Bài 3 (Sông Hằng)

28 Tháng Ba 201100:00(Xem: 17486)

ĐẠO VÀ ĐỜI TRONG 24 NGÀY TRÊN ĐẤT PHẬT
CHUYẾN HÀNH HƯƠNG 03-2011
Hoàng Thị Bích Ti

Bài 3

Lời người viết:
Bài viết này chỉ nhắm vào mục đích cung cấp một số hình ảnh, dữ kiện trung thực về cuộc hành trình 24 ngày trên xứ Ấn mà chúng tôi đã đi qua. Chuyến đi này hẳn nhiên không phải là một cuộc du sơn, ngoạn thủy; mà đích thực là một chuyến hành hương đầy thử thách, không huyền thoại hoá. Đối với chúng tôi, đi một ngày là học một ngày. Học từ chính mình. Học từ người. Học trong cái dỡ và trong cái hay. Đi trong chánh niệm và đi trong niềm tin bất thối chuyển.
Va 19/03/2011
Hoàng thị Bích Ti.

 

Buổi sáng trên sông Hằng

Bốn giờ sáng, mọi người tụ tập ở lobby, chuẩn bị đi dự buổi lễ cầu nguyện trên sông Hằng khi mặt trời lên. Khi xe buýt ngừng lại, trời hãy còn tối. Hơi sương giăng mắc. Trời se lạnh. Người nào cũng chuẩn bị khăn áo tới mấy lớp. Chúng tôi cùng nhau bước đi trong lặng lẽ.. Mỗi người cầm sẵn đèn pin, để soi bước chân. Thành phố vẫn còn đang say ngủ. Sau một khoảng đường quanh co trong bóng đêm, chúng tôi đã thấy được bến sông dưới những ngọn đèn mờ tỏ.

Nhìn từ xa, khoảng sông phẳng lờ, ẩn mình trong làn sương mờ đục. Sát gần bờ, một tốp ba, bốn người đang cùng nhau tắm gội. Tội lỗi ngày hôm qua đã được rửa sạch hết rồi ư?. Những tội lỗi không hình, không tướng; bỏ nguồn, bỏ cội theo dòng sông trôi ra biển. Những chiếc thuyền chòng chành, mời gọi một chuyến đi. Người đạo sỹ với gương mặt ghê rợn, cổ đeo vòng hoa, xiêm áo diêm dúa, tay cầm chĩa ba bước lặng lờ trong khoảng không gian tranh tối, tranh sáng,

Sông Hằng đây rồi. Nơi ngài A Nan, ngài Đại Mục Kiền Liên cùng chư đại đệ tử và bồ tát được nghe đức Phật thuyết Giới Kinh, được chỉ cho thất bảo trong biển, bảy báu trong đạo và làm cách nào để có được bảy đạo báu này. Sông Hằng đây rồi. Con sông đã từng soi bóng đức thế tôn. Nơi mà những con sóng cho đến những hạt cát nhỏ nhoi đã từng nghe được lời giáo hoá.

 Lòng lặng đi. Mắt dõi theo cuối bờ bên kia, có cảm tưởng như ông lái đò đã một lần lỡ duyên với đức thế tôn vẫn còn luẩn quẩn quanh đây…

Biết bao bút mực đã nói về sông Hằng, (Ganga), con sông dài hơn hai ngàn kilo mét, nhập lại từ bảy con sông và bắt nguồn từ dãy Hy mã Lạp Sơn, thuộc miền Trung Bắc Ấn Độ. Theo kinh Trường A Hàm, đỉnh núi tuyết nơi đầu nguồn sông Hằng có hồ A nậu đạt, A nậu đạt có nghĩa là không nóng, vì mặt trời và mặt trăng không chiếu thẳng vào hồ. Cũng theo kinh, đáy hồ có trải cát vàng và chung quanh hồ có nhiều bảy báu như bạch ngân, hoàng kim, san hô, bạch châu, xà cừ, minh nguyệt châu và ma ni châu. Người Hindu đem sông Hằng vào sinh hoạt tâm linh của mình mỗi ngày. Những nghi thức tắm gội để rửa sạch tội lỗi, thiêu xác và uống nước sông Hằng được coi là những đặc ân đối với họ.

daovadoi030

Buổi sáng trên sông Hằng (ảnh HTBT)

 daovadoi034

Nhà hoả táng (ảnh, HTBT)

Sông Hằng chiếm một vị trí khá quan trọng về địa lý, kinh tế vào thời đức Phật. Theo trong bộ Tương Ưng, sông Yamuna, Aciravati, Sarabhu, Mahi và sông Hằng là năm con sông lớn nhất của Ấn Độ. Trong suốt thời gian hoằng pháp, đức Phật đã nhiều lần qua lại sông Hằng và đã hai lần thi triển thần thông trên sông này. Một lần trên đường về thành Ba la nại để gặp anh em Trần Kiều Như. Và một lần khác vào khoảng cuối đời khi đi ngang qua thành Palatigrama, nằm bên bờ sông Hằng. Đức Phật hay dùng sông Hằng làm ẩn dụ khi giảng về nghiệp lực của chúng sinh. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng trên bờ sông Hằng có vô số ngạ quỷ loã lồ, đói khát, thân mang đầy lửa, lại có vô số chúng sinh khác như kên kên, dòi bọ. Vì khát, cháy nên những ngạ quỷ tìm đến sông Hằng để uống nước. Và vì nghiệp lực của chúng sinh khác nhau nên kẻ thì thấy nước sông là lửa và người thì uống nước sông như nước cam lồ.

Đoàn thuyền của chúng tôi ra đến giữa sông thì mặt trời cũng vừa lên. Bầu trời chưa tỏ rạng, vầng thái dương đỏ rực như vừa trồi lên từ mặt nước. Đẹp làm sao! Ánh mặt trời lung linh, dọi xuống mặt sông, tạo thành một lằn ánh sáng linh động. Màn đêm vỡ tan trong phút chốc. Bầy chim ríu rít bay quanh thuyền . Mặt trời lên cao hơn, treo lừng chừng trời. Những vạt áo cà sa nhuộm vàng ánh bình minh, chấp chới bay trên sóng nước. Lời kinh xướng lên. Mọi người cúi đầu. Lòng thành dâng những búp tay sen. Hoa thơm cúng dường mười phương chư phật. Thuyền trôi êm, bỏ lại bên kia bờ những người đạo sĩ quái dị, những lời cầu nguyện trong lúc tắm gội, những chiếc thuyền buôn, bắt cá bán phóng sanh và cái thây người chết bọc trong vải đỏ trên thềm nhà hỏa táng. Bỏ lại sau lưng tất cả những bào ảnh của bọt nước, những tội lỗi. Khoảnh khắc tĩnh lặng. Tâm tĩnh lặng. Và với khoảng thời gian vừa đọc hết một bài kệ ngằn, thuyền đã tới bờ bên kia….

daovadoi032

Mặt trời lên (ảnh, HTBTi /2011)

daovadoi033

Bình minh trên sông Hằng (ảnh,HTBT/2011)

Mọi người theo quý thầy đi kinh hành trên cồn cát. Tôi cùng sư cô Tâm Thảo đứng lại chụp ảnh cả đoàn. Một điều lạ lùng, tôi cảm thấy cát sông Hằng mịn màng hơn cả cát ở những bãi biển của California, Hawaii, Miami, Mũi Né, Lăng Cô, Nhatrang mà tôi đã đi qua.

Bãi cát trắng phau với hằng hà sa số hạt cát nhỏ li ti. Những hạt cát nằm dưới đáy sông, chẳng biết kiếp nào được lên bờ. Những hạt cát ẩn mình trên cồn, chờ duyên lành chín muồi để được nương theo gió, theo gót chân ai mà chuyển nghiệp. Những hạt cát nhỏ nhoi, đáng thương…

Sau khi đoàn đi kinh hành xong, mọi người chuẩn bị lên thuyền để quay về bờ bên kia. Sư cô Tâm Thảo dịu dàng bảo tôi: “Chỗ này nước sạch nè T., em hãy rửa tay đi.”. Nhìn quanh, một ni cô khác cũng đang quỳ xuống, vục nước lên rửa mặt. Tôi vâng lời, nghiêng mình xuống rửa tay. Nước êm mát. Lòng nhẹ hẫng. Bay bổng

.

 Mặt trời trên đầu. Tôi thấy bóng tôi lồng trong bóng nước lung linh, trong rong rêu, trong những hạt cát của sông Hằng. Và, tôi nghe lời kinh Thủy Tịnh vang vọng bên tai: “ Này các con, “chánh pháp là ao hồ, giới là bến nước không nhớp nhúa được thiện nhân ca ngợi. Ấy là nơi bậc minh trí tắm thân thể sạch sẽ, chứng qua bờ bên kia.”

 Nam mô bổn sư thích ca mâu ni phật!

Va, 25/3/2011

H.T.B.Ti

Tài liệu tham khảo:
1- Kinh Thủy Tịnh Hành- Thích Thiện Châu dịch
2- Kinh Hoa Nghiêm- Cư Sĩ Hạnh Cơ dịch
3- "Phật Nói Kinh Nước Sông Hằng" - Hòa Thượng Thích Chánh Lạc

 

 


 

Ý KIẾN GỬI BAN BIÊN TẬP: (Quý độc giả có thể ghi danh (đăng ký) nơi trang đầu rồi sau đó có thể trực tiếp post ý kiến mà không cần phải gửi tới ban biên tập)

Thích Quảng Phước:


Sông Hằng được xem là một trong những con sông nổi tiếng không chỉ vì nó là một trong những con sông lớn nhất, dài nhất, mà vì nó là cội nguồn của Ấn giáo (Hindu giáo), là tín ngưỡng thiêng liêng của gần một tỷ người; không những thế, đây cũng là con sông được nhắc đến nhiều nhất trong kinh điển Phật giáo.

Hình ảnh sông Hằng trong kinh Phật:


Sau khi chứng ngộ Vô thượng Bồ-đề, đức Phật đã đến Sarnath để chuyển Pháp luân tại vườn Lộc Uyển. Sarnath thuộc vùng Veranasi và đây cũng được xem là trung tâm điểm của đồng bằng sông Hằng. Như thế, bánh xe Chánh pháp được vận hành đầu tiên nơi lưu vực sông Hằng. Sông Hằng thời ấy chắc rất trong sạch và không ô nhiễm như bây giờ, hầu như trong các kinh của đức Phật thuyết giảng đều có hình ảnh sông Hằng trong ấy. Cụm từ mà đức Phật thường sử dụng nhiều nhất và đã trở thành thành ngữ của người Việt Nam đó là “hằng hà sa số”. Mỗi khi muốn nói đến một con số lớn không tính đếm được, đức Phật mượn hình ảnh “số cát sông Hằng” để mọi người dễ hiểu. Hình ảnh ấy vừa thực tế, vừa bình dị, vừa thân thương đối với người dân xứ Ấn.

Trong kinh A-di-đà chỉ có vài chục trang nhỏ, rất ngắn, thế mà hình ảnh sông Hằng đã được đức Phật nhắc đến cả chục lần qua câu: Hằng hà sa số chư Phật các ư kỳ quốc…”, hầu như người Phật tử Việt Nam đều thuộc câu này. Trong các kinh Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi Bộ… khi đề cập đến tín ngưỡng của những người cho rằng tắm và uống nước sông Hằng sẽ trừ mọi tội lỗi, tật bệnh và khi chết nếu được ném xác vào dòng sông thì linh hồn sẽ siêu thoát, đức Phật dạy: Nếu nước sông Hằng là thiêng liêng thanh tịnh, có khả năng rửa sạch mọi tội lỗi của con người, giúp con người siêu thoát thì các loài tôm, cua, cá, sò, thuồng luồng… sống ở dòng sông đã được siêu thoát cả rồi. Nước sông Hằng cũng như nước các sông khác chỉ trừ được cấu bẩn của thân, không thể nào trừ được tội lỗi con người; càng không thể giúp con người siêu thoát. Tội lỗi từ tâm sanh, chỉ có việc tu tập thanh lọc tâm mới trừ được tội lỗi.

Kinh Thủy tịnh hành thuộc Tương Ưng Bộ kinh (Samyutanikaya) kể rằng: Một hôm, Tôn giả Ananda vào thành Xá-vệ khất thực, Tôn giả gặp một người Bà-la-môn tên Sangavara, người có lòng tin rằng, tắm nước sông Hằng sẽ được thanh tịnh; do vậy, ngày hai buổi sáng và chiều, ông đến sông Hằng để tắm. Vì thương tưởng Bà-la-môn này có niềm tin lệch lạc, Tôn giả Ananda trở về thưa đức Thế Tôn, xin Ngài đến hóa độ Bà-la-môn và những người trong thôn ấy. Hôm sau, đức Thế Tôn vào thành Xá-vệ gặp vị Bà-la-môn ấy, và hỏi: “Này Bà-la-môn, nhắm đến lợi ích gì mà người là nhà Thủy tịnh hành tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, chiều sáng sống theo hạnh tắm nước”. Bà-la-môn đáp: “Nơi đây, Tôn giả Gotama, ban ngày tôi tạo nghiệp ác thì buổi chiều tắm để gột sạch; ban đêm tạo nghiệp ác thì buổi sáng tắm để gột sạch… Tôn giả Gotama, vì nhắm đến lợi ích ấy mà tôi là nhà Thủy tịnh hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, chiều sáng sống theo hạnh tắm nước”. Đức Thế Tôn dạy: Này Bàla- môn, chánh pháp là ao hồ, giới là bến nước không nhớp nhúa, được thiện nhân ca ngợi. Ấy là nơi bậc minh trí tắm thân thể sạch sẽ, chứng qua bờ bên kia. Vốn có túc duyên nhiều đời, Bà-la-môn Sangarava liền tỏ ngộ, xin quy y: “Thật vi diệu Tôn giả Gotama, mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ từ nay cho đến chết, con xin trọn đời quy y” (Thích Thiện Châu dịch).

Ngày nay, tín ngưỡng sông Hằng vẫn còn rất mạnh trong lòng người Ấn giáo, chỉ nhìn qua những cảnh người già, trẻ con dìm mình trong dòng nước băng giá tê cả người; nhìn những người Ấn giáo uống nước dơ bẩn bên cạnh xác người chết, tro người, rác rến, v.v… ta cứ tưởng đó là sự thiêng liêng vì không thấy họ sợ sệt hay bệnh tật gì cả. Nhưng có biết đâu rằng hiện nay dòng sông đã bị ô nhiễm trầm trọng. Theo thống kê hằng năm, sông Hằng đã phải tiếp nhận hàng nghìn lít chất thải độc hại từ các nhà máy thuộc da và gần một tỉ lít nước thải sinh hoạt; đã thế, sông Hằng còn tiếp nhận hàng vạn xác chết, tro người… trong mỗi năm. Sông Hằng đã bị liệt vào một trong những con sông nhiễm độc hàng đầu thế giới; nó gây nên rất nhiều tật bệnh, cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng của người dân, đặc biệt là bệnh dịch tả và thương hàn. Giải pháp để làm sạch sông Hằng vẫn còn là bài toán nan giải cho chính phủ hiện nay, vì “phép vua thua lệ làng”. 

 


TTCT

Trong tâm thức người Ấn Độ cũng như tất cả tín đồ đạo Hindu, sông Hằng - người Ấn gọi là Ganga - là con sông linh thiêng nhất trên thế gian. Tắm ở sông Hằng sẽ gột rửa được mọi tội lỗi. Chết bên sông Hằng sẽ được giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.

Tôi đến thăm đoạn sông Hằng chảy qua Varanasi, một thành phố cổ xưa có tuổi hơn 2.000 năm, được xem là một trong những nơi chốn linh thiêng nhất ở Ấn Độ. Cũng ở đây, sông Hằng còn là “con sông cuộc đời” của người Ấn. Mỗi ngày, từ sáng tinh mơ cho đến lúc màn đêm buông xuống, bên bờ sông diễn ra tất cả những sinh hoạt có thể có trong một đời người: thiền định, tắm gội, giặt giũ, cầu nguyện, ăn uống, tế lễ, phóng uế và từ giã cõi đời. Dường như hàng ngàn năm qua, mặc cho thế giới bên ngoài biến chuyển không ngừng, đời sống bên sông Hằng vẫn không thay đổi.

Bác tài ở Varanasi tự hào giới thiệu: “Thành phố này có nhiều người chết nhất Ấn Độ”. Sở dĩ như vậy là vì nhiều tín đồ Hindu sắp trăm tuổi vẫn tìm về đây để chờ chết. Chết bên bờ sông Hằng - trong thành phố của thần Shiva - là mơ ước của tất cả những tín đồ sùng đạo. Buổi chiều đi dọc bờ sông, tôi thấy người ta chất củi thiêu xác ngay sát mép nước như ngàn năm trước vẫn thế.

Có lẽ vì phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm với con người mà dòng sông thiêng giờ đây cũng phải chịu chung số phận của những con sông trần thế khác, đó là nạn ô nhiễm nặng nề. Nước sông Hằng đã có mùi khó chịu, rác rến và chất thải vương vãi khắp nơi. Tuy nhiên sức hấp dẫn của nó đối với du khách nước ngoài vẫn hết sức mãnh liệt.

Người ta vẫn đổ về đây để thăm viếng con sông thiêng, để nhìn ngắm một đời sống dường như thuộc về một thế giới khác. Ít du khách nào dám nếm thử nước thánh hay bơi lội trên sông Hằng. Nhưng có hề chi, những thế hệ người Ấn nối tiếp nhau vẫn tắm gội, vẫn cầu nguyện, vẫn sinh ra và chết đi bên dòng sông. Sông Hằng đã trở thành một biểu tượng không thể tách rời của văn hóa Ấn Độ, và mãi mãi chảy trong tâm linh của người Ấn.

 

Thầy Thích Nhật Từ: (VIDEO NÀY RẤT HAY, NÊN XEM)

Phóng sự về sông Hằng - Ấn Độ được phát trên kênh VTV1. Phóng sự được quay trong chuyến hành hương đất Phật của đoàn Phật tử Việt Nam do ĐĐ. Thích Nhật Từ hướng dẫn.

http://www.youtube.com/watch?v=JbHjQZFPO6Y

http://www.youtube.com/watch?v=JbHjQZFPO6Y&feature=related


Trần Đức Hân TX:

SÔNG HẰNG

Địa dư có đủ tài liệu cần biết về sông Hằng.
Nhiều văn sĩ đã miêu tả sông Hằng.
Bao nhiêu thi sĩ đã thi vị hóa sông Hằng.
Phim ảnh về sông Hằng của đài THVN cũng hấp dẫn.

Người hành hương tầm thường như tôi thầm nhớ đôi lời Phật dạy về sông Hằng rồi đi thăm sông Hằng. Tự hỏi những rung động nào đây có thể lôi cuốn du khách và người hành hương.

Phật dạy không thể dùng nước sông mà rửa sạch tội lỗi, không dùng thần thông bay qua sông mà dùng đồng xu trả cho người chèo đò ..v..v…Những lời dạy thực tiễn như vậy hiện về. Trên hai ngàn sáu trăm năm, khi dân ở vùng châu thổ sông Hằng đang tôn thờ nhiều thần linh, mê muội, cuồng tín mà Phật đã dũng cảm một mình đi ngược giòng mê tín này. Phật đã vượt qua an toàn và còn giáo hóa cho nhiều người theo chánh đạo, phát huy Phật Pháp.

Tắm và uống nước sông Hằng là tập tục .v..v.. Dĩ nhiên nước sông thời Phật tại thế không ô nhiễm như hiện nay. Quan sát thực tại để xem lòng phàm tục của ta còn vướng bận gì đây.

Du khách đến đây, nhìn ra thật dễ dàng cái tâm mê tín thờ kính, tôn sùng thần linh khiến tín đồ Hindu chỉ cầu phước báu từ linh thiêng và tin, sợ thần linh thưởng phạt mà không ghê tởm cái dơ dáy, ô nhiễm của nước sông Hằng.

Xin mời quý bạn xem các hình ảnh đính kèm. Tôi cũng báo trước, nếu bạn không nhìn chúng để mà thương xót cho những người tắm hoặc uống nước sông thì không nên xem. Coi chừng bị ói hết cơm nước.

Ctrl và clic trên hàng chữ màu xanh.

http://forum.vietyo.com/topic/day-la-hinh-anh-ve-song-hang-part-1-94773.html

http://forum.vietyo.com/topic/day-la-hinh-anh-ve-song-hang-part-2-94775.html

Bấm vào nối kết dưới để nghe thầy Thích Nhật Từ nói về sông Hằng. Và cảm nhận, khi đến sông Hằng, những chánh Pháp của Phật cần phải nhắc lại mà ôn tập.

http://tusachphathoc.com/media/#Play,5910,Song-Hang-huyen-bi.tsph

Chúng ta cũng thấy, có rất nhiều du khách hoặc là người hành hương, lội dọc sông Hằng lượm rác, dọn vệ sinh. Nhìn họ, tự mình thấy xấu hổ. Những người lượm rác đang sống với tình thương rộng rãi không bờ. Thật đáng kính phục.

http://www.bing.com/videos/watch/video/ganga-final/89c594f7668c0bae46a189c594f7668c0bae46a1-527823274896?q=Ganges%20River%20Pollution

Qua tài liệu, qua quán sát từ những hiện thực và khách quan, tôi đã bước đi trên cát sông Hằng. Không thi vị hóa như thi sĩ, không ca ngợi ngọt ngào như nhà văn, tôi tập quán sát thế giới bên ngoài. Lý luận sắt bén của Tù Phụ: “nếu tắm…thì các loài thủy tộc…” giúp tôi chọn lối sống thực tiễn hơn rồi quay về quán sát thế giới nội tâm, tự hỏi, ta có đang làm gì mê tín không. Rồi âm vang câu kinh “Đại Từ Đại thương chúng sanh” nhẹ nhàng thấm vào lòng tôi.

Ghe đã đưa tôi vài trăm mét trên sông Hằng trong một buổi sáng không có thấy lửa và khói của hỏa thiêu, không thấy xác chết bềnh bồng trên mặt nước. Tôi chỉ thấy người tắm sông, đắm say cầu nguyện, lặn hụp uống nước sông Hằng. Những cái tôi được quan sát từ thực tại quá nhỏ hẹp, nhỏ hẹp lắm. Do đó, tôi không có một kết luận võ đoán nào cả. Tôi chỉ có cảm nhận sông Hằng mà tôi thấy, hình như sạch hơn nó được ghi lại trong những hình mà bạn vừa xem qua. Tôi chỉ mong những chiến dịch, những phong trào làm sạch sông Hằng sớm thành công, đem lợi lạc chung cho nhân loại. Cũng xin to gan đề nghị, các bạn, các đoàn hành hương đến đây bỏ vài giờ để vừa niệm Phật, vừa lượm rác. Chúng ta lượm rác sông Hằng cũng lượm (rác ghê tởm ngoại cảnh) trong lòng chúng ta. Email to: swaminagnath@gmail.com Mời các bạn đọc một câu này trong phim: “I have been on hunger strike for 268 days to help clean up Ganga” Tôi hiểu đại khái là:

(Tôi đã tuyệt thực 268 ngày mong được giúp đỡ làm sạch sông Hằng)

 

Bài này chỉ mang tính góp nhặt tài liệu.

Trần đức Hân
Tx. 4/7/2011

Nguyễn Thanh Tâm:

Ấn Độ ngày nay, bên cạnh Mẹ sông Hằng, người dân Ấn độ ngày cảng sinh hoạt đông đúc theo phong tục của người Ấn Độ Giáo HINDU nhưng vệ sinh ngày càng kém gây ra 2 bên bờ sông Hằng những hình ảnh mất vệ sinh vô cùng khủng khiếp. Nơi đây, nếu muốn, chỉ đến xem cho biết, không phải là chỗ hành hương của các đoàn hành hương Phật Giáo, phí thì giờ vô ích.

Bờ sông Hằng này vắt ngang qua thành phố Varanasi. Vào buổi rạng sáng, trời hãy còn tối đen như mực, thế mà các con hẻm dẫn xuống bến sông Hằng đã chật nít người. Từng đoàn cả ngàn hay cả chục ngàn người kéo nhau đi về hướng bờ sông. Khắp thành phố có một mùi thật khó ngửi vì nó được kết hợp bởi nhiều hợp chất không tìm được ở bất cứ nơi nào khác trên địa cầu này: mùi cống rãnh, mùi hơi người, mùi quần áo lâu ngày không giặt, mùi rác, hòa quyện với những thứ thải ra từ những con bò ‘thiêng’ tự do đi lại khắp nơi trong phố. Trời hãy còn tối đen, đường đi đã khó, nhưng lòng tôi không thể không chạnh nhớ đến những lời Phật dạy về những giáo phái ngoại đạo kỳ quặc. Bây giờ họ vẫn còn y nguyên đây không sai khác, mà có phần còn nhiều hơn nữa là khác.

india-photos-03
Quang cảnh bến sông
india-photos-05
Xác người trôi bồng bềnh
india-photos-04
Người sống lẫn người chết cùng với nhau
india-photos-02
Người ta tắm bên cạnh những xác chết trôi bồng bềnh (Hay nhỉ hay vô minh!!)

india-photos-01

Phía dưới khu đền “Ghat” chập chùng ánh lửa hỏa táng một thân xác nào đó bên bờ sông. Đây là một bãi đất trống, người ta mang xác người chết trên một chiếc cáng làm bằng hai khúc cây rất đơn sơ ra đây hòa táng. Cháy không hết cũng hất xuống sông. Không biết vì tâm linh họ đã tiến bộ đến mức thượng thừa hay vì dân số của họ quá đông (gần một tỷ ba trăm triệu) mà người Ấn xem cái chết của một con người rất ư là bình thường, bình thường đến độ bạc bẽo vô tình.


 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn