- Tưởng Nhớ Đại Lão Hoà Thượng Thích Tố Liên Bậc Danh Tăng Phật Giáo Việt Nam Thế Kỷ Xx

22 Tháng Hai 201200:00(Xem: 4118)
HỘI THẢO KHOA HỌC
HÒA THƯỢNG TỐ LIÊN (1903-1977) 
TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội 
phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức 

TƯỞNG NHỚ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TỐ LIÊN 
 BẬC DANH TĂNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM THẾ KỶ XX
Thượng tọa THÍCH BẢO NGHIÊM
Thành hội Phật giáo Hà Nội

Trong những năm thập kỷ 20-30 của thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo được lan rộng tỏa khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tại Bắc Kỳ, nhiều bậc Thiền gia kỳ túc xuất hiện, đồng lòng chung sức tất cả vì mục đích “Chấn hưng Phật giáo, thống lý đại chúng” như Tổ thiền gia Pháp chủ - Thích Thanh Hanh, Tổ Trung Hậu - Thích Thanh Ất, Tổ Bằng Sở - Thích Chân Như (Phan Trung Thứ), Tổ Thượng thủ - Tuệ Tạng. Các ngài như những ngôi sao sáng xuất hiện trên bầu trời đêm tối. Bên cạnh đó còn có các bậc Thượng tọa nổi bật xuất chúng là những vị tăng trẻ đầy nhiệt tình cùng chung tâm nguyện hoài bão với các bậc kỳ túc trưởng lão bề trên, nổi bật đó là Thượng tọa Tố Liên, Thượng tọa Trí Hải, v.v...

Năm 2006, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hòa thượng Thích Trí Hải, Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã kết hợp cùng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Sa môn Thích Trí Hải với phong trào chấn hưng Phật giáo thế kỷ XX”, mục đích của hội thảo này nhằm tôn vinh và đánh giá đúng chân giá trị công đức của Ngài đã đóng góp cho đạo pháp và dân tộc. Nếu như chúng ta tưởng niệm Hòa thượng Thích Trí Hải mà chưa hoặc không tưởng niệm Hòa thượng Thích Tố Liên - một nhà hoạt động song hành cho công cuộc xây dựng Phật giáo Việt Nam và Phật giáo quốc tế thì quả thật là một thiếu sót lớn. May thay, điều đó không xảy ra.

Hôm nay, ngày 30/3/2007 (nhằm ngày 12/2 Đinh Hợi), nhân kỷ niệm lần thứ 30 ngày lễ húy nhật của Hòa thượng Thích Tố Liên, tại ngôi chùa Quán Sứ cổ kính đã từng chứng kiến bao sự kiện trọng đại của Phật giáo Việt Nam, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), Tổ đình Hương Tích, và Tạp chí Văn hóa Phật giáo tổ chức hội thảo khoa học “Hòa thượng Tố Liên (1903 - 1977) trong sự nghiệp xây dựng Phật giáo Việt Nam và Phật giáo thế giới”. Đó là việc làm hết sức quan trọng trong ý nghĩa “Tri ân, báo ân” của người Phật tử làm sống dậy hai nhân vật lịch sử Phật giáo của thế kỷ XX mà đến nay vẫn còn lưu truyền trong nhân dân và Phật tử câu ca ngợi “Thuyết pháp Tố Liên, làm tiền Trí Hải”.

Hòa thượng Thích Tố Liên họ Nguyễn, pháp húy Thanh Lai, sinh năm Quý Mão (1903), người làng Quỳnh Lôi, tổng Kim Liên, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngài sinh ra trong một gia đình Nho giáo kính tín Tam Bảo, với thiện căn sẵn có từ nhiều đời, nên ngài được nhập Thiền môn từ khi tuổi mới 13, là đệ tử sư tổ Thích Trí Tích - đời thứ 9 trụ trì Hương Tích - Thiên Trù. Hòa thượng được nghiệp sư dạy bảo và cho theo học các tổ đình Đào Xuyên, Bằng Sở (Hà Nội), Tế Xuyên (Hà Nam), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Sau đó, nhận lời thỉnh cầu của nhân dân, Phật tử, Ngài đã trụ trì các Tổ đình đại danh thắng như Côn Sơn, Thanh Mai, Quỳnh Chân. Chính từ những nơi “địa linh” này đã hun đúc, đào tạo cho Phật giáo “bậc nhân kiệt” làm tùng lâm thạch trụ sau nhiều năm nghiêm thân tiến đạo, giới đức trang nghiêm, dùi mài kiến thức Nho học.

Nhận lời thỉnh cầu của Hòa thượng Thích Trí Hải, Hòa thượng Thích Tố Liên đã giao lại công việc trụ trì cho đệ tử, trở về Hà Nội kề vai sát cánh cùng Hòa thượng Thích Trí Hải và các bậc trưởng lão để chấn hưng Phật giáo. Vì nhận thấy Phật pháp suy vi, giới luật Tăng già lỏng lẻo, hầu hết chỉ như những thầy cúng chuyên đàn tràng, lễ lạy để mưu sinh, nam nữ xuất gia không được học hành, Phật tử không hiểu giáo lý. Với tâm niệm đó, Ngài muốn canh tân Phật giáo trước nhất phải cải cách giáo dục trong việc đào tạo tăng tài cũng như xây dựng mô hình gia đình Phật tử theo đề tài “Phật hóa Phổ”.

Tuy hằng ngày công việc Phật sự đối nội, đối ngoại rất đa đoan bề bộn trăm công nghìn việc của một người lãnh đạo Phật giáo, nhưng lúc nào Ngài cũng dành thời gian cho việc đào tạo tăng tài với cương vị giáo thọ của trường Phật học Quán Sứ, Bồ Đề, Vân Hồ... Tác giả Nguyễn Lang trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận đã nhận xét về công việc giáo dục tăng ni và hoằng dương chính pháp của Ngài với những dòng khái quát nổi bật “... từ Côn Sơn về để cộng tác với hội Bắc kỳ phật giáo, ông đã đóng góp rất nhiều cho Phật học đường Quán Sứ và cho những hoạt động xã hội và văn hóa của hội... ông để tâm rất nhiều đến việc đào tạo tăng tài và thiết lập những cơ sở văn hóa về giáo dục cho xã hội”.

Riêng tôi có diễm phúc được thị giả bên Ngài những năm tháng cuối cùng (các năm 1976, 1977) khi còn là học Tăng của trường tu học Phật pháp Trung ương. Tuy thời gian không lâu, nhưng đức hạnh của Ngài đã tác động lớn đến bước đường tu học và hành đạo của tôi. Ngài là ngôi sao sáng về giới đức trang nghiêm, là nhà giáo dục mô phạm vì sự nghiệp hoằng truyền chính pháp, đào tạo tăng tài.

1. Giới đức trang nghiêm: Các bậc cao tăng đương thời cũng như các vị xuất gia, hay tại gia khi được theo Ngài tu học hay chỉ một lần diện kiến đều khởi tâm kính ngưỡng trước nét mặt uy nghiêm, nhưng hiền từ khả kính toát ra từ giới đức thanh cao của bậc cao tăng nghiêm trì giới luật. Mỗi bước đi, lời nói, cử chỉ là một bài học cho hậu thế. Hình ảnh Thượng tọa Duy Na đại giới đàn Quán Sứ năm 1939 luôn được Hòa thượng Thích Tâm Tịch, Hòa thượng Thích Tâm Nguyện ôn lại và sách tấn học tăng với lời kể đầy kỷ niệm và trân trọng, tán thán: “Giới đàn năm 1939 là giới đàn lớn và quy mô nhất của Phật giáo Bắc kỳ, các giới tử chúng tôi tất cả phải tập trung về chùa Quán Sứ lễ sám hối 21 ngày, mỗi ngày 3 thời. T

uy công việc Phật sự bề bộn, nào lo tổ chức chuẩn bị giới đàn, nào lo đón tiếp các bậc danh tăng tổ đức giới sư của giới đàn từ các tỉnh Bắc Kỳ về, nhưng hòa thượng Tố Liên vẫn đích thân làm chủ sám các thời khóa, hướng dẫn các giới tử lễ sám hối. Giảng dạy giới luật căn bản và những điều cần thiết cho giới tử khi nhập đàn. Sau khi lễ sám xong, giới tử đến trước Phật điện bốc thăm để xếp thứ tự trong giới đàn và nhận pháp danh. Giới đàn trang nghiêm, cẩn trọng lắm”. Vì theo giới luật giới tử đắc giới cần ba yếu tố: đàn tràng trang nghiêm, giới sư thanh tịnh, giới tử chí thành. Đó là một trong những đức hạnh cao cả vì hậu côn của hòa thượng mà sau này mỗi năm Thành hội Phật giáo Hà Nội tổ chức giới đàn, chúng tôi cũng noi gương đức hạnh đó, phát tâm dẫn dắt giới tử lễ sám hối.

Những năm tháng cuối cùng, tuy tuổi cao sức yếu nhưng Ngài không sao nhãng việc hành trì lễ tụng thường nhật. Hằng sáng thiền hành mỗi khi ra khỏi phòng Ngài đều y áo chỉnh tề, khi qua tổ đường bao giờ cũng cúi đầu và bái tổ. Những hình ảnh đó vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Một hôm chúng tôi cùng thầy Quảng Tùng, thầy Thanh Hưng đi qua cửa phòng, được Hòa thượng gọi vào uống trà, căn dặn giữ gìn 3 nghiệp thanh tịnh tu tập: “Tăng ni theo Phật lấy việc giữ giới làm đầu, những uy nghi tế hạnh cũng không bao giờ được lơ là, người đời nhìn hình ảnh tăng tức là hình ảnh của Phật giáo, các sư ông nên biết người tu luôn luôn có tướng khác người lắm, nhất là khuôn mặt đã đượm màu tương cà, dù ăn mặc thế nào người tu cũng bị người đời phát hiện, nên không ai được trá hình ra ngoài phố chơi nhé”. Chúng tôi ngồi đó hầu chuyện, được nghe Ngài dạy qua các câu chuyện rất chân thành, mộc mạc mà là cả một bài pháp vi diệu, hữu ích, không biết chán mỏi mệt đến khi nghe chuông báo giờ niệm Phật mới tạm biệt.

2. Một sứ giả của Như Lai trong sự nghiệp đào tạo tăng tài, 
hoằng pháp lợi sinh

Trong những năm nửa đầu thế kỷ XX khi mà Nho học còn phổ biến, Hòa thượng Thích Tố Liên, Hòa thượng Trí Hải đã chủ trương canh tân giáo dục, Việt hoá kinh điển. Ngài đã biên soạn nhiều kinh luật luận ra tiếng Việt thay cho lối dạy cũ tầm chương trích cú, “chi: chưng; bất: chẳng”. Đêm đêm, dưới ngọn bạch lạp, Hòa thượng soạn giáo án, in phát cho học tăng học tập. Ngài chăm lo cho tăng chúng nơi ăn chốn ở, học hành giảng dạy không việc gì không để tâm.

Bằng thân giáo, khẩu giáo, ý giáo, học tăng lúc đó rất kính trọng và hoan hỷ học Ngài. Hòa thượng Thích Thanh Chỉnh kể: Một năm, tiết trời rất lạnh, mấy ngày tết người (H.T Thanh Chỉnh) ngủ dậy muộn, người thăm hỏi người thân, Phật tử không theo nề nếp thiền môn, Hòa thượng Tố Liên biết, thay vì quát mắng, Ngài chỉ ôn tồn mấy câu: “Thôi nhé hôm nay vui tết thế là đủ rồi, từ mai lập lại thời khóa, tu tập như thường nhật, các thầy phải để tâm học tập, giữ giới luật, nghiêm chỉnh uy nghi”. Chỉ mấy câu như vậy, mà từ đó không ai dám sao nhãng. Ngài thường lui tới tăng phòng khuyến tấn tăng chúng mỗi khi có việc bất hòa hay trễ nải tu tập, thăm hỏi những ai đau yếu và nhắc nhở vị “khám bệnh” chăm sóc thuốc thang. Thật vĩ đại thay bậc thầy! Câu chuyện kể trên để lại cho hậu thế như một công án cho người làm giáo dục.

Hòa thượng Tố Liên không những chú trọng đào tạo tăng tài mà còn luôn luôn để tâm đến việc hoằng pháp nhằm phổ cập giáo lý cho Phật tử. Thời đó, Giáo hội đã thành lập giảng sư đoàn để cử đến các pháp hội kết hợp cùng ban nghi lễ: vừa ứng cúng, vừa thuyết pháp. Ngài nhận thấy thời nay tăng ni Phật tử tụng kinh phần lớn không hiểu được ý nghĩa lễ Phật tụng kinh vì kinh điển viết toàn bằng chữ Hán. Ngài đã biên soạn tác phẩm “Sự lý lễ tụng”. Đó là một trong các tác phẩm dành cho người tu học hiểu được sự lý viên dung của giáo lý Phật. “Nội dung trong cuốn Sự lý lễ tụng này, Bần tăng đã cố gắng tìm những sự lý của Phật tổ dạy về lễ tụng ra mà bàn góp ở các bài chú thích, mong cống hiến các quý đạo hữu một phương châm lễ tụng, làm sao cho phù hợp nghi thức đem tam nghiệp, lục căn cúng dàng Tam Bảo làm cốt tuỷ trong sự lễ tụng như thế mới gọi là SỰ LỄ TỤNG. Trong khi lễ tụng mà thấy được đạo cảm ứng giữa tâm mình với Tam Bảo thì đấy mới đến được LÝ LỄ TỤNG. Hễ mà theo được đầy đủ phần sự thì phần lý ở ngay phần sự mà sinh ra, thế gọi là SỰ LÝ VIÊN DUNG. (Trích lời nói đầu Sự lý lễ tụng).

Tác giả Nguyễn Lang trong tác phẩm “Việt Nam Phật giáo sử luận” đã viết: “Ông để tâm rất nhiều đến việc đào tạo tăng tài và thiết lập những cơ sở văn hóa về giáo dục cho xã hội. Ông chuyên viết bài giảng phổ thông về Phật học để nhà in Đuốc Tuệ ấn hành”.

Cũng chính xuất phát từ tư tưởng Việt hoá, phổ cập giáo lý, nên tại chùa Quán Sứ thay vì câu đối đại tự chữ Hán như các chùa khác, Ngài đã dùng toàn bằng tiếng Việt để người đọc dễ hiểu, dễ nhớ. Mỗi câu đối như một bài pháp cho người đến chùa được học.

Ví dụ: Vừa bước chân vào cổng chùa, chúng ta đã thấy đôi câu đối khuyên hành giả sớm nhận ra cuộc đời là giả tạo như giấc mộng chiêm bao, hãy nương vào tam vô lậu học, đoạn trừ tham sân si để được giải thoát:

Kịch trần duyên một giấc vàng, giới định tuệ sớm tu nhân thành Phật
Tranh thế sự trăm năm bạc, tham sân si sau mang nghiệp vào thân.

Nhưng tại giảng đường lại khuyên người Phật tử phải tu phúc và tu tuệ như hai việc làm song song không thể thiếu một “phúc tuệ song tu”.

Lễ Phật sám hối tà tâm trừ ác nghiệp, cơ cầu bồi cõi phúc
Nghe pháp hiểu minh chính nghĩa làm nhân duyên, công đức đóng bè từ.

Tại tổ đường, Ngài khuyến tấn tăng ni noi gương tổ đức truyền trì mạng mạch kế vãng khai lai:

Kế truyền Phật Tổ gia phong, đấng tiên tiến đã nêu cao gương giác thế
Chấn hưng Thánh Hiền sự nghiệp, bậc hậu côn lại khêu tỏ đuốc độ nhân.

Đó là một trong hàng trăm câu đối được Ngài biên soạn mà chúng tôi tâm đắc, phần nào phản ánh tâm tư nguyện vọng của Hòa thượng Tố Liên trong hoài bão “Hoằng pháp vi gia vụ, độ sinh vi sự nghiệp” của Ngài. Không chỉ trên giảng đường hay nơi Pháp tòa, bất cứ chỗ nào Ngài cũng phổ cập giáo lý phổ thông cho người tu học dễ hiểu, dễ tu.

Xin trân trọng trích lục ba đôi câu đối trên thay cho lời kết của bài viết này. 
 

04-29-2007 04:56:02

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn