Giúp Chồng Vượt Qua Thói Gia Trưởng

21 Tháng Tư 201520:03(Xem: 7558)

THÍCH NHẬT TỪ

CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015

Giúp Chồng Vượt Qua Thói Gia Trưởng

blankBạch thầy, con và chồng con sống với nhau hơn 5 năm và đã có hai con trai. Chồng con hơn con 13 tuổi nhưng anh gia trưởng và khô khan lắm. Mọi công việc to nhỏ trong gia đình anh tự làm và tự quyết, không bao giờ bàn bạc hay hỏi ý kiến của con. Thậm chí ngay cả kinh tế anh cũng là tay hòm chìa khóa. Con chỉ là người làm và sinh con, chăm con thôi. Động tí thì anh mắng mỏ, nhiếc móc con khi công việc không suông sẻ. Con buồn lắm thầy ơi. Là con gái ai cũng muốn được yêu thương và được chồng quan tâm. Nhưng con chưa hề được anh quan tâm như một người vợ thực sự. Cảm giác của con cứ như người thừa trong nhà ấy. Nhiều đêm con chỉ khóc một mình thôi. Ngay cả chuyện chăn gối vợ chồng con cũng ít gần gũi nhau. Anh tham công tiếc việc lắm, chỉ lo kiếm tiền thôi. Con chỉ mong một ngày nào đó gần đây thôi anh sẽ cho con cảm giác có anh bên cạnh và là người để cho con có thể dựa vào vai anh suốt đời. Nhưng liệu cảm giác đó có đến với con khi một người chồng gia trưởng suốt ngày chỉ lo làm kinh tế. Chẳng nhẽ con phải sống mãi trong tâm trạng u sầu suốt đời như một người đàn bà ăn bám chồng sao? Mà con cũng phải làm ăn chứ có phải ngồi không để chồng nuôi đâu. Con phải làm thế nào để tư tưởng con được thoải mái khi sống trong gia đình mà người chồng không cho mình một tí quyền của người làm vợ đây. Con buồn lắm thầy ơi.

Thanh Hương, Mai Dịch - Cẩu Giấy - Hà Nội

Thầy Thích Nhật Từ trả lời

Đọc những dòng tâm sự của chị về hoàn cảnh “chồng gia trưởng” đã làm chị rơi vào trạng thái “buồn lắm”, tôi cảm thông và mong chị không nên bi quan với “tâm trạng u sầu suốt đời,” vì mọi thứ có thể thay đổi được, ngay cả cá tánh khó khăn, cọc cằn và gia trưởng của chồng chị. Để có được “tư tưởng thoải mái”, chị phải xem đó là cái quyền quan trọng của bản thân và nỗ lực đạt được nó đúng phương pháp.

Nhận diện tác hại của thói gia trưởng

Về phương diện lịch sử, thói gia trưởng có từ thời phong kiến, khi xã hội có khuynh hướng trọng nam khinh nữ, giới hạn các quyền căn bản của người nữ, khi chỉ trao cho họ vai trò chăm sóc chồng con và gia đình. Về phương diện nhân cách, thói gia trưởng có mặt với chồng do tính cách độc đoán và bao biện, khi chồng nghĩ rằng mình giỏi hơn vợ mọi mặt và chỉ có quyết định của mình là đúng. Từ đó, dẫn đến tình trạng chồng “tự làm và tự quyết”, không thích “bàn bạc hay hỏi ý kiến” vợ. Với lối sống này, chồng trở nên “khô khan”, cứng nhắc, và sẵn lòng “mắng mỏ, nhiếc móc” vợ để đổ thừa, khi “công việc không suông sẻ”.

Thói gia trưởng thường đồng hành với thói bạo hành, khi các mệnh lệnh ích kỷ, không biết tôn trọng ai không được tuân phục. Tình trạng tự cô lập hoặc bị vợ con cô lập, mất dần sự yêu quý của người thân sẽ xuất hiện với chồng gia trưởng. Nỗi đau hôn nhân sẽ gậm nhắm trái tim vợ chồng, đẩy gia đình vào sự bế tắc, không lối thoát.

Dù là thời xưa hay thời nay, sống với chồng gia trưởng, người vợ mất dần tiếng nói trong gia đình, không có “tí quyền của người làm vợ”, luôn hứng lấy các áp lực nặng nề, dẫn đến các bất ổn tâm lý như căng thẳng, buồn chán và trầm cảm. Để vượt qua khổ đau bản thân và giúp chồng chuyển hóa, chị không nên tiếp tục “khóc một mình”, cảm giác “như người thừa trong nhà” việc tệ hơn là mặc cảm cho rằng mình chỉ là “người làm và sinh con, chăm con”. Nên nhớ rằng hạnh phúc của gia đình luôn bao gồm của chồng công vợ nên chị đừng nghĩ rằng chị là “người đàn bà ăn bám chồng”. Tìm cho mình một công việc thích hợp, nỗ lực “làm ăn,” dù tiền lương không như mong đợi, sẽ giúp chị vượt qua ám ảnh “ngồi không để chồng nuôi.” Tập trung vào công việc với tinh thần trách nhiệm và cam kết, tâm chị sẽ không còn chỗ để lo lắng, buồn rầu, mặc cảm, khổ đau về các ứng xử của người chồng gia trưởng, nhờ đó sống hạnh phúc và có ý nghĩa hơn.

Tìm kiếm sự cảm thông và chia sẻ

Khi hôn nhân của chị với anh ấy đang còn hiệu lực, mọi giải quyết vấn đề nên dựa vào tinh thần trách nhiệm về những gì mà hai bên đã gầy dựng và tạo nên. Trong quan hệ gia đình, anh ấy là chồng chị và chị là vợ anh ấy. Sự thật này không thể phủ định. Các trục trặc trong gia đình chị dẫn đến hai vợ chồng chưa có được sự đồng cảm, chia sẻ, là do anh ấy chưa tìm hiểu và cảm nhận những đau khổ ở chị.

Cá tính không muốn thua ai của anh ấy đã tạo ra tình thế không quan tâm đến vợ. Người gia trưởng thường hay cộc cằn. Kẻ cọc cằn thì thích nói ngọt, nói vui, ứng xử hoan hỷ của đối tác, ở đây chính là chị với tư cách làm vợ của anh ấy và là mẹ của con anh ấy.

Để giúp anh ấy vượt qua thói “mắng mỏ, nhiếc móc”, chị cần trau dồi ba phương diện truyền thông sau đây. Lời hòa giải, hòa hợp và thân ái sẽ giúp chị không đổ thêm dầu vào lửa sân hận và gia trưởng của chồng, nhờ đó, chồng không bị lâm vào nết xấu. Lời lịch sự, không văng tục, không nặng nhẹ, không hờn trách của chị sẽ giúp anh ấy không thể hồi đáp thô bạo với chị. Lời ái ngữ thể hiện sự quan tâm, quý mến, nhẹ nhàng trong ngữ điệu và đậm chất thương yêu trong diễn đạt sẽ làm chồng suy nghĩ lại sự cọc cằn của anh ấy và thay đổi tích cực. Bằng cách trò chuyện khéo léo, chị chỉ cho chồng thấy thói gia trưởng có ảnh hưởng tiêu cực và cần nỗ lực thay đổi. Chị sẽ phải giúp chồng trong nỗ lực thay đổi này.

Khi truyền thông và góp ý chồng, chị nhớ đừng quên nở những cười thật tươi, duyên dáng, hoan hỷ với chồng. Điều này sẽ giúp chồng chị hài lòng và hạnh phúc với lời lẽ dịu hiền và dễ thương của vợ. Nhu thắng cương là sự thật đã được chứng minh, chị nên tận dụng cách thế này. Trong thời gian đầu, dù chị đã nỗ lực nói lời hòa nhã, nhẹ dàng, nụ cười hoan hỷ nở trên đôi môi rạng rỡ, chồng chị vẫn tiếp tục thói thô lỗ và gia trưởng. Đừng buồn và nản chí. Người gia trưởng cần thời gian để thay đổi. “Nước chảy đá mòn” hay “mưa dầm thấm đất” là quy luật cho ta tin rằng thái độ mềm mỏng và vui tươi của chị sẽ có khả năng chuyển hóa tánh thói của chồng. Cự cãi, hơn thua, hay im lặng đè nén sẽ làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. 

Khéo thể hiện và sống với các giá trị cao quý

Giá trị cao quý nhất của phụ nữ là nhân cách và phẩm chất. Thể hiện và duy trì các phẩm chất có giá trị này, chị xứng đáng đón nhận sự quý trọng của chồng. Chị cần khéo léo nâng cao vị thế của mình trong gia đình bằng việc nâng cao kiến thức, trình độ hiểu biết, kỹ năng làm vợ, làm mẹ. Để tăng kiến thức và trình độ hiểu biết, chị có thể tham dự các lớp kỹ năng sống hạnh phúc, tham gia các câu lạc bộ phụ nữ, chia sẻ với những người phụ nữ có kinh nghiệm. Nhờ đó, chị sẽ có thêm sự chững chạc trong việc thay đổi tình thế gia đình.

Lối sống phụ thuộc vào chồng về kinh tế sẽ làm cho tính gia trưởng của chồng lớn theo năm tháng. Tính cam chịu, chấp nhận số phận an bài sẽ làm cho tính gia trưởng của chồng tăng thêm. Khéo léo thể hiện tiếng nói riêng, nhưng đừng hơn thua vì quyền bình đẳng đang bị chà đạp. Thắng chồng về chuyện này cũng chẳng có khả năng mang lại hạnh phúc đích thực. Cần khôn ngoan và khéo léo, để chồng nhận ra rằng lối sống gia trưởng và bao biện của anh ấy làm cho anh ấy mệt mỏi hơn, không còn thời gian để hưởng hạnh phúc với vợ con. Khi nhận diện và hiểu được các tổn thất đang diễn ra với anh ấy, anh ấy sẽ tự nỗ lực chuyển hóa cá tính xấu này. Hỗ trợ tinh thần này, hơn là đối lập với cá tính khó ưa, chị sẽ dần dần chuyển đổi được thói gia trưởng của chồng.

Thay đổi lối sống tích cực sẽ giúp chị cải thiện hạnh phúc cho riêng mình và góp phần cải thiện hạnh phúc gia đình. Thực tập yoga, tham gia lớp thể dục thẩm mỹ, hay chọn một loại thể thao thích hợp với nữ giới sẽ giúp chị có được niềm vui sức khỏe và thẩm mỹ, vốn là yếu tố làm cho chồng thương yêu. Ngoài việc chăm sóc con cái và gia đình, bổn phận và cũng là tình yêu thương, chị nên tìm cách bận rộn vào các tham gia xã hội có giá trị. Điều này sẽ giúp chị không quá bị vướng kẹt vào chồng, không bị khổ đau vì chồng, trải nghiệm các giá trị tích cực hơn.

Giúp chồng từ bỏ cá tính tiêu cực

Tiếp tay chồng phát huy tính xấu là một sai lầm mà chị nên tránh. Sợ và chiều theo chồng, chị sẽ biến anh ấy trở thành “cụ non khó tính.” Thiếu khéo léo trong ứng xử, chị sẽ bị lép vế dài dài và gây ra các ức chế tâm lý ở chị. Nhịn tiêu cực và lớn tiếng chống đối lại chồng là hai lối ứng xử thái cực nên tránh. Học cách thay đổi bản thân và theo đó thay đổi chồng để cả hai được hạnh phúc.

Người gia trưởng thích tạo ra hình ảnh vợ “ngoan hiền”, nói gì nghe đó, chứng tỏ quyền lực bằng sự ra lệnh, quát tháo. Khéo léo cư xử để chồng không bị “quê độ” trước sĩ diện hão với vợ, nhất là trước mặt người thân và bạn bè. Chị cũng không nên quá dễ dãi chạy theo các quy chuẩn, khuôn mẫu mà chồng chị nghĩ là chân lý rồi áp đặt lên chị. Một mặt, chị không nên chấp nhận các ý kiến quá chủ quan của chị, mặt khác chị cũng không nên ứng xứ đối chọi với chồng.

Chị cần chia sẻ rằng lối sống khắt khe, “tham công tiếc việc lắm, chỉ lo kiếm tiền” của anh ấy đã góp phần giết chết hạnh phúc mỗi giờ. Khéo đặt chồng vào hoàn cảnh của chị để chồng sớm hiểu và thông cảm với những khổ đau mà chị đã chịu đựng. Điều quan trọng là giúp chồng nhận ra rằng lối sống của anh ấy là có vấn đề, rất vô lý và không thể mang lại hạnh phúc cho chính anh ấy (vì quá mỏi mệt và căng thẳng), huống là mang lại hạnh phúc cho vợ con.

Bằng mọi giá, đừng khơi dậy sự tự ái và cơn nóng giận của chồng. Cũng đừng tạo cơ hội cho chồng tiếp tục “gây hấn” với chị. Do đó, chị không nên chỉ trích, đối chọi, kháng cự như cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng. Bình tĩnh với sức chịu đựng, mềm mỏng trong tính cách, khôn khéo ứng xử, chị sẽ thành công trong việc thay đổi cá tính tiêu cực của chồng. Tập phớt lờ như không nghe thấy gì khi chồng thái quá, để không làm cho xích mích trở nên nghiêm trọng hơn. Duy trì phẩm chất tốt, đức tính hy sinh, tiếp tục nỗ lực không ngừng trong việc thay đổi tính cách của chồng, tôi tin rằng trước sau gì chị cũng vượt qua được các thử thách này.  

Tìm sự giúp đỡ tích cực từ gia đình

Gia đình là điểm tựa tinh thần quan trọng cho các thành viên trong gia đình. Chồng chị cũng không phải là một ngoại lệ. Sau khi đã tự mình nỗ lực cải thiện tình hình, giúp chồng nhận ra thói gia trưởng đang làm hạnh phúc vợ chồng rạn nứt, mà không thành công, chị có thể khéo tìm kiếm sự giúp đỡ tích cực từ phía gia đình chồng. Chia sẻ với người thân mà chồng chị kính trọng, lắng nghe. Các góp ý của người thân được quý trọng này sẽ làm chồng chị nhận ra được sự thái quá trong ứng xử, tự kiểm điểm, rút ra các kinh nghiệm quý báu, nhờ đó, hướng đến sự thay đổi tích cực có thể. Các thay đổi mà chồng chị cần tiến hành là thể hiện sự quan tâm, chăm sóc đến vợ hơn, chia sẻ cuộc sống lứa đôi.

Thừa nhận các quan hệ gia đình với sự quý trọng sẽ giúp chồng chị có các ứng xử thích hợp. Từ bỏ thói gia trưởng không bao giờ là quá muộn. Tuy nhiên chị không nên kỳ vọng vào thời gian thay đổi quá nhanh của chồng. Do đó, đang khi nhận được sự giúp đỡ tích cực của người thân, chị nên thể hiện sự nhún nhường, kiên nhẫn và khéo léo hơn để đón nhận được sự thay đổi từ chồng.

Ngay cả trong tình huống hỗ trợ của người thân vẫn chưa có kết quả thì chị nên cố gắng thêm nữa.

MỤC LỤC 
CHÌA KHOÁ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Mười Một 2016(Xem: 6152)
16 Tháng Mười Một 2016(Xem: 5743)
19 Tháng Bảy 2016(Xem: 6154)
Trong khi mọi người cố gắng chấp nhận các sự kiện bi thảm đã xảy ra, thí dụ như vụ tấn công mới đây ở thành phố Nice, nước Pháp, vào buổi tối thứ Năm (ngày 14/7/2016), nhiều người đã đi tìm sự đoàn kết, và sự sẻ-chia niềm thông-cảm trên các phương tiện truyền-thông xã hội.
24 Tháng Sáu 2016(Xem: 5703)
Thông thường, rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng một người giàu có thường là người hạnh phúc, hay ít ra, họ dễ có cuộc sống hạnh phúc hơn người khác. Vì tin như thế, trong cuộc sống, chúng ta lao vào làm giàu và làm giàu không mệt mỏi để thực hiện khát vọng hạnh phúc của mình. Thế nhưng, kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua cho thấy rằng, sự thật không hẳn như vậy.
28 Tháng Năm 2016(Xem: 5996)
Một huynh đệ của tôi đã giảng dạy thiền tại một trai giam có hệ thống an ninh bậc nhất gần thành phố Perth trong khoảng thời gian vài tuần. Một nhóm tù nhân đã đến làm quen và rất kính trọng thầy. Cuối mỗi buổi giảng, họ thường hỏi thầy ấy về những sinh hoạt hằng ngày trong một tu viện Phật giáo.
20 Tháng Năm 2016(Xem: 7279)
Có lẽ sự ra đi của một đứa trẻ là sự nghiệt ngã nhất của cái chết mà khó ai có thể chấp nhận nó. Tôi đã dự và làm chủ lễ trong nhiều đám tang của các bé trai, bé gái vẫn còn chưa được nếm trải cuộc đời. Trách nhiệm của tôi là hướng dẫn các bậc cha mẹ cũng như những người trong gia đình đang đau buồn cùng cực và quẫn trí, để vượt qua nỗi đau của mặc cảm tội lỗi và nỗi ám ảnh về câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao?”
27 Tháng Tư 2016(Xem: 5196)
Phật giáo cần nói gì về những giấc mộng? Giống như một nền văn hóa khác, trong giới tín đồ Phật giáo cũng có những người tự xưng là giỏi về chuyện giải thích giấc mộng. Hạng người đó đã làm lạc lối những kẻ cả tin bằng cách khai thác sự thiếu hiểu biết của họ vốn cho rằng mỗi giấc mộng đều có một ý nghĩa tâm linh hay tiên tri.