- Hoà Thượng Thích Tố Liên Với Sự Thành Lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Năm 1951

22 Tháng Hai 201200:00(Xem: 4542)

HỘI THẢO KHOA HỌC

HÒA THƯỢNG TỐ LIÊN (1903-1977) 
TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội 
phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức 

HOÀ THƯỢNG TỐ LIÊN
VỚI SỰ THÀNH LẬP TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM NĂM 1951 
Lê Tâm Đắc

 
 
blankBài viết này tập trung giới thiệu những đóng góp của ông trong việc thống nhất tổ chức Phật giáo Việt Nam, cụ thể là sự kiện thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951 và Giáo hội Tăng già Việt Nam năm 1952.

1. Hoà thượng Tố Liên thế danh là Nguyễn Thanh Lai, sinh năm 1903 tại làng Quỳnh Lôi, tổng Kim Liên, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Năm 13 tuổi, ông xuất gia làm đệ tử của Tổ Thanh Tích (chùa Hương Tích, tỉnh Hà Tây). Mặc dù được chọn làm trưởng pháp tử kế vị chùa Hương Tích, nhưng với những phẩm chất của một người có chí lớn, ngay từ khi còn là một thanh niên tăng, ông đã tham học ở nhiều đạo tràng danh tiếng của xứ Bắc như Đào Xuyên, Tế Xuyên, Bằng Sở, Vĩnh Nghiêm… Ông cũng từng trụ trì các chùa Côn Sơn, Thanh Mai([1]). 

Hoà thượng Tố Liên là một trong những người tham gia tích cực và có đóng góp với sự nghiệp chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam trên nhiều phương diện như: xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo tăng tài, thuyết giảng Phật pháp, cứu tế xã hội,... Tuy nhiên, bài viết này tập trung giới thiệu những đóng góp của ông trong việc thống nhất tổ chức Phật giáo Việt Nam, cụ thể là sự kiện thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951 và Giáo hội Tăng già Việt Nam năm 1952.

Ngược dòng lịch sử, như chúng ta đã biết, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Phật giáo ở hầu hết các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, ở trong tình trạng bị suy thoái. Theo Đại sư Thái Hư - một trong những thủ lĩnh của phong trào chấn hưng Phật giáo không những của Trung Quốc mà còn của thế giới, trước khi diễn ra phong trào chấn hưng, có hai “khuyết điểm” căn bản trong việc phổ cập Phật pháp trong nhân gian, đó là: tổ chức và truyền bá. Do đó, để phát triển sâu rộng, Phật giáo nên học theo cách tổ chức và lối truyền bá của đạo Công giáo([2]). 

Ở Việt Nam, rõ ràng việc chấn chỉnh và thống nhất tổ chức Phật giáo là một trong những vấn đề trọng yếu mà những người chủ trương chấn hưng Phật giáo sớm ý thức được và tiến hành cải cách trước tiên nhằm khắc phục hình thức tổ chức truyền thống được cho là đã góp phần làm suy yếu Phật giáo nước nhà. 

Ý tưởng thống nhất Phật giáo toàn quốc xuất hiện ngay từ đầu thập kỷ 20 của thế kỷ XX. Ở miền Nam, vào ngày 19/9/1923, nhân giỗ Tổ tại chùa Long Hoà (Trà Vinh), chư tăng đã lập “Hội Lục Hoà Liên Hiệp” với mục đích xây dựng tình đoàn kết trong nội bộ nhằm tiến tới lập Giáo hội Phật giáo cho toàn Việt Nam([3]). Ở miền Bắc, ngay từ năm 1924, ý tưởng tương tự cũng đã xuất hiện trong suy nghĩ và việc làm của nhà sư Thích Trí Hải và nhóm thanh niên tăng vùng Hà Nam và một số tỉnh thành khác ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Để làm tiền đề cho việc lập Hội Phật giáo chung cho toàn quốc, sau 6 năm vận động, nhóm đã thành lập tổ chức “Lục Hoà Tịnh Lữ” (1929)([4]). Chúng ta cũng không thể không nhắc đến những ý tưởng chấn hưng và thống nhất Phật giáo Việt Nam thể hiện một cách sôi nổi và rộng khắp trên báo chí năm 1927 và đầu năm 1928 với sự tham gia tích cực của hai nhà sư trẻ là Thích Tâm Lai (miền Bắc) và Thích Thiện Chiếu (miền Nam)([5]),v.v...

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, nên việc thống nhất tổ chức Phật giáo chung cho toàn quốc đã không thực hiện được. Do vậy, các hội Phật giáo lần lượt được thành lập ở 3 miền, bắt đầu từ Nam Kỳ với Hội Nghiên cứu Phật học Nam Kỳ (1930), ở Trung Kỳ với Hội Phật học An Nam (1932) và ở Bắc Kỳ với Hội Phật giáo Bắc Kỳ (1934). 

Từ đây, Phật giáo ở các vùng miền trong cả nước hình thành một tổ chức theo lối mới, với nhiều điểm khác với lối tổ chức truyền thống. Chúng tôi tán đồng với ý kiến của học giả Nguyễn Quốc Tuấn rằng, trước thế kỷ XX, Phật giáo Việt nói chung không tổ chức thành một "giáo hội" có thứ bậc theo mô hình nhà nước thế tục: cấp trên cai quản cấp dưới, tổ chức thứ cấp phụ thuộc vào tổ chức cao cấp và trung ương. Tổ chức Phật giáo truyền thống tự tổ chức Tăng đoàn theo tổ đình và sơn môn. Điều này có nghĩa là có sự bình đẳng trong tu học và thực hành đời sống đạo.

Mỗi tổ đình và sơn môn đào tạo tăng tài riêng rẽ và có giá trị như nhau. Tất nhiên, vẫn có sự liên hệ giữa các sơn môn, nhưng đó là sự liên hệ của những đồng tu, không có sự chỉ đạo nhất quán từ một trung tâm trung ương. Trong lịch sử nước ta, các triều đình phong kiến, từ triều Đinh đến triều Nguyễn, đã sắc phong, đặt ngạch cai quản tôn giáo đối với các vị tu sĩ Phật giáo. Những nhà sư được phong Tăng Thống, Tăng Cang, hay những cơ quan như Tăng Lục, tuy nằm trong ngạch hành chính của các nhà nước quân chủ, nhưng không có nghĩa đó là một trung tâm đầu não. Những người được phong vẫn chỉ là người đại diện của giới tu sĩ Phật giáo đối với triều đình, không phải là người đứng đầu tổ chức giáo hội([6]). 

Nhưng với sự ra đời của các tổ chức Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, mà tiêu biểu nhất là Hội Phật học An Nam, thì một lối tổ chức giáo hội mới học tập theo mô hình của đạo Công giáo như Hòa thượng Thái Hư thừa nhận, đã xuất hiện và làm tiền đề hình thành tổ chức giáo hội Phật giáo chung cho toàn Việt Nam vào năm 1951.

2. Nhu cầu thống nhất tổ chức Phật giáo trong toàn Việt Nam tiếp tục được vận động sau năm 1945. Sự thống nhất một tổ chức cho toàn quốc là ý thức và là niềm mong mỏi chung của Phật giáo cả ba miền. Tuy nhiên, nhu cầu thiết tha này rõ ràng chỉ được đặt ra và tiến hành có hiệu quả sau hội nghị lần thứ nhất của Phật giáo thế giới tại Colombo (thủ đô Sri Lanca), từ ngày 26/5 đến ngày 7/6/1950, thành lập “Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới” (World Fellowship of Buddhists), mà Việt Nam trở thành trung tâm điểm Phật giáo địa phương (thành viên chính thức), với những đóng góp đáng kể của Hoà thượng Tố Liên. Nói cách khác, bên cạnh một số điều kiện thuận lợi khách quan đương thời, có thể khẳng định, Hội nghị Phật giáo thế giới lần đầu tiên là cú hích quan trọng trong việc xúc tiến thành lập một tổ chức chung của Phật giáo Việt Nam.

Bởi vì, Hiến chương của Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới đã nêu rõ: “Mỗi trung tâm điểm địa phương được lập nhiều chi nhánh hay thâu lập nhiều tổ chức trong phạm vi địa hạt của mình, và nhận làm hội viên từng cá nhân một hay toàn một tổ chức… Bất luận Tăng già hay cư sĩ tại gia đều được xin gia nhập làm hội viên của trung tâm điểm địa phương… Tổng hội có thể lập những trung tâm điểm địa phương ở các nước khác hay là công nhận một tổ chức hiện hữu nào đó là trung tâm điểm địa phương của một nước nào đó, nếu xét là hợp nghi, nhưng mỗi nước không được có hai trung tâm điểm địa phương”(LTĐ nhấn mạnh)([7]). 

Trở về từ Hội nghị Colombo, Thượng toạ Tố Liên, với tư cách là Trưởng đoàn Phật giáo Việt Nam, thành viên sáng lập Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới([8]) đã tích cực tiến hành nhiều hoạt động nhằm thống nhất tổ chức Phật giáo toàn quốc([9]). Công việc này được tiếp sức thêm bởi bức thư của ngài J.G. Fernando, Tổng Thư ký Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (gửi kem theo bản Hiến chương Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới) cổ vũ và động viên Thượng toạ Tố Liên đứng ra chủ trì việc thành lập trung tâm điểm cho địa phương Việt Nam. Bức thư có đoạn: "Tôi tin nơi sự trợ giúp của đại diện hiện có chân và những người có cảm tình với Hội để thành lập trung tâm điểm địa phương mau chóng. Bản Hiến chương này sẽ giúp Thượng toạ trong công cuộc này và nếu cần điều chi rõ hơn, Thượng toạ đừng ngần ngại mà hỏi ý kiến chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng tiếp xúc hầu đem lại sự thịnh vượng và tiến triển cho Hội Phật giáo Thế giới vì lợi ích chung cho nhân loại"([10]).

Trong một hội nghị của tổ chức Phật giáo Tăng già Bắc Việt, Thượng toạ Tố Liên đã phát biểu: “Vì phải theo với mục đích Hội Phật giáo Quốc tế là thống nhất lực lượng Phật giáo theo đà tiến triển thì phải thống nhất lực lượng từng xứ sở sẽ lại đi đến thống nhất toàn quốc để gia nhập cơ quan thống nhất Phật giáo quốc tế”([11]). 

Ngày 9/12/1950 (tức ngày 2 tháng 11 năm Canh Dần), nhân ngày giỗ Điều Ngự Giác Hoàng - Đệ nhất Tổ Trúc Lâm, Thượng toạ Tố Liên đã chiêu thỉnh chư tăng tôn đức và các nhà trí thức tới chùa Quán Sứ để hành lễ và thảo luận chương trình thành lập Trung tâm điểm Phật giáo thế giới tại Việt Nam. Sau khi bàn thảo kỹ lưỡng, để công việc thống nhất Phật giáo toàn quốc được thuận lợi, hội nghị quyết định thành lập Tiểu ban Nghiên cứu Điều lệ. Trưởng tiểu ban là Thượng toạ Phạm Đức Nhuận, hội viên gồm: Phạm Gia Thụy, Phan Huy Quát, Tam Lang, Mai Ngọc Thiệu, Vũ Như Trác, Lê Văn Thu và Viên Quang([12]). 

Cùng với những hoạt động trên, Thượng toạ Tố Liên đã cho in bản Hiến chương Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới gửi đến các tổ chức Phật giáo, các quan chức và đoàn thể chính quyền, các nhà sư và những người nhiệt tâm với Phật giáo để trưng cầu ý kiến và ước nguyện hợp tác chặt chẽ trong việc thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, mà trụ sở dự kiến đặt tại Hà Nội. Nguyện vọng chính đáng này đã nhận được sự tán thưởng và ủng hộ từ nhiều phía.

Về phía các tổ chức Phật giáo, ở Nam Bộ, Tuyên cáo của Hội Phật học Nam Việt (thành lập vào 19/9/1950) cho biết: “Đề xướng việc lập Hội Phật học này (Hội Phật học Nam Việt-LTĐ), chúng tôi còn có cái thâm ý đi đến chỗ Bắc, Trung, Nam sẽ bắt tay nhau thành một khối Phật tử quảng đại và thống nhất trên nguyên tắc cũng như trong hành động”([13]). 

Ngày 20 tháng 11 năm 1950, Hội trưởng Lâm thời Hội Phật học Nam Việt Nguyễn Văn Khỏe đã gửi thư cho Thượng toạ Tố Liên biểu thị sự tán đồng chủ trương thống nhất Phật giáo Việt Nam: “... Bao giờ chúng tôi cũng thiết tha mong cho Phật tử nước nhà cũng như toàn thế giới đoàn kết thành một khối chặt chẽ có hệ thống và quy củ… Chúng tôi không dám quên công khó nhọc của Thượng toạ trong việc xây đắp nền tảng cho Hội Phật giáo Thế giới và nhất là trong việc làm rạng danh Phật giáo Việt Nam. Thượng toạ nay có cái trọng trách tổ chức Trung tâm điểm địa phương Việt Nam, tức là Hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc, thì việc đặt trụ sở của Trung tâm điểm ấy tại Hà Nội, theo chúng tôi, là một việc dĩ nhiên trong giai đoạn phôi thai này, vì Thượng toạ cần phải ở gần trụ sở ấy để xếp đặt mọi việc. Vậy Hội chúng tôi tán thành ý kiến của Thượng toạ và xin biểu đồng tình việc đặt trụ sở Trung tâm điểm địa phương Việt Nam tại Hà Thành”([14]). 

Còn ở Trung Bộ, Hội Phật giáo Trung Việt đã gửi thư mời Thượng toạ Tố Liên vào để thảo luận cụ thể công việc thống nhất Phật giáo([15]). Tạp chí Viên Âm ra ngày 16/12/1950 đã đăng bài “Hãy bước tới Phật giáo toàn quốc” mở đầu có đoạn: “Phải bước tới Phật giáo toàn quốc, thống nhất Phật giáo, đấy là nguyện vọng từ lâu, nguyện vọng duy nhất của toàn thể Phật tử xuất gia cũng như tại gia…”. 

Về phía chính quyền, để thể hiện sự ủng hộ, ngài Thủ hiến Bắc Việt đã phúc đáp Thượng toạ Tố Liên, trong thư có đoạn: “Trân trọng đa tạ Thượng toạ và xin Thượng toạ biết cho rằng các cơ quan chính phủ vẫn sẵn lòng ủng hộ trong mọi trường hợp và về mọi phương diện các hội tôn giáo theo đuổi mục đích hướng dẫn dân chúng theo chính đạo”([16]). Ông Nguyễn Trọng Trạc, Giám đốc Sở Thông tin Bắc Việt thì phát biểu: “Tôi xin dành tất cả sự nhiệt tâm hưởng ứng và phụ lực vào công cuộc từ bi vô lượng của Giáo hội và chân thành cầu nguyện cho Giáo hội nước nhà ngày thêm hưng vượng, tiếng chuông cứu khổ sẽ từ đất Việt Nam bay ra khắp đó đây”([17]). 

3. Khi nhân duyên đã hội đủ, điều kiện trong nước và quốc tế đã chín muồi, việc trù bị đã sẵn sàng, ngày 10 tháng 4 năm 1951, các vị trưởng lão đại diện của Phật giáo ba miền đã ra lời hiệu triệu kỳ họp đại hội đồng để thành lập Hội Phật giáo thống nhất toàn quốc. 

Theo đúng thời gian trong lời hiệu triệu, hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc đã diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 6/5/1951 đến ngày 9/5/1951 tại chùa Từ Đàm, Huế. Hội nghị đã nhất trí thông qua bản Điều lệ, Nội quy của “Tổng hội Phật giáo Việt Nam”, cũng như hệ thống tổ chức của một loại hình giáo hội chung cho Phật giáo toàn quốc. 

Tại hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc năm 1951, Thượng toạ Tố Liên được bầu làm Uỷ viên Nghi lễ Ban Trị sự Trung ương. Đến năm 1952, khi Giáo hội Tăng già Việt Nam được thành lập, ông được cử làm Tổng Thư ký Ban Tổng Trị sự Giáo hội Tăng già Việt Nam khoá đầu tiên.

Như vậy, sau nhiều cố gắng nỗ lực chung, trong đó có sự đóng góp đáng kể của Hoà thượng Tố Liên, đến năm 1951, nhu cầu thống nhất Phật giáo Việt Nam đã trở thành hiện thực. Sự thống nhất này tuy chưa được triệt để vì một số lý do nhưng chủ yếu là do nhiều vùng miền của đất nước vẫn còn dưới sự thống trị của thực dân Pháp, nhưng đây là tiền đề và tiền thân quan trọng cho những bước phát triển Phật giáo Việt Nam các giai đoạn tiếp theo, nhất là sự thống nhất một cách triệt để vào tháng 11 năm 1981 - sau khi đất nước nước hoàn toàn giải phóng - thành lập ra một tổ chức duy nhất của Phật giáo Việt Nam là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

(*) Thạc sĩ Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện KHXH Việt Nam
 

[1] Thích Đồng Bổn (chủ biên). Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX. Tập 1. Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr. 527.

[2] Hòa thượng Thích Khánh Anh (dịch). Phật Pháp. Trong: 25 bài thuyết pháp của Thái Hư Đại Sư. Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr. 23.

[3] Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Biên niên sử Phật giáo Gia Định-Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr.74.

[4] Xem: Thích Trí Hải. Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2004.

[5] Xem cụ thể: Các bài viết về chủ đề "Chấn hưng Phật giáo" đăng tải chủ yếu trên tờ Đông Pháp Thời Báo và Khai Hoá Nhật Báo năm 1927 và đầu năm 1928. 

[6] Nguyễn Quốc Tuấn (chủ nhiệm). Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam thế kỉ XX. Đề tài Khoa học cấp Bộ. Hà Nội 2006, tr. 44.

[7] Phương Tiện, số 30, Mùng 1 tháng 10 năm Canh Dần (1950), tr. 26.

[8] Đến hội nghị lần thứ 2 họp tại Tokyo, Nhật Bản, với uy tín và ảnh hưởng của mình, Thượng toạ Tố Liên được bầu là Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới.

[9] Thực ra, ngay từ cuối năm 1949, nghĩa là trước khi diễn ra Hội nghị Phật giáo thế giới ở Colombo, Thượng toạ Tố Liên, Hội trưởng Hội Tăng ni Bắc Việt, Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam đã vào Sài Gòn rồi trở ra Huế để vận động các tổ chức Phật giáo ở miền Nam và miền Trung, cùng với các tổ chức Phật giáo ở miền Bắc, thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức Phật giáo duy nhất trên toàn quốc. Xem: Phương Tiện, số 8, mồng 1 tháng 1 năm Kỷ Sửu (1949). 

[10] Phương Tiện, số 30, mùng 1 tháng 10 năm Canh Dần (1950), tr. 16.
[11] Phương Tiện, số 27, rằm tháng 8 năm Canh Dần (1950), tr. 37.
[12] Phương Tiện, số 32-33, mùng 1 - rằm tháng 11 năm Canh Dần (1950), tr. 40.
[13] Phương Tiện, số 31, rằm tháng 10 năm Canh Dần (1950), tr. 17.
[14] Phương Tiện, số 31, rằm tháng 10 năm Canh Dần (1950), tr. 15.
[15] Xem: Phương Tiện, số 32-33, mùng 1 - rằm tháng 11 năm Canh Dần (1950), tr. 39.
[16] Phương Tiện, số 32-33, mùng 1 - rằm tháng 11 năm Canh Dần (1950), tr. 41.
[17] Phương Tiện, số 32-33, mùng 1 - rằm tháng 11 năm Canh Dần (1950), tr. 42.
 
Lê Tâm Đắc (*)
 
Phật Tử Việt Nam

04-02-2007 04:56:02

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn