- Hòa Thượng Tố Liên - Điểm Son Kết Nối Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Và Hội Phật Giáo Thế Giới

22 Tháng Hai 201200:00(Xem: 4172)

HỘI THẢO KHOA HỌC

HÒA THƯỢNG TỐ LIÊN (1903-1977) 
TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội 
phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức 

HOÀ THƯỢNG TỐ LIÊN
ĐIỂM SON KẾT NỐI TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM 
VÀ HỘI PHẬT GIÁO THẾ GIỚI


blankTăng già Việt Nam phải thấy mình là ngôi thường trú Tăng Bảo, một trong Tam Bảo của Phật tử tôn thờ. Cho nên Tăng già Việt Nam phải tự huấn luyện lấy mình làm sao cho xứng đáng địa vị thống nhất đại chúng (hướng dẫn nhân quần) trong địa hạt Phật giáo và trong xã hội Việt Nam

Lễ tuyên thệ thành lập Hội Phật Giáo Thế Giới đã diễn ra tại chùa Răng Phật, Colombo, Tích Lan vào ngày 25/05/1950. 26 phái đoàn Phật giáo từ khắp các nước đã tề tựu về ngôi chùa lịch sử này đồng phát thệ. Dựa trên tinh thần chung ấy, Hòa Thượng Tố Liên với tư cách Trưởng phái đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự hội nghị, phát biểu tuyên thệ với những lời đầy tâm huyết: “… Cầu xin Đức Phật chứng cho lời chân thật tán thành đề nghị thành lập hội Phật giáo thế giới giữa lúc này và tuyên thệ với Đức Từ Bi, với Phật giáo thế giới rằng: Sẽ cùng nhau áp dụng những lời tuyên thệ cho được thực hiện làm cho tinh thần Phật giáo mỗi ngày được thêm sáng sủa ở Việt Nam. Sẽ là công trình gom góp lực lượng với hội Phật giáo thế giới. Sự thành công của đệ tử sau này còn nhờ ở Đức Phật điểm hóa cho có sự ủng hộ của chính phủ cũng như của dân Việt Nam, nhất là còn phải hy vọng sự ủng hộ về tinh thần của hội Phật giáo thế giới”(*). 

Tinh thần hội nghị thành lập Hội Phật giáo thế giới có ảnh hưởng không ít đến tình hình Phật giáo Việt Nam. Ngày 06/05/1951, Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được khai mạc tại chùa Từ Đàm (Thuận Hóa) với sự hiện diện của hầu hết các tổ chức Phật giáo đương thời. Hội nghị được khai mạc chính là thành quả, nỗ lực hết mình của các bậc Cao Tăng thạc đức, các vị Cư sĩ trí thức hữu công. Trong đó, chúng ta không thể không kể đến vị trí của Hòa Thượng Tố Liên, vị đại biểu phái đoàn Phật giáo Bắc Việt. Có thể nói, Ngài chính là người đã đem ngọn lửa nhiệt huyết từ hội nghị thành lập Hội Phật giáo thế giới về Việt Nam góp phần thắp sáng lên ý chí thống nhất Phật giáo của toàn thể Tăng Ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam. Đồng thời tăng thêm niềm tin ở lòng người về một nền thống nhất trường thọ.

Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam được phát khởi vào những năm 30 của thế kỷ XX. Thời điểm được đánh dấu là khi các Hội Phật giáo, Hội Phật học hình thành ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam. Đây chính là sự tự thân vận động của Phật giáo Việt Nam. Trong khi bên ngoài, toàn cảnh phong trào tân vận động của Phật giáo thế giới khả quan thật sự. Chỉ một năm, sau khi Hội Phật giáo thế giới được thành lập, nguyện vọng duy nhất “thống nhất Phật giáo” của toàn thể Phật tử Việt Nam đã trở thành hiện thực: Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời vào tháng 5 năm 1951. Sự kiện lịch sử này đã mở ra một bước ngoặc quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam: 

- Các tổ chức địa phương giáo pháp riêng biệt được thống nhất lại thành một đoàn thể lớn mạnh.

- Thống nhất ý chí, lực lượng để hoằng dương chánh pháp.

- Góp mặt cùng các tổ chức Phật giáo trên toàn cầu xây dựng nền hòa bình an lạc cho nhân sinh. Đưa Phật giáo Việt Nam hòa nhập cùng Phật giáo thế giới. 

Và người làm chiếc cầu nối giữa thế giới bên ngoài (Hội Phật giáo thế giới) và tự thân bên trong (Phật giáo Việt Nam), lúc này chính là ngài Tố Liên, vị Đại diện Ban chấp hành Hội Phật giáo thế giới, thành viên Ban Vận động, Ban Dự thảo Điều lệ của Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam. Trên hết, Ngài là một Tăng sĩ trong đoàn thể Tăng già Việt Nam đúng nghĩa, như bình sinh Ngài từng tâm đắc khi viết lời giới thiệu cho tập văn Tăng già Việt Nam của Pháp sư Trí Quang: “Tăng già Việt Nam phải thấy mình là ngôi thường trú Tăng Bảo, một trong Tam Bảo của Phật tử tôn thờ. Cho nên Tăng già Việt Nam phải tự huấn luyện lấy mình làm sao cho xứng đáng địa vị thống nhất đại chúng (hướng dẫn nhân quần) trong địa hạt Phật giáo và trong xã hội Việt Nam”(*).

Ngài không chỉ nói bằng lời. Ngày 1.12.1949, Thượng Tọa Tố Liên, Hội trưởng Hội Tăng Ni Bắc Việt kiêm Phó Hội trưởng Hội Việt Nam Phật giáo, cùng ông Nguyễn Quang Tiến, Thủ quỹ Ban Cứu tế xã hội Hội Việt Nam Phật giáo đi Sài Gòn, trở ra Huế nhằm mục đích: Liên lạc với chư Tăng, các tổ chức Phật giáo để bàn bạc vấn đề thành lập một cơ quan tổ chức hoằng dương Phật pháp duy nhất. Ngày 09.09.1950, với tư cách Hội trưởng Hội Tăng Ni Bắc Việt, Ngài đã chiêu tập Hội nghị tại chùa Quán Sứ. Mục đích của hội nghị này là thực hiện thống nhất lực lượng Phật giáo địa phương, xứ sở, tạo nền tảng tiến tới thực hiện thống nhất lực lượng Phật giáo toàn quốc để gia nhập cơ quan thống nhất Phật giáo thế giới. Điều quan trọng hơn cả là để “chỉnh lý Tăng già”.

Từ cuối năm 1949 đến năm 1954, học tập theo phong trào Gia đình Phật tử của Phật giáo miền Trung, Hòa Thượng Tố Liên cùng Hòa Thượng Trí Hải hướng dẫn, tổ chức Gia đình Phật hóa phổ được thành lập nhanh chóng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận Bắc bộ, hầu mở rộng phạm vi ảnh hưởng của đạo Phật đến mọi đối tượng. Ngày 09.12.1950, Ngài tiếp tục vận động Hội Việt Nam Phật giáo tiến hành việc thành lập Trung tâm Phật giáo thế giới tại Việt Nam. Tháng 2 năm 1951, một Ban Vận động được thành lập, Ngài là một thành viên, để tiến hành công tác trù bị, thảo luận, bàn bạc và soạn thảo văn bản cần thiết để tiến tới thống nhất các tổ chức Phật giáo ở Việt Nam. Bản thân Ngài đã nỗ lực vận động, thực hiện không mệt mỏi những bước cần thiết để chuẩn bị tiến tới sự thống nhất Phật giáo trên toàn quốc.

Sau 04 ngày hội họp (từ ngày 06.05 – 09.05.1951), Hội nghị thống nhất Phật giáo đã nhất trí thông qua bản Điều lệ và Nội quy của Hội. Tôn chỉ của Hội được thể hiện thật rõ ràng qua Bản Điều lệ: Thống nhất lực lượng, ý chí cùng hành động của Phật tử Việt Nam, hướng dẫn Phật tử Việt Nam theo đúng tinh thần Phật pháp và liên hiệp với các tổ chức Phật giáo theo đúng chánh pháp trên phạm vi toàn cầu. Lại nhìn vào Hiến chương của Hội Phật giáo thế giới, chúng ta sẽ thấy rằng: Tôn chỉ của Tổng hội Phật giáo Việt Nam không đi ngoài xu thế chung của thời đại.

Hiến chương của Hội Phật giáo thế giới, Điều lệ của Tổng hội Phật giáo Việt Nam đều thể hiện ý nghĩa nền thống nhất của Phật giáo: Thống nhất Phật giáo, giữ gìn chánh pháp trường tồn để cải thiện đời sống con người và mưu cầu hòa bình cho nhân sinh. Bước đầu, Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được sự thống nhất ý chí từ Bắc vào Nam, từ trong nước đến ngoài nước và ngược lại. Thành quả này có tác động mạnh mẽ khiến mọi người thấy rõ sự cần thiết phải thống nhất Phật giáo và nền thống ấy thật sự có ý nghĩa. Công đầu phải kể đến thuộc về Ngài Hòa Thượng Tố Liên. Ngài đã góp phần làm tăng thêm sự tự tin, lòng tự hào cho Phật giáo Việt Nam trước bè bạn năm châu. Bằng chứng cụ thể là những gì Ngài đã làm tại Hội nghị thành Hội Phật giáo thế giới.

Từ những điều vừa trình bày trên, chúng tôi rút ra được mấy điểm sau:

Thứ nhất, Tổng hội Phật giáo Việt Nam, từ khi hình thành trên lý thuyết cho đến khi chính thức thành lập đều được kiến lập theo xu hướng hòa hợp: 

- Tổng hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức duy nhất tập hợp được các tập đoàn Phật giáo đương thời. Và các tập đoàn này đều được cơ cấu tổ chức theo mục đích: Đoàn kết để thực hiện trùng hưng Phật giáo, chỉnh đốn nội bộ và khôi phục chủ nghĩa đại chúng hòa hợp đúng với tinh thần Đức Phật dạy. 

- Tổng hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức của một đoàn thể hòa hợp. Đồng thời là một thành viên chính thức của Hội Phật giáo thế giới lấy tôn chỉ thống nhất Phật giáo làm mục đích chính. Có nghĩa là tự thân Tổng hội đang tồn tại trong một tổng thể hòa hợp rộng lớn, Hội Phật giáo thế giới. Và Hội Phật giáo thế giới dựa trên tinh thần “Lục hòa” để đoàn kết và thống nhất.

Thứ hai, Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời càng khẳng định chắc chắn hơn ý nghĩa nền thống nhất Phật giáo nước nhà. Vì thời cuộc thay đổi khiến cho nhân loại nhận thức rõ được hạnh phúc chân thật trong đạo Phật nên họ quy ngưỡng ngày càng đông. Lúc này, trọng trách của Tăng già càng nặng nề hơn khi: Sự nghiệp tự giác giác tha của Tăng già “mà cái việc vá biển, lấp trời, lập vũ trụ, đảo sơn hà vốn không thể so sánh được”. Do vậy, sự nghiệp ấy đòi hỏi Tăng già phải đoàn kết và thống nhất. Phật giáo thống nhất, mọi người như được tiếp thêm sức mạnh để làm được mọi việc. “Đứng trên tất cả để sống vì hết thảy”, do đó, Phật giáo tất nhiên phải thống nhất và nền thống nhất ấy tất nhiên phải “chân thật và cứu cánh”. Hòa cùng Hội Phật giáo các nước trên thế giới thực hiện rốt ráo lời Đức Từ Phụ đã dạy “Nhất vị mới thanh tịnh! Thanh tịnh mới nhất vị!”

Thứ ba, tự thân Tổng hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục thực thi những hoạt động cần thiết để bước tiếp một bước quan trọng và ý nghĩa: Thành lập Giáo hội Tăng già Việt Nam.

Thứ tư, tất cả những thành quả to lớn này hoàn toàn là công đức vô lượng vô biên của chư vị Tiền bối. Và Hòa Thượng Tố Liên là một trong những bậc Tôn Đức tiên phong của công cuộc cao cả này.

Thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay thật không còn đủ phước duyên để được gần gũi các bậc Cao Tăng trong phong trào chấn hưng Phật giáo, nên khó có thể cảm nhận rõ được phong cách kỳ vĩ của quý Ngài, lại càng không thể hiểu rõ được những giá trị quý giá mà quý Ngài đã cống hiến cho Đạo Pháp và Dân tộc. Thế nhưng, chúng tôi lại có được phúc duyên kế thừa những thành quả to lớn của quý Ngài, sự nghiệp rực rỡ của các bậc Tiền nhân. Nhất là trong thời điểm này: Vận hội mới đã thật sự mở ra cho cả dân tộc, và giai đoạn hội nhập thật sự bắt đầu. Vì thế, bản thân chúng tôi thiết nghĩ, kế thừa cũng có nghĩa là bảo tồn và phát huy.

Bảo tồn không chỉ là bảo vệ đơn thuần mà là thể hiện một cách trọn vẹn, đúng đắn và đầy đủ nhất. Phát huy không chỉ có nghĩa hạn hẹp là phát triển để bắt kịp thời đại, mà phát huy là để tồn tại một cách bền vững. Bảo tồn và phát huy đến cùng tận vị lai cái ý chí thống nhất toàn thể Phật tử cả về tư duy lẫn hành động. Thống nhất đúng nghĩa như lời Pháp sư Trí Quang đã nói và Hòa Thượng Tố Liên cũng hết sức tâm đắc: “Đức Phật có dạy: Chánh pháp nhất vị thanh tịnh. Nhất vị mới thanh tịnh! Thanh tịnh mới nhất vị! Thế nên Phật giáo phải thống nhất. Thống nhất mới thuần túy, cũng như phải thuần túy mới thống nhất vậy”(*).


TP. Hồ Chí Minh, ngày 26. 02. 2007

Thích nữ Quảng Thảo

- Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn chuyên ngành VHVN.
- Thư ký Ban Phật giáo Việt Nam thuộc Viện NCPHVN
- Giảng viên Học viện PGVN tại TP.HCM.
 

*Trích: TT.Tố Liên. Ký sự phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi Ấn Độ, Tích Lan. Nhà in Đuốc Tuệ, 1950.
* Trích: Trí Quang. Tăng già Việt Nam. Nhà in Đuốc Tuệ, 1952.
* Trích:Trí Quang. Tăng già Việt Nam. Nhà in Đuốc Tuệ, 1952.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- TT.Tố Liên. Ký sự phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi Ấn Độ, Tích Lan (Hội nghị Phật giáo tại Colombo 25.05 – 08.06.1950). Nhà in Đuốc Tuệ, 1950.
- Trí Quang. Tăng già Việt Nam. Nhà in Đuốc Tuệ, 1952.
- HT.Trí Hải. Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam. Nxb Tôn giáo, 2004.
- Tố Liên. Tấm gương Tam quy. Nhà in Đuốc Tuệ, 1949.
- Thích Đồng Bổn (chủ biên). Tiểu sử danh Tăng Việt Nam, tập I. THPG TP.HCM, 1996.
- Hội Tăng Ni Bắc Việt. Phương Tiện bán nguyệt san, từ số 17 đến số 28. Nhà in Đuốc Tuệ,1950.
- Hội Phật giáo Việt Nam. Tin tức Phật giáo, từ số 31 đến số 64, phụ trương tập san Phương Tiện, 1952.
 
Thích N. Quảng Thảo
Phật Tử Việt Nam

03-30-2007 08:56

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn