Chính sách mới của Liên Âu bảo vệ Tự do Tôn giáo trên thế giới

26 Tháng Bảy 201519:39(Xem: 5125)
Bên trái: Dấn biểu QHCA Dennis De Jong, giữa là Bà Veronique Arnault, bên phải cuối cùng la Dân biểu Peter Van Dalen (Photo Que Me)
Bên trái: Dấn biểu QHCA Dennis De Jong, giữa là Bà Veronique Arnault,
bên phải cuối cùng la Dân biểu Peter Van Dalen (Photo Que Me)
PARIS, ngày 11.07.2013 (QUÊ MẸ) – Trong cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại đại diện 27 quốc gia thuộc Liên Âu họp tại Luxembourg cuối tháng 6 vừa qua đã chính thức thông qua bản “Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu”.

Gọi tắt Đường hướng chỉ đạo là văn kiện quan trọng về chính sách đối ngoại trên hướng chiến lược của Liên Âu ở phạm vi Tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Công cụ dành cho các viên chức Liên Âu tại hơn một trăm Tòa Đại sứ Liên Âu trên thế giới nhằm bảo vệ và thăng tiến tự do tôn giáo.

Đây cũng là công cụ mà nhân dân các nước bị đàn áp vì lý do tôn giáo hay tín ngưỡng có thể dựa vào để cầu cứu và yêu sách bảo vệ quyền tôn giáo cho chính họ.

Ba cơ cấu hợp tác soạn thảo Đường hướng chỉ đạo là : Nhóm hành động Đối ngoại của Liên Âu, các thành viên 27 quốc gia thuộc Quốc hội Châu Âu, với sự tham khảo Xã hội dân sự Diễn Đàn Châu Âu về Bất bao dung và Kỳ thị tôn giáo (EPRID).

Diễn Đàn Châu Âu về Bất Bao dung Tôn giáo là tổ chức Phi chính phủ bao gồm các tổ chức Thiên chúa giao, Tin Lành, Bahái và Phật giáo (Phật giáo do cơ sở Quê Mẹ đại diện và là một trong ba thành viên sáng lập) hình thành từ năm 2006 để thúc đẩy Liên Âu lưu tâm và có chính sách bảo vệ Tự do Tôn giáo và tín ngưỡng toàn cầu.

Đường hướng chỉ đạo là công trình soạn thảo nhiều năm qua của “Diễn Đàn Châu Âu về Bất bao dung và Kỳ thị Tôn giáo” đệ trình Liên Âu vào tháng 3 năm 2010. Năm nay Đường hướng chỉ đạo được Liên Âu chấp nhận và chính thức thông qua.

Với Đường hướng chỉ đạo này, Liên Âu tái khẳng định quyết tâm thăng tiến và bảo vệ Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng mà bất cứ ai, bất cứ ở đâu đều được quyền thụ hưởng. Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng liên đới tương tục với các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, và bao gồm “các tín ngưỡng hữu thần, vô thần, cũng như quyền không theo bất cứ tôn giáo hay tín ngưỡng nào”. Đường hướng chỉ đạo cũng vạch ra những biện pháp chế tài khi một quốc gia đàn áp tôn giáo và tín ngưỡng.

“Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu” là văn kiện hợp pháp đối ngoại đầu tiên của Liên Âu trên phạm vi tôn giáo. Thăng tiến tự do tôn giáo hay tín ngưỡng không phải chỉ là nghĩa vụ tinh thần hay pháp lý, mà còn là sự chọn lựa chiến lược chính trị. Sự thông qua Đường hướng chỉ đạo là tín hiệu mạnh mẽ của Liên Âu đặt tự do tôn giáo hay tín ngưỡng trong những vấn đề ưu tiên.

Trả lời phỏng vấn của ký giả Ỷ Lan trên Đài Á châu Tự do hôm thứ bảy 6.7 vừa qua, Dân biểu Quốc hội Châu Âu, ông Peter Van Dalen, Chủ tịch Nhóm Hành động cho Tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Quốc hội Châu Âu nói rằng : “Trong khắp thế giới, nhiều sắc dân bị đàn áp vì tôn giáo hay tín ngưỡng họ. Nay chúng tôi có Đường hướng chỉ đạo, quần chúng các nước có thể tìm đến Tòa Đại sứ Liên Âu nói rằng “Xin hãy nghe chúng tôi, xin giúp chúng tôi bảo vệ và thăng tiến tôn giáo của chúng tôi, vì chúng tôi đang bị đàn áp !”

Dân biểu Dennis De Jong, Đồng Chủ tịch Nhóm Hành động cho Tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Quốc hội Châu Âu thì nhấn mạnh rằng : “Tự do tôn giáo rất phức tạp, nó biểu dương bằng những động thái khác nhau và vấn nạn cũng khác nhau tùy theo từng quốc gia. Với bản “Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu”, các nhà ngoại giao bó buộc phải học tập chính sách mới của Liên Âu trên vấn đề này, và họ phải ứng phó cho mọi hoàn cảnh. Bản Đường hướng chỉ đạo sẽ giúp soi sáng vào những vấn đề phức tạp để tìm ra giải pháp”.

Sau đây, xin mời bạn đọc theo dõi cuộc phỏng vấn của Đài Á châu Tự do tại Quốc hội Châu Âu về Chính sách mới của Liên Âu bảo vệ tự do tôn giáo trên thế giới.

Bên trái: Dấn biểu QHCA Dennis De Jong, giữa là Bà Veronique Arnault,
bên phải cuối cùng la Dân biểu Peter Van Dalen (Photo Que Me)

Đài Á châu Tự do phỏng vấn hai Dân biểu Quốc hội Châu Âu, ông Peter Van Dalen và Dennis De Jong là hai vị Đồng Chủ tịch Nhóm Hành động cho Tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Quốc hội Châu Âu, và bà Véronique Arnault, Giám đốc Vụ Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Liên Âu :

Ỷ Lan : Xin chào ông Peter Van Dalen. Ông tuyên bố rằng hôm nay là Ngày Vui sướng, một ngày Kỷ niệm. Kỷ niệm gì vậy thưa ông ?

Peter Van Dalen : Tôi là Đồng Chủ tịch Nhóm Hành động cho Tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Quốc hội Châu Âu, nên đối với tôi là một Ngày Vui sướng, bởi vì Cộng đồng Châu Âu thuộc Bộ trưởng Ngoại giao thông qua bản “Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu”.

Đường hướng chỉ đạo là sự hợp tác soạn thảo của Quốc hội Châu Âu, Nhóm Hành động và Xã hội dân sự. Điều này có nghĩa là ở bất cứ quốc gia nào có đặt Tòa Đại sứ của Liên Âu, hiện chúng tôi có trên một trăm tòa Đại sứ trên toàn thế giới, thì nay các tòa Đại sứ này đều phải theo dõi quốc gia mà họ có nhiệm sở, xem tình hình có tự do tôn giáo hay không ? Quần chúng có bị đàn áp hay không ? Và như thế họ có những công cụ trong tay để nhân danh Liên Âu hành động chấm dứt sự đàn áp tôn giáo. Đây là một phần của sự vui sướng. Phần khác dành cho quần chúng tại các quốc gia.

Trong khắp thế giới, nhiều sắc dân bị đàn áp vì tôn giáo hay tín ngưỡng họ. Nay chúng tôi có Đường hướng chỉ đạo, quần chúng các nước có thể tìm đến Tòa Đại sứ Liên Âu nói rằng “Xin hãy nghe chúng tôi, xin giúp chúng tôi bảo vệ và thăng tiến tôn giáo của chúng tôi, vì chúng tôi đang bị đàn áp !”

Cho nên bản “Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu” rất tốt và tiện lợi cho các Tòa Đại sứ Liên Âu cũng như cho quần chúng địa phương bị áp bức.

Ỷ Lan : Như ông nói đó, thì phải chăng những nạn nhân người Việt bị đàn áp tôn giáo có thể đến gõ cửa Tòa Đại sứ Liên Âu và yêu cầu cứu giúp ?

Peter Van Dalen : Đúng như vậy. Tôi biết một số người Thiên chúa giáo và Phật giáo ở Việt Nam. Tôi từng nói chuyện với họ. Họ cho tôi biết là họ không được quyền biểu tỏ tín ngưỡng Thiên chúa giáo của họ. Nay thì họ đã có công cụ để tự bảo bệ mình. Họ chỉ việc đến gặp Phái đoàn Liên Âu tại Hà Nội để nói rằng : “Chúng tôi đang bị đàn áp. Chúng tôi không được tự do làm lễ khi không có mật vụ kiểm soát”. Và họ yêu cầu Tòa Đại sứ Liên Âu bảo vệ và giúp đỡ họ. Hẳn nhiên Tòa Đại sứ Liên Âu phải hậu thuẫn họ, vì đã có trong tay và phải áp dụng bản “Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu”.

Ỷ Lan : Thưa ông Dennis De Jong. Bản “Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu” đối với ông mang ý nghĩa gì ?

Dennis De Jong : Kể từ nay, tất cả mọi Tòa Đại sứ Liên Âu sẽ nhận được chỉ thị minh bạch – chúng tôi gọi là Đường hướng chỉ đạo nhưng kỳ thực đây là chỉ thị – để giải quyết với những vi phạm tự do tôn giáo. Đây không phải là một cam kết tự nguyện, mà là nghĩa vụ, và các nhiệm sở sứ quán sẽ phải có những phúc trình về sự thực hiện bản Đường hướng. Điều này quan trọng vì một số các nhà ngoại giao thấy ra tầm quan trọng của tự do tôn giáo, cũng như những người khác quan tâm đến tự do ngôn luận hay các tự do khác. Rất quan trọng cho sự việc nhìn vào toàn cảnh.

Tự do tôn giáo rất phức tạp, nó biểu dương bằng những động thái khác nhau và vấn nạn cũng khác nhau tùy theo từng quốc gia. Với bản “Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến Tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu”, các nhà ngoại giao bó buộc phải học tập chính sách mới của Liên Âu trên vấn đề này, và họ phải ứng phó cho mọi hoàn cảnh. Bản Đường hướng chỉ đạo sẽ giúp soi sáng vào những vấn đề phức tạp để tìm ra giải pháp.

Ỷ Lan : Các tôn giáo tại Việt Nam đang đối diện với vấn đề đăng ký. Nhà cầm quyền bảo rằng đây là thể thức bảo vệ tự do tôn giáo. Ông nghĩ sao về vấn đề này ?

Dennis De Jong : Mọi người, mỗi cá thể, phải được quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Không một chính quyền nào được quyền hạn chế quyền này bằng luật lệ bắt đăng ký. Đây là quan điểm chính thức của Liên Âu.

Ỷ Lan : Còn bà Véronique Arnault, Giám đốc Vụ Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Liên Âu, cho biết ý kiến như sau :

Véronique Arnault : Tôi tin rằng đây là tín hiệu chính trị rõ ràng mà Liên Âu muốn tranh đấu chống sự đàn áp. Trước hết, là ưu tiên chống bạo động, để mọi người có thể biểu tỏ ý kiến họ, trên lĩnh vực tôn giáo hay không tôn giáo, là điều tối quan trọng.

Cũng là một tín hiệu mạnh mẽ rằng Châu Âu không chịu khép mình lại, mà phải thấy cho được tầm quan trọng của vấn đề.

Điều cũng quan trọng là bản Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu tham chiếu những tiêu chuẩn quốc tế, để không ai có thể phê phán rằng “Các ngài châu Âu chỉ muốn đem lại những quan điểm của các ngài mà thôi !”.

Đây cũng là nhận thức, bởi vì khi tổng kết quan hệ với một quốc gia, Liên Âu phải đánh giá trên lĩnh vực tự do ngôn luận, nhân quyền cũng như tự do tôn giáo. Như thế, qua cuộc đánh giá mà Liên Âu biết quốc gia nào cần hậu thuẫn, và lúc nào thì phải vạch mặt chỉ tên những vi phạm nhân quyền.

Hiển nhiên, chẳng có văn bản nào có thể giải quyết mọi sự. Nhưng điều quan trọng là 27 quốc gia Liên Âu đồng thanh chấp nhận Đường hướng chỉ đạo bảo vệ và thăng tiến tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên Âu. Bây giờ đây là lúc chúng tôi bắt tay vào thực hiện xem có thể làm đến đâu.

Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á Châu Tự do tại Luxembourg
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 4198)
Hôm nay là buổi gặp mặt mang tính lịch sử, vì đây là lần đầu tiên các tổ chức xã hội dân sự ngồi lại với nhau để hướng tới một mục tiêu chung: làm cho xã hội Việt Nam tốt hơn. Lúc này là thời điểm thích hợp để xây dựng một phong trào xã hội dân sự và liên kết các tổ chức lại với nhau cùng phát triển.
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 4942)
Lúc 14h ngày 14/03/2014, các tổ chức xã hội dân sự đã tổ chức họp mặt tại chùa Liên Trì, quận 2, thành phố Sài Gòn. Tham dự buổi họp mặt có đại diện các tổ chức: Cựu tù nhân lương tâm, Phụ nữ nhân quyền Việt Nam, Hội Dân oan Việt Nam.
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 4540)
Tính mạng của chúng tôi đang bị đe dọa nghiêm trọng vì những hành động nguy hiểm này tiếp diễn trong một thời gian ngắn chỉ có 10 ngày sau vụ tấn công bằng gạch đá vào nhà tôi (1/2/2014) và trước đó là ngày 31/12/2013 công an xã Chương Dương, huyện Thường Tín – Hà Nội đánh tôi gãy xương ức vẫn chưa lành.
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 5053)
BBT chúng tôi nhận đươc hai bài thơ Xuân của một Phật tử kính dâng lên chư tôn thiền đức với lời nhắn “Xin hoan hỷ nhận cho nỗi đau này”. Bằng tứ thơ bát cú đường luật nghiêm khắc, tác giả gởi vào đó nỗi niềm chua xót trào dâng. Chúng tôi không dám lạm bàn, xin gởi đến quý độc giả nguyên tác để chư vị thưởng lãm.
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 8901)
Chúng tôi chưa bao giờ giữ một chức vụ nào trong Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Bình Định. Ngược lại, chúng tôi không chấp nhận Phật giáo trở thành một tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chúng tôi nguyện sống với lý tưởng Phật giáo truyền thống.
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 5866)
Xin ngưỡng mộ chư Tăng, dù bị lăng nhục, bị róc mía, chịu bị cách chức hay phải từ chức để giữ tấm lòng thanh tịnh, hầu được tinh tấn hoằng dương chánh pháp. Bằng “Nhẫn Nhục Ba La Mật”, chư Tăng đã đưa con thuyền GHPGVNTN vượt qua cảnh “củ đậu nấu đậu”. Thế mới biết, Chữ NGỘ trong đạo Phật không phải là ở phẩm trật mà ở “liễu tri”.
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 4693)
Đạo lực của qúi thầy sẽ tỏa sáng để hàng phật tử cư sĩ nương theo mà phát triển đạo hạnh, chấm dứt tà niệm và ác ngữ. Đó chính là chức năng cao cả của người tu sĩ Phật giáo.
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 4189)
Công an tên Điệp trả lời: ở đây chúng tao có luật riêng của chúng tao, không giống với những nơi khác, chúng tao sẵn sàng đánh chết chúng mày nếu cần và chúng mày cứ đi kiện, đây chúng tao có tên tuổi chức vụ và trụ sở làm việc hẳn hoi, chúng mày cứ kiện.
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 4074)
Chúng con thấy có nhiều người dùng xảo thuật công nghệ dựng lên thông tin rồi sử dụng email nặc danh phổ biến rộng rãi trên các diễn đàn Internet. Điều này đã làm nhiễu loạn thông tin khiến nhiều Phật tử bị cuống vào vòng hý luận điên đảo thật đáng tiếc.
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 4182)
Tôi trình bày sự việc và mong mọi người lên tiếng để tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của nhà cầm quyền ngõ hầu có thể bảo vệ cho gia đình tôi cũng như cho những người đấu tranh cho tự do, dân chủ trong bối cảnh sự đàn áp, đánh đập người dân và các nhà hoạt động ngày càng leo thang ở Việt Nam.