, Phù Vân, Giác Hoàng thời đại để sản sinh ra những Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Thái Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, … của thế kỷ thứ 21. 

Khải bạch chư Tôn Thiền Đức,

Kính thưa quý Đạo hữu, và quý vị quan tâm,

Cạn lời nhưng không cạn ý, con không dám làm mất nhiều thì giờ quý báu của chư vị, nên xin tạm dừng nơi đây. Nếu được chư vị quan tâm yêu cầu, lần tới con sẽ đi vào chi tiết cụ thể cho từng mục tiêu với kế sách khả thi khế hợp với hoàn cảnh và năng lực hiện có của Giáo hội. 

Nam mô Đức Bồ tát Avalokitesvara!

hta.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười 2023(Xem: 3300)
Kính mời Quý Chư Liệt vị Tăng Ni, Quý Phật tử, bạn đọc cùng đón xem NGUYỆT SAN DIỆU PHÁP T9-2023 với các nội dung chính sau đây: ➖ Pháp Hội Địa Tạng Chùa Điều Ngự ➖ HT Thích Viên Lý Chứng Minh lễ Sái Tịnh & Nhập Tự Tổ Đình Thiện Tường ➖ Tết Trung Thu tại Chùa Điều Ngự ➖ Đàn Tràng Siêu Độ Mùa Vu Lan tại Rose Hill ➖ Cùng rất nhiều nội dung hay khác ….
16 Tháng Chín 2023(Xem: 3906)
Bố-tát là ngày định kỳ thuyết giới, cùng nhắc nhở nhau về giới pháp của hành giả tu hành, nhằm nuôi lớn các thiện pháp, giới thân huệ mạng, khiến chúng trưởng thành trong sự thanh tịnh, hầu duy trì và phát triển.