- Hòa Thượng Thích Tố Liên Trong Quan Hệ Phật Giáo Quốc Tế

22 Tháng Hai 201200:00(Xem: 4335)

HỘI THẢO KHOA HỌC

HÒA THƯỢNG TỐ LIÊN (1903-1977) 
TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội 
phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức 

HOÀ THƯỢNG TỐ LIÊN
TRONG QUAN HỆ PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Gíac Dũng 

Hòa thượng Thích Tố Liên là một vị danh tăng của Phật giáo Việt Nam cận đại. Ngài không những có công trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc, trong việc thành lập tổng hội Phật giáo Việt nam trên toàn quốc mà còn có công trong việc thành lập Hội Liên hữu Phật giáo thế giới. 30 năm đã trôi qua kể từ khi ngài chích lý Tây quy. 30 năm ấy có không biết bao nhiêu lâu đài ý thức hệ sinh ra rồi bị mất đi, bị chôn vùi vào lớp bụi quên lãng của thời gian. Nhưng nhân cách, vĩ nghiệp của ngài thì vẫn toả sáng trong lòng những người con Phật. Do đó, hôm nay chúng ta có mặt ở đây để cùng nhau ôn lại cuộc đời của ngài để từ đó làm hành trang cho con đường hành đạo của chúng ta sau này. Vì bài viết có hạn, người viết chỉ xin trình bày những đóng góp của ngài trong quan hệ Phật giáo quốc tế mà cụ thể là Hội nghị Phật giáo Thế giới tại Tích Lan năm 1950.

Trước hết, ngài am tường lịch sử Phật giáo của nước mình nên khi có người hỏi về lịch sử Phật giáo Việt nam, ngài đã dẫn truyện của Pháp sư Đàm Thiên để trả lời. Qua đó khẳng định rằng Phật giáo Việt nam được du nhập trực tiếp từ Ấn độ và phát triển sớm hơn cả Phật giáo Trung quốc. Hiểu rõ lịch sử Phật giáo nước nhà hết sức quan trọng trong vấn đề giao tiếp với Phật giáo các nước. Muốn biết người trước hết phải biết ta. Ngài am hiểu lịch sử Phật giáo Việt nam nhưng lại mong muốn tìm hiểu Phật giáo các nước. Đi đến đâu ngài cũng đặt vấn đề mua kinh sách lên hàng đầu và kế đó là tìm hiểu lịch sử cũng như tình hình Phật giáo nước sở tại. Tìm hiểu bằng mắt thấy tai nghe. Có như thế mới thấy được những điểm tương đồng và dị biệt, những ưu điểm cần học hỏi và những khuyết điểm cần phải tránh. Có như thế mới đem lại lợi ích thiết thực trong việc giao lưu Phật giáo quốc tế.

Kế đến phải nói đến tính nguyên tắc của ngài. Khi tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới tại Tích Lan, Hội nghị đã chỉ định vị chủ toạ và thư ký. Ngài thẳng thắn phản đối cách làm này. Ngài trình bày quan điểm của mình mà không sợ mất lòng rằng chủ toạ và thư ký Hội nghị đúng ra phải để các đại biểu tham dự Hội nghị đề cử chứ không nên lấy lý do là nước chủ nhà đứng ra tổ chức nên chỉ định trước như thế. Làm như thế thì không những không mang tính dân chủ mà cũng không mang tính hòa hợp trong tăng đoàn của đức Phật. Tăng đoàn của đức Phật là một đoàn thể hòa hợp từ trong tâm tư, trong hành động. Muốn thế, tất cả những sự việc hệ trọng của tăng đoàn phải được mọi thành viên của tăng đoàn tham gia và có tiếng nói quyết định. Đề nghị của ngài không thay đổi được cách áp đặt của Hội nghị nhưng ít nhiều các đại biểu tham dự Hội nghị cũng có sự khâm phục đối với ngài, với con người có sự hiểu biết và quan trọng hơn là dám nói lên sự hiểu biết đó. 

Cũng qua Hội nghị này, người ta thấy được mẫu người của ngài là một nhà thực tiễn chứ không phải là một nhà kinh viện, lý luận suông. Khi thấy Hội nghị chỉ chú trọng đến việc đọc các bài diễn văn của các đại biểu, ngài đã thẳng thắn phê bình rằng cách làm đó không mang lại hiệu quả thiết thực. Hội nghị chỉ nghe các đại biểu đọc các bài tham luận thì chỉ tốn công vô ích. Ngài yêu cầu phải hạn chế các bài tham luận và phải giành thời gian thích đáng để các đại biểu chất vấn, thảo luận xung quanh các bài tham luận đó. Có như thế thì mới tìm ra được chỗ đúng sai của vấn đề và mới có thể đưa những ý tưởng đó vào trong cuộc sống thực tiễn. Rất tiếc về điểm này Hội nghị cũng không thực hiện được nhưng có một điều, do những phát biểu mang tính chất xây dựng như thế, Hội nghị thấy được tính tổ chức và thực tiễn nơi ngài nên đã mời ngài vào tiểu ban soạn thảo hiến chương và điều lệ của Hội. Đây là một tiểu ban quan trọng nhất trong việc thành lập và quyết định sinh mạng của Hội về sau này.
 
Cuối cùng nhưng lại rất quan trọng đó là tinh thần dân tộc của ngài. Trong Hội nghị có 26 phái đoàn tham dự thì phái đoàn Phật giáo Việt nam bị ghép vào với phái đoàn Phật giáo Lào và Cam Pu Chia, được gọi là phái đoàn Phật giáo liên bang Đông dương và chỉ được công nhận một đại biểu vào trong Đại Hội đồng Phật giáo Thế giới. Trong khi phái đoàn Phật giáo của hai nước Lào và Cam Pu Chia im lặng, chấp nhận quyết định của Hội nghị thì ngài kịch liệt phản đối quyết định này và nói rõ rằng Việt nam là một quốc gia độc lập nên phải có một đại biểu chính thức trong Đại Hội đồng Phật giáo Thế giới. Lúc đầu tiếng nói của ngài tuy có được một vài nước ủng hộ nhưng chỉ là thiểu số, không được Hội nghị thông qua. Cuối cùng ngài cương quyết tuyên bố rằng nếu Hội nghị không công nhận Việt nam là một quốc gia độc lập và không chấp nhận phái đoàn Phật giáo Việt nam có một đại biểu độc lập trong Đại Hội đồng Phật giáo Thế giới thì Phái đoàn Phật giáo Việt nam sẽ rút lui, không tham gia Hội nghị.

Khi ngài lên tiếng mạnh mẽ như vậy, Hội nghị lại thảo luận và cuối cùng đồng ý công nhận Phái đoàn Phật giáo Việt nam không nằm trong Liên bang Đông dương và được cử một đại biểu chính thức tham gia vào Đại Hội đồng Phật giáo Thế giới. Đây có lẽ là sự đấu tranh đầy cam go của ngài tại Hội nghị. Mục đích không phải là làm được thành viên chính thức trong Đại Hội đồng Phật giáo Thế giới nhưng vấn đề quan trọng hơn ở chỗ nhìn nhận độc lập và chủ quyền của dân tộc. Ngài tham dự Hội nghị không phải chỉ với tư cách là một người Phật tử mà còn với tư cách là công dân của một nước, đại diện cho 18 triệu dân Việt (vào lúc bấy giờ). 

Từ đó, Phật giáo thế giới biết đến Phật giáo Việt nam qua nhân cách, qua dũng khí của ngài: Một con người không những am hiểu Phật giáo nước mình mà còn luôn tìm tòi học hỏi Phật giáo các nước, một con người thông thạo về hành chánh, tổ chức và đặc biệt là dám nói thẳng thắn trình bày quan điểm của mình và cuối cùng hết là một người Phật tử yêu nước, đặt niềm lợi ích của dân tộc lên trên tất cả, yêu thương và cương quyết bảo vệ uy tín của đất nước. Đây cũng là bài học cho chúng ta trong quan hệ Phật giáo quốc tế ngày hôm nay./.

(Ủy quyền Đại đức Thích Minh Hiền đọc trước Hội thảo)
Vĩnh Nghiêm ngày 21 tháng 3 năm 2007
 

04-29-2007 04:56:02

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn