Hãy chuyển sang dân chủ đa nguyên để cứu nền đạo đức Việt Nam

27 Tháng Bảy 201519:09(Xem: 7039)
2012-0725b
HT. Thích Viên Định (hình phải)

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO

Chùa Giác Hoa, 15/7 Nơ Trang Long,

Phường 7, Q. Bình Thạnh, TP Sài Gòn

Phật lịch 2557

Số : 13/VHĐ/TB/VT

LỜI KÊU GỌI
CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
HÃY CHUYỂN SANG DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN
ĐỂ CỨU NỀN ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

Nhận định rằng : Đảng CSVN kể từ ngày thành lập năm 1930, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin làm nền tảng tư tưởng, và kể từ khi đảng CSVN nắm quyền thống trị đã áp đặt mô hình Xã hội chủ nghĩa ngoại lai trên đất nước này, không những họ chủ trương độc tài toàn trị về chính trị và kinh tế mà họ cũng độc quyền cả về chân lý, tự cho mình là “tuyệt đối đúng” và là “đỉnh cao trí tuệ” !?

Với một chủ trương sai lầm như vậy, đảng CS đã làm cho đất nước này khánh tận cả về tinh thần lẫn vật chất, làm biến dạng xã hội VN, những giá trị đạo đức truyền thống bao đời dân tộc vun bồi đã mai một.

Đảng CSVN hiện nay không những bất lực trong việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia mà bản sắc văn hóa dân tộc cũng bị phá sản, dẫn đến cuộc khủng hoảng đạo đức ngày hôm nay.

Nhận định rằng : Với chủ trương xây dựng “con người mới xã hội chủ nghĩa” và “đạo đức Hồ chí Minh”, đảng CSVN đang manh nha hình thành một “tôn giáo” mới lấy chủ nghĩa CS và tư tưởng Hồ Chí Minh làm giáo điều và hình tượng Hồ Chí Minh làm giáo chủ.

Nhưng họ đã thất bại khi nền tảng đạo đức đã hoàn toàn bị băng hoại. Trong một thời gian dài đã qua và cho đến hôm nay chúng ta chứng kiến những hiện tượng xã hội đáng báo động vì mức độ nguy hại của nó, đó là do sự khống chế bằng bạo lực qua nhiều thập niên nên nhiều người đã trở nên vô tâm, vô cảm với đồng bào, đồng loại và nhẫn tâm huỷ diệt mọi sinh linh cũng như lẽ sống của tự nhiên, lòng từ bi và trắc ẩn đã hoàn toàn vắng bóng trong quan hệ giữa người với người và thế giới chung quanh.

Chúng ta vô cùng đau xót khi tận mắt chứng kiến trong thời gian vài thập niên trở lại đây, những tệ nạn xã hội phát sinh trầm trọng đáng báo động. như dối trá, lường gạt bao trùm mọi lĩnh vực, trộm cướp, giết người xảy ra khắp nơi, nạn mại dâm công khai phổ biến, tiền bạc che lấp nhân tính, hàng hoá, thực phẩm toàn làm giả bằng hoá chất độc hại, nhất là tệ nạn tham nhũng của giới quan chức, cán bộ từ trung ương đến địa phương được cấu kết tinh vi và bảo kê bằng băng nhóm xã hội đen, v.v… Ngành giáo dục không còn thuần tuý đào tạo kiến thức và đạo đức nhân văn lâu dài mả chỉ đáp ứng xu thế chính trị độc tài và kinh tế chụp giựt.

Điều này chứng minh hùng hồn rằng đạo đức con người và xã hội không thể xây dựng trên tinh thần giai cấp hoặc ý thức hệ và cũng không thể xây dựng trên tinh thần dân tộc – chủng tộc cực đoan hẹp hòi. Chúng ta đã chứng kiến lịch sử nhân loại đã trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến tranh tàn khốc cũng vì ý thức hệ hoặc tinh thần dân tộc – chủng tộc cực đoan như chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản .

Có thể kết luận rằng đạo đức và chiến tranh có quan hệ nhân quả mật thiết không thể phủ bác. Đạo đức nhân loại phải được xây dựng trên nền tảng những giá trị phổ quát và nhân bản, trong đó niềm tin tôn giáo là một nền tảng quan trọng, nhưng phải là niềm tin tôn giáo bao dung, viễn đại không cố chấp và áp đặt.

Con người và xã hội Việt nam hôm nay đã suy đồi đến mức nguy hiểm vì chủ trương vô thần, ý thức hệ giai cấp, sự áp đặt “tư tưởng” và “đạo đức Hồ Chí Minh” với mô hình “con người mới xã hội chủ nghĩa” đã làm phân hóa sâu sắc xã hội và nhân tâm, là mầm mống của mâu thuẩn và kỳ thị.

Nếu đạo đức mang màu sắc dân tộc cực đoan hay ý thức hệ cuồng tín sẽ đẩy con người đó, dân tộc đó đến chỗ tự mâu thuẩn và đối đầu với thế giới nhân loại còn lại. Mâu thuẩn và chiến tranh sẽ là hệ quả tất yếu không thể tránh khỏi.

Qua những nhận định trên, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đưa ra giải pháp để phục hồi đạo đức, cứu nguy dân tộc :

1- Đảng Cộng Sản Việt Nam phải nhận thức được đòi hỏi của tính tất yếu và khách quan, không thể đơn phương áp đặt giá trị và niềm tin của mình lên người khác, phải trả lại cho toàn dân các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền một cách đầy đủ.

2- Đảng Cộng Sàn Việt Nam phải nhanh chóng chấp nhận dân chủ hóa để các lực lượng chính trị đối lập và đại khối dân tộc tham gia kiến thiết và điều hành đất nước, xây dựng nhà nước tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng với các quyền tự do căn bản được tôn trọng triệt để như các Công Ước Quốc Tế đã quy định.

Trong Thư chúc xuân, năm 2005, Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ đã nhận định rằng : “Chúng tôi suy nghĩ từ bản thân qua hàng chục năm lưu đày, tù ngục và quản chế, thì thấy không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước. Lẽ giản dị là nhiều ý kiến vẫn hơn một ý niệm độc tôn, nhiều thành phần chính kiến, tôn giáo, xã hội, đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương, vẫn hơn một đảng phái độc quyền bao cấp quản lý.”

Đây là nền tảng để xây dựng lại đạo đức con người và xã hội Việt nam.

Con người chỉ trở nên cao quý vì có đạo đức và tự do.

Xã hội phát triển tốt đẹp và thái hoà vì xã hội có đạo đức và công lý.

Chỉ có như vậy đất nước Việt nam mới thật sự ổn định và phát triển, con người Việt nam mới lương hảo và xã hội Việt Nam mới tốt đẹp, có khả năng đuổi kịp được thế giới nhân loại văn minh ngày nay.

Nếu đảng Cộng sản Việt Nam vẫn cố chấp muốn duy trì quyền lực bằng mọi giá thì đất nước này sẽ băng hoại, tan hoang và những người Cộng sản Việt Nam cũng không còn đất sống vì sự mâu thuẩn, lòng hận thù và cái ác sẽ tung hoành khi thời cơ đến, điều này sẽ không còn xa nữa.

Những đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam cần ý thức rõ rằng, trước khi là đảng viên, các vị vốn là người Việt Nam, mà đã là người Việt Nam thì bổn phận và trách nhiệm trước và trên hết là phải đặt tiền đồ của đất nước và dân tộc lên trên quyền lợi của đảng và phe nhóm. Nếu không ý thức rõ trách nhiệm và bổn phận thiết yếu này, thì dù có nhân danh thế lực gì, điều đó cũng chỉ là bánh vẽ, chắc chắn sẽ bị dân tộc loại trừ.

Giác Hoa, Sài gòn, ngày 25.10.2013
Viện Trưởng Viện Hoá Đạo
(ấn ký)
Tỳ kheo Thích Viên Định
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn