Tìm Hiểu Về Sự Sống Và Cái Chết

29 Tháng Mười Một 201100:00(Xem: 21253)

Tìm Hiểu Về Sự Sống Và Cái Chết
Trần Ngọc Bảo dịch

su-song-cai-chet-contentSự sống là gì? Bản chất của cái chết là như thế nào? Đó là những câu hỏi lớn của con người, từ thời cổ đại cho đến ngày nay. Thông thường, người ta quan niệm cái chết không thuộc về đời sống, nhưngthực ra, cái chết là một phần tự nhiên của sự sống. Cái chết không phải là khoảnh khắc mà là một quá trình. Tìm hiểu về sự sống và cái chết không phải để bi quan, mà chính là để sống thiết thực và có ich hơn. VHPG xin giới thiệu đến bạn đọc một cái nhìn về sự sống và cái chết theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng.

 Khi ai đó nói “Tôi đang tồn tại” thì điều này có nghĩa là gì? Theo bạn, nó có ý nghĩa gì? Người ta sẽ cho biết tên, nghề nghiệp của họ, và thậm chí nói rằng họ có một thân thể. Tôi có một cách nhìn khá buồn cười về việc này. Tôi cho rằng khi sinh ra, người ta mang đến một vũ trụ và kết nối vào vũ trụ chung. Tôi nhìn cuộc sống như một sự kết hợp-kết hợp giữa một định dạng vật lý (physical identity), đó là thân thể của mình, và mình, hay đúng hơn là tâm trí. Nếu thân thể này mà không có tâm trí ngự trị thì nó không tồn tại. Sự tách rời định dạng, hay thể xác khỏi tâm trí được gọi là chết.

Còn sự sống vận hành như thế nào? Thể xác được làm bằng những vật liệu di truyền do cha mẹ trao cho chúng ta. Đó là một căn nhà vay mượn, một phòng trọ mà chúng ta tình cờ trú ngụ.

Cơ thể được làm từ tứ đại, hay bốn yếu tố căn bản- đất, nước, gió, lửa. Thịt, xương và các tế bào thần kinh là yếu tố đất. Tất cả chất lỏng trong cơ thể là yếu tố nước. Sức nóng trợ giúp các hoạt động chẳng hạn như tiêu hóa là yếu tố lửa. Hơi thở và sự tuần hoàn là yếu tố gió. Khi tứ đại cân bằng và chúng ta không có đau đớn hay nhức nhối gì thì chúng ta gọi là khỏe mạnh. Khi chúng mấtcân bằng, và có yếu tố trở nên suy yếu so với các yếu tố khác chúng ta cảm thấy khó ở hay đau đớn trong cơ thể và nó cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trí của ta.

Cái chết là sự tan rã-phân ly. Vào thời kỳ hấp hối, có thể kéo dài hàng tuần hay hàng tháng, yếu tố đầu tiên phân ly là yếu tố đất. Khi yếu tố đất suy yếu, chúng ta sẽ có hình ảnh hay ảo ảnh về nước – như thử chúng ta đang nhìn xuyên qua nước mặc dầu chẳng có nước đâu cả. Một số người có cảm giác bị nước vây bọc, mặc dù không trông thấy. Tôi đã từng nghe một bà kể chuyện khi bà nội của bà ấy sắp mất, bà lão cứ than phiền suốt mấy tuần liền là nước đang tràn vào phòng bà, ở dưới gầm giường, nhìn đâu cũng thấy –mặc dù xung quanh thật ra chẳng có chút nước nào cả. Đó là dấu hiệu đầu tiên; nó có nghĩa là yếu tố đất đang tan rã và yếu tố nước trở nên nổi bật.

Khi yếu tố nước tan rã, yếu tố lửa trở thành nổi bật và bạn thấy khói, như thử trong phòng có nhiều người hút thuốc hayđầy khói nhang. Có người khi hấp hối than vãn rằng sao trong phòng có nhiều khói quá. Bác sĩ nói, “Đừng để ý đến nó. Nó chỉ là ảo tưởng”. Đó là do yếu tố lửa chiếm ưu thế.

Khi yếu tố lửa suy yếu thì khói bị thay thế bằng những tia chớp như thử bạn ném những hòn than đỏ trong khắp không trung. Sau khi yếu tố đất, nước, lửa đã phân ly, chỉ còn yếu tố gió. Khi gió cũng tách rời bạn sẽ thấy ánh nến chập chờn – như thử có một ngọn nến đâu đó sau lưng đang chập chờn trong bóng tối. Tất cả mọi yếu tố bên ngoài đều hoàn toàn phân rã. Khi yếu tố đất biến mất, bạn không còn cử động được. Khi yếu tố nước mất đi, bạn cảm thấy môi khô. Khi yếu tố lửa tan đi, bạn cảm thấy mất dần hơi ấm. Khi yếu tố gió không còn, bạn ngừng thở và tim ngừng đập.

Sự tan rã bên trong và trạng thái trung gian

Bây giờ hệ thống bên trong bắt đầu tan rã. Vào lúc ấy cơ thể đã chết, nhưng tâm thức vẫn còn nguyên vì sự phân ly bên trong chưa xảy ra. Giọt tinh chất không thể hủy hoại, tinh cha huyết mẹ hình thành lúc giao phối bắt đầu tan rã. Khi tinh cha phân rã, bạn có cảm giác thấy ánh sáng bàng bạc như ánh trăng. Rồi màu trắng được thay bằng ánh sáng đỏ, chứng tỏ huyết mẹ cũng đã phân ly. Rồi bạn rơi vào bóng tối. Bóng tối ập đến như một cú sốc vì bạn đã mất hết các quan năng bên ngoài, rồi các quan năng bên trong, và rồi cả giọt tinh huyết. Cú sốc bị rơi vào bóng tối giống như sự ngất xỉu hay mất ý thức. Bạn cảm thấy nghẹt thở, và điều này làm bạn như muốn thoát ra khỏi cơ thể của mình. Đó là giai đoạn chết, và nó có thể rất ngắn ngủi, hoặc có thể chỉ kéo dài trong phút chốc. Đó là lúc cực kỳ tĩnh lặng mà những người có khả năng có thể vượt qua những trở ngại cuối cùng để đạt đến giác ngộ hoàn toàn. Người ta có thể thấy rõ trong giai đoạn này rằng mặc dầu tim và hơi thở đã ngừng, chúng vẫn còn trong cơ thể. Không có dấu hiệu phân hủy và da vẫn ngời sáng bình thường. Khi thức phân ly, da đột ngột trở thành xám nghét và chùn xuống xung quanh thái dương, mắt và má. Vẫn còn sự tiết dịch ở mũi và các nơi khác.

Chết là một giai đoạn nhạy cảm

Một số người muốn nghĩ rằng chết là kỳ diệu, bởi vì, cuối cùng, nói là một quá trình tự nhiên. Điều ấy có thể đúng, nhưng sự việc không luôn luôn đẹp đẽ như thế. Thời kỳ hấp hối là một thời kỳ hết sức nhạy cảm. Chúng ta đang dần tan rã, rút lui khỏi mọi giác quan, từ ngón tay, bàn tay, cánh tay, các chân. Chúng ta dần dần rút lui cho đến cuối cùng là rút khỏi hạt giống mà chúng ta nhận được từ cha mẹ, rút vào điểm sâu kín nhất. Sự nhạy cảm của chúng ta tăng lên tới mức rất cao.

Tôi đã trải qua kinh nghiệm này một lần ở Delhil khi có người trao cho tôi một loại bhang mà tôi không hề biết. Bhang là một loại cần sa. Chất bhang đó có trong một loại kẹo Ấn Độ, và người ta đem ra dọn trong một bữa ăn sáng trong nhà của một thương gia. Lúc ấy có một ông bác sĩ Tây Tạng và hai vị bộ trưởng cấp cao trong chính phủ. Vị thương gia nói “Rinpoche, ngài phải dùng viên kẹo này”. Và tôi nói, “Tại sao?” Người ấy đáp, “Đó là lộc, prasad”. Nếu bạn từ chối prasad, thì cũng giống như từ chối Thượng đế vậy”. Hai vị bộ trưởng đột nhiên đứng lên rồi nói, “Ồ, vâng, vâng, chúng tôi sẽ nhận lộc sau”, và rồi cáo từ. Tôi thắc mắc không hiểu ra sao. Ông bác sĩ cũng lấy một viên, nhưng vị thương gia nói, “Đừng mời bác sĩ dùng thêm vì ông ấy phải săn sóc bệnh nhân”. Tôi không hiểu vì sao vị thương gia lại nói như thế, nhưng cứ nhận và ăn mấy viên kẹo. Kẹo rất ngon và tôi rất thích.

Một hai giờ sau đó, mọi thứ đều rất sáng rực rỡ và tôi chỉ có thể nghe từng âm thanh rất nhỏ được khuếch đại cả ngàn lần. Người khác nói chuyện trong phòng bên cứ như đang nói vào tai tôi. Sự nhạy cảm gia tăng đến độ khi có người xả nước trong toilet thì tôi nghe tiếng xả nước trong tai tôi.

Cũng như thế, sự nhạy cảm vào lúc hấp hối cũng gia tăng cả ngàn lần. Bạn lúc ấy đang rút khỏi thể xác của bạn, thế nên sự nhạy cảm tinh thần lại càng gia tăng. Có thể có sự đau đớn ghê gớm. Bạn có thể cảm thấy như bị chôn vùi dưới một lớp đất chuồi, như bạn đang ở trong một trận cuồng phong, hay đang chết đuối. Ý thức vẫn tồn tại, nhưng tinh tế đến độ các thói quen tình cảm không còn. Mặc dù các thói quen này trở thành tiềm ẩn trong lúc hấp hối, chúng có ảnh hưởng quyết định đến con đường tái sinh của bạn.

Trung ấm (bardo)

Không có chuyện người chết, chỉ có xác chết. Tâm thức của tôi, sinh ra từ cuộc đời quá khứ vẫn tồn tại trong cuộc đời hiện tại và sẽ chuyển sang cuộc đời mai sau, mà không có định dạng, và không có cả ký ức trừ khi tôi là một hành giả có công phu tu chứng cao. Định dạng không tồn tại mà không có các điểm tham chiếu về thời gian, nhãn hiệu hay tên, và các sự kiện. Vì định dạng liên tục thay đổi, tôi là ai, hay đã là ai, không có nghĩa lý gì.

Giây phút tôi tách rời khỏi cơ thể vật lý của tôi, thì cái gọi là “tôi”, vật mà tôi chỉ tay đó không còn là tôi nữa. Nó đã tách rời khỏi tôi, nó trở thành xác chết của tôi. Trước giờ phút đó, cơ thể tôi là vật quí giá nhất của tôi. Tôi nuôi dưỡng, săn sóc nó và thậm chí một chút đau đớn cũng không thể nào chịu được.

Tâm thức đi ra khỏi cơ thể vì giờ đây cơ thể không còn dùng được. Rồi sau đó bardo dẫn đến tái sinh. Nó giống như một trạm trung chuyển, hay một nhà ga để bạn đón chuyến tàu kế tiếp.

Khi ta chết, ta đi từ cuộc đời này sang trạng thái bardo và từ bardo sang kiếp tái sinh như thế nào? Cái gì đi? Cái thật sự đi là một hình thức liên tục của ta, một dạng tâm trí rất vi tế, một dạng năng lượng vi tế như không khí. Cúng ta không thể nhìn thấy nó bằng phương tiện vật lý, không thấy một hình dạng, ánh sáng thậm chí là dạng năng lượng nào. Nó quá nhỏ để có thể nắm bắt, nhỏ hơn nhiều so với nguyên tử và điện tử. Hiện nay không thể nào đo đạc nó được.

Cái tương tục đó vượt ra ngoài sự phân biệt tốt xấu: Tâm trí đang hấp hối đó trung tính và quá vi tế để nói là đức hạnh hay không đức hạnh. Đó là cái rời cơ thể và không sớm thì muộn, trong kiếp kế tiếp sẽ đảo ngược quá trình phân ly xảy ra trong giai đoạn hấp hối. Nó vận động ngược lại, và tâm thức bắt đầu tiếp nhận một hình dạng mới, sự ý thức, và cuối cùng là một địnhdạng.

Nghiệp, hay phương hướng hành động mà bạn tạo ra trở thành một dấu ấn và sẽ đồng hành với bạn. Dấu ấn này giống như một hình ảnh có kích cỡ bằng một kiếp sống co rút lại và trở thành một dấu vết cực nhỏ. Nó lại còn vi tế hơn cả ký ức và không thể nhìn thấy được. Nó được lưu trữ và nổi lên trên bề mặt khi điều kiện chín muồi.

Trong trạng thái bardo, người ta sẽ mang hình dáng như một người trưởng thành trong kiếp sau. Nhưng vào lúc ấy người ta chưa có cơ thể vật chất. Những chúng sinh ây có thể thấy nhau, nhưng chúng ta không thể thấy họ vì chúng ta có cơ thể vật chất. Đấy là chỗ như có một bức màn ngăn che.

Bản chất của bardo là bạn không hề bị hạn chế trong sự di chuyển của mình. Bạn vẫn có một cơ thể nhưng lại là tâm thể, cho nên không có sự hạn chế cử động. Bạn nghĩ đến nơi nào bạn sẽ đi đến đó và đó có thể là một chuyến đi kỳ diệu. Ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt, không ai có thể thấy hay nghe bạn. Bạn đã mất khả năng giao tiếp theo cách con người vẫn có.

Đôi khi những thân trung ấm (bardowas), hay chúng sinh trong trạng thái bardo, nghĩ rằng họ vẫn còn sống. Họ không biết rằng họ đã chết. Họ có thể thấy bạn bè và người thân khóc lóc kêu gào, và họ có thể tiến đến để an ủi, “Này, đừng khóc, đừng khóc. Có gì đâu mà khóc? ”. Nhưng họ không thấy người kia trả lời và điều này có thể làm cho họ bối rối. Họ có thể đến bàn ăn và ngồi vào vị trí thường lệ, nhưng có thể có người nào đó đang ngồi ở đó rồi. Không ai mời họ ăn và họ có thể thắc mắc, “Mình đã làm gì nhỉ? Tại sao mọi người không để ý tới mình? ”. Thân trung ấm rất nhạy cảm và đời sống trong trạng thái ấy rất mong manh. Mỗi chút hoang mang cũng làm họ chết đi được và đẩy họ sang kiếp khác từ trạng thái bardo. Đây là những cái khổ trong trạng thái bardo.

Không phải ai cũng có thời gian bardo dài. Có người có bardo rất ngắn; có người lặp lại bardo đến 7 lần. Thời gian dài nhất cho một bardo là 7 ngày. Mỗi cái chết được gọi là một cái chết nhỏ. Thời gian tối đa mà mỗi người ở trong trạng thái bardo là 49 ngày. Sau 49 ngày bardowa tái sinh.

Đây là một khả năng. Có hai khả năng khác, theo truyền thống, bắt nguồn từ nghiệp thiện hay hành động của thân và tâm. Trong trường hợp đầu, bạn sẽ được những chúng sinh kỳ diệu đón tiếp và hướng dẫn đi vào một cõi nước thanh tịnh. Trong trường hợp thứ hai, có thể không ai đón tiếp bạn nhưng bạn cảm thấy như một đứa trẻ đang trở về nhà.

Hầu hết chúng ta không nhớ những gì xảy ra giữa hai kiếp sống hoặc ta là ai trong kiếp trước, nhưng những hành giả cao thâm còn nhớ được một số kinh nghiệm họ đã trải qua và kể lại.

Một số người muốn nghĩ rằng chết là kỳ diệu, bởi vì, cuối cùng, nó là một quá trình tự nhiên. Điều ấy có thể đúng, nhưng sự việc không luôn luôn đẹp đẽ như thế. Thời kỳ hấp hối là một thời kỳ hết sức nhạy cảm. Chúng ta đang dần tan rã, rút lui khỏi mọi giác quan, từ ngón tay, bàn tay, cánh tay, các chi. Chúng ta dần dần rút lui cho đến cuối cùng là rút khỏi hạt giống mà chúng ta nhận được từ cha mẹ, rút vào điểm sâu kín nhất. Sự nhạy cảm của chúng ta tăng lên tới mức rất cao…

 Khả năng tái sinh chẳng lành

Chúng ta có thể có tái sinh chẳng lành. Những gì tôi học được về địa ngục từ truyền thống Phât giáo có thể làm cho các bạn lạnh xương sống. Khi tôi lên mười một, mười hai gì đó, tôi dự một buổi giảng của vị giáo thọ cao cấp của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Lim Rinpoche, ở tu viện của tôi ở Tây Tạng. Tôi còn nhớ lúc ấy tôi ngồi cạnh một cây cột nhà ngay trước mặt thầy giáo thọ khi thầy kể về địa ngục nóng, địa ngục lạnh, địa ngục có dao sắc như dao cạo, địa ngục nơi diễn ra sự tái sinh liên tiếp. Khi ấy có chừng hai ngàn người nghe. Thầy ấy nói về cõi địa ngục trong suốt ba ngày, và tôi khóc mãi. Tôi khóc suốt đêm ngày. Nước mắt tôi chan hòa một phần vì sợ rơi xuống các cõi hạ liệt đó, một phần vì thương cảm cho những chúng sinh đã sa vào những nơi ấy.

Một vị giáo thọ của tôi nói, “Con ơi, con cứ khóc, nhưng không cần phải khóc đâu”. Con cứ hình dung nỗi khổ của một củ cải Daikon, một củ cải dễ thương mọc lên trong bùn, với những chiếc lá xanh non đẹp đẽ. Đột nhiên một người làm vườn đến, nhổ nó lên, và bán cho một bà bán rau củ và rồi bà ấy lại bán cho một người làm bếp. Người này mang củ cải về nhà, ném nó vào giỏ chung với những củ cải và rau quả khác. Sauđó lại đếm và cắt gọt thành từng miếng nhỏ, nấu trong nướcsôi, rồi dọn cho con ăn, con ăn xong, tiêu hóa và thải nó ra ngoài. Đó là những đau khổ mà củ cải Daikon đã trải qua. Tôi nghe mà bật cười và ngưng khóc. Tôi cũng được biết rằng những sự việc ấy không phải do tiền địn. Chúng ta không buộc phải đi qua những cảnh giới đó, và nếu chúng ta có đến những nơi chẳng lành thì cũng không phải ở đó mãi mãi. Mỗi kiếp tái sinh đều giới hạn giữa hai cuộc sinh và tử-thậm chí ở trong cõi địa ngục cũng thế.

Có người nghĩ rằng họ đang đi trên con đường tâm linh, và họ đang ở kiếp người, kiếp sau chỉ có thể là tốt đẹp hơn. Theo Đức Phật thì không phải như thế. Cái gì làm cho tôi tái sinh làm người như bây giờ? Cái gì làm cho tôi tái sinh làm một con heo trong một xóm nhà lụp xụp ở Calcuta? Đó là do nghiệp (Karma) thiện hay ác tạo ra do thói quen của tâm trí và hành động của tôi. Ai tạo ra nghiệp xấu? Chính là tôi. Ai tạo ra nghiệp lành? Đó là tôi. Tại sao tôi lại tạo ra nghiệp ác khi biết rằng nó sẽ đem lạị cho tôi đau khổ? Tôi không thể làm khác vì đó là thói quen tình cảm của tôi. Điểm mấu chốt của vấn đề là thói quen giận dữ, tham ái, sân hận- các tình cảm bất thiện.

Điều cần làm là sửa đổi thói quen tình cảm bất thiện thành các thói quen tình cảm thiện lành. Nếu chúng ta có thể làm như thế thì mỗi hành động, việc làm, nỗ lực, mỗi cử động và công việc hằng ngày sẽ trở nên thiện lành. Chúng ta sẽ không tạo ra nghiệp xấu. và nếu chúng ta làm thanh tịnh nghiệp quá khứ, chúng ta sẽ không chịu hậu quả của nó. Đó là điều chúng ta có thể làm và những gì gặt hái được sẽ rất diệu kỳ. Tôi tin điều này đúng cho mọi chúng sinh – cho dù là người Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, người theo thuyết bất khả tri, vô thần hoặc bất cứ hạng người nào. Chúng ta nên thực hiện ngay từ bây giờ để khi cái chết xảy ra vào ngày mai hay một giờ nữa, chúng ta cũng không hối tiếc.

Tái sinh

Cơn sốc có thể làm một người mất bình tĩnh hay mất cân bằng. Cũng giống như thế, sốc có thể đẩy các bạn sinh ra trong một kiếp khác, vào một cuộc tồn sinh không kiểm soát được.

Việc chuyển từ bardo sang kiếp khác được thúc đẩy bởi một tình cảm hết sức mạnh mẽ thu hút người ta đến cảnh giao hợp giữa cha mẹ của mình. Bardowa tìm những điều kiện di truyền hoàn hảo đầy hứa hẹn có thể làm nảy sinh sự sống.

Bardowa có thể di chuyển tự do, không bị cơ thể hạn chế, vượt ra ngoài các quy luật vật lý, nhưng họ bị lôi đi bởi những ý nghĩ không kiểm soát được của mình. Trong cuộc hành trình họ thấy mọi chuyện nào là chó, mèo, chim, ngựa, đàn ông, đàn bà, tất cả các sinh vật đang giao duyên, và họ bị thu hút vào những cảnh tượng đó. Bạn sẽ bị vướng mắc vào nơi nào bạn thấy điều kiện phù hợp với mình. Bạn bị lôi cuốn bởi một điều kiện nào đó vì nó có vẻ hấp dẫn đối với bạn.

Ở trạng thái bardowa, bạn có một sự luyến ái với phái nam hoặc phái nữ- việc làm tình của họ hấp dẫn bạn. Do bạn không có một định dạng vật chất, bạn rơi vào cuộc mây mưa của họ và bị mắc kẹt trong đó do ghen tuông hoặc ghét bỏ. Tâm trí của bardowa trôi vào trong đó và bị mắc kẹt. Không thể nào thoát ra được, bardowa chết vì nổi giận và sinh ra trong một cuộc đời mới. Nếu bạn bị thu hút về chúng sinh phái nữ, bạn ghen với chúng sinh phái nam, bạn sẽ sinh ra vào nam giới; nếu bạn bị thu hút về chúng sinh phái nam, bạn ghen với chúng sinh phái nữ thì sẽ sinh ra làm thân nữ giới.

Từ quan điểm Phật giáo, các điều kiện ấy hấp dẫn đối với bạn là do nghiệp lực. Dù là do nghiệp hay không thì bạn cũng tình cờ đi qua cảnh tượng này; việc giao hợp tình cờ xảy ra, bạn tình cờ bị lôi cuốn và, do luyến ái hay ghen tuông. Bạn đến vì muốn tham gia. Nó có thể là lòng luyến ái, nó có thể là tình yêu sâu sắc. Nó có thể là sự giận dữ hay lòng tự trọng hay tự quyét. Những tình cảm có thể là xấu hoặc tốt, đúng hoặc sai, nhưng chúng rất mạnh mẽ. Những cảm xúc mạnh mẽ gây ra sự chuyển dịch từ trạng thái bardo sang tái sinh.

Theo tôi, sự thụ tinh xảy ra là khi tâm trí kết nối với các điều kiện di truyền có thể mang đến sự sinh tồn và tăng trưởng. Khi tinh trùng đến được trứng thì thức cũng đi vào. Đó là một hệ thống tương tức-các điều kiện và hoàn cảnh tạo thành một định dạng. Tinh trùng và trứng kết hợp với nhau trên bình diện vật chất, phát sinh ra nào là các chi, mắt , mũi,não, hóa chất, chứcnăng, vẻ đẹp, chất lỏng, không khí,năng lượng. Nó như thử bạn đã di chuyển đến một căn hộ mới- đó cũng là bạn, trong một khung cảnh khác, nhưng phong cách vẫn là như cũ. Có những đặc điểm mà bạn mang theo từ kiếp này sang kiếp khác vì mỗi cá nhân có môt phong cách. Phong cách ấy khó mà nhận ra, bởi vì mặc dầu phong cách sống và hoạt động có thể giống nhưng bạn trông rất khác, bạn đang ở trong một căn hộ mới và một cuộc đời mới.

Vô thường

Tất cả chúng ta ai cũng có ý nghĩ: “Ngày hôm nay mình sẽ không chết”. Mọi người đều nghĩ như thế, kể cả những người trên giường bệnh sắp chết đến nơi. Chúng ta viếng thăm một người nào đó ở bệnh viện. Chúng ta biết rằng người ấy sắp chết. Họ cũng biết, nhưng họ vẫn nói về những việc họ định làm trong tuần tới. Hãy nhớ điều này. Nó rất quan trọng, vì sao? Mọi sự rắc rối đều đến một cách bất ngờ, đặc biệt là cái chết. Bạn đi đến bác sĩ và bác sĩ nói, “Ông khỏe mà”. Bạn leo lên xe đi và rồi gặp tai nạn chết. Chuyện đó có thể xảy ra.

Điều này nhắc nhở người ta rằng cuộc sống thật kỳ diệu nhưng cũng có những hạn chế. Trước khi các hạn chế ấy phát huy tác dụng, thì hãy làm những điều bạn muốn thành tựu. Hãy làm điều gì đó trong khi còn có thể, Ngay bây giờ mọi chuyện đều tuyệt diệu, đẹp đẽ, thú vị, nhưng tình trạng yên vui ấy chỉ là tạm thời. Nó có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Cái gì cũng có thể trục trặc bất cứ lúc nào.

Câu chuyện về cái chết hoặc vô thường không cốt làm cho bạn sợ hãi. Mục đích là làm cho bạn có tình thương đối với chình mình. Và thực hiện chuyến hành trình tốt đẹp.

(Trích Good life – Good death, Gehlek Rinpoche)

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 34

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn