Toàn Văn Khai Thị Của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ

19 Tháng Mười Hai 201200:00(Xem: 6477)

TOÀN VĂN KHAI THỊ
CỦA TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH PHỔ TUỆ

(nhân lễ động thổ công trình bản đồ mười pháp giới theo kinh Phật
tại chùa Ráng xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội ngày 14-12-2012)

blank“Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Hôm nay, tại đây chúng tôi đã hân hạnh được đón tiếp quý vị. Phần lễ đã xong, bây giờ chúng tôi xin giải thích mấy điều để làm rõ lý do của việc xây dựng công trình mô tả bản đồ mươi phương pháp giới này.

Mười phương pháp giới bao gồm bốn cõi Thánh là: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và cõi Phật. Sáu cõi phàm là: địa ngục, ma đói, súc sinh, cõi thần tiên, cõi người, cõi trời.

Bốn cõi Thánh, do công quả tu hành xuất thế nên đã thoát ly sinh tử, bất sinh bất diệt, ra khỏi luân hồi đọa lạc.

Người phàm chúng ta nói riêng, sáu cõi từ cõi trời trở xuống nói chung thì còn phải chịu luân hồi.

Vì nỗi này, Phật Tổ thương chúng sinh mà phải vào đời để thuyết pháp, giáo hóa, mong cho tất cả chúng sinh cũng đều nhận rõ cái bản tâm thanh tịnh của mình là thế giới của chư Phật mà lưu tâm để tu hành tìm đường tiến hóa lên cùng với cảnh giới của chư Thánh là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Tất cả các tạng kinh của Phật pháp dạy, cũng chỉ là những điều Phật Tổ thuyết về tu hành, thuyết ra kinh điển để cứu vớt chúng sinh khỏi trầm nịch trong bể khổ sinh tử.

Mười pháp giới này cũng đã được tạng kinh của chư Phật giảng ra chứ không phải là chúng tôi bịa đặt nêu ra để mà bày vẽ.

Tuy rằng kinh điển đã có giảng dạy, nhưng nếu không có chùa chiền, không có hình tượng, không có cảnh giới biểu đạt thì chúng ta cũng chỉ biết mô Phật cầu phúc mà thôi.

Chúng ta phải nhận thấy rằng, Đức Phật đã nói: khi Đức Quán Tự Tại Bồ Tát tu hành, đi vào chân lý sâu xa của Bát nhã thì Ngài thấy rõ rằng chư Pháp không tướng, các Pháp đều không có.

Thế nhưng mà tại sao Nó lại có? - Bởi vì chúng ta có vô minh nên duyên ra hành. Khi nói vô minh duyên ra hành thì cũng hơi trừu tượng.

Thế cái vô minh đấy nó ở đâu? - Chúng tôi xin mượn một ví dụ, trên con đường thẳng người ta vẫn đi, nhưng khi đến quãng đường giữa cánh đồng mênh mông thì tự nhiên cái xe máy hay xe đạp ấy lại bị thủng lốp. Thủng lốp rồi thì người ấy mới cuống cuồng lên tìm chỗ vá săm lốp nhưng lại không có. Vì vậy mà công ty vá săm lốp ra đời.

Ấy đấy, vô minh chính là nó đấy.

Thế là, vì nó muốn lợi dụng cho nên mới sinh ra nhiều tai quái. Vả lại, vô minh nó có từ vô thủy, không có bắt đầu. Mà nó cũng lại vô chung, không bao giờ nó hết. Nó là nhân nhưng nó lại cũng là quả.

Khi đã vô minh thì chúng ta ở trong vòng luẩn quẩn, luân hồi, xa đọa. Chư Phật ra đời mới vạch rõ ra rằng có sáu cõi phàm là: địa ngục, ma đói, súc sinh (ba đạo ác), cõi thần tiên, cõi người, cõi trời (ba đạo trung thiện). Còn Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và chư Phật là bốn ngôi Thánh.

Bốn ngôi Thánh đã diệt hết vô minh, chứng được chân lý, cho nên các Ngài đã giải thoát hết sinh tử luân hồi mà lên cảnh giới bất sinh, bất diệt. Các Ngài cũng chỉ muốn cho chúng sinh đều được như thế cả, cho nên các Ngài mới thuyết ra kinh điển để cho chúng ta nhận thấy đâu là tội lỗi. Tội lỗi là từ vô minh. Vô minh - tức là không hiểu gì mới duyên ra hành nghiệp. Hành nghiệp hoặc thiện, hoặc ác.

Thế rồi cái hành nghiệp thiện ác ấy mới phát sinh ra thức tâm. Đấy là theo 12 nhân duyên. Vô minh duyên ra hành (hành nghiệp thiện, ác) rồi sinh ra thức tâm.

Vô minh duyên ra hành, hành duyên ra thức, thức mới duyên ra danh sắc. Danh sắc là cái tên, tức là ngũ uẩn của chúng ta (chúng ta thường tụng đọc "Ngũ uẩn giai không" là theo nghĩa đó).

Do vậy, vô minh là cái si ám đầu tiên, từ đó duyên ra hành nghiệp thiện ác rồi mới phát khởi ra thức tâm. Cái thức tâm ấy theo nghiệp mà đi thụ sinh.

Chúng ta cũng vì thần thức, thụ nghiệp vào thai mà sinh ra. Chúng ta sinh ra, qua một thời gian ở thế gian này, nếu không có Phật Pháp khuyên dạy thì chúng ta chẳng biết đấy là đâu, rồi chúng ta lại già, rồi lại chết, thế thôi, rồi lại luân hồi.

Mà chính trong cái quãng thời gian đang sống ấy, già ấy rồi chết ấy, chúng ta lại có thể tạo ra bao nhiêu cái xấu xa, tội nghiệp nữa thì lại càng chìm đắm.

Cái thức tâm của chúng ta, cái không bao giờ mất, trong đấy chứa bao nhiêu những thiện ác, chuyển qua kiếp này kiếp khác.

Chúng ta có cái thần thức ấy cũng là một cơ hội đặc biệt quan trọng, để từ đó có sự tìm hiểu đạo pháp, để tu hành.

Chúng ta mỗi khi làm lễ cúng cho những vị từ trần quá cố hoặc là sư trưởng, phụ mẫu đều hồi hướng cho những giác linh ấy được về Tịnh độ, cõi Phật để khỏi bị luân hồi. Thế nhưng, chúng ta chỉ làm thôi chứ chúng ta cũng không rõ được việc của chúng ta làm đạt đến mục đích như thế nào.

Ở đây, hôm nay chúng tôi cũng nghĩ rằng, cũng như thế, Giáo hội vẫn truyền dạy Đạo pháp, Dân tộc, CNXH, vậy thì, người đệ tử Phật đối với Đạo pháp phải như thế nào? Cho nên phải quan tâm. Chắc hẳn chư Tôn Hòa thượng, các Thượng tọa chư Tăng cũng một chính niệm như vậy mà thôi.

Chúng tôi, vì Giáo hội giao cho một trọng trách nên thực tế rất nghĩ đến cái công ơn đề bạt, nhắc nhở ấy, làm thế nào để báo ân được các bậc Sư trưởng và Giáo hội đã đặt tín nhiệm vào mình.

Cho nên, chúng tôi vẫn phải cố gắng tìm đường để thực hiện nhiệm vụ của mình, dù nhỏ nhen đến đâu, cũng để đóng góp với công sức hoằng dương Phật pháp của Giáo hội. Vì thế cho nên chúng tôi mới khởi công lập ra cái công trình này.

Hôm nay lại được chư Tôn Hòa thượng, Đại đức, Tăng, Ni và các thập phương tín thí tới tham dự việc này thì chúng tôi cũng phải thuật qua cái tâm điểm của chúng tôi, sở dĩ cũng vì Đạo pháp, cũng vì Giáo hội mà phải cố gắng. Được chư Tôn Hòa thượng, cũng như là các đạo hữu thiện nam tín nữ hưởng ứng, cổ vũ, giúp đỡ cho nên công việc đã được thực hiện đến đây.

Nhân đây, chúng tôi cũng phải nói rõ rằng, đạo Phật không phải là tôn giáo. Đạo Phật là Phật pháp chứ không phải tôn giáo. Tôn giáo phải dựa vào thần quyền nhưng mà đạo Phật dựa vào tâm mình chứ không dựa vào thần quyền.

Cho nên, chúng tôi khẳng định rằng Phật pháp là Phật pháp. Từ đó cũng phải thấy, khi nói 10 pháp giới là nói đến một vấn đề của Phật pháp chứ không nhầm lẫn sang tôn giáo, và chỉ có thể gọi là Phật pháp được thôi.

Vì sao? Có giáo pháp, rồi có chân lý của giáo pháp, rồi thực hành theo chân lý ấy để có kết quả. Trong Phật pháp có dạy như thế này: giáo, lý, hành, quả. Giáo, lý, hành, quả ấy là Phật pháp chứ không phải thần thánh nào chi phối việc đấy cả.

Tự con người, theo lời Phật Tổ dạy mà vận dụng lấy để mà làm lành, tránh ác; để tìm, noi theo bước đường của Phật Tổ đã đi mà thực hiện. Thế cho nên rằng, chân lý của đạo Phật chỉ có thể gọi là Phật pháp, tuyệt nhiên không dựa vào thần quyền, phải chính mình dựa vào mình.

Có giáo, lý, hành, quả như vậy, chúng tôi cũng thế.

Đức Phật bảo rằng, muốn thoát khỏi luân hồi thì phải làm lành, tránh ác, phải phục thiện. Dần dần tiến lên từ con người kiếp này lại qua kiếp khác cũng vẫn được làm người là cái hạnh phúc, mà lại tiến lên nữa được làm cõi trời thì lại càng hay.

Thế nhưng cõi trời rồi cũng có lúc phải xa đọa, thì chúng ta lại phải phấn đấu làm sao lên đến các bậc gọi là Hiền Thánh xuất thế gian Thanh Văn hay Duyên Giác, cao thượng hơn nữa là lên đến Bồ Tát, Phật.

Nhưng những bước đường tu hành ấy cũng còn phải có trình tự, phải nghiên cứu và phải có năng lực thực hành.

Trên đây, chúng tôi đã xin phép được nói qua về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng công trình này, để nhìn nhận những kiến trúc sau này, để rồi nhận thức nó có lợi ích gì cho Phật pháp, cho Giáo hội, cho thế gian.

Chúng tôi thực tế mà nói là được các Hòa thượng, chư Tăng, thập phương tín thí cũng như ông chủ đầu tư giúp đỡ, quan tâm, chúng tôi thực tế lấy làm vinh hạnh vô cùng, may mắn vô hạn.

Chúng tôi xin cảm ơn chư Tôn Hòa thượng, cùng tất cả các đạo hữu, thiện nam, tín nữ đã tới dự trong cuộc lễ này. Đồng thời cũng có thể giúp ích cho chúng tôi yên tâm và tiến hành công việc Phật sự được kết quả viên mãn.

Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.”
(http://www.phattuvietnam.net )


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Mười 2015(Xem: 5823)
Sân biện kinh (tranh biện) tại một trường chuyên tu như Sera là địa điểm quan trọng để sinh viên có thể học tất cả năm ngành nghiên cứu chính yếu thông qua sự tranh biện.
14 Tháng Tư 2015(Xem: 6432)
Xa quê hương, chúng con lưu lạc nơi xứ người. Trong cuộc sống, luôn phải đối đầu với biết bao nghịch cảnh, đắng cay, nhiều khi chúng con dễ ngã quỵ nếu không có điểm tựa tinh thần.
12 Tháng Chín 2014(Xem: 8245)
Phật giáo du nhập Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ nhất (tk 1), gần hai nghìn năm. Trong chuỗi dài lịch sử ấy, trải bao nhiêu triều đại từ thời Hai Bà Trưng (39 – 43 sau tây lịch) cho đến thời cực thịnh của Phật giáo, Đinh-Lê-Lý-Trần (từ tk 10 đến đầu tk 15), rồi Hậu Lê (tk 15 đến 18), Nhà Nguyễn Tây Sơn (cuối tk 18 sang đầu tk 19), nhà Nguyễn (tk 19 – 20), cho đến ngày nay, có thể nói là đã có hàng vạn ngôi chùa được dựng nên khắp ba miền đất nước.
03 Tháng Mười Một 2013(Xem: 24273)