Chương 13

07 Tháng Giêng 201200:00(Xem: 7399)


THOÁT VÒNG TỤC LỤY 

Bản Dịch của Quảng Độ
Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản năm 1987


Chương Mười Ba

Sau khi bị Ngô Sư Gia kiếm chuyện gây gỗ, ai cũng cho rằng Ngọc Lâm buồn phiền lắm, nhất là Giác Chúng thấy ân hận vô cùng bởi thế đích thân không tiện đến thăm hỏi, song nàng luôn luôn cho người đến an ủi thầy.Nhưng họ đã nghĩ lầm: Ngọc Lâm vẫn vui vẻ như thường và thản nhiên như không có chuyện gì xẩy ra. Giác Chúng thấy thế cũng yên lòng.

Một hôm, về buổi chiều, Thúy Hồng vâng lệnh Giác Chúng đến thăm Ngọc Lâm, Ngọc Lâm nói với nàng:

- Người tu học Phật pháp, cần nhất là phải biết rõ mình, hoàn toàn làm chủ lấy mình, đừng để ngoại cảnh chi phối. Trên đời này không có gì tuyệt đối cả, chúng ta đừng để những cái không đâu làm rối trí ta. Nếu người khác nói một vài câu khen ta thì ta vui, họ có chê ta mấy lời thì ta buồn, xị mặt ra, cuộc sống của ta như thế là hoàn toàn trong tay người khác, họ muốn ta vui, họ khen ta vài câu, nếu họ muốnta buồn, họ chê ta mấy lời, như vậy là ta trở thành đồ chơi trong tay họ; cho nên, người tu Phật chỉ cần làm lợi cho người, bất chấp sự khen, chê, vinh, nhục của chính mình! Thúy Hồng, nhờ cô chuyển lời của tôi nói với Giác Chúng đừng bận tâm về việc Ngô Sư Gia.Mấy năm gần đây, Ngọc Lâm được thấy tình đời biến ảo, thầy lại càng thâm hiểu Phật pháp, đối với việc thế gian, thầy đã có một nhân sinh quan như thế, thật cũng đã tiến bộ rất nhiều!

- Bạch thầy, Ngô Sư Gia là người xấu bụng nhất trong tướng phủ, ông ta dựa vào lòng tin yêu của tể tướng thường làm mưa làm gió, chúng tôi đã chịu không biết bao nhiêu...Ngọc Lâm cắt ngang lời Thúy Hồng:

- Cô đừng nói thế, Ngô Sư Gia không phải là người xấu như cô tưởng đâu, tôi thấy ông không những không phải là người xấu, mà còn là người thẳng thắn nữa!

- Thẳng thắn? Ông ta là người rất nhiều quỷ kế, đâu có xứng đáng với danh từ đó. Ông ta đã không bằng lòng ai thì người ấy phải khốn đốn.

Thúy Hồng đứng cạnh chiếc bàn trước mặt.

Ngọc Lâm, vừa nói vừa nhíu mày.

- Cô không ưa vấn đề Ngô Sư Gia đưa ra để thảo luận với tôi thì cho ông ấy là người không tốt, chứ thật ông ấy là người rất tốt, ông nghĩ thế nào thì nói thế!

- Trời ơi! Ông ta mà là người tốt thì trên đời này không biết thế nào mới là người xấu?

Thúy Hồng vẫn không chịu, hỏi lại.

- Tôi thấy ở đời này không có ai là người xấu cả, hết thảy đều là bạn tốt của ta!

- Thế giặc cướp, thổ phỉ và những kẻ sát nhân đều là người tốt cả?

- Giặc cướp, thổ phỉ và những người sát nhân đều có nỗi khổ tâm riêng của họ, vì hoàn cảnh mà bất đắc dĩ họ phải nhúng tay vào tội 

ác. Vả lại, người làm ác và xấu xa cũng là tấm gương sáng cho chúng ta, chúng ta đừng bắt chước hành vi của họ. Bởi thế ai cũng là thầy, bạn tốt, chứ không phải là kẻ địch của ta. Dù có là kẻ địch chăng nữa, ta cũng cứ coi họ như người bạn tốt, không nên cho họ là người xấu. Trước kia, tôi cũng đã hiểu lầm sư huynh Ngọc Lam tôi, tôi chỉ nhìn bề ngoài để phán đoán sư huynh, kỳ thực, người hơn chúng ta trăm nghìn lần, cho nên tôi thường hối hận việc đó.

- Thầy nói gì mà tôi chẳng hiểu chi hết, chỉ biết Ngô Sư Gia là một người tồi, nếu thầy không cẩn thận, có khi ông ta mắng cả thầy! 

Thúy Hồng vẫn không thay đổi ý kiến của nàng.

- Mắng tôi cũng không sao, chỉ cần ông ấy đừng đánh tôi là được!

- Thậm chí ông ta có thể đánh thầy!

- Đánh cũng không hề gì, miễn ông ấy không giết tôi là được!

- Tuy ông ta không dám đánh chết thầy song ông ta có thể bầy mưu giết thầy!

Giọng Thúy Hồng nghiêm trọng.

- Chết cũng được, người ta ai cũng có một lần.

Ngọc Lâm vẫn thung dung, thanh thản, thầy nhìn đời cũng như người gỗ ngắm chim hoa, không gì có thể làm thầy nao núng, động tâm.

Thúy Hồng yên lặng, nàng có cảm giác Ngọc Lâm là một người kỳ diệu, lời nói và việc làm của thầy hoàn toàn khác với người đời.

Họ yên lặng trong một lúc, tay Ngọc Lâm cầm chuỗi tràng, mồm lẩm nhậm niệm danh hiệu Phật.

Đó là một gian nhà thờ Phật rất trang nghiêm, dành riêng cho Ngọc Lâm ngồi xem kinh và niệm Phật; sau gian nhà đó là phòng ngủ của Ngọc Lâm, bầy biện rất lộng lẫy, sang trọng, vừa gọn gàng tinh khiết và không thiếu một thứ cần dùng nào, song Ngọc Lâm đối với các thứ ấy vẫn dửng dưng, không hề ham đắm. Thầy chỉ mong có cơ hội thoát ly được chỗ này càng sớm càng hay, vì thầy tự nghĩ nếu hưởng thụ vật chất quen rồi, thường sẽ bị vật chất trói buộc.Từ hôm bị Ngô Sư Gia làm phiền, lòng thầy không hề oán giận, thầy càng gia công niệm Phật; thầy không trách ai, chỉ cho đó là tại thầy ít phúc, bởi thế thầy luôn luôn quỳ trước bàn Phật sám hối để cầu phúc cho mọi người.

Mỗi khi lễ Phật, hình ảnh của sư huynh Ngọc Lam lại hiện ra trong đầu óc Ngọc Lâm, lúc ấy thầy có cảm tưởng khi người ta tự do, siêu thoát được đến mức ấy mới thật hiểu ý nghĩa của con người!Hoa đào đẹp, nhưng chẳng bao lâu sẽ tàn tạ, vàng bạc quý, song không thể mua được tuổi thanh xuân; vạn vật chuyển biến không ngừng, sự sống, chết vô thường không ai tránh khỏi. Ngọc Lâm đã thâm hiểu lẽ ấy, nên thầy chẳng bận tâm đến việc khen, chê của người đời, hoặc oán trách Ngô Sư Gia.Sau khi niệm Phật một hồi, Ngọc Lâm cất tiếng hỏi Thúy Hồng để phá tan sự yên lặng giữa hai người:

- Sao cô không đi làm việc đi, Thúy Hồng?

- Tôi chả có việc gì làm cả, tiểu thư sợ những người mới đến không quen việc nên cho tôi hầu thầy, hơn nữa sợ thầy ngồi một mình vắng vẻ, không có ai để nói chuyện.

- Vắng vẻ! Đời người còn bao nhiêu việc, sợ làm không kịp chứ có thì giờ đâu mà để ý đến sự vắng vẻ?

Thật vậy, ai cũng tưởng Ngọc Lâm nhàn hạ lắm, nhưng thực thì lúc nào thầy cũng vội vàng, nhất là ở chùa Sùng Ân, lúc mọi người đang ngon giấc thì thầy đã phải dậy thắp đèn hương, lấy nước cúng, rồi đánh hiệu; buổi tối, khi mọi người đã đi ngủ thì thầy còn phải xem cửa ngõ, tắt đèn nến, hơn nữa thầy lại là người có chí cầu tiến, cố gắng trau dồi trí tuệ, nên ngoài công việc thường nhật ra, thầy lại đọc kinh, xem sách, không còn thì giờ để nói chuyện.

- Bạch thầy, tôi thật không hiểu tại sao tình cảm thầy có thể lại bình tĩnh như thế? Dứt lời Thúy Hồng đi ra mở cửa sổ, bên ngoài, bầu trời xanh biếc, mấy đám mây trắng đục đang lững lờ trôi qua.

Khi thấy Thúy Hồng mở cửa sổ, Ngọc Lâm đưa mắt nhìn theo thầy thấy phía ngoài cửa một bóng người lướt nhanh, nhưng thầy không chú ý. Thầy khẽ nói với Thúy Hồng:

- Tôi cũng rất mong làm sao giữ cho tình cảm của mình luôn luôn bình tĩnh, khốn nỗi tôi chưa phải là thánh thần gì, cho nên đôi khi cũng rất khích động. Cũng như bầu trời xanh biếc ngoài kia, nếu một trận cuồng phong thổi tới thì chắc mây đen sẽ kéo lên ùn ùn. Nếu ta có thể nhận định sự vật một cách sáng suốt, đừng để cho si mê che lấp, hiểu rõ rằng sự vật trên đời này đều là vô thường, giả dối, như trò ảo thuật, thì tức nhiên ta không còn bị khích động nữa.

Thúy Hồng tỏ vẻ thẹn thò:

- Bạch thầy, mỗi lần thầy nói đều khiến cho người nghe phải cảm động, thảo nào mà tiểu thư đã hăng hái vứt bỏ hết để đi tu, cũng chỉ vì thâm cảm nhân cách của thầy, thầy xem tôi có phúc duyên như tiểu thư, nghĩa là có thể xuất gia được không?

- Tại sao cô cũng có ý nghĩ ấy? Ngọc Lâm ngạc nhiên hỏi, vì thầy không muốn người ta hiểu ý nghĩa xuất gia một cách hồ đồ, và coi việc xuất gia quá dễ dãi.

- Nghĩ đến tiểu thư còn có thể vứt bỏ hết vinh hoa, phú quý nữa là chúng tôi, những người tầm thường còn có gì đáng lưu luyến trên cõi đời tạm bợ này?

- Luật pháp nhà Thanh không cho phép người ta tự ý xuất gia, mà phải qua một kỳ khảo thí và nhà vua chuẩn y mới được, cô không bì được với tiểu thư, cô đừng nghĩ thế. Giả sử cô đã hiểu được lẽ vô thường ở đời mà muốn học Phật, thì không nhất định cứ xuất gia mới là học Phật!

Ngọc Lâm vừa nói đến đấy thì ngoài cửa thoáng có bóng người, Thúy Hồng nhìn ra, kinh ngạc, tiếp đó bóng người tiến vào, tưởng là ai, hóa ra Ngô Sư Gia.

Vẻ đẹp của Thúy Hồng rất lả lướt, tươi thắm như một bông sen vừa nhô lên khỏi mặt nước, nhưng lúc thấy Ngô Sư Gia nàng bỗng thất sắc, nàng sợ ông ta đã nghe thấy những lời của nàng dị nghị vừa rồi. Song Ngọc Lâm vẫn cứ điềm nhiên.

Sau khi bước vào phòng, Ngô Sư Gia đưa đôi mắt cú vọ nhìn một lượt, rồi lẳng lặng bước ra.

Thấy Ngô Sư Gia đã đi xa, Thúy Hồng mới nói:

- Bạch thầy, làm thế nào được? Có lẽ ông ta nghe rõ những lời tôi nói về ông ta?

- Chính ra sau lưng không nên nói xấu người khác, lần sau cô đừng làm thế. Hiện giờ cô đừng sợ, nếu ông ấy hỏi thì cô cứ bảo là tôi nói chứ không phải cô, như thế ông ấy sẽ không làm gì cô.

- Đâu được ạ! Ông ta nghe rõ tiếng của tôi mà!

- Cô có thể nói với ông ấy là vì tôi hỏi nên bất đắc dĩ cô phải nói!

Ngọc Lâm rất vui lòng chịu lỗi thay cho Thúy Hồng.

- Thế cũng không xong, tôi không thể để thầy vì tôi mà chịu sự khiển trách của Ngô Sư Gia.

- Điều đó không hề chi! Cô phải ở đây luôn luôn, không nên gây oán với ông ấy, còn tôi, tôi chỉ ở một hai ngày nữa rồi đi, một khi tôi đã đi thì ông ấy cũng sẽ không giận tôi nữa.

Lúc đó mấy nén hương trước bàn Phật đã cháy hết, Ngọc Lâm bước xuống rồi lấy ba nén hương khác thắp lên.

Từ mấy nén hương mới thắp một làn khói bốn lên rồi tỏa ra trong gian Phật đường và tan hòa vào bầu không khí trang nghiêm, thanh tịnh. Lời nói của Ngọc Lâm vẫn không xua đuổi được sự sợ hãi và lo lắng trong lòng Thúy Hồng, song nàng quá xúc động vì lòng từ bi, vị tha của Ngọc Lâm, nên bất giác mấy giọt lệ cảm động từ từ chảy xuống sống mũi nàng. Do đó, Ngọc Lâm lại nói tiếp:

- Ngô Sư Gia không làm gì cô đâu, cô cứ yên tâm đi làm việc đi, trên đời này có gì vĩnh viễn đâu, kể cả ân, oán, yêu, ghét của người ta cũng vậy.

Thúy Hồng yên lặng, cũng không muốn đề cập đến việc nàng xuất gia nữa; lúc đó thấy Ngọc Lâm sắp sửa lên tụng kinh, nên nàng chắp tay chào, rồi đi.

Sau khi Thúy Hồng đi khỏi, Ngọc Lâm lên trước bàn Phật tụng kinh. Tụng kinh xong, bao nhiêu việc lại dồn dập diễn ra trong đầu óc thầy, nhất là việc đến dự lễ xuất gia của Vương tiểu thư; trước khi đi thầy chỉ xin phép hòa thượng Thiên Ẩn cho đi có hai ngày, mà hiện giờ ở lại Thiên Hoa Am thấm thoát đã tám ngày rồi, điều đó thầy tin chắc rằng hòa thượng cũng sẽ tha thứ, song thầy lại sợ những người không hiểu có thể tưởng lầm cho thầy lần này đã bị tài sắc cám dỗ thật. Việc Giác Chúng xuất gia là do thầy chỉ bày, bây giờ nàng đi tu thì tất nhiên thầy cũng có trách nhiệm trong đó. Thầy ở lại Thiên Hoa Am, về phương diện vật chất tuy hơn hẳn ở chùa Sùng Ân, song thầy thấy tâm thần không được tự tại.

Nếu trở về Sùng Ân ngay e sẽ phụ lòng tốt của người, cũng như lúc trước Thúy Hồng đã trách thầy là không có một chút tình nghĩa nào, chẳng khác gì gỗ, đá! Giờ đây thầy đã thấy rõ Ngô Sư Gia bất mãn đối với thầy, cho nên thầy muốn rời Thiên Hoa Am sớm ngày nào hay ngày ấy. Sau khi thế phát, Giác Chúng trở nên trầm mặc, ít nói, thấy nàng tỏ ra có thể sống cuộc đời xuất gia đạm bạc và bình thản, thầy cảm thấy rất vững tâm. Thầy nhất định chỉ trong ba hoặc năm ngày nữa thầy sẽ trở về Sùng Ân.Cứ như thế Ngọc Lâm ở Thiên Hoa Am đã thêm bốn ngày, hôm ấy thầy đã nói với Giác Chúng là chiều hôm sau thầy sẽ về, Giác Chúng thấy ý thầy đã quyết, không thể giữ lại, nên chỉ xin thầy là lần sau lại tới, đồng thời, nàng cho gói các phẩm vật biếu thầy để đem về, song Ngọc Lâm không hề đoái tưởng những thứ đó mà cũng chẳng nói một lời cảm ân.

Tối hôm ấy, Ngọc Lâm gói cà sa, áo thụng gọn gàng rồi để trước bàn Phật để hôm sau tiện đem đi.Nhưng sáng hôm sau, Ngọc Lâm đợi mãi Thúy Ngọc - người tỳ nữ hôm đầu đã lầm tưởng thầy là người hầu của hòa thượng Ngọc Lâm 

- không thấy nàng bưng cơm sáng lên cho thầy. Một khắc, hai khắc, rồi ba khắc trôi qua cũng không thấy Ngọc Lâm tưởng đâu hôm nay mọi người quên không cho thầy ăn sáng, thầy ngồi trầm tư, không thể nào định tâm được, thầy tìm chuỗi tràng hạt thì chuỗi tràng cũng biến mất, đang lúc lòng thầy bồn chồn, bỗng từ phía ngoài tiếng người hỗn loạn vọng vào, ai cũng hô hoán, kinh ngạc, 

Ngọc Lâm đứng dậy, ra khỏi gian Phật đường thì lúc ấy, mới có người vào cho biết là Thúy Ngọc đã bị giết chết, nằm trên vũng máu.Tất cả các sư nữ, những người hầu và người làm trong chùa đều đổ ra xem; họ đứng vòng trong vòng ngoài và bàn tán không ngớt, Ngọc Lâm buông một tiếng thở dài rồi lặng lẽ trở vào Phật đường.

Tin trong Thiên Hoa Am có người bị giết đã được loan truyền đi các nơi như một luồng gió, vị trụ trì Thiên Hoa Am là Vương tiểu thư, con của đương triều tể tướng, quan huyện địa phương biết tin cũng vô cùng kinh ngạc, liền tức khắc cho người đến đến điều tra để tìm hung thủ.

Nhân viên trong huyện vào yết kiến Giác Chúng, họ nói họ được lệnh của quan huyện đến, điều tra tại chỗ bắt kẻ sát nhân.

Được tin Thúy Ngọc bị giết, Giác Chúng hoảng hốt và hoài nghi, nàng bảo nhân viên trong huyện nếu tìm ra thủ phạm sẽ được trọng thưởng.Bốn nhân viên ra khám xét thi thể của kẻ xấu số thì thấy các đồ nữ trang đều mất hết, chỉ thấy trong tay có một chuỗi tràng hạt.Tiếng Ngô Sư Gia vọng lên trong đám người đứng xem:

- Tại sao chuỗi tràng của Ngọc Lâm thường dùng lại ở trong tay nàng?

- Ngọc Lâm là ai? Một trong những nhân viên điều tra hỏi.

- Đó là một vi sư trẻ tuổi từ chùa Sùng Ân đến, hiện đang ở đây.

Vừa nói, Ngô Sư Gia vừa giơ tay chỉ về gian Phật đường, chỗ Ngọc Lâm ở.Như đã thấy được một tia sáng cho vụ án mạng, những nhân viên điều tra tiếng thẳng vào gian Phật đường của Ngọc Lâm, họ khám xét trong phòng, khi dở chiếc khăn gói của Ngọc Lâm ra thì thấy tất cả đồ nữ trang của nạn nhân được bọc cẩn thận trong tấm cà sa của thầy.Không còn nghi ngờ gì nữa, nhân viên hữu trách liền bắt Ngọc Lâm, cho thầy là giết người để đoạt của.Lại một phen Thiên Hoa Am kinh hoàng, náo động, kẻ thì oán trách Ngọc Lâm, nỡ vì một chút tiền tài mà làm một việc cực ác như vậy; cũng có người thì thương Ngọc Lâm, cho rằng thầy là người văn nhã, có đạo đức, có học thức, quyết không bao giờ làm một việc táng tận lương tâm như thế.

Song sau khi Ngọc Lâm bị bắt, Thúy Ngọc bị giết như thế nào, người ta vẫn bàn tán phân vân, chưa rõ manh mối, không khác nào người đi trong đám sương mù dày đặc!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Bảy 2015(Xem: 4810)
Thời Đức Phật tại thế ở nước Xá Vệ, có một huyện nhân dân đều quy Tam bảo, phụng trì năm giới và thực hành mười thiện nghiệp của Phật dạy. Khắp huyện không bao giờ sát sanh, người uống rượu nấu rượu cũng không có.
22 Tháng Hai 2015(Xem: 8355)
Một ngày kia, khi Đức Phật ngụ tại tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana), một số Tỳ Kheo hỏi ngài là có lợi ích gì không, khi giết dê, cừu, và những sinh vật khác để cúng giỗ người thân đã qua đời.
19 Tháng Mười 2014(Xem: 12838)
Do duyên: Trước năm 1975, có vị giáo sư người Thiên chúa giáo, khi đọc truyện Thái tử Tu-đại-noa bố thí vợ con, vị ấy đã lên án khá gay gắt trong một bài viết, nói rằng, hành động bố thí vợ con là quá đáng, là không có nhân tính (tôi nhớ có thể nhầm, ngại không đúng nguyên văn). Vừa rồi, độc giả Thái Kim Du, có lẽ là một cư sĩ, trong một comment dưới bài viết của tôi trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen, có nội dung sau: ....